22/06/2018, 09:32

Amenhotep III – Vị vua thời kỳ vàng son của Ai Cập

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 10/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Triều đại của pharaoh (pha-ra-ông) Amenhotep III đánh dấu thời kỳ thịnh vượng nhất của nền văn minh Ai Cập, cả về sức mạnh chính trị và những thành tựu văn hóa. Amenhotep là con trai ...

2617998-3x2-940x627

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 10/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Triều đại của pharaoh (pha-ra-ông) Amenhotep III đánh dấu thời kỳ thịnh vượng nhất của nền văn minh Ai Cập, cả về sức mạnh chính trị và những thành tựu văn hóa.

Amenhotep là con trai của Tuthmosis IV với người vợ lẽ Mutemwia. Ông trở thành vua ở tuổi 12, được mẹ cùng nhiếp chính. Thời kỳ đầu ông chọn con gái của một vị quan cấp tỉnh làm hoàng hậu. Trong giai đoạn về sau, Hoàng hậu Tiy thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà vua.

Được thừa hưởng một đế chế trải rộng từ sông Euphrates tới Sudan, Amenhotep duy trì vị thế Ai Cập chủ yếu qua ngoại giao và các cuộc hôn nhân giữa các hoàng tộc Mitanni (Syria), Babylonia và Arzawa (Anatolia). Ông là vị pharaoh đầu tiên đưa ra các thông cáo về cuộc hôn nhân của mình, các cuộc đi săn và các dự án xây dựng. Những thông tin này được khắc trên những con ấn lớn bằng đá hình bọ hung và được gửi đi khắp nơi trong đế chế.

Tại thủ đô Thebes, cung điện rộng lớn của nhà vua ở Malkata nằm gần đền thờ của ông. Đây là đền thờ lớn nhất trong lịch sử, địa điểm ban đầu được đánh dấu bởi hai bức tượng ‘Colossi of Memnon’ (hai bức tượng khổng lồ khắc hình Amenhotep). Mạng lưới kênh rạch và cảng rộng lớn nối những công trình này với sông Nile và tạo đường đi thẳng tới đền thờ mới của nhà vua tại Luxor và đền thờ thần Amun[1] tại Karnak.

Mặc dù Amenhotep coi Karnak là một phần trong chương trình xây dựng trên khắp đất nước, nhưng ông cũng khéo léo chống lại thế lực đang lên của giới tư tế thờ thần Amun bằng cách tuyên truyền đề cao thần mặt trời cổ đại Ra. Mặt trời cũng được tôn thờ như chiếc đĩa mặt trời Aten (trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại), và nhà vua cũng lấy tên hiệu là ‘Mặt trời chói lọi’ (Dazzling Aten).

Amenhotep III qua đời vào khoảng năm 1354 TCN và được chôn cất trong ngôi mộ khổng lồ nằm ở nhánh phía tây tách biệt trong Thung lũng các vị Vua. Con trai ông là Amenhotep IV kế vị, thường được biết đến với tên Akhenaten.

————————————————-

 [1] Thần bảo trợ của Thebes – ND

0