06/02/2018, 10:19

Bài 4 – Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự

Bài 4 – Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự Hướng dẫn 1. Đọc bài văn trong SGK. 2. Trả lời câu hỏi: a) Việc Tuệ Tĩnh ưu tiên chữa trị trước cho chú bé con nhà nông bị gẫy đùi đã nói lên phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc: coi trọng mọi người bệnh, không phân biệt sang, hèn, ...

Bài 4 – Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự

Hướng dẫn

1. Đọc bài văn trong SGK.

2. Trả lời câu hỏi:

a) Việc Tuệ Tĩnh ưu tiên chữa trị trước cho chú bé con nhà nông bị gẫy đùi đã nói lên phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc: coi trọng mọi người bệnh, không phân biệt sang, hèn, bệnh cần chữa trước thì chữa trước, lấy việc cứu người làm mục đích, không tham tiền bạc, không sợ quyền uy.

b) Chủ đề của truyện này là ca ngợi lòng thương người của Tuệ Tĩnh, một thầy thuốc tài giỏi, có lương tâm, có y đức tốt đẹp.

– Chủ đề bài văn thể hiện ở các câu sau:

Ông… là người hết lòng thương yêu, cứu giúp người bệnh.

… Ta sẵn sàng đi, nhưng bây giờ phải chữa cho chú bé này trước, vì chú nguy hơn.

Không!… Ta phải chữa gấp cho chú bé này, chậm tất có hại.

Con người ta cứu giúp nhau lúc hoạn nạn, sao ông bà lại nói chuyện ân huệ?

3. Trong ba nhan đề đã cho, ta có thể chọn nhan đề Y đức của Tuệ Tĩnh vì nhan đề này rất phù hợp với chủ đề của văn bản. Ta cũng có thể đặt một tên khác cho truyện này: Lương tâm của một thầy thuốc.

4. Các phần của bài tự sự đáp ứng yêu cầu sau:

– Phần mở bài giới thiệu chung về nhân vật và sự việc.

– Phần thân bài kể diễn biến của sự việc.

– Phần kết bài kể kết cục của sự việc.

5. Đọc truyện Phần thưởng và trả lời các câu hỏi:

Chủ đề của truyện nhằm biểu dương và chế giễu điều gì? Sự việc nào thể hiện tập trung cho chủ đề? Hãy gạch dưới câu văn thể hiện sự việc đó.

– Chủ đề của truyện này nhằm biểu dương tính trung thực, thẳng thắn của người nông dân và chế giễu thói tham lam, chuyên ăn hối lộ của bọn quan lại.

– Sự việc người nông dân xin thưởng roi để chia cho viên quan tham nhũng một nửa đã thể hiện rõ chủ đề đó.

– Cần gạch dưới các câu văn sau: "Xin bệ hạ hãy thưởng cho hạ thần năm mươi roi, hạ thần không muốn gì hơn cả. Chỉ có điều là hạ thần đã đồng ý chia cho viên quan đã đưa thần vào đây một nửa số phần thưởng của bệ hạ. Vậy xin bệ hạ hãy thưởng cho mỗi người hai mươi nhăm roi".

6. Chỉ rõ ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài

a) Phần mở bài: “Một người nông dân tìm được một viên ngọc quý liền muôốn đem dâng tiến nhà vua”… (cho tới câu)… “Người nông dân bèn kể lại chuyện muốn dâng vua ngọc quý.”

Phần thân bài: Từ chỗ "Vị quan nọ bảo”… cho tới… “Vậy xin bệ hạ hãy thưởng cho mỗi người hai mươi nhăm roi."

Phần kết bài: “Nhà vua bật cười, đuổi tên cận thần và thưởng cho người nông dân một nghìn rúp.”

b) Sự việc trong thân bài thú vị ở chỗ nào?

Sự việc trong phần thân bài của truyện Phần thưởng thú vị ở chỗ:

Người nông dân đồng ý nhận thực hiện điều kiện mà tên quan đã đưa ra là sẽ chia đôi phần thưởng, nhưng khi tới lúc lĩnh thưởng thì người nông dân lại bất ngờ xin một phần thưởng thật kì lạ, thật ngược đời: xin thưởng năm mươi roi và số roi đó sẽ được chia cho viên quan một nửa. Đây là một sự việc thú vị nhất, một sự việc mang tính hài hước, gây cười và đầy kịch tính.

7. Đọc lại các bài Sơn Tinh, Thủy TinhSự tích Hồ Gươm ta thấy:

– Ở truyện Sơn Tình, Thủy Tinh.

Phần mở bài: "Hùng Vương thứ mười tám… muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng".

Cách mở bài này mới mở ra một ý: vua Hùng muốn chọn chồng cho con, nhưng chuyện hai thần cùng đến cầu hôn rồi giao tranh với nhau chưa được nói tới.

– Ở truyện Sự tích Hồ Gươm

Phần mở bài: "Vào thời giặc Minh… cho nghĩa quân mượn thanh gươm để họ giết giặc".

Cách mở bài này đã giới thiệu câu chuyện cho mượn gươm sắp xảy ra.

Phần kết bài: "Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm".

Mai Thu

0