Bài 11 – Đoàn thuyền đánh cá
Bài 11 – Đoàn thuyền đánh cá Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ Huy Cận họ Cù sinh năm 1919, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Tác phẩm chính: Lửa thiêng (1940), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa ...
Bài 11 – Đoàn thuyền đánh cá
Hướng dẫn
I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Huy Cận họ Cù sinh năm 1919, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới.
Tác phẩm chính: Lửa thiêng (1940), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Những năm sáu mươi (1968), Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984)… Ông mất năm 2005 tại Hà Nội.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá rút từ tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng xuất bản năm 1958. Bài thơ cũng được viết ra vào năm đó, khi đất nước kết thúc thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đang phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Một không khí phấn khởi, hào hứng, tin tưởng trong đời sống xã hội, ở mọi nơi dấy lên phong trào ra sức phát triển sản xuất, xây dựng đất nước, ở Hồng Gai, ngư dân vào hợp tác xã chung sức ra khơi đánh cá.
Giữa năm 1958 vừa nói, Huy Cận có chuyến thâm nhập thực tế dài ngày về với nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh. Tại đây, được hòa mình vào không khí lao động sôi nổi, hồn thơ Huy Cận đã nẩy nở trở lại dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới đang được dựng xây mở ra một chặng đường mới trong thơ ông. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian này.
1. Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Dựa vào trình tự ấy ta có thể xác định bố cục của bài thơ như sau:
– Hai khổ đầu 1, 2: Cảnh ra khơi và tâm trạng nao nức của con người.
– Bốn khổ giữa 3, 4, 5 và 6: Cảnh lao động đánh cá trên biển cả bao la hùng vĩ và giàu có về đêm.
– Khổ thơ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về lúc rạng đông ngày mới.
Với bố cục như trên, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã mở ra một không gian rộng lớn bao la với cả mặt trời, biển, trăng sao, mây gió và thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ hoàng hôn đến bình minh, thời gian của một chuyến đánh cá từ lúc hoàng hôn đến bình minh từ lúc mặt trời xuống biển đến lúc đội biển nhô lên trong một ngày mới. Nhịp tuần hoàn của thiên nhiên vũ trụ đã điểm nhịp thời gian cho công việc của đoàn thuyền đánh cá.
Bài thơ là sự kết hợp hài hòa của cảm xúc thiên nhiên, vũ trụ và cảm xúc về lao động và người lao động. Đó chính là hai cảm hứng bao trùm và thông nhất hòa quyện chặt chẽ với nhau.
2. Vẻ đẹp của lao động và người lao động được Huy Cận thể hiện trong khung cảnh kì vĩ tráng lệ của thiên nhiên vùng biển. Cảm hứng lãng mạn của nhà thơ tạo nên những hình ảnh thơ rực rỡ và lộng lẫy như những bức tranh sơn mài rộng lớn và huyền ảo nối tiếp nhau trong bài thơ.
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng."
Trong khổ thơ này vẻ đẹp hùng vĩ của biển cả được thể hiện với gió, trăng, mây với cả chiều cao, chiều rộng và cả chiều sâu. Công việc đánh cá tập thể trên khơi được gắn với vũ trụ thiên nhiên thật là hùng tráng biết bao: lái gió, buồm trăng, lướt giữa mây cao với biển bằng, dàn đan thế trận…
Công việc đánh cá của ngư dân ở đây như một trận đánh hào hùng, có sự tham dự của cả thiên nhiên.
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.
Phải chăng vì thiên nhiên quá đẹp làm cho con người thêm hào hứng nhiệt tình và trước sự hào hứng nhiệt tình say mê lao động của con người thiên nhiên như cũng sẵn sàng hòa đồng, thâm nhập theo:
“Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.”
Có thể nói công việc lao động của người đánh cá giữa biển trời như đã gắn liền hài hòa với nhịp sống của thiên nhiên trời đất.
3. Bài thơ lặp đi lặp lại bốn lần chữ “Hát”, cả bài như một khúc ca sảng khoái, khúc ca lao động tác giả đã làm thay lời thợ biển, những người lao động mới là nhân vật của bài thơ. Khúc ca phơi phới hào hứng khỏe khoắn và mạnh mẽ có sự hòa điệu nhịp nhàng của âm thanh, ánh sáng, màu sắc và những động tác của con người cộng với sự vận động tuần hoàn của biển trời, thiên nhiên, vũ trụ.
Đoàn thuyền đánh cá ra khơi buồm căng lên vì gió khơi và câu hát. Con người đi vào biển khơi trong tiếng hát đầy nhiệt tình của niềm vui lao động. Cảnh lao động “Dàn đan thế trận trên biển” với tất cả vẻ đẹp của biển trời và sự hào hứng say mê, khẩn trương tất bật của con người đã thành qui luật với họ, mỗi lần ra khơi là một lần niềm vui lớn lại tới. Đó là những con người tầm vóc sánh ngang cùng thiên nhiên kì vĩ, những người lao động làm chủ tạo vật thiên nhiên, làm chủ công việc của mình, làm chủ cuộc sống này.
Lúc đi, lúc làm việc, lúc về họ cũng đều đầy tinh thần khẩn trương hào hứng như thế.
Âm hưởng khỏe khoắn, phơi phới, hào hùng của bài thơ đã được tạo nên do sự góp phần của lời thơ, nhịp điệu và vần. Thi sĩ Xuân Diệu đã nhận xét: “Lời thơ dõng dạc, điệu thơ cất lên từ tiếng hát, có cả tiếng “gõ thuyền” hơi thơ vừa kim, bởi không khí làm ăn phấn chấn, vừa cổ, cổ thể, cổ điển, những vần trắc đưa sức dội, sức mạnh cho bài thơ, từ thực tế nhưng không đóng khung trong thực tế mà xuất phát, mà thơ mộng (…). Bài thơ lặp đi lặp lại bốn lần chữ “hát” thực chất là một bài ca sảng khoái, phối hợp nhạc điệu với những động tác dồn dập mở ra bằng Mặt Trời xuống biển, đóng lại bằng Mặt Trời đội biển mà lên, ở giữa là: cài then sập cửa, ra khơi, căng buồm, dệt biển, dàn đan thế trận, đêm thở sao lùa, kéo lưới xoăn tay, lưới xếp buồm lén rồi “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời mà trở về” (Lời giới thiệu Tuyển tập Huy Cận tập I, NXB Văn học Hà Nội 1986).
4. Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp và tráng lệ về thiên nhiên và đoàn thuyền đánh cá.
Trước hết là cảnh biển vào đêm:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”
Đêm buông xuống… Tác giả đang ở ngoài đảo nhìn vào phía đất liền, vẫn là biển, và có được một cái nhìn đầy thú vị “Mặt trời xuống biển”. Vũ trụ như thể một ngôi nhà khổng lồ, màn đêm là cánh cửa vĩ đại với những lượn sóng là then cửa. Mặt trời xuống biển như hòn lửa và sóng cài then đêm sập cửa. Đây là cách nhân hóa và so sánh thật chính xác của nhà thơ, sự đóng khép nhanh mạnh nặng nề, vững chắc này được thể hiện bằng từ “sập” và hai vần liền mang thanh trắc “lửa – cửa” thật nặng nề.
Trong hoàn cảnh đêm tối vừa nói, đoàn thuyền đã ra khơi với một khí thế hăng hái, vui tươi và mạnh mẽ:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
“Câu hát căng buồm” là một hình ảnh nhân hóa thật đặc biệt, cùng với hai vần liền mang thanh bằng (không dấu) thật nhẹ nhàng (khơi – khơi) đã thể hiện đặc sắc khí thế của đoàn thuyền.
Nếu hai câu đầu tất cả như đóng khép lại, thì đến đây, hai câu này tất cả như đã mở ra.
Tiếp đến, khi ra khơi xa, cảm hứng lãng mạn đã giúp thi sĩ khám phá ra vẻ đẹp của cảnh đánh cá đêm trên biển: gió và trăng bát ngát nên thơ cũng hòa nhập với đoàn thuyền, tham gia vào công việc đánh cá. Khẩn trương hào hùng như một cuộc chiến đấu:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Trong cảm nhận của thi sĩ, con thuyền đánh cá trước biển cả bát ngát đã trở nên kì vĩ khổng lồ. Tưởng như có sức thần Phù Đổng, con thuyền đã hoà nhập ngang tầm với kích thước rộng lớn của thiên vũ trụ đủ sức để: lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng, dò bụng biển, dàn đan thế trận…
Và cả công việc lao động trên biển hiểm nguy, nặng nhọc cũng đã trở thành bài ca nhịp nhàng hòa điệu giữa vũ trụ và con người:
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao…”
… “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng…”
Nhưng lộng lẫy hơn cả, rực rỡ hơn cả, đẹp đến huyền ảo là hình ảnh các loài cá biển phong phú và sinh động qua cách so sánh, nhân hóa, miêu tả của thi sĩ:
“Cá thu biển Đông như đoàn tho
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
… Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
… Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
… Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
Đó là một số trong nhiều hình ảnh đẹp và tráng lệ nhất của bài thơ.
5. Có thể nói “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một bài thơ đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp thi vị của đêm đánh cá trên biển khơi. Nói là đánh cá đêm nhưng lại tràn đầy ánh sáng lắm sắc nhiều màu, từ ánh sáng của trăng sao đến ánh sáng của cá và của biển. Tuy nhiều mức độ nhưng tất cả đều chói sáng làm cho cảnh sắc thêm rực rỡ tráng lệ rất huyền ảo mà vẫn thật là chân thực. Có người đã cho đó là cảnh cuộc sống đời thường đã phát tỏa hào quang. Âm của tiếng hát đã đi suốt bài thơ làm cho đêm đánh cá thật hào hùng vui tươi.
Ghi nhớ: Theo hành trình chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá nhà thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ về thiên nhiên vũ trụ và người lao động, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, bộ lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Bài thơ có nhiều sáng tạo trong xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tưởng phong phú độc đáo: có âm hưởng khỏe khoắn hào hùng lạc quan. |
♦ Trích ý kiến của Huy Cận về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
Sau cách mạng tháng Tám, tôi có dịp viết về vẻ đẹp sông nước khi ở vùng biển Hạ Long. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của tôi được viết trong những tháng năm đất nước lúc đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng rất phấn khởi. Cả một vùng than, vùng biển đang hăng say lao động từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả hoàng hôn cho đến bình minh. Đoàn thuyền đánh cá lấy thời điểm xuất phát khác với lệ thường lúc mặt trời lặn và trở về trong ánh bình minh chói lọi. Khung cảnh trên biển khi mặt trời tắt không nặng nề tăm tối và mang vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật trong quy luật vận động tự nhiên của nó. Ở đây, tôi đã miêu tả tạo vật với cảm hứng vũ trụ. Nếu trước cách mạng, Vũ trụ ca còn buồn thì bây giờ vui, trước là tách biệt, xa cách với cuộc đời thì hôm nay lại gần gũi với con người. Bài thơ của tôi là một cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên và con người đã chiến thắng. Tôi coi đây là khúc tráng ca, ca ngợi con người trong lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui. Bài thơ cũng là sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn. Chất hiện thực của khung cảnh lao động trên biển cả khi vùng biển đã về ta. Và chất lãng mạn thì cũng không cần phải tưởng tượng nhiều, ở giữa cảnh trời biển cao rộng đó, với gió với trăng rồi bình minh và nắng hồng và đặc biệt là sức người trong lao động đều thực sự mang tính chất lãng mạn, bay bổng.“Thuyền ta lái gió với buồm trăng”,“Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Cảm hứng và hình ảnh ấy rất thích hợp với lao động trên biển. Tôi nghĩ rằng trong khung cảnh đó cũng không thể viết khác đi. Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh đẹp của một ngày mới khi đoàn thuyền đang trở về, các khoang thuyền đầy ắp cá. Mở đầu bài thơ là hình ảnh “Mặt trời xuống biển" và kết thúc là hình ảnh "Mặt trời đội biển” nhô lên giữa sóng nước.
Thiên nhiên đã vận động theo một vòng quay của Mặt Trời và con người đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong lao động. Không có gì vui bằng lao động có hiệu quả.
Mai Thu