Bài 23 – Hịch tướng sĩ
Bài 23 – Hịch tướng sĩ Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Bài Hịch có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của mỗi đoạn. Trả lời: Bài Hịch có thể chia làm bốn đoạn: a) Đoạn 1: (từ đầu đến. “Còn lưu tiếng tốt”) nêu gương các trung thần nghĩa sĩ đã xả thân vì ...
Bài 23 – Hịch tướng sĩ
Hướng dẫn
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bài Hịch có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của mỗi đoạn.
Trả lời: Bài Hịch có thể chia làm bốn đoạn:
a) Đoạn 1: (từ đầu đến. “Còn lưu tiếng tốt”) nêu gương các trung thần nghĩa sĩ đã xả thân vì nước.
b) Đoạn 2: (từ “Huống chi” đến “… cũng vui lòng”) tố cáo sự hống hách và tội ác của quân giặc, đồng thời nói lên lòng căm thù quân giặc.
c) Đoạn 3: (từ “Các ngươi” đến “không muốn vui vẻ phỏng có được không”) phê phán lối sống sai trái của tướng sĩ và khẳng định những hành động đúng.
d) Đoạn 4: (Phần còn lại) nêu nhiệm vụ cụ thể và cấp thiết, khích lệ tinh thần quân sĩ.
2. Sự ngang ngược và tội ác của giặc được lột tả như thế nào?
– Sự ngang ngược và bạo tàn của giặc Nguyên Mông: Chúng “đi lại nghênh ngang ngoài đường” tỏ rõ chúng cậy mạnh mà khinh thường ta, coi đất nước ta như đã thuộc quyền cai quản của chúng.
Chúng “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình”. Cú và diều là hai loài chim mà người xưa coi là hai loài chim xấu và dữ. Người xưa thường cho rằng chim cú là một loài hung điểu, khi nó kêu thì sẽ có người chết, tiếng kêu của nó luôn gắn với hình ma bóng quỷ (thực ra đó là quan niệm sai lầm. Con cú đi ăn đêm chủ yếu là săn bắt chuột, góp phần bảo vệ mùa màng). Còn diều là loài ác điểu. Miệng lưỡi của giặc được so ví như miệng lưỡi cú diều, nói ra toàn những lời dữ dằn, độc địa. Chúng “mắng triều đình” là cậy mạnh mà sỉ nhục chúng ta.
Chúng “đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Lưỡi cú diều và thân dê chó đều là hình ảnh ẩn dụ. Thân dê chó là thân thể của loài súc vật bẩn thỉu, tanh hôi, thấp hèn. Nhưng cái bọn dê chó này lại “bắt nạt tể phụ” tức là ăn hiếp quan lớn đầu triều của ta.
Chúng còn biểu lộ một lòng tham không cùng trong việc giả lệnh của vua chúa của chúng mà đòi ta cống nạp ngọc lụa và của cải trong kho.
Tác giả dùng hình ảnh so sánh “khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói”. Chính hình ảnh này đã nêu lên cái tình thế vô cùng nguy kịch của đất nước ta.
– Lời tố cáo tội ác của quân giặc đã khơi dậy được ở tướng sĩ nỗi đau khi đất nước bị quân giặc chiếm đoạt, nỗi oán giận khi quốc thể bị lăng nhục, nỗi căm thù khi của cải của quê hương, đất nước bị cướp bóc và từ đó mà cháy lên ngọn lửa chiến đấu để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ non sông.
3. Lòng yêu nước và căm thù của tác giả
Bộc lộ nỗi đau xót của mình, tác giả viết “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối” (cần hiểu gối là cái gối để kê đầu, không phải đầu gối ở chân). Đó là nỗi đau dằn vặt trong tâm tư đến quên ăn, mất ngủ. Hình ảnh “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” là một hình ảnh đã quen dùng trong văn học nhưng tình cảm chân thành của tác giả gửi vào hình ảnh này vẫn khiến ta xúc động. Tác giả khao khát được trả thù và phải dùng những hình thức trừng phạt mạnh nhất, ghê gớm nhất như “xả thịt lột da, nuốt gan uống máu” đối với kẻ thù thì mới hả lòng căm giận. Tác giả tự nguyện chiến đấu chống kẻ thù, dù có phải hi sinh cũng vui lòng. Những hình ảnh “nghìn xác này gói trong da ngựa”, “trăm thân này phơi ngoài nội cỏ” có ý muốn nói rằng: dù ta đây có chết đi sống lại, lại chết đi, lại sống lại, hàng trăm ngàn lần chết rồi lại hồi sinh như thế thì ta vẫn một lòng đánh giặc, chẳng đổi thay ý chí tiêu diệt kẻ thù.
Lòng căm thù đó cũng chính là một mặt của lòng yêu nước. Có căm thù giặc sâu sắc như vậy thì mới có đủ ý chí và quyết tâm đánh giặc để gìn giữ nước non.
Sau khi nêu mối ân tình giữa chủ và tướng, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai, đồng thời khẳng định hành động đúng là có dụng ý thức tỉnh tất cả các tướng sĩ dưới quyền của ông: Hãy chớ u mê sa đà vào các thói ăn chơi vô bổ, hãy sáng suốt mà nhìn nhận rõ tình thế nguy ngập, cấp bách của Tổ quốc mà đánh giá đúng kẻ thù và sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu đánh đuổi chúng đi.
– Khi phê phán, tác giả tập trung vào các vấn đề sau:
Phê phán tư tưởng bị làm nhục mà không biết lo, biết hổ thẹn.
Phải hầu quân giặc mà không biết tức.
Cứ mải mê sa vào các thú vui chơi tầm thường như chọi gà, đánh bạc, săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát hoặc chỉ biết sống cho bản thân: vui thú vườn ruộng, vợ con, lo làm giàu.
Tác giả cũng nói rõ những trò vui thú tiêu khiển đó hoàn toàn không thể ngăn cản được bước chân và lưỡi kiếm của quân thù. Kết quả là nước mất thì nhà cũng tan, lăng miếu của triều đình bị giày xéo thì mồ mả cha ông của mỗi gia đình cũng bị đào bới, chủ soái đeo tiếng nhục thì mỗi cá nhân tướng sĩ cũng mang tiếng xấu muôn đời.
– Khi khẳng định, tác giả tập trung vào các ý sau:
Ra sức “huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên’’ làm mọi người đều tài giỏi như Bàng Mông, Hậu Nghệ có thể đánh thắng quân thù bêu đầu Hốt Tất Liệt ở Cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Khi đã chiến thắng kẻ thù, chúng ta sẽ giành lại tất cả: Danh dự của quốc gia, bổng lộc của tướng sĩ, niềm vui của mọi gia đình, vẻ tôn nghiêm của nơi thờ cúng tổ tiên, sử sách muôn đời lưu dấu chiến công hiển hách.
5. Giọng văn, xét về danh nghĩa thì là lời chủ soái nói với tướng sĩ, nhưng xét về cách trình bày lời lẽ thì là lời của người cùng cảnh ngộ khuyên răn, bày tỏ thiệt hơn để mọi người cùng nhận thức đúng tình thế lâm nguy của đất nước và có trách nhiệm phải chiến đấu bảo vệ đất nước.
Cách viết của tác giả không chỉ tác động tới nhận thức tức là phần lí trí của mỗi tướng sĩ mà còn tác động tâm can, tình cảm sâu kín của mỗi người.
6. Hãy nêu một số đặc sắc tạo nên sức thuyết phục người đọc bằng cả nhận thức và tình cảm ở bài Hịch tướng sĩ.
Trả lời:
Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, cách sống thờ ờ trước cảnh Tổ quốc lâm nguy.
Ông chỉ rõ sự ham thích các thú vui tầm thường sẽ dẫn đến những tác hại lớn lao: nước mất, nhà tan.
Lời văn có khi gay gắt như một lời mắng nhiếc: “Các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, hầu quân giặc mà không biết tức, đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Có khi lại là lời mỉa mai châm chọc: “cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc”, “mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh”, “chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết”, “tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”.
Bên cạnh những lời đó, ông ân cần khuyên nhủ để tướng sĩ biết ra sức rèn luyện kiếm cung.
Ngoài ra, tác giả đã dùng nghệ thuật đối lập va so sánh tương đồng để làm nổi bật điều muốn nói: Nếu phải sống dưới ách thống trị của quân xâm lược thì “ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn…”
Nêu đánh đuổi được kẻ thù, giữ vừng được non sông thì “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng Lộc các ngươi cũng đời đời. hưởng thụ; chẳng những gia quyến ta được êm ấm gối chăn mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão…”.
Về mặt tình cảm thì lời văn thật thống thiết, chân tình. Những lời lẽ được viết ra từ một trái tim đầy nhiệt huyết nên có sức mạnh lớn lao đi vào lòng người, tạo nên một sức mạnh vật chất to lớn.
Đó là những nét đặc sắc của tác phẩm này.
7. Khích lệ nhiều mặt để tập trung vào một hướng, đó là cách triển khai lập luận của bài Hịch này. Hãy làm sáng tỏ điều đó bằng một sơ đồ về kết cấu của bài Hịch.
Trả lời:
Cách lập luận của bài Hịch này là khích lệ nhiều mặt như lòng trung quân ái quốc, đức hi sinh, lòng căm thù giặc, nỗi nhục khi phải sống dưới ách thống trị của quân thù, lòng tự tôn dân tộc, lòng tự trọng cá nhân, ý chí lập công danh bảo vệ non sông… để tập trung vào cái đích cuối cùng là ra sức tập luyện võ nghệ, cung tên, học tập Binh Thư, quyết chiến thắng quân thù.
LƯỢC ĐỒ VỀ KẾT CẤU CỦA BÀI HỊCH TƯỚNG SĨ
LUYỆN TẬP
1. Phát biểu cảm nhận về lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện qua bài Hịch:
Bài Hịch này được viết ra từ tấm lòng của một vị chủ soái yêu nước thiết tha.
Lòng yêu nước là gốc rễ của mỗi lời văn. Vì yêu nước mà ông đề cao lòng trung nghĩa, tinh thần xả thân cứu nước của các anh hùng dũng sĩ. Vì yêu nước mà ông căm giận quân giặc đến quên ngủ, quên ăn, ngày đêm chỉ nung nấu ý chí “xả thịt lột da” quân giặc. Vì yêu nước mà ông thấm thía nỗi nhục nô vong. Vì yêu nước mà ông kịch liệt phê phán thói ăn chơi hưởng lạc và thái độ vô trách nhiệm của một số tướng sĩ. Vì yêu nước mà ông thấy được viễn cảnh thê thảm khi non sông bị gót thù giày xéo. Vì yêu nước mà ông khích lệ quân sĩ phải thức tỉnh trước nỗi nguy biến của non sông, từ đó biết chăm lo luyện tập võ nghệ, đao binh để có thể thắng quân thù và thực tế lậ dân tộc ta đã thắng.
Lòng yêu nước thấm vào từng cầu, từng chữ nên đã thực sự làm rung chuyển lòng người. Không phải chỉ người đương thời đọc bài Hịch mới thấy được cổ vũ, khích lệ mà đến bây giờ, chúng ta đọc lại vẫn thấy xao động tâm can.
Chính lòng yêu nước được diễn đạt bằng một cách viết hay đã khiến cho bài Hịch này mãi mãi còn là một áng văn bất hủ.
2. Chứng minh Hịch tướng sĩ vừa có lập luận chặt chẽ, sắc bén, vừa giàu hình tượng, cảm xúc, do đó có sức thuyết phục cao.
– Tác giả đã dùng lối lập luận thật chặt chẽ, sắc bén như: “Cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh; tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc; Chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai…”
Đó là những điều hiển nhiên, ai cũng phải công nhận là đúng. Những lời phê phán mạnh mẽ được nêu lên dồn dập, kế tiếp giống như hàng loạt đạn bắn liên tục vào mục tiêu là các lối sông sai trái, hèn nhát, hưởng lạc và tư lợi.
– Trong bài văn, lối lập luận chặt chẽ, sắc bén đó luôn kết hợp với lời văn giàu hình tượng, giàu cảm xúc, có sức thuyết phục cao như:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dầu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.
"… Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho mọi người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở Cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão (bách niên giai lão là cùng thọ trăm năm); chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các ngươi trăm năm về sau tiếng vẫn lưu truyền (đắc chí là thỏa chí vì đạt được điều mong ước); chẳng những danh hiệu ta không bị mai một (mai một là bị chôn vùi, bị mất đi), mà tên họ các ngươi củng sử sách lưu thơm…”.
Ta thấy như bài văn đã được viết bằng máu hòa nước mắt của tác giả và lời văn sôi nổi tâm huyết cứ ào ào tuôn chảy dưới ngọn bút kì tài. Cũng chính vì thế mà bài văn đã trở thành một sức mạnh vật chất góp phần làm cho quân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông sừng sỏ nhất vùng châu Á thời bấy giờ. Cũng chính vì thế mà tác phẩm giàu tính chất hùng biện, giàu sức thuyết phục này đã trở thành một bản hùng văn trong lịch sử văn học dân tộc.
Mai Thu