06/02/2018, 00:30

Truyện Kiều (tiếp theo – Trao duyên)

Truyện Kiều (tiếp theo – Trao duyên) Hướng dẫn Học sinh đọc phần phân tích sau đây và tự trả lời các câu hỏi. Hướng dẫn học bài Phân tích: Tình yêu đang tươi đẹp, nồng nàn trong đôi tim non trẻ và đằm thắm của Thúy Kiều và Kim Trọng thì thình lình tai biến dồn đến: Kim Trọng ...

Truyện Kiều (tiếp theo – Trao duyên)

Hướng dẫn

Học sinh đọc phần phân tích sau đây và tự trả lời các câu hỏi.

Hướng dẫn học bài

Phân tích:

Tình yêu đang tươi đẹp, nồng nàn trong đôi tim non trẻ và đằm thắm của Thúy Kiều và Kim Trọng thì thình lình tai biến dồn đến: Kim Trọng phải về Liêu Dương để hộ tang chú. Riêng Thúy Kiều lại gặp gia biến. Của cải trong nhà bị bọn sai nha vơ vét sạch. Nàng phải bán mình lấy vàng chuộc cha và em trai, cứu cả gia đình. Ngày hôm sau là Thúy Kiều phải ra đi theo Mã Giám Sinh. Nhưng còn mối tình đầu vừa chớm nở, biết làm sao đây? Nghĩ đến Kim Trọng, Thúy Kiều hết sức đau khổ. Nàng đã trải qua cơn đau đớn vật vã nội tâm dữ dội. Cuối cùng, Thúy Kiều đành nhờ em gái là Thúy Vân thay mình đáp nghĩa Kim Trọng. Tất cả sự tinh tế, phức tạp trong thế giới tâm hồn nàng lúc “trao duyên” này đã được thi hào Nguyễn Du khắc họa lại một cách tài hoa, đầy xúc động trong từng câu chữ.

Thử thách đến với Thúy Kiều lúc này thật là khốc liệt. Là người tài sắc vẹn toàn, lại có tâm hồn nhạy cảm, dễ gì nàng không nghĩ đến cái viễn cảnh “lành ít dữ nhiều” của thân phận làm lẽ mọn cho kẻ khác. Đã vậy, lại còn mối tình với Kim Trọng, mối tình đầu vừa chớm nở, đang tươi đẹp, nồng nàn bỗng chốc tan nát, lỡ dở. Trước tai biến của gia đình, Thúy Kiều đã tự nguyện bán thân mình, đặt chữ hiếu lên trên chữ tình, hành động của một con người hiếu thảo. Nhưng khi việc nhà tạm ổn, chữ hiếu tạm xong thì chữ tình lại trở lại với Thúy Kiều. Điều này cho thấy nàng còn là một người yêu rất mực thủy chung. Thật vậy, Thúy Kiều không chỉ là con người của lí trí, của hành động, mà còn là con người của tình cảm, của suy tư với biết bao là nỗi niềm ngổn ngang, phức tạp không đơn giản chút nào.

Bởi vậy, trước khi ngỏ lời với Thúy Vân, Thúy Kiều đã đêm dài thức trắng, khóc rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê, đầy vật vã đau đớn:

“Một mình nàng, ngọn đèn khuya

Áo đầm giọt tủi, tóc se mái sầu”.

Đêm cuối cùng trước lúc ra đi, Thúy Kiều một mình đối diện với nỗi đau lòng vò xé tâm can. Nàng tủi buồn, ân hận: “Vì ta khăng khít cho người dở dang”. Sống trong bi kịch, bị ám ảnh bởi nỗi đau xót và thất vọng của chàng Kim, Thúy Kiều tự trách mình là người phụ bạc, lỗi thề với người yêu:

“Thề hoa chưa ráo chén vàng

Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa”.

Là con người trọng nghĩa chí tình, chu tất mọi việc, Thúy Kiều đã đau khổ vì:

“Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”.

Ngay từ đầu, nhà thơ đã khéo tạo ra một không khí thân mật mà thiêng liêng. Với ngôn từ trang trọng, giọng điệu tha thiết khẩn cầu, Thúy Kiều nói với em mình:

“…Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

Để diễn tả khái niệm nhờ, nhà thơ dùng từ “cậy”. Cậy hàm chứa lòng tin sâu nặng gửi gắm, nương tựa khiến người được nhờ khó thể thoái thác được. Lại còn một cử chỉ thiêng liêng đi theo nữa là “lạy”. Bằng lời lẽ thiết tha khẩn khoản, Thúy Kiều đã hạ mình xuống tư thế của người chịu ơn để van lơn cầu khẩn chính đứa em ruột thịt của mình. Nàng xem việc Thúy Vân phải thay mình đáp đền tình cảm của chàng Kim là một hành động hi sinh của em gái. Lời lẽ của Thúy Kiều chân thành và thuần hậu xiết bao. Trong nước mắt đau tủi, nàng kể lể sự tình cho em gái nghe:

“Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”

Thúy Kiều phải nói ngay, nói nhanh và nói gọn tưởng như chỉ cần ngập ngừng một thoáng là không sao thốt tiếp nên lời. Nàng nói chỉ cốt để em mình hiểu được sự việc, nên không kể lể nhiều về mối tình nồng thắm của mình, chỉ e là cô em sẽ cảm nhận được sự thiệt thòi, mất mát của mình. Do đó, cả một mốì tình sâu nặng như vậy mà nàng chỉ gói gọn trong một câu thơ “Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề” đủ thấy cô gái vẹn toàn tài sắc này nhạy cảm và tế nhị đến nhường nào. Nhất là sau khi trình bày sự việc và cảnh ngộ của mình, Thúy Kiều đã khéo viện đến tuổi xuân của Thúy Vân và đặc biệt là viện đến tình máu mủ, ruột thịt của hai chị em để vừa thuyết phục vừa ràng buộc được Thúy Vân phải nhận lời, không cách nào thoái thác:

“Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Lời tạ ơn của hai câu sau nghe thật đau đớn. Thúy Kiều lại còn viện cả cái chết của mình ra để cho thấy sự vui lòng toại nguyện, thanh thản biết bao nếu được Thúy Vân nhận lời “giúp đỡ”, thay mình chắp mối duyên cùng Kim Trọng. Không chỉ gọi đến sự bạc mệnh của mình, Thúy Kiều còn khéo đề cao nghĩa cử của Thúy Vân. Ơn ấy, đến chết chị vẫn còn ghi tạc: “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Đủ thấy nàng Kiều của Nguyễn Du đúng là “sắc sảo mặn mà” như chính nhà thơ đã giới thiệu.

Khi Thúy Vân đã cảm thông, Thúy Kiều đem từng kỉ vật trao lại cho em mình:

“Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dầu em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.

Không đưa cùng một lúc tất cả các kỉ vật của tình yêu, mà Thúy Kiều đưa từng món vật. Mỗi món đều gắn với một kỉ niệm của mối tình nồng nàn. Mỗi món đều gắn với một ý nghĩa, một gửi trao đầy ý nghĩa… Người đọc tưởng như Thúy Kiều vừa trao vừa ngập ngừng để ngắm nghía lại từng kỉ vật, nhớ lại từng kỉ niệm xôn xao của ngày nào với chút lòng nuối tiếc khôn nguôi cho một mối tình tươi thắm nồng nàn mà mình đã có. Do vậy mà khi trao cho em “Chiếc vành với bức tờ mây” này nhỏ nhẹ căn dặn “Duyên này thì giữ vật này của chung”. “Duyên này” chính là tình duyên mà Thúy Vân sẽ thay chị mình kết duyên cùng Kim Trọng để đáp đền tình cảm của chàng. “Vật này của chung” là kỉ vật mà chị cho em mình có một phần của chị trong đó. Đúng là cảnh ngộ bắt buộc Thúy Kiều phải “lỗi thề”, nhưng trong đáy lòng nàng đâu dễ chi nguôi được lời thề xưa và đoạn tuyệt tình cũ được. Đầy xót xa sầu tủi, trong đau đớn tận cùng, Thúy Kiều phải chăng vẫn cố giữ lấy một chút an ủi nhỏ nhoi đó: “Duyên này thì giữ vật này của chung”. Câu thơ là một tiếng nấc chứa đầy tâm trạng của nàng khi ấy.

Quá đắng cay cho số phận bạc bẽo của mình, Thúy Kiều nghĩ đến một “mai sau” mù mịt, đau thương khi mình đã chết. Hơn lúc nào hết, ý nghĩ về cái chết cứ hiện ra và rõ nét dần:

“Mai sau dầu có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan”.

Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thẳm. Đây vẫn là những lời tâm sự cầu khẩn của Thúy Kiều với Thúy Vân, mà sao lời lẽ ngữ ngôn bất chợt trở nên xa lắng, mù mịt, tưởng như từ thế giới bên kia vẳng lại. Nhưng dù có “xương trắng quê người”, linh hồn Thúy Kiều vẫn “mang nặng lời thề”, vẫn khát khao mong muốn được nương theo những làn gió nhẹ “hiu hiu” trên “ngọn cỏ lá cây”, để trở về cõi thế gặp lại những người thương yêu. Linh hồn Thúy Kiều vẫn khao khát nhận được sự cảm thông tưởng nhớ của những người thương yêu nên chỉ xin chàng một “chén nước" để giải tỏa mối oan tình. Đang tâm sự với Thúy Vân, Thúy Kiều bỗng hướng về Kim Trọng và bày tỏ với chàng nguyện vọng tha thiết cuối cùng vừa nói:

“Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan”.

Thì ra “Dầu lìa ngó ỷ còn vương tơ lòng”. Trong cảnh ngộ “Dạ đài cách mặt khuất lời”, Thúy Kiều vẫn khao khát được trở về cõi thế để chứng minh cho tình yêu bất diệt của mình.

Trong tâm trạng đau đớn tột đỉnh, Thúy Kiều lại quay về với chính mình. Các câu thơ sau đây là lời độc thoại nội tâm của nàng:

“Bây giờ trâm gẫy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gởi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Trở lại với chính mình, Thúy Kiều bị giằng xé giữa một bên là nỗi đau của sự đổ vỡ mất mát không thể vãn hồi: “Trâm gẫy bình tan, tơ duyên ngắn ngủi”… và một bên là kỉ niệm tình yêu tràn dâng cuộn xiết “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”.

Những lời độc thoại trên là lời độc thoại của một tâm hồn khổ đau cùng cực. Những câu thơ như những tiếng nấc nghẹn ngào. Có gì như oán trách thân phận. Có gì như đau tủi ngậm ngùi. Chữ phận hai lần gặp lại khiến sự giận hờn như được nhân lên. Hai chữ đã đành gợi lên sự buông xuôi, cam chịu liên tưởng đến hình ảnh nước chảy hoa trôi thật tự nhiên và gợi cảm.

Càng khóc than cho số phận, nỗi đau của Thúy Kiều càng chồng chất thêm. Cuối cùng, hình ảnh người tình hiện ra trong tâm tưởng và choáng ngợp cả tâm hồn của người con gái đau đớn vì lỡ mất tình yêu này. Nàng chết ngất đi trong tiếng kêu thương tưởng thấu đến trời:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Tên chàng Kim vang lên hai lần trong một câu thơ vừa nồng nàn vừa trang trọng biết bao: Kim lang (chớ không gọi chính tên). Câu thơ cuối cùng là lời than mà cũng là lời tự trách mình. Là một con người giàu lòng vị tha, Thúy Kiều lúc nào cũng ân cần và chu đáo đối với chàng Kim. Nàng yêu chàng Kim hơn cả chính bản thân mình. Bởi vậy, có người cho rằng chỉ một chữ “phụ” thôi mà đã làm sáng lên vẻ đẹp nhân cách cao thượng giàu lòng vị tha của Thúy Kiều.

Đoạn trích Trao duyên đã khắc họa sinh động, sâu sắc và đầy xúc cảm tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ. Nỗi đau đớn của người con gái bất hạnh này và những lời lẽ của nàng khi trao duyên thật đúng với lời giới thiệu của nhà thơ trước đó: “Kiều càng sắc sảo mặn mà”, “Thông minh vôn sẵn tính trời”.

Dưới ngòi bút tài hoa sắc sảo của Nguyễn Du, chúng ta thấy hiện lên rõ mồn một hình ảnh một Thúy Kiều nhạy cảm, giàu lòng yêu thương, rất vị tha và chu tất, một Thúy Kiều khổ đau và cao quý. Thành công ấy của nhà thơ cho ta thấy sức cảm thông lạ lùng (Hoài Thanh) của ông đối với những đau khổ và khát vọng hạnh phúc tình yêu của con người.

Mai Thu

0