06/02/2018, 10:23

Nhân hóa

Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Bài này giúp các em tìm hiểu về nhân hoá như một phép tu từ. Vì thế, các em cần: – Hiểu thế nào là nhân hoá – Biết các kiểu nhân hoá – Nắm được tác dụng của nhân hoá – Sử dụng được nhân hoá trong các bài văn miêu tả. 1. Thế nào ...

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Bài này giúp các em tìm hiểu về nhân hoá như một phép tu từ. Vì thế, các em cần:

– Hiểu thế nào là nhân hoá

– Biết các kiểu nhân hoá

– Nắm được tác dụng của nhân hoá

– Sử dụng được nhân hoá trong các bài văn miêu tả.

1. Thế nào là nhân hoá?

Nhân hoá là gọi hoặc tả những đối tượng vốn không phải là con người (như loài vật, cây cối, đồ vật…) bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người. Ví dụ:

– Gọi hoặc tả loài vật (con cò và con vạc)

Cò và Vạc là hai anh em nhưng tính nết rất khác nhau. Cò thì ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, sách vở sạch sẽ, luôn luôn được thầy yêu bạn mến. Còn Vạc thì lười biếng, suốt ngày chỉ nằm ngủ. Cò bảo mãi, Vạc chẳng nghe.

(Truyện cổ Việt Nam)

– Gọi hoặc tả cây cối (cây phượng)

Phượng cứ nở. Phượng cứ rơi. Bao giờ cũng có hoa phượng rơi, cũng có hoa phượng nở. Nghỉ hè đã đến. […] Thôi học trò đã về hết, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức, nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.

(Theo Xuân Diệu, Hoa học trò)

– Gọi hoặc tả đồ vật (cái trống trường)

Cái trông trường em

Mùa hè cũng nghỉ

Suốt ba tháng liền

Trống nằm ngẫm nghĩ.

(Thanh Hào)

2. Các kiểu nhân hoá

Có ba loại nhân hoá:

– Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật: anh, chị, chú, bác, cô, dì,…Ví dụ:

Trong họ hàng nhà chổi thì cô bé Chổi Rơm vào loại xinh xắn nhất. có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng. Ảo của cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy.

(Vũ Duy Thông)

– Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật: đi, đứng, nói, cười, suy nghĩ, vui vẻ, phấn khởi, buồn rầu,… Ví dụ:

Đêm cuối đông. Mọi tiếng động trong nông trường đã im bặt từ lâu. Những quả đồi trọc nằm gối đầu vào nhau ngủ im lìm, chỉ có gió và bóng tối vẫn thì thào đi lại. Hơi lạnh tràn khắp mọi nẻo căm căm.

(Hồ Phương)

– Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người: ơi, này, tao, mày, hỡi,… Ví dụ:

Lông vàng mát dịu

Mắt đen sáng ngời

Ôi! Chú gà ơi !

Ta yêu chú lắm!

(Phạm Hổ)

Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, ba kiểu nhân hoá này thường được sử dụng đan xen, hoà quyện nhau, ít khi tách biệt nhau. Trong khi sử dụng kiểu trò chuyện xưng hô với vật như với người, ta thường thấy xuất hiện cả kiểu dùng những từ chỉ hoạt động, tính chất của vật vốn là những từ chỉ hoạt động, tính chất của người… Hoặc khi dùng những từ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật, ta thường thấy xuất hiện đan xen cả việc dùng những từ vốn chỉ người để gọi vật. Ví dụ:

Mấy hôm nay trời rét cóng tay. Càng về sáng, tiết trời càng lạnh giá. Trong bếp, bác mèo mướp vẫn nằm lì bên đống tro ấm. Bác lim dim đôi mắt, luôn miệng gừ gừ kêu: “Eo ôi! Rét! Rét!”.

(Tiếng Việt 2, 1998)

3. Tác dụng của nhân hoá

– Làm cho thế giới loài vật vốn vô tri vô giác trở nên gần gũi với cuộc sống của con người hơn. Ví dụ:

Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt.

Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hoà bình.

(Thép Mới)

– Giúp cho diễn đạt vừa sinh động, mềm mại hơn vừa có tình người, hồn người hơn. Ví dụ:

Dòng sông Mê Kông (dòng sông Mẹ) từ trên cao gần 20 mét ầm ầm đổ xuống thác Khôn sủi bọt trắng xoá, rồi cuồn cuộn chảy băng xuống phía nam. Dòng sông lượn một đường cong mềm mại ở Cra-chê, và ngập ngừng, quanh co trên đất Công Pông Chàm, Căng Đan. Dường như nuối tiếc cái ào ào, mãnh liệt đổ thác nơi rừng rậm núi cao, từ khi vào đất Cam-pu-chia ở Stung-treng, dòng sông Mẹ dài nhất châu Á này hằng năm lại dâng nước lên cao hung hãn, cuốn phù sa đỏ ngầu vào cái bể chứa thiên tạo mênh mông là Biển Hồ. Hết mùa mưa, nước Biển Hồ lại êm ả xuôi ra dòng sông Tông Lê Sáp, hợp với nước sông Mẹ trong vắt hiền hoà chia ra làm hai nhánh – Mê Kông ở phía đông, Bát-xác ở phía tây – chảy ra biển Đông với cái tên Tiền Giang và Hậu Giang thân thiết trong lòng người Việt.

(Cao Xuân Hổ. Theo Tiếng Việt 9, 1996)

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập yêu cầu các em chỉ ra tác dụng của phép nhân hoá trong đoạn văn. Các em có thể giải bài tập này theo các bước như sau:

– Xác định xem đối tượng nào đã được nhân hoá.

– Dựa vào đối tượng nhân hoá vừa xác định được cùng nội dung đoạn văn muốn thể hiện, các em chỉ ra tác dụng của phép nhân hoá.

Các đối tượng được nhân hoá:

– tàu (tàu mẹ, tàu con),

– xe (xe anh, xe em tíu tít).

Tác dụng: phép nhân hoá đã giúp cho người đọc hình dung được một cách cụ thể, sống động hơn cảnh lao động nhộn nhịp, vất vả trên bến cảng. Mọi vật được miêu tả trong đoạn như có hồn hơn, có cuộc sống lao động bận rộn chẳng khác gì con người.

2. Hãy so sánh đoạn văn trong bài tập 1 (có dùng phép nhân hoá) với đoạn văn được viết lại trong bài tập 2 (không dùng phép nhân hoá) và qua đó thấy rõ hơn tác dụng của phép nhân hoá đã dùng trong bài tập 1.

Có thể thấy sự diễn đạt khác nhau trong hai đoạn văn như sau:

Đoạn văn trong bài tập 1

Đoạn văn trong bài tập 2

đông vui

nhiều tàu xe

tàu mẹ

tàu lớn

tàu con

tàu bé

xe anh

xe to

xe em

xe nhỏ

tíu tít

nhận hàng, chở hàng

bận rộn

hoạt động liên tục

3. Nhiệm vụ của bài tập này là:

– Tìm sự khác nhau trong hai đoạn văn.

– Giải thích lí do khi lựa chọn đoạn văn cho văn bản biểu cảm và cho văn bản thuyết minh.

Để thấy sự khác nhau, các em hãy so sánh cách diễn đạt trong hai đoạn văn qua bảng so sánh, đối chiếu sau đây:

Đoạn văn 1

Đoạn văn 2

cô bé Chổi Rơm

chổi rơm

xinh xắn nhất

đẹp nhất

chiếc váy vàng óng

tết bằng rơm nếp vàng

áo của cô

tay chổi

cuốn từng vòng quanh người

quấn quanh thành cuộn

Từ bảng so sánh này, các em nhận thấy, cách viết trong, đoạn văn thứ nhất có sử dụng phép nhân hoá, vì thế phù hợp với giọng văn của văn bản miêu tả. Còn trong đoạn văn thứ hai không sử dụng phép nhân hoá mà dùng cách gọi tên trực tiếp đối tượng nên phù hợp với giọng văn của văn bản thuyết minh.

4. Trong bài tập này các em cần:

– Chỉ ra kiểu nhân hoá trong các đoạn trích.

– Nêu tác dụng của kiểu nhân hoá đó.

Các kiểu nhân hoá và tác dụng của chúng như sau:

a) Câu ca dao

Kiểu nhân hoá: Trò chuyện xưng hô với vật (núi) như đối với người (núi ơi).

Tác dụng: Coi vật trở thành người tri âm, tri kỉ để bộc lộ tâm tình, giãi bày những tâm sự kín đáo trong lòng người.

b) Đoạn văn của Tô Hoài

Kiểu nhân hoá:

+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người (tấp nập, xuôi ngược, cãi cọ, gầy vêu vao, bì bõm lội bùn) để chỉ hoạt động, tính chất của vật (cua cá, cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, hồ nông, mòng, két).

+ Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật: họ, anh Cò,…

Tác dụng:

+ Bức tranh miêu tả cuộc sống động vật nhờ nhân hoá mà trở nên có hồn người.

+ Giúp người đọc hình dung một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn về sự việc được miêu tả trong đoạn văn.

c) Đoạn văn của Võ Quảng

Kiểu nhân hoá: Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người (trầm ngâm, nhìn, vùng vằng, chạy về) để chỉ hoạt động, tính chất của vật (những chòm cổ thụ, nước).

Tác dụng: Các em có thể dựa vào tính chất biểu cảm như đã chỉ ra trong đoạn văn của Tô Hoài để phân tích.

d) Đoạn văn của Nguyễn Trung Thành

Kiểu nhân hoá: Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người (bị thương, vết thương, cục máu) để chỉ hoạt động, tính chất của vật (rừng xà nu, cây xà nu).

Tác dụng: Tham khảo việc phân tích tác dụng của phép nhân hoá trong đoạn văn của Tô Hoài.

5. Các em viết một đoạn văn với nội dung tự chọn, trong đó có sử dụng phép nhân hoá.

Đoạn văn tham khảo:

[…] Gà bà Kiến là gà trống tơ, lông đen, chân chì, có bộ giò cao, cổ ngắn. Nó nhảy tót lên cây rơm thật cao phóng tầm mắt nhìn quanh như muốn mọi người hãy chú ý, nó sẽ gáy một hơi thật to, thật dài. Nó xoè đôi cánh, nghểnh cổ, chuẩn bị chu đáo nhưng rút cuộc chỉ rặn được ba tiếng éc, e, ê cụt ngủn. Nó ngượng quá đỏ chín mặt, hấp tấp nhảy xuống đất. Gà trong làng nổi gáy loạn xị.

(Võ Quảng)

Mai Thu

0