Bài 31 – Luyện tập về văn đề nghị và báo cáo
Bài 31 – Luyện tập về văn đề nghị và báo cáo Hướng dẫn I. Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo 1. Mục đích viết văn bản đề nghị và văn bản báo cáo khác nhau ở chỗ: – Văn bản đề nghị được viết ra để gửi lên các cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền để xin giải quyết một yêu ...
Bài 31 – Luyện tập về văn đề nghị và báo cáo
Hướng dẫn
I. Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo
1. Mục đích viết văn bản đề nghị và văn bản báo cáo khác nhau ở chỗ:
– Văn bản đề nghị được viết ra để gửi lên các cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền để xin giải quyết một yêu cầu nào đó.
– Văn bản báo cáo được viết ra để trình bày một cách tổng hợp về tình hình, sự việc và các kết quả đạt được của một cá nhân hay một tập thể giúp cho cấp trên hoặc các cơ quan có liên quan nắm được tình hình, sự việc.
2. Nội dung văn bản đề nghị và văn bản báo cáo khác nhau ở chỗ:
– Văn bản đề nghị có nội dung chủ yếu là trình bày nguyện vọng của người viết xin được giải quyết một vấn đề gì.
– Văn bản báo cáo có nội dung chủ yếu là tập hợp tình hình, nêu rõ kết quả bằng cách ghi đầy đủ các số liệu cụ thể, có thể so sánh năm này với năm trước, sau cùng thường là đánh giá chung.
3. Hình thức viết của hai loại văn bản này có khác nhau:
+ Văn bản đề nghị thường có các phần mục như sau:
– Quốc hiệu và tiêu ngữ.
– Địa điểm làm giấy đề nghị và ngày tháng năm.
– Nơi nhận đề nghị.
– Người (hoặc tổ chức) đề nghị.
– Nêu sự việc, lí do, nguyện vọng cần đề nghị giải quyết.
– Kí tên.
+ Văn bản báo cáo thường có các phần mục sau:
– Quốc hiệu và tiêu ngữ.
– Địa điểm viết báo cáo và ngày tháng năm.
– Tên của văn bản báo cáo (báo cáo về vấn đề gì).
– Người nhận hoặc nơi nhận báo cáo.
– Người viết báo cáo.
– Tình hình diễn biến của sự việc và các con số cụ thể minh họa cho kết quả đạt được.
– Người viết báo cáo kí tên.
4. Khi viết hai loại văn bản trên cần viết đầy đủ nhưng ngắn gọn, tránh rườm rà. Lời lẽ phải trang nhã, đúng mực. Cách trình bày phải sạch sẽ, rõ ràng không tẩy xóa lem nhem.
Các phần mục đều cần phải có nhưng ở văn bản đề nghị thì phần đề xuất ý kiến xin giải quyết vấn đề gì là chính, ở văn bản báo cáo thì phần diễn biến tình hình và kết quả đạt được là chính.
II. Luyện tập
1. – Trường hợp cần làm văn bản đề nghị: Có hai cánh cửa sổ của lớp bị vỡ kính nên mỗi khi mưa lớn nước thường tạt vào lớp, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, lớp cần làm giấy đề nghị nhà trường cho sửa chữa gấp.
– Trường hợp cần làm văn bản báo cáo: Nhà trường đề ra kế hoạch hoạt động hè. Khi hết hè, các lớp cần làm báo cáo về tình hình hoạt động hè và các kết quả đã đạt được.
2. Học sinh tự viết một văn bản đề nghị và một văn bản báo cáo theo các nội dung trên.
3. Chỗ sai trong việc sử dụng các văn bản sau:
a) Muốn xin trường miễn học phí thì viết văn bản đề nghị không viết báo cáo.
b) Trường hợp thứ hai này cần viết báo cáo gửi lên thầy, cô giáo chủ nhiệm, không viết văn bản đề nghị.
c) Trường hợp thứ ba, lớp trưởng cần viết giấy đề nghị nhà trường khen thưởng bạn H.
Mai Thu