06/02/2018, 10:19

Phương pháp tả cảnh

Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Muốn làm văn tả cảnh, người viết cần phải – Xác định được đối tượng miêu tả ; – Quan sát, lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu ; – Trình bày những điểm quan sát được theo một thứ tự. 2. Bố cục của một bài văn tả cảnh thường ...

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Muốn làm văn tả cảnh, người viết cần phải

– Xác định được đối tượng miêu tả ;

– Quan sát, lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu ;

– Trình bày những điểm quan sát được theo một thứ tự.

2. Bố cục của một bài văn tả cảnh thường có ba phần

– Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả ;

– Thân bài: Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự;

– Kết bài: Thường phát biểu cảm tưởng về cảnh vật miêu tả.

II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Đọc kĩ ba văn bản

Xem ba câu hỏi ở mục 2 (SGK), sau đó đọc lại các văn bản trên để tìm câu trả lời.

2. Gợi ý trả lời

a) Qua hình ảnh nhân vật dượng Hương Thư, ta có thể hình dung được nét tiêu biểu của cảnh sắc ở khúc sông có nhiều thác dữ. Thác chảy mạnh nên con người phải nhanh như cắt mới cho thuyền vượt thác được. Thuyền cố lấn lên. Chi tiết ấy cho biết cuộc vượt thác không dễ dàng. Hình ảnh dượng Hương Thư khoẻ mạnh, dồn hết sức lực cơ bắp như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ khi vượt thác cho ta hình dung thác nước chảy mạnh mẽ, dữ dội trong khung cảnh chung hùng vĩ.

b) Đoạn văn thứ hai tả dòng sông Năm Căn và rừng đước. Tác giả tả theo thứ tự từ gần đến xa, từ thấp lên cao. Từ kênh Bọ Mắt, ra sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông… Đó là tả từ gần ra xa.

Từ giữa sông, nhìn cây đước lớp này chồng lên lớp kia, đắp từng bậc màu xanh lá mạ… là theo thứ tự từ thấp lên cao.

c) Văn bản thứ ba miêu tả luỹ làng. Có thể tạm chia làm ba phần:

– Phần một: Từ đầu đến màu của luỹ: giới thiệu về luỹ làng.

– Phần hai: Tiếp đến lúc nào không rõ: miêu tả các vòng của luỹ.

– Phần ba: Còn lại: cảm nghĩ về tình cảm của thảo mộc tự nhiên.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Tả quang cảnh lớp học trong giờ viết bài tập làm văn

a) Những hình ảnh tiêu biểu: Thầy cô giáo, cảnh lớp học (bàn ghế, bảng đen, bàn thầy cô, khẩu hiệu trên tường), các bạn học sinh (ghi đề bài, chuẩn bị làm bài, tư thế viết..) chú ý tả chung cả lớp và tả kĩ một, hai bạn.

b) Thứ tự miêu tả: Có thể theo thời gian. Trống vào lớp. Cô giáo (thầy giáo) cho chép đề. Các bạn bắt tay vào làm bài. Kết thúc buổi làm bài, thu, nộp bài cho thầy, cô.

Có thể theo không gian. Bên ngoài lớp. Trên bảng, cô (thầy) ngồi trên bàn giáo viên. Các bạn trong lớp bắt tay vào làm bài. Không khí cả lớp và tinh thần, thái độ làm bài của bạn ngồi cạnh người viết (hay chính bản thân người viết).

c) Em hãy viết mở bài và kết bài cho bài văn này. Chú ý nội dung của mở bài và kết bài đã nói trong phần Ghi nhớ.

2. Ở đây nêu ra hai khả năng để lựa chọn: miêu tả theo không gian: từ xa tới gần. Miêu tả theo thời gian trước, trong và sau khi ra chơi. Cũng có thể có một cách thứ ba là kết hợp cả không gian và thời gian (Cách này khó và phức tạp hơn). Trước hết, em hãy chọn trật tự miêu tả. Sau đó chọn cảnh sân trường giờ ra chơi để viết thành đoạn văn.

Ví dụ: nếu chọn trật tự theo thứ tự thòi gian, em sẽ chú ý các yếu tố sau:

– Sân trường vắng lặng trong giờ học.

– Hiệu lệnh, trống ra chơi, mọi người ùa ra.

– Có tốp chơi đá cầu, nhảy dây, đá bóng ; có tốp chỉ đứng xem, hoặc tranh cãi nhau về điều gì đó.

– Có thể tả màu sắc quần áo, những tiếng cười nói, hò reo và một vài bạn chơi tích cực nhất.

3. Trước hết hãy rút lại theo dàn ý sơ lược: mở bài, thân bài, kết bài.

– Cần chú ý đây là bài viết trực tiếp nói về biểu tượng, nên tác giả không mở bài mà đi thẳng vào nội dung thân bài.

– Tác giả đã tả biển đẹp ở góc độ nào? Theo thời gian? Theo thời tiết? Có kết hợp thời gian và thời tiết không? Kết bài của tác giả gồm những câu văn nào?

Sau khi trả lời các câu hỏi trên, em có thể lập được dàn ý.

Mai Thu

0