21/06/2018, 15:14

Aec là gì? tóm lược cơ bản về aec

Lịch sử hình thành AEC Năm 1992: khái niệm hội nhập kinh tế ASEAN lần đầu tiên được đưa ra trong Hiệp định khung về Thúc đẩy Hợp tác Kinh tế ASEAN ký tại Singapore. Hiệp định này nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng và khoáng sản, tài ...

Lịch sử hình thành AEC

Năm 1992: khái niệm hội nhập kinh tế ASEAN lần đầu tiên được đưa ra trong Hiệp định khung về Thúc đẩy Hợp tác Kinh tế ASEAN ký tại Singapore. Hiệp định này nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng và khoáng sản, tài chính và ngân hàng, thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, giao thông và truyền thông.

Năm 1992: Hiệp định về Chương trình Ưu đãi Thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) được ký kết, sau đó được thay thế bởi Hiệp định về Thương mại Hàng hoá ASEAN 2010

Năm 1995: Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN được ký kết

Năm 1998: Hiệp định khung về Đầu tư ASEAN được ký kết, sau đó được thay thế bởi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN 2012

Năm 2003: Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 9, các nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên tuyên bố mục tiêu hình thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Mục tiêu này cũng phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2020 thông qua vào năm 1997 với mục tiêu phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN.

Năm  2006: Tại cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 38, Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint) đã được đưa ra với các mục tiêu và lộ trình cụ thể cho việc thực hiện AEC.

Năm  2007: Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý đẩy nhanh việc hình thành AEC vào năm 2015 thay vì 2020 như kế hoạch ban đầu

Ngày 22/11/2015: Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập AEC.

Mục tiêu

Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, thông qua:

  • Tự do lưu chuyển hàng hoá
  • Tự do lưu chuyển dịch vụ
  • Tự do lưu chuyển đầu tư
  • Tự do lưu chuyển vốn
  • Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề
  • Lĩnh vực hội nhập ưu tiên
  • Thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp

Một khu vực kinh tế cạnh tranh, thông qua:

  • Các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh
  • Bảo hộ người tiêu dùng
  • Quyền sở hữu trí tuệ
  • Phát triển cơ sở hạ tầng
  • Thuế quan
  • Thương mại điện tử

Phát triển kinh tế cân bằng, thông qua:

  • Các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)
  • Sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN

Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua:

  • Tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác kinh tế
  • Nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu

Bản chất AEC

Mặc dù được gọi với cái tên “Cộng đồng kinh tế”, AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC

AEC thực chất là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần 04 mục tiêu kể trên (trong đó chỉ mục tiêu 01 là được thực hiện tương đối toàn diện và đầy đủ thông qua các Hiệp định và thỏa thuận ràng buộc đã ký kết, các mục tiêu còn lại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng lộ trình, khuôn khổ, thực hiện một số chương trình và sáng kiến khu vực).

AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới (không bắt buộc) của các nước ASEAN.

Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Hiệp định, Thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có).

Các Hiệp định chính trong AEC

Để hiện thực hóa AEC, rất nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Sáng kiến....đã được các thành viên đàm phán, ký kết và thực hiện. Trong đó các Hiệp định quan trọng và đưa thực thi tương đối đầy đủ là:

  • Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)
  • Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
  • Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP)
  • Các Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về một số lĩnh vực dịch vụ
  • Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)

So sánh các cam kết trong AEC với các FTA khác mà Việt Nam tham gia

Về tự do hóa hàng hóa: Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Cho đến nay, Việt Nam đã gần hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC.  

Về tự do hóa dịch vụ: các cam kết về dịch vụ trong AEC đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số gói cam kết dịch vụ gần đây của AEC, mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.

Về tự do hóa đầu tư: các cam kết về đầu tư trong AEC toàn diện hơn trong WTO và các FTA đã ký của Việt Nam nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam (việc thực thi các cam kết về đầu tư trong AEC không buộc Việt Nam phải sửa đổi pháp luật trong nước)

Về tự do hóa lao động: Cho đến nay việc tự do hóa lao động trong AEC mới chỉ dừng lại ở các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về trình độ của lao động có kỹ năng (thông qua xây dựng hệ thống đăng ký hành nghề chung) trong 8 ngành nghề, nhưng cho tới thời điểm hiện tại chỉ có 2 MRA đã được thực thi đầy đủ.

Giờ đây, Asean đã vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là trụ cột chính.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về AEC. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

laginhi.com là site con của Tải office được sát nhập vào tháng 12/2017
0