5 Đề nghị về tuyển sinh đại học
Về phía quốc gia có thể có các mục tiêu - yêu cầu sau đây: Thứ nhất, lựa chọn cho được những thí sinh có năng lực thích hợp hơn vào ĐH nhằm góp phần “đảm bảo chất lượng” và hiệu quả lâu dài của nền GDĐH; ...
- Về phía quốc gia có thể có các mục tiêu - yêu cầu sau đây:
- Thứ nhất, lựa chọn cho được những thí sinh cónăng lực thích hợp hơn vào ĐH nhằm góp phần “đảm bảo chất lượng” và hiệu quả lâu dài của nền GDĐH;
- Thứ hai, TSĐH phải góp phần điều chỉnh sự mất cân đối lớnhiện nay về trình độ, ngành nghề, vùng miền… từ đó, một mặt góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống GDĐH, mặt khác góp phần làm giảm bớt mất công bằng xã hội;
- Thứ ba, phải đảm bảo “sự công bằng về cơ may”;
- Thứ tư, đảm bảo an toàn và an ninh trong quá trình tổ chức TSĐH, hạn chế tiêu cực trong TSĐH
- Thứ năm, hạn chế những tốn kém không cần thiết hoặc vô ích.
- Về phía người dân, phía thí sinh, có thể có các mục tiêu - yêu cầu sau đây:
- Thứ nhất và trước hết là có được một chỗ ở ĐH. Ở đây cũng cần lưu ý là, nếu chỉ tiêu của Nhà nước lấy 25% chẳng hạn thì cứ 100 thí sinh sẽ có 25 thí sinh đỗ, 75 thí sinh rớt không phụ thuộc vào cách tổ chức hay phương thức thi tuyển.
- Thứ hai là chọn được một ngành nghề mà mình ưa thích và nghĩ rằng sẽ dễ xin được việc làm, có điều kiện phát triển… sau khi tốt nghiệp.
- Thứ ba là được đối xử công bằng về cơ may và thuận tiện trong việc dự thi.
Một số mục tiêu này, cùng các giải pháp để “kết nối” hai nhóm mục tiêu trên, thường “mâu thuẫn” nhau, ví dụ giữa việc chọn được người có năng lực thích hợp hơn và công bằng xã hội, giữa cân đối vùng miền và công bằng về cơ may…
Nếu đối chiếu các mục tiêu - yêu cầu nói trên với thực trạng công tác TSĐH vừa qua có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Việc tổ chức thi chung 1 đề đã tạo thêm cơ sở cho việc tổ chức thi an toàn, nâng cao chất lượng đề thi, xây dựng được một mặt bằng chung, thuận lợi cho việc thống kê đánh giá, đặc biệt là thuận lợi cho việc chọn được thí sinh có năng lực thích hợp hơn vào ĐH.
- Tuy nhiên việc giao chỉ tiêu cho các trường ĐH theo con số tổng cộng cũng như việc quy định trước điểm ưu tiên vùng miền (cộng thêm 1 điểm, 2 điểm) có lẽ không thể kiểm soát được các kết quả và từ đó không góp phần hiệu chỉnh được sự mất cân đối quá lớn hiện nay về cơ cấu của hệ thống và công bằng xã hội. Đặc biệt việc đưa ra trước các con số “Chọn nguyện vọng 1 nhiều nhất là 80%” (nghĩa là có thể chọn 60%, 70% vv…), đưa thêm nguyện vọng bổ sung v.v… tuy xuất phát từ ý tưởng tốt là để chọn người có năng lực thích hợp hơn vào ĐH nhưng thiếu cơ sở khoa học và còn dẫn đến việc thiếu công bằng về cơ may, “Luật chơi được đưa ra sau khi đã xảy ra cuộc chơi”, có thể nảy sinh tiêu cực.
- Cách tuyển vừa qua cũng đã dẫn đến kết quả mà ai cũng thấy, không ít thí sinh 12 điểm thì rớt mà 7-8 điểm lại đỗ. Điều đó có nghĩa, mục tiêu 1 là quan trọng nhưng không đạt được.
- Về mặt chi phí, vừa qua công sức của cơ quan bộ GD&ĐT, của lãnh đạo các trường ĐH, của thí sinh và của cả các phóng viên báo chí bỏ ra cho TSĐH là quá lớn. Công sức này khó lòng mà tính được bằng tiền bạc. Nhưng có lẽ, nó lớn hơn so với tất cả các con số chi phí của những kỳ TSĐH trước đây, nếu tính theo “chi phí cơ hội”.
Vừa qua, bộ GD&ĐT đã đưa ra “Bản thăm dò ý kiến về TSĐH”. Thiết nghĩ, bản thăm dò này đã đặt vấn đề dựa trên phương thức TSĐH năm 2002 và chỉ cải tiến kỹ thuật để phục vụ cho TSĐH năm 2003, chưa thấy những câu hỏi cơ bản như: Có nên thi “Trắc nghiệm khách quan” hay không? Làm sao để góp phần giải quyết bài toán cân đối hệ thống, sự công bằng về cơ may, v.v… Hệ quả của GDĐH thường có “độ trễ” khá dài. Vì vậy, dưới đây, xin nêu ra 5 đề nghị có tính cơ bản và dài hạn hơn.
Đề nghị 1: Tổ chức thi một đề chung theo phương pháp “trắc nghiệm khách quan” (TNKQ) ngay trong kỳ thi TSĐH năm 2003.
Hiện nay ai cũng rõ, TNKQ có ưu điểm là: a) Chọn đúng hơn những thí sinh có năng lực thích hợp; b) Bảo đảm được tính khách quan như chính tên gọi của phương pháp, tạo thêm sự bình đẳng về cơ may; và c) Giảm được chi phí thời gian, tiền của của xã hội. Điều lo lắng về “yếu thế” của TNKQ là khó đánh giá được khả năng tư duy, sáng tạo và diễn đạt. Về hạn chế này, có thể có 3 lý giải để chấp nhận: (1) Có thể chấp nhận được cho nền GDĐH đại trà, (2) Thực tế việc ra đề, chấm thi vừa qua cũng không đáp ứng được mấy việc đo đạc các khả năng nầy (Một số nghiên cứu cho thấy, hệ số tương quan giữa kết quả của TSĐH và của học tập ở ĐH rất thấp, như có thể bỏ qua được) và (3) Có thể khắc phục bằng câu hỏi nhiều lựa chọn dạng “Lập luận đánh giá” (Critical Reasoning) và một số câu hỏi tự luận ở dạng “Xử lý phân tích” (Analytical writing Assessment)
Các nước xung quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,… cũng đã tuyển sinh chủ yếu bằng TNKQ. Chúng ta cũng đã thí điểm và cũng đã có những bước chuẩn bị từ 1996. Khó khăn chủ yếu là ở việc ra đề thi, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi. Thiết nghĩ việc thi chung một đề và tổ chức thống nhất từ bộ GD&ĐT đã tạo được thuận lợi cơ bản cho việc này. Còn với thí sinh, có thể tổ chức luyện tập cho họ về TNKQ trong ba bốn tuần học tập là đủ. Ngoài ra, khi đó còn có thể tổ chức thi ở nhiều trung tâm hơn.
Đề nghị 2: bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các trường ĐH theo cả tổng số và cả nhóm ngành, vùng miền, đối tượng. Giao việc xét tuyển cho các trường ĐH
Chỉ có như vậy mới thực hiện được mục tiêu hiệu chỉnh cơ cấu của hệ thống và bài toán công bằng xã hội, không thể dùng cách quy định trước điểm chênh lệch giữa các đối tượng và khu vực để giải quyết bài toán trên (còn có thể gây thêm sự mất cân đối)
Khi đó, các trường ĐH thông báo trước cho thí sinh số lượng định tuyển theo nhóm ngành, vùng miền, các nhóm đối tượng, khối thi tương ứng và những môn có nhân hệ số, nếu có. Sau khi có kết quả thi chung, các trường ĐH dựa vào thống kê của Bộ để ước lượng “điểm sàn” của trường mình theo từng nhóm chỉ tiêu (khoảng 1,5 lần số chỉ tiêu) và công bố để thí sinh nộp đơn vào theo nguyện vọng của mình (có thể có 2-3 nguyện vọng nhưng bị hạn chế bởi “điểm sàn”). Các trường có thể tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung phần tự luận hay năng khiếu (nếu cần) trong số thí sinh này. Từ đó, trường ĐH lựa chọn thí sinh theo thủ tục từ trên xuống (mà không phải “xét”) theo từng nhóm chỉ tiêu. Điều này có nghĩa, giao chỉ tiêu và tổ chức thi tuyển là việc của bộ GD&ĐT, còn việc tuyển chọn cụ thể là việc của các trường ĐH; Với thí sinh, nguyện vọng sẽ được xác định sau khi có kết quả thi.
Đề nghị 3: Tổ chức 2 kỳ thi ĐH, mỗi kỳ đều có cả các khối A,B,C,D và một kỳ thi vào cao đẳng và trung học chuyên nghiệp
Có lẽ không nên ngại việc thí sinh dự thi 2-3 lần (trước đây đến 5-7 lần lại là quá đáng). Thường thì một người có một năng khiếu hoặc một sở thích liên quan đến một khối thi. A hoặc B, hoặc C, hoặc D và với mỗi người nên tạo cho họ ít nhất là 2 cơ hội, để tránh những trường hợp họ gặp phải bất trắc hoặc gặp phải một ngày không may mắn. Vả lại, đây cũng là điều kiện để cải thiện mục tiêu 1, chọn những người có năng lực thích hợp hơn vào ĐH.
Ngoài ra, GDĐH được hiểu là GD sau trung học phổ thông (THPT) và nền GDĐH Việt Nam đã từng bước chuyển sang nền GDĐH “đại trà” nên tất yếu buộc phải tổ chức theo kiểu “phân lớp ” (Stratification). Với cao đẳng và THCN, đương nhiên là nặng về dạy nghề / kỹ thuật. Năng lực yêu cầu và do đó thí sinh có năng lực thích hợp ở đây có phần khác so với ở ĐH 4 năm (không giải quyết việc này qua việc bỏ bớt một số câu hỏi trong đề thi chung hiện nay). Hơn nữa, đây cũng là để mở rộng thêm cơ hội dự tuyển cho thí sinh.
Đề nghị 4: Nghiên cứu và chuẩn bị trong 2-3 năm để sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH vào TSĐH.
Việc này cần nghiên cứu thêm, nhưng có thể cho rằng đây là một giải pháp tương đối hợp lý. Thi tốt nghiệp PTTH là cuộc “trắc nghiệm thành quả”, còn TSĐH là để chọn những người có khả năng thích hợp hơn, có ít nhiều màu sắc “trắc nghiệm năng lực”. Đề thi tốt nghiệp cần chú trọng hơn về “độ khó” thích hợp để đáp ứng yêu cầu đủ trình độ, còn đề thi TSĐH cần chú trọng hơn “độ phân biệt” để thấy rõ sự tương phản kết quả giữa các nhóm thí sinh. Tuy vậy, trong thực tế hiện nay sự khác nhau này gần như không có. Hơn nữa có lẽ cả hai kỳ thi đều nên tổ chức có tính chất quốc gia và theo phương thức TNKQ do bộ GD&ĐT thống nhất tổ chức. Vì vậy, có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH để thực hiện TSĐH nhằm giảm đi những “vất vả” không cần thiết. Việc này cũng sẽ tạo được sự chủ động hơn cho các trường ĐH, cho cả thí sinh khi ghi nguyện vọng và dễ giải quyết bài toán cân đối cơ cấu ngành nghề, vùng miền, trình độ và tạo thêm bình đẳng về cơ may. Tất nhiên việc ra đề thi càng khó hơn (câu hỏi thi phải gom được 2 yêu cầu trên).
Khi đó thủ tục tuyển chọn của các trường cũng giống như ở Đề nghị 2 nhưng không còn tuyển chọn theo khối A,B,C,D nữa mà các trường ĐH chỉ cần công bố trước số môn chọn vào trường mình trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, cần có những trung tâm khảo thí để hàng năm có thể tổ chức thêm một số đợt thi TNKQ một số môn học có yêu cầu để thí sinh cải thiện điểm nhằm đủ quyền nộp đơn vào các trường ĐH sau đó (ở Mỹ có 4 kỳ thi tương tự hàng năm)
Đề nghị 5: Tổ chức xây dựng đề án TSĐH theo kiểu “bài toán đa tiêu chí” và có sự tham gia của cộng đồng.