Bài 13 – Bài toán dân số
Bài 13 – Bài toán dân số Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Xác định bố cục, nêu nội dung chính của mỗi phần. Riêng về phần thân bài, hãy chỉ ra các ý lớn (luận điểm). – Mở bài (từ đầu đến “sáng mắt ra”). Đặt vấn đề: Bài toán dân số và kế hoạch hóa dường như đã được đặt ...
Bài 13 – Bài toán dân số
Hướng dẫn
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Xác định bố cục, nêu nội dung chính của mỗi phần. Riêng về phần thân bài, hãy chỉ ra các ý lớn (luận điểm).
– Mở bài (từ đầu đến “sáng mắt ra”). Đặt vấn đề: Bài toán dân số và kế hoạch hóa dường như đã được đặt ra thời cổ đại.
– Thân bài (từ “Đó là câu chuyện cổ” đến “sang ô thứ 31 của bàn cờ”)
Giải quyết vấn đề: Tập trung làm sáng tỏ vấn đề: Tốc độ gia tăng dân số thế giới là hết sức nhanh chóng.
Thân bài có ba ý chính:
Ý1: Nêu lên bài toán cổ và dẫn đến kết luận: Mỗi ô bàn cờ ban đầu chỉ một vài hạt thóc, tưởng là ít, nhưng nếu sau đó cứ gấp đôi lên theo cấp số nhân thì số thóc của cả bàn cờ là một con số khủng khiếp.
Ý 2: So sánh sự gia tăng dân số giống như lượng thóc trong các ô bàn cờ. Ban đầu chỉ là hai người, thêd mà năm 1995 đã là 5,63 tỉ người đủ cho ô thứ 30 của bàn cờ ấy.
Ý 3: Thực tế mỗi phụ nữ lại sinh ra rất nhiều con (hơn hai rất nhiều), vì thế chỉ tiêu mỗi gia đình chỉ có một đến hai con là rất khó thực hiện.
– Kết bài (Phần còn lại): Khuyến cáo loài người cần hạn chế sự bùng nổ và gia tăng dân số. Đó là con đường tồn tại của chính nhân loại.
2. Vấn đề chính mà tác giả muốn đặt ra trong văn bản này là gì? Điều gì đã làm tác giả "sáng mắt ra"?
Vấn đề chính mà tác giả muốn đặt ra trong văn bản này là Đất đai không sinh thêm, con người lại ngày càng nhiều lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình.
Điều làm tác giả “sáng mắt ra” chính là một vấn đề rất hiện đại, mới được đặt ra gần đây. Đó là vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tuy vậy, khi nghe xong bài toán cổ, tác giả chợt ngỡ như vấn đề đấy đã được đặt ra từ thời cổ đại.
3. Câu chuyện kén rể của nhà thông thái có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật vấn đề chính mà tác giả muốn nói tới?
Câu chuyện kén rể của nhà thông thái cũng chính là bài toán cổ được tác giả nêu lên nhằm gây tò mò, lôi cuốn người đọc đưa đến một kết luận bất ngờ: mỗi ô của bàn cờ ban đầu chỉ một vài hạt thóc, tưởng là ít, nhưng nếu sau đó cứ gấp đôi lên theo cấp số nhân thì số thóc của cả bàn cờ là một con số khủng khiếp: có thể phủ kín bề mặt trái đất.
Câu chuyện là tiền đề để tác giả so sánh với sự gia tăng và bùng nổ dân số. Có chỗ tương đồng là cả hai: số lúa dùng cho mỗi ô của bàn cờ và dân số thế giới đều cùng tăng theo cấp số nhân với công bội là 2 (chỉ tiêu hai con cho một cặp vợ chồng). Từ sự so sánh đó, tác giả nêu bật vấn đề trọng tâm của bài viết là tốc độ gia tăng dân số là vô cùng nhanh chóng.
4. Việc đưa ra những con số về tỉ lệ sinh con của phụ nữ ở một số nước theo thông báo của Hội nghị Cairô nhằm mục đích gì? Trong số các nước kể tên trong văn bản, nước nào thuộc châu Phi, nước nào thuộc châu Á? Bằng những hiểu biết của mình về hai châu lục đó, trước những con số tỉ lệ sinh con đã nêu, em có nhận xét gì về sự phát triển dân số ở hai châu lục này? Có thể rút ra kết luận gì về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội?
Tác giả đưa ra những con số về tỉ lệ sinh con của phụ nữ một số’ nước theo thông báo của Hội nghị Cairô là nhằm mục đích trước hết để thấy trong tliực tế, một người phụ nữ có khả năng sinh được rất nhiều con (Việt Nam là 3,7; Ru-an-đa là 8,1). Như vậy, chỉ tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con là rất khó khăn. Ngoài ra, các con số trên còn cho thấy các nước chậm phát triển lại sinh con rất nhiều. Các nước được văn bản nêu lên phần lớn thuộc châu Phi: Ru-an-đa, Ja-da-ni-a, Ma-đa-gát- xca… Châu Á chỉ có Ấn Độ, Việt Nam. Như thế, rõ ràng nước kém, chậm phát triển ở hai châu lục vừa nói lại gia tăng dân số mạnh mẽ. Sự bùng nổ dân số bao giờ cũng đi liền với nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, văn hóa giáo dục chậm được nâng cao.
5. Văn bản này đem lại cho em những hiểu biết gì?
Câu này học sinh tự làm.
• Ghi nhớ: Đất đai không sinh thêm, con người lại ngày càng nhiều lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình. Từ câu chuyện một bài toán cổ về cấp số nhân, tác giả đã đưa ra các con số buộc người đọc phải liên tưởng và suy ngẫm về sự gia tăng dân số đáng lo ngại của thế giới, nhất là ở các nước chậm phát triển.
LUYỆN TẬP
1. Liên hệ với phần Đọc thêm để tìm câu trả lời: Con đường nào là con đường tốt nhất để hạn chế sự gia tăng dân số? Vì sao?
– Sự lựa chọn sinh đẻ là quyền của phụ nữ. Không thể dùng mệnh lệnh hay các biện pháp thô bạo để cấm đoán hay can thiệp.
– Do đó cách tốt nhất, con đường tốt nhất là con đường giáo dục. Qua đó giúp mọi người hiểu ra nguy cơ của sự bùng nổ và gia tăng dân số; vấn đề dân số gắn chặt với đói nghèo hay hạnh phúc.
– Đúng như Phê-đê-ri-cô May-0 đề ra: “Đẩy mạnh giáo dục cho phụ nữ là hạ thấp tỉ lệ thụ thai cùng như tỉ lệ tử vong và tỉ lệ mắc bệnh…”.
2.Hãy nêu các lí do chính để trả lời cho câu hỏi: Vì sao sự gia tăng dân số có ảnh hưởng lớn đối với tương lai nhân loại, nhất là đối với các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu?
Dân số phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng nhất định sẽ ảnh hưởng lớn đến con người ở nhiều phương diện: nhà và đất ở, lương thực, môi trường, việc làm, giáo dục… cuối cùng dẫn đến đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu… Đặc biệt là đối với các nước chậm phát triển, nghèo nàn lạc hậu rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc: vì nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển mọi mặt nên hạn chế sự phát triển của giáo dục. Giáo dục không phát triển được, kinh tế lại nghèo nàn, lạc hậu…
3. Dựa vào số liệu về sự gia tăng dân số thế giới đã nêu trong phần Đọc thêm, hãy tính từ năm 2000 đến tháng 9-2003 xem số người trên thế giới đã tăng bao nhiêu và gấp khoảng bao nhiêu lần dân số của Việt Nam hiện nay?
Để làm bài tập này, chúng ta phải biết dân số Việt Nam trong thời điểm hiện nay là bao nhiêu: Sau đó, đem số dân vào thời điểm 30-9-2003 trừ đi số dân của thế giới năm 2000. Lấy hiệu số của phép trừ trên chia cho số dân của Việt Nam. Kết quả là đáp số của bài tập trên.
Mai Thu