Tuần 26 – Đọc thêm: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21 – Tam quốc diễn nghĩa)
Tuần 26 – Đọc thêm: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21 – Tam quốc diễn nghĩa) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Đoạn trích này trích từ hồi 21. Lúc này ba anh em Lưu Bị, Vân Trường, Trương Phi đang nhẫn nhịn, nương náu trên đất của Tào Tháo để chờ thời cơ mưu ...
Tuần 26 – Đọc thêm: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21 – Tam quốc diễn nghĩa)
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Đoạn trích này trích từ hồi 21. Lúc này ba anh em Lưu Bị, Vân Trường, Trương Phi đang nhẫn nhịn, nương náu trên đất của Tào Tháo để chờ thời cơ mưu nghiệp lớn.
Bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, kết hợp với nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, đoạn trích đã thể hiện rất sắc sảo và thành công tính cách đối nghịch của hai người anh hùng Tào Tháo và Lưu Bị.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN
1. Tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo.
Lưu Bị có chí làm việc lớn nhưng khi thời cơ chưa đến đành phải nương nhờ Tào Tháo. Vốn là kẻ túc trí đa mưu nên Tào Tháo đã phần nào đoán được ý của Lưu Huyền Đức. Huyền Đức cũng không phải không biết điều này, vì thế trong thời gian nương nhờ Tào Tháo, Lưu Bị hành sự vô cùng cẩn trọng, song có thể nhận thấy tâm trạng của Lưu Bị vẫn rất lo lắng hoang mang. Khi bị Tào Tháo triệu đến bất ngờ, Huyền Đức “sợ tái mặt”. Lúc ngồi uống rượu, Lưu Bị lại càng dè dặt. Cũng may ở tình tiết cuối cùng (khi đánh rơi thia và đũa), Lưu Bị đã có được một cách ứng phó thông minh, tránh được sự nghi ngờ của Tào Tháo.
Qua những biểu hiện trên đây, có thể nói, Lưu Bị là con người của sự đức độ, bao dung, của lòng kiên nhẫn và sự khôn ngoan.
2. Qua cách đối xử với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng (những người mà Lưu Bị đề xuất), có thể đánh giá về tính cách của Tào Tháo như sau:
Trong cuộc đối ứng với Lưu Bị, Tào Tháo đã chứng tỏ rất rõ sự kiêu căng ngạo mạn của mình. Không những một tay gạt đi tất cả các anh hùng trong thiên hạ, Tào Tháo còn tự cao tự đại đắc ý tự cho mình là anh hùng và ngầm ý xếp trên Lưu Bị. Qua cách ứng xử của Tào Tháo, có thể thấy, Tháo là một kẻ gian hùng (đa nghi, nham hiểm và tàn bạo). Song cũng phải nhận rằng, Tào Tháo rất thông minh, cơ trí và ngoan cường. Dường như càng thông minh bao nhiêu, Tào Tháo càng đa nghi bấy nhiêu; càng cơ trí bao nhiêu thì càng nham hiểm bấy nhiêu; càng ngoan cường bao nhiêu thì càng tàn bạo bấy nhiêu. Tính cách của Tào Tháo là sự kết hợp bởi cái uy hùng và cái gian hùng.
3. Sự khác nhau giữa tính cách của Lưu Bị và Tào Tháo.
Trong truyện cũng như trong quan niệm đánh giá của dân gian, Lưu Bị vẫn được xem là người giàu đức độ. Trong đoạn trích, Lưu Bị giống như một tấm gương soi để soi rõ lòng dạ nham hiểm của Tào Tháo. Trái với sự nham hiểm, tàn bạo, xảo trá của Tào Tháo, Lưu Bị lấy lòng thành, dùng nhân nghĩa mà đối đãi với người. Nhờ thế mà Bị mới được lòng dân chúng khắp nơi. Ngược dại, như trên đã nói, Tào Tháo là một kẻ gian hùng, ứng xử với đời bằng nhiều thủ đoạn. Sự khác nhau cơ bản trong tính cách giữa Lưu Bị và Tào Tháo nằm ở chữ Đức. Tào Tháo làm mọi việc, kể cả những việc tàn nhẫn để đạt được ý định của mình, trong khi đó, Lưu Bị, thậm chí có thể hi sinh lợi ích riêng tư vì niềm vui của thiên hạ.
4. Về cách kể chuyện trong đoạn trích.
La Quán Trung có cách dẫn chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. Lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri (người kể biết trước hết mọi sự việc), tác giả đã tạo ra một trò chơi trốn tìm đầy bất ngờ và giàu kịch tính giữa một người quyết trốn và một kẻ quyết tìm. Người trốn tinh và khéo, người tìm sắc sảo, cơ trí.
Đoạn trích hấp dẫn còn bởi, thái độ của tác giả trong việc khen chê rất rành rọt, các nhân vật được bố trí sắp xếp thành hai phía đen, trắng đối lập nhau, rất điển hình và mẫu mực.
Mai Thu