06/02/2018, 10:23

Bài 5 – Lời văn, đoạn văn tự sự

Bài 5 – Lời văn, đoạn văn tự sự Hướng dẫn 1. Lời văn giới thiệu nhân vật * Đọc hai đoạn văn sau: (1) "Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính tình hiền dịu. Vua cha yêu thương Mị Nương rất mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng ...

Bài 5 – Lời văn, đoạn văn tự sự

Hướng dẫn

1. Lời văn giới thiệu nhân vật

* Đọc hai đoạn văn sau:

(1) "Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính tình hiền dịu. Vua cha yêu thương Mị Nương rất mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng".

(2) "Một hôm có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ… Người ta gọi chàng là Sơn Tinh. Một người ở miền biển tài năng cũng không kém… Người ta gọi chàng là Thủy Tinh. Cả hai chàng đều xứng đáng làm rể vua Hùng".

– Trả lời câu hỏi: Các câu văn đã giới thiệu rõ tên nhân vật (Hùng Vương, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh), giới thiệu quan hệ của các nhân vật: Hùng Vương và Mị Nương là cha con; giới thiệu lai lịch nhân vật: Sơn Tinh ở vùng núi Tản Viên, Thủy Tinh ở miền biển; giới thiệu tài năng nhân vật: Sơn Tinh có tài lạ, Thủy Tinh tài năng không kém; giới thiệu hành động của nhân vật. Hùng Vương muốn kén rể cho con, Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn.

– Trong các câu văn giới thiệu trên có các từ: là, có và có cách kể của ngôi thứ ba: người ta gọi chàng là…

2. Lời văn kể sự việc

* Đọc đoạn văn sau:

(3) "Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mây, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.

* Trả lời câu hỏi

– Đoạn văn trên kể những hành động sau đây của Thủy Tinh: đến sau, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi đánh Sơn Tinh đòi cướp Mị Nương, hô mây, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn.

– Các hành động được kể theo thứ tự nào?

+ Các hành động được kể theo thứ tự hành động dẫn tới diễn biến tầm lý, từ diễn biến tâm lý lại đi tới hành động: đến sau không cưới được vợ (hành động) → đùng đùng nổi giận (diễn biến tâm lý) → đuổi đánh Sơn Tinh (vận đụng nhiều phép lạ: gọi mây gió tới làm thành giông bão và dâng nước đánh Sơn Tinh) (hành động). Thứ tự này cũng là thứ tự thời gian.

– Hành động đem lại kết quả gì?

+ Các hành động của Thủy Tinh đã đem lại kết quả: nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.

+ Lời kể trùng điệp (nước ngập… nước ngập… nước dâng….) gây được ấn tượng mạnh về sự ghen giận ghê gớm của Thủy Tinh và sự phá hủy dữ dội của lũ lụt.

3. Đoạn văn

Đọc lại các đoạn văn (1), (2), (3) ở trên và trả lời các câu hỏi sau:

Hãy cho biết mỗi đoạn văn biểu đạt ý gì?

– Đoạn (1) biểu đạt ý sau: Vua Hùng rất yêu con gái Mị Nương và có ý muốn chọn một người chồng thật xứng đáng cho nàng.

– Đoạn (2) biểu đạt ý sau: Hai thần Sơn Tinh, Thủy Tinh tài giỏi cùng tới cầu hôn.

– Đoạn (3) biểu đạt ý sau: Sự giận dữ và cuộc tấn công quyết liệt của Thủy Tinh.

+ Câu chủ đề là câu thể hiện ý chính của đoạn văn. Ở đoạn (1) câu chủ đề là: "Vua cha yêu thương nàng hết mực, muốn kén chọn cho con một người chồng thật xứng đáng". Ở đoạn (2), câu chủ đề là: "Một hôm có hai chàng trai đến cầu hôn". Ở đoạn (3) câu chủ đề là: "Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương".

+ Ở đoạn (1) các ý phụ được trình bày trước.

Vua Hùng có con gái – tên nàng là Mị Nương – nàng rất xinh đẹp, tính tình hiền dịu – Vua rất yêu thương nàng → muốn kén chồng cho nàng

+ Ở đoạn (2) và (3) ý chính được trình bày trước rồi triển khai thêm các ý phụ để làm rõ hơn ý chính.

Các ý chính, phụ của mỗi đoạn luôn liên quan chặt chẽ.

– Viết một đoạn văn nêu ý chính: Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun lửa giết hết giặc Ân.

Khi ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt được mang đến, chú bé làng Gióng bỗng vùng dậy, vươn vai cao mấy trượng và trở thành một tráng sĩ hùng dũng, oai phong. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa sắt. Ngựa hét lên một tiếng vang động cả đất trời rồi miệng phun ra một luồng lửa dài và tung vó xông vào đội ngũ quân thù. Roi sắt của tráng sĩ vung lên đập nát đầu, gãy chân bọn chúng. Ngọn lửa từ miệng ngựa phun ra thiêu hàng ngàn tên giặc thành tro than. Roi sắt gẫy, tráng sĩ nhổ tre bên đường quật vào đám giặc đang hoảng vía kinh hồn. Chúng quá khiếp sợ trước uy phong của vị thần tướng nên chỉ còn biết ôm đầu tháo chạy nhưng cũng chẳng thoát thân. Chẳng mấy chốc, bọn giặc đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tráng sĩ một mình phi ngựa lên núi Sóc rồi người ngựa cùng bay lên trời và khuất dạng sau những đám mây xa.

Mai Thu

0