06/02/2018, 00:33

Tuần 15 – Đọc thêm" "Vi hành"

Tuần 15 – Đọc thêm” “Vi hành” Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Năm 1922, thực dân Pháp đưa vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa (một thứ hội chợ dành riêng cho các nước thuộc địa tổ chức tại Mác-xây). Trong thời gian này, Bác đã ...

Tuần 15 – Đọc thêm” “Vi hành”

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Năm 1922, thực dân Pháp đưa vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa (một thứ hội chợ dành riêng cho các nước thuộc địa tổ chức tại Mác-xây). Trong thời gian này, Bác đã viết truyện ngắn “Vi hành” cùng với một số tác phẩm như: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu, vở kịch Con rồng tre, sở thích đặc biệt. Mục đích của Bác là lật tẩy âm mưu của thực dân Pháp đưa Khải Định, hoàng đế của An Nam sang Pháp nhằm bày tỏ thái độ hoàn toàn thuần phục “mẫu quốc” và cảm tạ ơn khai hoá của “mẫu quốc” cầu xin “mẫu quốc” tiếp tục dìu dắt An Nam trên con đường văn minh tiến bộ. Như vậy chứng tỏ tình hình Đông Dương đã ổn định. Đó là điều kiện quan trọng để chính phủ Pháp yêu cầu nhân dân Pháp ủng hộ đầu tư lớn vào Đông Dương để tiếp tục khai hoá văn minh cho dân bản xứ mông muội này.

Ngoài mục đích vạch trần chân tướng của bọn thực dân, truyện “Vihành" vạch trần bản chất bù nhìn tay sai dơ dáy của Khải Định. Với truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc nhằm vào độc giả người Pháp, đặc biệt là người Pháp ở Pa-ri để làm rõ tính chất bịp bợm của những danh từ “văn minh”, “khai hoá”, “bảo hộ” của chủ nghĩa thực dân Pháp. Truyện viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp ra ngày 19-2 -1923.

2. Từ việc tạo ra tình huống nhầm lẫn thú vị, độc đáo, "Vi hành" phơi bày bản chất bù nhìn, tay sai, hại dân bán nước của Khải Định. Đồng thời, truyện vạch trần âm mưu thủ đoạn của bọn thực dân, thái độ thù địch của chúng đối với người Việt Nam yêu nước và cách mạng.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện mở đầu bằng một tình huống oái oăm, vừa vui vừa tạo được hiệu quả châm biếm sâu cay. Đó là tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái người Pháp trong chuyến tàu điện ngầm: nhìn người An Nam (nhân vật tôi) và cho đó là Khải Định.

Tình huống nhầm lẫn tưởng như vô lí nhưng lại rất có lí, vì người Tây rất khó phân biệt được bộ mặt khác nhau của người da vàng (mắt xếch, mặt bủng như vỏ chanh có gì khác nhau đâu) cũng như người châu Âu, da trắng mũi lõ mắt xanh như nhau cả. Nhờ sự nhầm lẫn mà hình ảnh Khải Định được miêu tả vừa rất khách quan lại vừa thật hài hước.

Tạo ra tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái trong chuyến tàu điện ngầm, nhân vật tôi tình cờ hiểu được nhiều điều qua câu chuyện thầm lén và tinh quái của họ, nhất là những lời bình luận về hoàng đế An Nam – Khải Định. Và thế là, dù Khải Định không hề xuất hiện trong truyện mà chân dung của y được dựng lên rất cụ thể và ngộ nghĩnh.

2. Chính phủ Pháp đưa Khải Định sang Pháp là một thủ đoạn chính trị vừa để vuốt ve ông ta, vừa để lừa gạt dân Pháp khiến họ tin rằng sự "bảo hộ" của nước Pháp được dân Việt Nam hoan nghênh. Các tình tiết của truyện "Vi hành" được hư cấu đều dựa vào sự kiện ấy. Với một tình huống giả tưởng độc đáo, đầy thú vị, tác giả đã dựng lên bức chân dung Khải Định đầy hài hước, dù hắn không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm. Các nét vẽ tuy không tập trung nhưng rất thống nhất và sắc sảo, đặc biệt nó được nhìn bằng con mắt của quần chúng Pháp chứ không phải từ con mắt của một nhà cách mạng đang mạt sát một ông vua bán nước. Phân tích Khải Định không thể bỏ qua những chi tiết, những lời đối thoại của đôi trai gái Pháp:

– "… Em thì em đã thấy hắn ở trường đua, trông hắn có vẻ nhút nhát hơn, lúng ta lúng túng hơn cơ, có cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn".

– "… Nhưng nhìn kĩ xem kìa! Chẳng phải vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh ấy đấy à?".

Khải Định danh nghĩa là đại diện cho cả một quốc gia. Vậy mà, hành động thì nhút nhát; trang phục, dáng điệu thì kì dị, mông muội;, và thảm hại hơn, cái giá của Khải Định còn không hơn được cả những trò du hí. Một ông vua rõ ràng là vô tích sự, không thể đáng tin, không thể nghị bàn chuyện quốc gia đại sự được.

Ngoài Khải Định, như đã nói, truyện còn ngụ ý châm biếm, đả kích bọn thực dân Pháp lúc đó. Chính phủ mời khách nhưng lại không tiếp đón, thậm chí còn không nhận biết được đâu là khách của mình, đó đã là một sự hài hước. Mục đích thì to tát, oai phong nhưng hành động thì lén lút, mờ ám khiến cho cái bản chất xảo trá của bọn quan thầy cũng theo đó mà tự lộ ra.

Truyện “Vihành" viết bằng tiếng Pháp bởi đối tượng mà tác giả muốn hướng tới chính là quần chúng Pháp. Qua chi tiết Nguyễn Ái Quốc viết về đôi trai gái Pháp, người đọc có thể hiểu được sự quan tâm, hiểu được những chuyện thời sự nóng hổi trong sinh hoạt giải trí của người dân Pháp. Sự bàng quan về chính trị và ham vui là những điều dễ nhận thấy nhất ở đôi trai gái Pháp (cũng là của người dân Pháp). Bởi vậy, rõ ràng việc đưa đôi trai gái Pháp với một câu chuyện đầy sáng tạo vào trong truyện vừa là để châm biếm, cũng vừa là để cảnh tỉnh nhân dân Pháp vì chính họ cũng đang bị những kẻ cầm quyền lừa bịp.

3. “Vi hành" thành công nhiều mặt về nghệ thuật. Ngoài việc xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, thú vị, thì hình thức nghệ thuật viết thư chính là sự lựa chọn nghệ thuật sắc sảo, đầy tài năng của người viết.

Truyện được viết dưới dạng một bức thư – một lối văn tự do, phóng túng và đa giọng điệu. Nhờ đó, mà người viết có thể chuyển cảnh đổi giọng, liên hệ tạt ngang và so sánh thoái mái, tự nhiên. Trong dung lượng hạn hẹp của một truyện ngắn, vậy mà đối tượng châm biếm không phải là ít và hiệu quả nghệ thuật cũng vậy.

Lựa chọn hình thức viết thư còn chứng tỏ sự thông minh, sắc sảo của người viết. Tất nhiên nó không chỉ có thể đem lại được những hiệu quả châm biếm đả kích đến nhiều đối tượng một cách tối ưu mà còn giúp tác giả tránh được sự dòm ngó và những phiền toái của nhà chức trách. Xét từ khía cạnh mục đích sáng tạo nghệ thuật, thì đây rõ ràng cũng là một sự thành công.

Mai Thu

0