18/06/2018, 17:09

Tiểu thuyết Người con gái viên đại úy của Puskin – câu chuyện dùng sử để đọc văn và việc lấy văn để viết sử

Lê Thời Tân Dùng sử đọc văn và việc bỏ quên hình thức của cuốn tiểu thuyết “Sự thật lịch sử” về cuộc “chiến tranh nông dân 1773-1775 1 [5 tr.363] do E.Pugatsốp cầm đầu đã từng được Puskin trình bày trong cuốn “Lịch sử Pugatsốp” ( История ...

капитанская-дочка.jpg

Lê Thời Tân

  1. Dùng sử đọc văn và việc bỏ quên hình thức của cuốn tiểu thuyết

“Sự thật lịch sử” về cuộc “chiến tranh nông dân 1773-17751 [5 tr.363] do E.Pugatsốp cầm đầu đã từng được Puskin trình bày trong cuốn “Lịch sử Pugatsốp” (История Пугачева2) với các “sử liệu” và “kết luận lịch sử” cụ thể. Và rồi đến lượt sự thật lịch sử này lại trở thành chất liệu nghệ thuật cho nhà tiểu thuyết Puskin viết cuốn Người con gái viên đại úy (1836). Thời đại lịch sử được chiếm lĩnh trở lại lần nữa theo cách khác. Với Puskin, tiểu thuyết Người con gái viên đại uý là để trình bày một “sự thật lịch sử” riêng. Đó là sự thật của nhân cách, tâm hồn một Grinhốp, một Pugatsốp mà ta không tìm thấy trong các phẩm sử học, chẳng hạn cuốn Lịch sử Pugatsốp cũng của chính Puskin. Chúng ta hãy nhớ đến ý kiến của L.Tônxtôi trong một tác phẩm cũng gọi là “thiên bút kí” (Luyxernơ) về sự kiện đám nhà giàu trên dưới trăm vị sau khi nghe một người hát rong phục vụ trong nửa giờ, thay vào những đồng xu trả công lại chỉ ném vào chiếc mũ để ngửa những lời chế giễu: “Biến cố đó quan trọng, nghiêm chỉnh hơn và có ý nghĩa sâu sắc hơn tất cả các sự kiện đã được ghi chép lại trên các báo và trong các pho sử”.[8 tr.233-234]. Cũng như Puskin, Tônxtôi cho rằng văn học có mối quan hệ riêng của nó đối với lịch sử xã hội. Đáng tiếc cái chân tinh thần của mối quan hệ cách riêng của văn chương với lịch sử xã hội thường vẫn bị cách đọc của các nhà nghiên cứu phê bình nệ sử (và không chỉ mỗi nệ sử) làm cho sai lạc đi. Chỉ cần theo dõi một lượt các chú thích của các nhà biên khảo cuốn Alếchxanđơrơ Puskin – Tuyển tập Văn xuôi  (Nhà xuất bản Cầu Vồng, 1985)4 là đủ thấy vấn đề. Ta thử đọc lại tiểu thuyết này theo cách lướt qua những chỗ có chú thích đó – những chú thích tiêu biểu cho cái khuynh hướng mà chúng tôi tạm gọi là “dùng sử đọc văn”  bỏ quên hình thức của cuốn tiểu thuyết.

Tiểu thuyết mở đầu với câu: “Cha tôi là Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp, thời còn trai trẻ đã từng tòng ngũ dưới quyền bá tước Miních(2), và đến năm 17… thì về hưu với chức trung tá.”  Nhà biên khảo dành chú thích số 2 để chú cho cái tên  Miních: “Nguyên soái Miních B.K. (1683-1767) – nhà quân sự và nhà hoạt động xã hội, thống soái quân đội Nga. Sau cuộc đảo chính cung đình năm 1941 bị đày đi Xibiri, (…người dẫn lược một đoạn…) Ông già Grinhốp về hưu đúng vào lúc Miních thất thế năm 1741.” [5 tr.364]. Người đọc tiểu thuyết lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao nhà biên khảo lại có thể thực hiện được một sự “bổ sung” cho lời kể trong tiểu thuyết theo cách như thế? Và điều quan trọng hơn là – sự “bổ sung” thông tin trần thuật khẳng định cụ thể năm về hưu của (nhân vật) “ông già Grinhốp” này trong chốc lát cho ta thấy nhà biên khảo vô hình trung đã lẫn lộn lịch sử với tiểu thuyết như thế nào… Nhà biên khảo đọc tới đoạn cuối tiểu thuyết chắc sẽ biết người xuất bản khi xuất bản tập bút kí nhà Grinhốp đã “tự ý thay đổi một vài tên họ” (!). Chúng tôi cứ nghĩ rằng hai nhân vật bố và con nhà Grinhốp ở đây có thể không thuộc vào số các nhân vật đã bị “người xuất bản” “tự ý thay đổi … tên họ”5 nhưng chắc gì bố con nhà này là giả bên cạnh một nguyên soái Miních có thật?

Gặp khi tiểu thuyết nhắc đúng tên họ nhân vật lịch sử danh tính vang lừng (cỡ bá tước nguyên soái) lưu tên sử sách thì nhà biên khảo không tiếc công chú rõ lí lịch. Và tới chỗ một tên họ nhắc ra không đầy đủ nhưng căn cứ tình tiết tự sự áng chừng là đang nói đến “lịch sử” thì nhà biên khảo cũng tranh thủ cơ hội “khôi phục” người thật việc thực. Tiểu thuyết tự sự đoạn bố Grinhov tiễn con lên đường nhập ngũ, giao thư tiến dẫn với bạn cũ nhưng nay đã “làm to”: “Mày cầm bức thư này đưa cho ông Anđrây Karlôvích R.(8). Ông ấy là bạn đồng ngũ của tao đấy. Mày sẽ đi Ôrenburg mà tòng quân dưới quyền của Anđrây Karlôvích, nghe chưa?” Chú thích số 8 của nhà biên khảo: “Anđrây Karlôvích R. –  người mẫu của nhân vật này là tướng Ivan Anđrêêvích Reinxđorphơ, thống lãnh quân sự vùng Ôrenburg những năm 1768-1781.” [5 tr.364] Trong bức thư vừa nói có chỗ bố Grinhốp như tuồng đang nhắc đến “nguyên soái Miních”. Nhà biên khảo liền nhanh nhảu chú rõ “Đây là ý nói đến Miních B.K.” [5 tr.365] Cách chú như thế cho thấy người chú cho rằng đó là tên “viết” tắt của ông nguyên soái đã từng được chú thích rất kĩ phía trước – “nguyên soái Miních B.K.”. Thực tế tình tiết tự sự trong tiểu thuyết không phản ánh dứt khoát ý đó. Một độc giả tinh tế khi đọc đến đây có thể hiểu đó là viết/gọi tắt (người viết thư và người đọc thư là bạn cũ đều biết chuyện liên quan đến “ông Min.” này) mà cũng có thể hiểu người đọc thư vừa lẩm bẩm đọc thư theo lối chỗ đọc chỗ lược, hoặc đang đọc lại bỗng ngừng quay sang nói chuyện với người cầm thư đến. Xem ra sự “mô phỏng” bằng lời thế giới của những kẻ cũng đang dùng lời này của tự sự tiểu thuyết mới tế toái làm sao. Không hiếm khi cái “tường tận của sử học” dường như cũng đã làm mất đi cái tinh tế tự nhiên trong văn học. Chúng ta không thể không khâm phục công phu và uyên bác của nhà biên khảo bộc lộ ra ở những chú thích như chú thích số 41: “Vua Phổ Phriđrích II (1712-1786), một thống soái có tên tuổi, nhưng đã bị hàng loạt thất bại trước quân Nga trong cuộc Chiến tranh bảy năm (1756-1763) (Pugatsốp có tham gia cuộc chiến tranh này). Phriđrích II là con vua Phổ Phriđrích I Vinhem, vì vậy mà Pugatsốp gọi tên và phụ danh là Phiôđorơ Phiôđôrôvích (thực ra tên Phriđrích của Đức không tương ứng với tên Phêđô của Nga).” [5 tr.366] Một độc giả có vốn hiểu biết lịch sử như thế tất nhiên sẽ đọc sâu hơn tình tiết tiểu thuyết nhắc tên vị vua Phổ này. Nhưng một bạn đọc khác có thể chỉ hiểu đơn giản rằng chẳng qua một kẻ mù chữ như Pugatsốp nghe Grinhốp (chàng sĩ quan này hồi nhỏ có học chút tiếng Đức!) nhắc một cái tên Đức là lạ về cách phát âm – “Phriđêrích” như thế thì đã “nhắc lại” một cách “thuần Nga” hơn thành “Phiôđorơ Phiôđôrôvích” thế thôi!6

Đôi khi cái tư thế “dùng sử” để đọc văn nhà biên khảo hiện lên mồn một  qua chỉ với một vài câu từ. Tiểu dẫn tiểu thuyết này có đoạn:“Công việc viết “Người con gái viên đại uý” kết thúc vào năm 1836, những dòng cuối cùng được đề ngày 19 tháng Mười 1836.” [5 tr.364] Chúng tôi nghĩ dòng “19 tháng Mười 1836” này không thể/không nên là căn cứ khảo cứu thời gian sáng tác tác phẩm của nhà văn. Nó phải được tiếp cận (đọc hiểu) là dòng viết ra bởi (hình tượng) “Người xuất bản”. Dưới góc nhìn của tu từ học tiểu thuyết hoặc nói rộng hơn tự sự học nói chung, dòng đó cùng cấp với những dòng đề từ nói theo chính lời của Người xuất bản này là “câu giáo đầu thích hợp” dưới mỗi tên chương. Không đọc một tiểu thuyết như là một tu từ tự sự cụ thể thì nhà nghiên cứu sẽ mãi mãi tự giam mình trong những gian díu “thực/hư” vô cùng rối rắm. Tầng bậc và cấu trúc trần thuậtThử hỏi, nhà biên khảo có thể cho rằng những “câu giáo đầu thích hợp” xuất hiện dưới các tên chương tiểu thuyết ấy là hư cấu còn dòng chữ đề cuối trang tiểu thuyết “19 tháng Mười 1836” (còn gì chính xác hơn ngày tháng?!) kia chỉ là có thực chăng? Như ta đọc thấy các đề từ đó phần lớn đều là “ngôn từ” của những tác gia văn học tồn tại “khả chứng” trong lịch sử văn học Nga. Các đề từ là ca dao ngạn ngữ thì mọi người đều biết đến. Trường hợp nó “không có thực”, chẳng qua chỉ do Puskin bịa ra rồi gán cho một nhà văn (chẳng hạn, một trường hợp mà nhà biên khảo đã chỉ rõ ở chú thích 37, [5 tr.366]). Nhưng ta cũng có nói bài ngụ ngôn không có thực ấy rốt cuộc cũng đã xuất hiện giấy trắng mực đen trong văn bản tiểu thuyết. Vậy thì từ đó trở đi nó đã “có thực” rồi – bài ngụ ngôn của Puskin! Một bài ngụ ngôn mà đại thi hào đã “hào phóng” chuyển tác quyền cho nhà văn khác hoặc đôi khi chẳng phải “nhường tác quyền” gì mà đơn giản chỉ là một sự “giễu nhại, vu vạ”  bán công khai (!).

Tiểu thuyết Người con gái viên đại úy in chung với Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố trong sách “Alếchxanđơrơ Puskin – Tuyển tập Văn xuôi”. Không biết các nhà biên khảo tuyển tập này phản ứng như thế nào trước cũng những “thông tin tên đất-tên người” ở “tập truyện ông Benkin” kiểu: “Theo Ivan Pêtơrôvích nói, thì phần lớn những truyện đó đều là những truyện có thật mà ông đã nghe nhiều nhân vật khác nhau kể lại** (dấu chú thích của nhà biên khảo – LTT). Song hầu hết các tên họ trong truyện đều là do ông đặt bày ra, còn tên các làng các xã thì mượn ở vùng quê chúng tôi, cho nên tên làng tôi cũng có lần được nhắc đến. Sở dĩ như vậy không phải vì Ivan Pêtơrôvích có ác ý gì, mà chỉ vì ông thiếu óc tưởng tượng đó thôi.”7 Trong đoạn trên, chỗ (**) đã được chú thích và, một cách giản tiện – nhà biên khảo mở ngoặc chua thêm “Lời chú của A.X.Puskin”8 ra sau chú thích này. [5 tr.48] Chúng ta không “ngây thơ gàn gỡ” đến nỗi bảo rằng “lời chú” đó là không  phải của A.X.Puskin (trọn cả cuốn sách là của nhà văn này!) nhưng chúng ta phải biết rằng lối khảo cứu cho rằng kẻ kí tên “A.P” cuối văn bản “Lời Nhà Xuất Bản” ở đầu “Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố” chính là Puskin bộc lộ một cách dùng sử đọc văn khá thô thiển. Như vậy là trong  Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cốcũng xuất hiện một hình tượng nhân vật gọi là “người xuất bản” tương tự. Chính “nhân vật” này đã “biên tập” “giới thiệu” “xuất bản” cái gọi là tập truyện của ông Benkin.9 Chỉ có điều khác với tiểu thuyết Người con gái viên đại úy, hình tượng này xuất hiện ngay từ đầu (Y “tự” viết tắt tên họ của mình là “A.P”). Hình tượng này kí tên viết tắt A.P. dưới một văn bản nhan đề Lời nhà xuất bản mở đầu“tập truyện” đó đã hắt một bóng nó xuống suốt tác phẩm đến tận lúc ta đọc xong truyện ngắn sau của cái gọi là “tập truyện của ông Benkin” bắt gặp câu chót đầy ý vị – câu “Truyện của ông Benkin đến đây là hết.” [5 tr.49]

Thực ra, một bạn đọc không cùng thời với Puskin, và không có ám ảnh gì về cái gọi là “cuộc khởi nghĩa nông dân của Pugatsốp”10 khi lật trang đầu tiên tiểu thuyết Người con gái viên đại uýđọc câu mở đầu chương I – “Cha tôi là Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp, thời còn trẻ đã từng tòng ngũ dưới quyền bá tước Miních, và đến năm 17… thì về hưu với chức trung tá” [5 tr.240] – nhiều lắm cũng chỉ có thể áng chừng câu chuyện xảy ra vào khoảng thế kỷ XVIII. Chi tiết thời gian chỉ năm cụ thể bị bỏ trống trong dòng trần thuật câu trên đây là rất đáng chú ý. Nó dường như  ngầm biểu hiện một cách ý vị tình tiết chuyện cũng như tính cách nhân vật. Thân phụ Grinhốp tính khí quyết đoán, nóng nảy và kiệm lời chắc cũng chẳng mấy khi nói chuyện thân tình gì với cậu con trai. Thành thử Grinhốp khi kể chuyện bố mình cũng không biết đích xác năm mà ông cụ về hưu! Phải mãi đến chương VI của tiểu thuyết, bạn đọc mới có thể xác định được năm tháng lịch sử cụ thể: “Trước khi bắt đầu vào kể những biến cố kỳ lạ mà tôi được chứng kiến, tôi thấy cần nói vài lời về tình hình tỉnh Ôrenburg vào cuối năm 1773” [5 tr.283]. Toàn bộ đoạn gọi là “nói vài lời về tình hình” lịch sử cụ thể này không dài và bị người kể chuyện cố tình biến thành một đoạn có tính chất ngoại đề, tuồng như chỉ là bổ sung tý chút về khung cảnh lịch sử để tiện hình dung câu chuyện chính. Người kể chuyện nói ngay từ đầu đoạn: “Trước khi vào kể những biến cố kỳ lạ” và kết thúc đoạn đó bằng một câu ngắn gọn: “Tôi xin trở về câu chuyện đang kể”. Bản thân đoạn này cũng chưa nói thẳng vào “cuộc khởi nghĩa” của Pugatsốp. Năm thời gian với con số chính xác đó chỉ xuất hiện thêm một lần nữa ở chương cuối cùng – không phải là trong khu vực thoại ngữ trần thuật của người kể chuyện mà là trong một lá thư của nhân vật viết do yêu cầu tường trình hành tích của Grinhốp với toàn án. Chuyện kể trực diện về Pugatsốp thì đã dừng lại từ hai chương trước đó. Thông tin về kết cục của Pugatsốp (bị xử trảm) được người xuất bản tập bút kí của Grinhốp kể bổ sung trong đoạn “phụ kèm” cuối cuốn sách theo cách lấy thông tin từ gia phả dòng họ Grinhốp: “… rằng ông (tức Grinhốp – LTT) có đi dự buổi xử tử Pugatsốp. Pugatsốp trông thấy ông ta trong đám đông và có gật đầu chào, cái đầu ấy một phút sau đã rơi xuống, máu me đầm đìa và được giơ lên cho dân chúng xem. Ít lâu sau Piốt Anđrâyêvich cưới Maria Ivannôpna” [5 tr.358]11 Sự kiện xử trảm Pugatsốp được nhân vật tự xưng là người xuất bản (thiên bút ký Grinhốp – LTT) kể ra với một giọng không long trọng gì cho lắm nếu không muốn nói là hoàn toàn không trọng thị (nếu là trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử đích thực, hay nhằm chủ đề ca ngợi lãnh tụ khởi nghĩa, chắc đây phải  là một cảnh được dồn bút mực. Ít ra sự tuẫn nạn của người anh hùng  cỡ đó cũng không bị “trần thuật” ra bên ngoài mạch tự sự chính của tác phẩm). Vả chăng sự kiện đó như ta đọc thấy trong tiểu thuyết, cũng không có thời gian ghi chép cụ thể.12 Trong thực tế lịch sử, Pugatsốp bị xử chém vào năm 1775. Tiểu thuyết không mô tả thời gian cụ thể vụ xử chém đó, tiểu thuyết chỉ quan tâm đến năm ra tù của Grinhốp – nhân vật hư cấu của thiên truyện: “Đến đây là hết những trang bút kí của ông Piốt Anđrêêvích Grinhốp. Qua gia phả nhà ông, người ta biết rằng ông được thả ra khỏi nhà giam vào cuối năm 1774 theo lệnh của nhà vua;…” [5 tr.348] Nhân tiện cũng phải nói thêm rằng trong suốt cuốn tiểu thuyết dù là trong trần thuật dưới nhãn quan của Grinhốp hay là trong trần thuật từ ngôi thứ ba của một kẻ gọi là người xuất bản13 xuất hiện bất thần ở cuối cuốn tiểu thuyết, không ở đâu Pugatsốp được gọi đầy đủ tên họ ngoại trừ một lần duy nhất ở trong bức thư thông báo hành tung giặc cướp Pugatsốp cho đồn trưởng Bêlôgo – nơi mà Grinhốp đang lưu trấn (Chương VI). Pugatsốp không thể là nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Lần đầu tiên nhân vật này xuất hiện trong dòng tự sự của tiểu thuyết là quãng chương II, nhưng cũng không phải là được giới thiệu chính diện. Phải qua vài chương nữa độc giả mới biết người đàn ông dẫn đường cho Grinhốp (rồi đòi tiền công bằng rượu và chiếc áo lông) ở chương II tiểu thuyết đó là Pugatsốp. Dù muốn dù không ta buộc phải thừa nhận rằng miêu tả đầu tiên về Pugatsốp ở chương II này gợi cho độc giả hình ảnh một gã đàn ông du thủ du thực, lang bạt kì hồ, hành tung đáng ngờ. Tiếp đến ba chương tiếp theo vẫn là chuyện của Grinhốp. Mãi tới chương VI độc giả mới thấy xuất hiện cái tên “Pugatsốp” (trong tờ thông báo đề phòng quân phiến loạn). Trần thuật về Pugatsốp cũng bị bỏ lửng ở chương XII trước lúc tiểu thuyết kết thúc những hai chương (chương kết thúc là chương XIV). Nhân vật lịch sử nữ hoàng Nga xuất hiện trong chương cuối cùng của tiểu thuyết. Sự xuất hiện của nhân vật lịch sử này là để đáp ứng yêu cầu cốt truyện cơ bản của tiểu thuyết: vợ Grinhốp đánh liều lên kinh thành gặp nữ hoàng để kêu oan cho chồng! Dăm ba tướng lãnh quân đội Nga thời đó được nhắc đến trong dòng trần thuật vỏn vẹn như những cái tên (họa chăng chỉ có thân sinh của Grinhốp biết rõ những vị đó, vì ông như ta thấy trong truyện – thường xuyên đọc cuốn Niên lịch triều đình có in kèm “danh sách các quan chức văn võ cao cấp…” (theo chú thích số 6 của nhà biên khảo).

Nói tóm lại, câu chuyện chính khởi thuật từ đầu đến cuối tiểu thuyết là câu chuyện Grinhốp chứ không phải là câu chuyện Pugatsốp. Một người đọc cẩn thận tác phẩm này của Puskin cũng sẽ thấy trong suốt cuốn tiểu thuyết không có chỗ nào mà cuộc nổi loạn của viên thủ lĩnh người Cô dắc Pugatsốp được gọi là “khởi nghĩa”. Trần thuật trong tiểu thuyết nhất loạt dùng các từ бунт/бунтовщик và мятеж/мятежник (“phiến loạn”, “phản loạn”) mà không hề có từ восстание – “khởi nghĩa.14 Coi đó là cuộc “khởi nghĩa” và không giấu thái độ mặc nhiên ca ngợi “nghĩa quân” Pugatsốp là chuyện của các nhà biên khảo tác phẩm của Puskin (chúng tôi cho rằng một khi đã chọn dùng cách nói “Пугачёвское восстание” hay là “Пугачёвский бунт”thì mặc nhiên cũng đã bày tỏ rõ ràng một tư thế đọc hiểu Puskin rồi). Thái độ đó bộc lộ ra trong nhiều chú giải công phu nhuốm đậm màu sắc “sử học”.15 Các chú giải đó chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong việc làm hình thành một nếp đọc mới cho bao thế hệ độc giả Puskin.

Thực ra, một độc giả Nga với một vốn kiến thức văn học nhất định chắc sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều với các đề từ bên dưới đề mục các chương, các đề từ mà về sau lúc đọc đến trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, độc giả mới xác định được đó là những “câu giáo đầu thích hợp” do một kẻ (tự) gọi là Người xuất bản (Издатель) thêm vào. Lần lượt qua từng chương, các đề từ đó như tuồng cũng là một cách “dõi theo” bước đường nhân vật chính thiên truyện Grinhốp. Chúng gợi dựng sắc điệu thấu cảm thế cuộc nhân sinh hơn là ám thị độc giả chú mục vào lịch sử. Độc giả tiểu thuyết này sẽ chú ý tới một điều là phần đa các đề từ dưới mỗi tên chương đó đều lấy từ các tác phẩm văn học của các nhà văn Nga tên tuổi (các đề từ lấy từ văn học dân gian thực ra cũng là rút ra từ các cuốn sưu tập – tuyển chọn của các nhà văn Nga nổi tiếng). Tri thức về các tác phẩm được trích dẫn cũng như tri thức về các nhà văn tên tuổi đó dường như chính là một sự chuẩn bị tâm thế để độc giả theo chân nhân vật chính đi xuyên ngang một biến cố lịch sử. Và khi  tự sự tiểu thuyết hạ màn chính là lúc độc giả chia tay cùng chủ nhân thiên bút kí Grinhốp cùng lời chào của kẻ có mặt ngay từ đầu nhưng giờ mới ra mặt và lên tiếng – “người xuất bản”. Một bạn đọc ngây thơ có thể tin rằng Người con gái viên đại uýlà “bút kí của ông Piốt Anđrêvich Grinhốp” ở tỉnh Ximbiếccơ được một kẻ tự xưng là Người xuất bản xuất bản ra với “sự thoả thuận của con cháu ông” (cũng giống như, ngược lại – một nhà phê bình nào đó tự tin rằng bài thơ tình viết bởi nhân vật Grinhốp trong cuốn tiểu thuyết này chẳng hạn, là một thi phẩm đáng đọc của đại thi hào A.Puskin, trong lúc đáng lẽ ra phải “phục” nhà tiểu thuyết kiêm đại thi hào đã cố gắng “hạ mình” như thế nào để viết được một bài thơ vừa tầm với nhân vật), nhưng nhà nghiên cứu thì hoàn toàn phải biết rằng lời Người xuất bản ở cuối cuốn sách là một phần của cấu tạo hình thức cuốn tiểu thuyết. Chính trong đoạn văn có tính chất “phụ lục” ở cuối tác phẩm của Người xuất bản này, kết cục thực sự của ba nhân vật chính cuốn tiểu thuyết (cũng chính là nhân vật chính của thiên bút kíGrinhốp) được thông báo một cách ngắn gọn. Các kết cục được trần thuật từ ngôi thứ ba – hình tượng Người xuất bản này trong phút chốc đã hắt ngược một bóng râm xuống toàn bộ thiên truyện từ trang chót cho đến tận đầu đề của cuốn tiểu thuyết.

Sự xuất hiện của hình tượng nhân vật “người xuất bản” với đoạn “kết từ” cuối tác phẩm rõ ràng cũng đã tạo nên cảm thức lịch sử do chỗ phản ánh một khoảng cách về thời gian (hiện tại xuất bản thiên bút kí với sơ đời chủ nhân thiên bút kí đang sống). Cái  khoảng cách biểu thị ra trong đoạn có tính cách như là một “lời bạt” đó quả thực đã khiến ta phải chú ý tới lịch sử nhưng chủ yếu đó vẫn là lịch sử của một đời người một dòng họ nhân vật chính thiên tiểu thuyết chứ không phải là cái lịch sử lớn chứa đựng biến cố Pugatsốp. Một điều quan trọng không kém nữa là, xuất hiện trong tính cách là phần “kết” cho văn bản tác phẩm đoạn “lời bạt” cũng đã cho ta thấy một lịch sử  khác – lịch sử của một “bản thảo”16 hơn là lịch sử của quốc gia. Bản thảo đó may thay  cho văn học Nga đã được xuất bản ra thành “Người con gái viên đại úy”!

  1. Lấy “văn viết sử” và việc hiểu sai chủ đề cuốn tiểu thuyết

Cách gọi Người con gái viên đại úy là tiểu thuyết lịch sử đã trở nên quá phổ biến. Thế nhưng cá nhân chúng tôi trước sau cho rằng gạt bớt ám ảnh về cái gọi là “khởi nghĩa nông dân” cùng cảm thức ca tụng anh hùng nghĩa quân chung chung để tiếp nhận cho đúng tiểu thuyết này là một điều cần thiết. Puskin từng nói: “Trong thời đại chúng ta, chúng ta hiểu tiểu thuyết là thời đại lịch sử được phát triển trong một câu chuyện hư cấu” “В наше время под словом роман разумеют историческую эпоху, развитую в вымышленном повествовании” (Các nhà văn Nga bàn về công việc nhà văn, tiếng Nga, tr.223). Nói “thời đại lịch sử được phát triển trong một câu chuyện hư cấu” tức là nói đến “mô tả” vận động của lịch sử trong một giới hạn thời gian hoặc nói thời đại nhất định. Ngược lại – chúng tôi nghĩ, nếu để thời đại lịch sử được phát triển trong chuỗi  hoặc nói hệ thống biến cố (biên niên hoặc đoạn đại) đơn thuần, thì đó lại là công việc của tác phẩm sử học. Nhưng ở đây Puskin đang nói về tiểu thuyết. Nhà văn phải có “câu chuyện hư cấu” của mình. Chúng ta không hiểu đơn giản “hư cấu” là những điều không có thật, còn “thời đại lịch sử” và “câu chuyện hư cấu” là hai cái tách rời, để rồi sau đó được lồng vào nhau nhằm tạo ra một cuốn tiểu thuyết. Ở đây, chúng ta nói đến “sự tưởng tượng, chiêm nghiệm, giả định để lĩnh hội lịch sử” [7 tr.20], nói đến cách tiếp cận của nghệ thuật đối với cuộc sống. Câu chuyện của nhà văn không phải là một hình tượng nào đó dùng để lồng thời đại lịch sử vào. Câu chuyện đó nảy sinh bởi mối quan hệ của các nhân vật được nhìn nhận từ một tư tưởng, quan điểm nào đó. Và chính tư tưởng này không thể tách rời với sự nhận thức rút ra từ sự vận động của thời đại lịch sử. Chính chúng làm nên chủ đề chung của cuốn tiểu thuyết.

Khác với tự sự văn chương, sử học chú ý đến nhân vật nổi bật nhất của thời đại. Sử học cũng có câu chuyện của nó – câu chuyện kể về mối quan hệ của nhân vật nổi bật nhất đó với các nhân vật khác, thường cũng là nổi tiếng. Thế nhưng trong thực tế đời sống, nhân vật nổi bật nhất ấy đã quan hệ với bao nhiêu con người cụ thể? Tiểu thuyết gia có thể sẽ loay hoay với câu hỏi này trong lúc một sử gia thì chẳng bao giờ phải để ý đến. Chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết – chương Ra toà kể chuyện người con gái viên đại uý đi gặp nữ hoàng Nga để minh oan cho chồng. Grinhốp kể chuyện Masa (lúc đó Grinhốp và Masa còn chưa cưới nhau) trên đường lên kinh nghỉ lại ở một trạm xe thư gần chỗ hành cung của nữ hoàng. Vợ của ông trưởng trạm xe thư “là cháu của người chuyên đốt lò sưởi trong cung, và mách bảo cho nàng rõ tất cả những điều bí mật của sinh hoạt trong triều đình. Bà ta kể cho nàng nghe những là đức nữ hoàng ngủ dậy lúc mấy giờ, mấy giờ thì xơi cà phê, mấy giờ thì đi dạo, những lúc ấy thì có quan đại thần nào bên cạnh bà; những người hôm qua khi ăn trưa bà đã có lòng nói những gì, đến tối bà tiếp ai, nói tóm lại câu chuyện của Anna Vlaxiepna có giá trị bằng mấy trang sử ký và có thể là một tài liệu rất quý giá đối với hậu thế”  (người dẫn nhấn mạnh bằng in đậm; nguyên tác: словом, разговор Анны Власьевны стоил нескольких страниц исторических записок и был бы драгоценен для потомства) [5 tr.345]”. Không khó khăn gì lắm để có thể cảm nhận được đằng sau câu trần thuật tựa hồ như là một ngoại đề đó cái ý thức của một tiểu thuyết gia. Bạn đọc còn có thể bắt gặp trực tiếp ý thức đó ở một nơi khác trong cuốn tiểu thuyết: “Tôi sẽ không kể lại cuộc vây hãm thành Ôrenburg, vì cái đó thuộc về sử học, chứ không thuộc phạm vi bút ký gia phả như thế này” (nguyên tác: Не стану описывать оренбургскую осаду, которая принадлежит истории, а не семейственным запискам.” [5 tr.312]. Thực ra cái việc “thuộc về sử học” đó, Puskin đã thực hiện ở công trình Lịch sử Pugatsốp. Đó là một việc mà Puskin tiến hành gần như song song với công việc sáng tác cuốn tiểu thuyết Người con gái viên đại uý,hoặc nói như trong phần kết của cuốn tiểu thuyết này – đó chính là một việc có liên quan đến thời đại Grinhốp: “Bản bút kí viết tay của Piốt Anđrêvich Grinhốp là do một người cháu nội của ông trao cho chúng tôi, khi người này biết rằng chúng tôi đang tiến hành một việc có liên quan đến thời đại mà tổ phụ mình có miêu tả.” (chúng tôi nhấn mạnh bằng in đậm – LTT) [5 tr.438-439]. Có thể nói rằng “việc có liên quan đến thời đại…” mà người xuất bản xuất bản tập bút kí của Grinhốp “đang tiến hành” chính là sự ám chỉ công việc nghiên cứu sử học của công trình Lịch sử Pugatsốp (1883-1884)mà Puskin đang tiến hành trong cùng thời gian viết cuốn tiểu thuyết Người con gái viên đại úy. Nói cách khác, bên cạnh nhận thức khoa học lịch sử khách quan, Puskin còn muốn có một khám phá đời sống chủ quan của văn học. Tiểu thuyết không nên là một hình thức phục vụ riêng cho sử học, hoặc chỉ là một sự bổ sung cho nhận thức chân lý lịch sử – đời sống của sử học. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự tồn tại song song của tự sự lịch sử và tự sự văn học (có quan điểm cho rằng sự khác biệt giữa tự sự sử học và tự sự tiểu thuyết không phải là sự đối lập giữa cái gọi là hư cấu và cái gọi là thực lục). Tư liệu cho thấy đề cương Người con gái viên đại uý được phác ra ngày 31 tháng Giêng năm 1833. Sau đó một tháng, Puskin được phép tiếp xúc nghiên cứu một loạt tư liệu lưu trữ của triều đình liên quan đến cuộc nổi dậy của Pugatsốp. Lúc đó ông mới bắt tay viết công trình sử học nói trên. Người con gái viên đại uýhoàn thành vào năm 1836. Chúng ta có thể thấy sự song song trong công việc của một Puskin sử học và một Puskin tiểu thuyết. Sử học đã mô tả trừu lược đi mối quan hệ các cá nhân cụ thể cùng những sự kiện chung như là kết quả của những quan hệ trừu tượng – quan hệ giai cấp, dân tộc. Nhưng đây có phải là toàn bộ lịch sử và cuộc sống hay không?  Đó có phải là diễn biễn đích thực của đời sống không? Cái bản lai chân diện mục của đời sống nhân sinh chen chúc lẫn nhau giữa số ít anh hùng/hero thành nhân vật của chính/liệt truyện và đám đông phong trào với bao thân phận “mảnh thân chiếc lá” là ở đâu? Văn học bù lại cho con người đương thời khoảng trống này. Đó là “câu chuyện hư cấu” mà Puskin nói đến. Thế nên chúng tôi cho rằng ít ra trong trường hợp Người con gái viên đại uýtừ một góc độ nào đóta đã có thể hiểu lật lại vấn đề mà Puskin đã nêu thành ra: “Tiểu thuyết là một câu chuyện hư cấu được phát triển ra trong cái khung một thời đại lịch sử”. Phải chăng đây cũng chính là cái hiệu quả tiếp nhận tác phẩm mà nhà văn muốn gây ra ở bạn đọc (và cơ quan kiểm duyệt của Nga hoàng)?

Đọc tiểu thuyết này của Puskin, độc giả bị cuốn hút theo chân Grinhốp. Câu chuyện Grinhốp mới là “ngôn ngữ” của cuốn tiểu thuyết. “Ngôn ngữ” ấy vang lên trong tai người đọc nhiều điều, trong đó có tiếng nói của thời đại lịch sử. Thật đáng tiếc khi chúng ta cứ phân tích nhân vật Pugatsốp trong tiểu thuyết hoàn toàn như một người có thực – “lãnh tụ khởi nghĩa nông dân” Nga thời gian 1773-1775 (tiện thể nói thêm, người ta trên thực tế vẫn thường phân tích hình tượng nhân vật trong văn học như là phân tích bình luận một người có thật ngoài đời vậy. Trong văn học, việc không ý thức được nhân vật là người trên giấy cũng phổ biến như việc không phân biệt vai diễn và nhân vật trong phân tích kịch vậy). Ở tác phẩm Người con gái viên đại úy tình hình có đúng là: “Câu chuyện thứ nhất (câu chuyện Grinhốp – LTT) đã “chở” câu chuyện thứ hai (câu chuyện Pugatsốp – LTT)đi một cách tài tình, công khai, hợp pháp. Thế là Puskin khéo léo dẫn dắt ta làm quen với nhân vật lịch sử lỗi lạc”?  [1 tr.161] Có thể nói được là“Thế là thiên tình sử “hợp pháp” của người con gái viên đại uý và thiên anh hùng ca “bất hợp pháp” về người anh hùng Pugatsốp đã lồng vào nhau một cách khéo léo, tạo nên một tiểu thuyết lịch sử”? [2 tr.318; 3 tr.106] Có phải ở tác phẩm này tồn tại hai câu chuyện và tác giả tìm cách nhấn mạnh đến câu chuyện Pugatsốp?

Trong cả Puskin – Nhà thơ Nga vĩ đại lẫn Lịch sử văn học Nga (2 tr.316-319; 3 tr.106-110), phân tích chung của nhà nghiên cứu khiến cho người đọc có cảm giác tiểu thuyết Người con gái viên đại uý đã bị đọc thành “truyện người lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Pugatsốp”. Hình tượng nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Grinhốp bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Tất nhiên, nhà nghiên cứu cũng có phân tích nhân vật Grinhốp, nhưng đoạn phân tích đó. lại gây cho ta cảm giác nhân vật chính Grinhôp giống như chiếc lá trong dòng nước lịch sử; Tính cách, tâm hồn của anh ta là do các biến cố bên ngoài tạo nên, thậm chí do cả nhân vật Pugatsốp gây nên nữa. Ta hãy nhớ lại ý kiến của Puskin: “Tiểu thuyết là thời đại lịch sử được phát triển trong một câu chuyện hư cấu”. Theo thiển ý của chúng tôi cách Grinhốp chiếm lĩnh lịch sử đời sống trong cuốn tiểu thuyết mới là quan trọng, chứ vấn đề không ở chỗ lịch sử đã cuốn chàng đi ra sao. Việc phân tích hình tượng Grinhốp của nhà nghiên cứu cũng chỉ đưa đến kết luận: “Qua nhân vật Grinhốp, Puskin đã miêu tả khá trung thực cuộc khởi nghĩa Pugatsốp và bản thân Pugatsốp.” [2 tr.318; 3 tr.108]. Cùng một tinh thần như vậy, trong sách Puskin – nhà thơ Nga vĩ đại, nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Số phận của các nhân vật hư cấu này sẽ phát triển ra sao, thăng trầm thế nào, lại đều gắn bó hữu cơ và được quy định bởi những biến cố lịch sử lớn lao và những hoạt động của các nhân vật lịch sử… … Không có dòng thác lịch sử lôi cuốn thì cuộc đời Grinhốp sẽ tuần tự trôi một cách phẳng lặng”.[1 tr.160] Thiết tưởng chuyện đó là một vấn đề hiển nhiên. Điều quan trọng hơn của chính cuốn tiểu thuyết, theo chúng tôi là xử lý nghệ thuật của nhà văn đối với hình tượng nhân vật trung tâm – hình tượng của một cái tôi kể chuyện và ứng xử của anh ta trong thiên truyện.

Ám ảnh bởi cái ý thức về tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét của mình về mâu thuẫn của Puskin khi nhà văn nói đến hậu quả của cuộc chiến tranh: “Nhà văn không tránh khỏi những hạn chế, mâu thuần khi nói đến sự thật khốc liệt, giao tranh đổ máu, phá hủy dữ dội với mức độ và quy mô chưa từng thấy. Nhà văn không tìm được cách giải quyết nào hữu hiệu hơn là mong cho những chuyên “điên rồ”, “tàn nhẫn” ấy đừng xẩy ra!” [2 tr.319; 3 tr.109]. Theo chúng tôi, thứ nhất, “cách giải quyết hữu hiệu” đó là nói đến cái kết luận tư tưởng của Puskin. Điều này chúng ta nên đòi hỏi ông ở nơi khác, ở Lịch sử Pugatsốpchẳng hạn, thích hợp hơn. Trên thực tế chính bản thân cái ước mong “đừng xẩy ra…” này mới chính là “kết luận” thực sự của cuốn tiểu thuyết. Kết luận đó là tiêu cực hay tích cực – câu hỏi này xem ra cũng khó như việc thuyết phục những người ca tụng lãnh tụ khởi nghĩa tin rằng thực tế mô tả trong tiểu thuyết về hành động quân nổi loạn có gì hơn ngoài những chữ như “cướp giết đốt phá”? Nhận xét của nhà nghiên cứu về cuốn tiểu thuyết càng tỏ ra bất cập khi nói về “ảo tưởng” của nhà văn: “Nhà văn cũng không tránh khỏi ảo tưởng khi miêu tả quan hệ tình cảm thân thiết, tin cậy giữa Pugatsốp và Grinhốp, hai đại biểu thù địch của hai giai cấp trong thời buổi khắc nghiệt như vậy.” [2 tr.319; 3 tr.109]. Nếu quả như thế thì tốt nhất Puskin đừng đưa “câu chuyện hư cấu” của ông ra, ông đừng tìm hiểu lịch sử bằng cuốn tiểu thuyết “không tránh khỏi ảo tưởng” này! Chúng tôi ngược lại, cho rằng chính mối quan hệ giữa Pugatsốp và Grinhốp đem lại cho cuốn tiểu thuyết sự thú vị đặc biệt.

Một ý kiến khác tuy đã nghiêng hẳn về hướng tiếp cận thi pháp học đối với Người con gái viên đại uý nhưng cũng không thoát khỏi sự phân tách đối tượng một cách phiến diện: “Và nếu Người da đen của Piôt đại đếlà một tiểu thuyết lịch sử chính cống thì Người con gái viên đại uýđược viết dưới hình thức bút kí lịch sử. Đây là bút kí của P.A.Grinhốp viết lúc già để dạy dỗ cháu trai: “Ta bắt đầu viết bút kí cho cháu, hay đúng hơn là viết lời tự thú chân thành, với niềm tin sâu sắc rằng nó sẽ có lợi cho cháu”. Điều quan trọng nhất trong Người con gái viên đại uý là mối quan hệ khăng khít giữa bút kí lịch sử với lời tự thú chân thành này, Puskin đã dùng phông lịch sử để tìm ra chân lý tự thú.” [4 tr.38]. Theo chúng tôi, chính “lời tự thú chân thành” mới là chân lí của đời sống lịch sử mà cuốn tiểu thuyết muốn khám phá. Dĩ nhiên chân lý này xa lạ với sử học, thậm chí xa lạ với cả tiểu thuyết lịch sử – hiểu theo nghĩa thông thường. “Lịch sử đích thực – là lịch sử cá nhân”. Cái “đích thực” mà Goorki nói ở đây chính là cái đích thực mà văn học muốn phô diễn. Sử học nhìn con người (thường là một số nổi tiếng) qua lịch sử. Nhưng nhà văn, ngược lại muốn nhìn lịch sử qua con người – con người bình thường. Không thể tách rời “bút kí lịch sử” với “lời tự thú”; Ở đây không có sự tách rời hai câu chuyện, chưa nói ở cấp độ kết cấu, ngay ở bề ngoài bố cục tác phẩm cũng không thể thấy điều đó. Cũng không phải là “Puskin đã dùng phông lịch sử để tìm ra chân lý tự thú… đã kết hợp truyện sử thi về những sự kiện lịch sử và bút kí gia đình; số phận các nhân vật, cuộc sống gia đình bình thường của họ đã được lồng vào những sự kiện lịch sử vĩ đại… Ông không tiếp cận sự kiện và nhân vật từ quan điểm chính thống của vương triều mà theo cách nghĩ của nhân dân.” [4 tr.38] Thực ra câu cuối của đoạn dẫn trên đây nên dùng cho cuốn Lịch sử Pugatsốp của nhà khảo cứu Puskin thì thích hợp hơn. Đó là quan điểm của Alêcxandrơ Xecgây Puskin, là một thế giới quan. Còn vấn đề trực tiếp của nhà nghiên cứu phê bình văn học ở đây phải là sự tiếp cận của một người viết tiểu thuyết, một người tiên phong của văn xuôi Nga, sau mười năm viết truyện ngắn, truyện vừa. Nhà văn đã tiếp cận cuộc sống không phải theo kiểu nhà sử học, vậy chúng ta cũng phải đến với cuốn tiểu thuyết của ông khác với cách đọc lịch sử thuần tuý.Chúng tôi tin tưởng câu chuyện màA.Trarđôpxki kể lại sau đây tiêu biểu cho thực tế trải nghiệm của những độc giả đã đọc cuốn sách của Puskin như đọc một một tác phẩm văn chương thực thụ: “Tôi đã biết và yêu thích Puskin từ cái tuổi còn say sưa nghe đọc hơn là tự mình đọc lấy… Người con gái viên đại uý cuốn sách đầu tiên trong đời do tôi tự đọc. (… …)Tôi còn nhớ là tôi đã hạnh phúc biết chừng nào khi tự mìnhkhám phá ra một câu chuyên mà mình chưa từng được nghe đọc(người dẫn nhấn mạnh bằng in đậm – LTT). Tôi đã say mê cuốn sách đó và cứ ngồi lì bên cửa sổ cho đến khi tối mịt, và khi bão tuyết đã nổi lên khắp thảo nguyên Orenburg  (nơi diễn ra các sự kiện liên quan đến cuộc chiến Pugatsốp – LTT) tôi mới nhận ra ngoài trời tuyết đang buông, và điều đó cho tới nay đã trở thành một ấn tượng không thể xóa nhòa được về sức mạnh nhiệm màu phát sinh từ trang sách của Puskin.” [5 trang bìa sau] Chắc hẳn A.Trarđôpxki rất rành về lịch sử cuộc chiến tranh Pugatsôp, ông đang ở ngay trên mảnh đất của cuộc chiến tranh đó, nhưng ông lại vẫn có được hạnh phúc của một độc giả tiểu thuyết thực sự khi “tự mình khám phá ra một câu chuyện mà mình chưa từng được nghe đọc”. Chúng tôi mạo muội cho rằng trong số những câu chuyện mà nhà văn Nga này từng được nghe (đọc) hẳn phải có không ít những chuyện về khởi nghĩa của người anh hùng Pugatsốp nhan nhản trong sách lịch sử và báo đài Xô-Viết!

Sự tách rời phiến diện về đối tượng nghiên cứu của tác giả bài Thiên tài của Puskin và tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại uýthể hiện rất rõ ràng trong đoạn dẫn trên đây, và cũng chính vì vậy nó khiến cho mọi sự phân tích về thời gian, không gian tác phẩm trong bài viết không thoát khỏi ảnh hưởng của chính sự tách rời ấy. Về cơ bản, chúng tôi không đồng ý với sự phân tích thời gian–không gian nghệ thuật của tác giả. Suy cho cùng chính việc phân tích ấy đã vô tình ảnh hưởng đến kết cấu chỉnh thể của cuốn tiểu thuyết. Người con gái viên đại uýkhông thể là câu chuyện của Pugatsốp. Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết này chính là Grinhốp. Một con người thể hiện mình trong nhiều biến cố nhân sinh. Grinhốp trong cơn ba đào của thời cuộc hiện lên như là một số phận, một tính cách. Đó là một con người trung thực, dũng cảm, đôn hậu. Grinhốp rơi vào tay “lãnh tụ khởi nghĩa nông dân” Pugatsốp nhưng không như viên sĩ quan Svabin cơ hội phản trắc; Grinhốp từng gọi Pugatsốp là tên phiến loạn, nhưng cũng đã thấy Pugatsốp như một con người dễ chịu, đàn ông hảo hán; Grinhốp trở về thành Orenburg, nhận ra sự nát bét của quan quân triều đình, nhưng không vì thế mà dễ dàng làm loạn (hoặc nói phản quốc), dù chỉ là để cứu được người yêu. Đó là “xử thế” của Grinhốp. Một xử thế của một sĩ quan cận vệ chân chính, một quý ông đích thực – kẻ đã giữ gìn danh dự từ khi còn trẻ trung  (đề từ của tiểu thuyết và cũng là lời của thân phụ tiễn con nhập ngũ).Chính cách tiếp cận lịch sử cuộc sống của nhà tiểu thuyết Puskin đã tạo ra cho Người con gái viên đại uý một kết cấu giản dị, hài hoà. Không thể nói tác giả “lồng” câu chuyện “chìm” về lịch sử vào câu chuyện “nổi” hư cấu được. Nếu có thể nói đến việc “lồng” các chuyện vào nhau thì trong trường hợp này độc giả sau khi đọc cho đến dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết sẽ phát hiện thấy có hai câu chuyện trong một tác phẩm – câu chuyện Grinhốp, kẻ xưng “tôi” để kể chuyện đời mình và câu chuyện về việc “xuất bản” thiên bút kí của Grinhốp hoặc nói câu chuyện về bản thân “một cuốn sách”.

  1. 3. Thay lời kết thúc: tiểu thuyết-lịch sử và cuộc đời

Dù sao thì cũng không thể phủ nhận Người con gái viên đại uý cũng là một tác phẩm đề cập đến lịch sử. Như ta thường thấy, sử học nhìn lịch sử qua triều đại, chế độ. Đó là lối nhìn vĩ mô, có một khoảng cách thời gian lớn. Trong thực tế đời sống, chúng ta hiểu lịch sử qua cách nào? Qua bố mẹ ngược lên ông bà đến các cụ tổ. Đến một chỗ nào đó thì mọi chuyện hút vào “ngày xửa ngày xưa” truyền thuyết. Người xuất bản thiên bút kí của Grinhốp chẳng phải đã bổ sung phần cuối cho câu chuyện bằng những thông tin lấy thêm từ “gia phả” dòng họ Grinhốp đó sao: “Đến đây là hết những trang bút kí của ông Piốt Anđrêêvích Grinhốp. Qua gia phả nhà ông người ta biết rằng ông được thả khỏi nhà giam vào năm 1774 theo lệnh của nhà vua” [5 tr.348]. Thông tin về kết cục của “lãnh tụ khởi nghĩa nông dân” nhân tiện cũng được thông báo bổ sung tại đây (thời gian tuẫn nạn không thấy ghi ra!) Có thể nói, trong chừng mực nhất định, người ta thường nhận ra lịch sử qua gia đình, dòng họ, qua các miền đất. Lịch sử của một dân tộc là gì nếu không phải tổng cộng và kế nối của lịch sử các dòng họ, các xứ sở hay miền vùng?17 Nếu hiểu như vậy thì ta có thể nói Puskin đã chọn được một hình thức rất thích hợp khi muốn đưa đến cho mọi người Người con gái viên đại uýhay là “tập bút kí” của Grinhốp – người con rể của viên đại uý. Những câu đề từ cho cả cuốn sách cũng như cho mỗi chương mà ông gọi là “giáo đầu” được đưa vào với tinh thần ấy. Đề từ cho cả cuốn sách: – Hãy giữ gìn danh dự từ khi còn trẻ trung. Câu này được thân sinh của Grinhốp lặp lại ngay trong chương đầu của cuốn tiểu thuyết, tức phần đầu tiên của thiên bút kí Grinhốp. Grinhốp kể: “Cha tôi bảo:… phải nhớ lấy câu châm ngôn – phải giữ gìn áo quần khi hãy còn mới, phải giữ gìn danh dự tự khi hãy còn trẻ trung”.Đề từ cho chương I cuốn tiểu thuyết Trung sĩ quân cận vệ là cả một đoạn đối thoại dẫn từ tác phẩm của nhà văn tên tuổi Knhiagiơnhin:

– Vào cận vệ, nay mai thăng đại uý.

– Cần gì, vào quân chiến đấu là hơn,

– Phải đấy! Cho nó nếm mùi binh sĩ.

………

– Nhưng mà này, thế cha nó là ai ?

Xin lưu ý mấy chữ cha nó là ai. Hổ phụ sinh hổ tử, có nghiêm phụ thì mới có hiếu tử. Lịch sử của dân tộc là truyền thống của các dòng tộc. Gia đình, dòng họ sinh cho tổ quốc, quốc gia những người con công dân.Viên sĩ quan già về hưu Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp đã quyết định dứt khoát phải gửi người con trai Piốt Anđrêêvích lên miền biên ải để rèn luyện đời trai. Và thế là Piốt đi trấn ải xa: Cả một thiên tiểu thuyết đã mở ra trước mắt chàng, thiên tiểu thuyết về lịch sử thời thanh niên của một người lính chân chính. Một người lính lấy sự trải nghiệm của đời mình, số phận của đời mình để nhận thức bằng cả con người sự thật của chiến tranh, số phận của đất nước – cái sự thật, cái số phận chỉ được nếm trải bởi kiếp người trong cuộc chớ không thể là sự tổng kết khô khan trong kí tải của sử gia.Thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Trả lời câu hỏi thời cuộc, câu hỏi lịch sử cho rành mạch là điều không dễ. Nhưng điều chắc chắn là cuộc đời của người chồng cô con gái viên đại uý, cuộc đời của cô con gái viên đại uý cũng như cuộc đời con đại bàng thảo nguyên Orenburg Pugatsốp sẽ đem đến cho độc giả những kinh nghiệm sống nhất định.Như ta đã đọc thấy, nhân vật chính của chúng ta – chàng sĩ quan cận vệ Grinhốp, người chồng của cô con gái một viên đại úy rốt cuộc cũng đã sống qua thời chiến tranh loạn lạc. Vào lúc cuộc chiến tranh kết thúc, nhân vật đã cố gắng mô tả lại nó một cách chân thực: “Tôi sẽ không kể lại cuộc hành quân của chúng tôi và đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh. Chỉ xin nói vắn tắt rằng những thảm hoạ mà nó gây ra đã lên đến cùng cực. Chúng tôi đi ngang qua những làng mạc bị quân phiến loạn (бунтовщиками trong nguyên tác) đốt phá tan hoang, (… …) …tình cảnh của cả một vùng rộng lớn, nơi cuộc biến loạn hoành hành dữ dội thật là kinh khủng… Mong sao đừng bao giờ phải lại thấy một cuộc biến loạncủa dân Nga (русский бунт trong nguyên tác), điên rồ và tàn nhẫn cực độ” (chúng tôi nhấn mạnh bằng in đậm – LTT). [5 tr.337]

Lẽ nào câu cuối cùng trong đoạn trên lại không phải là tư tưởng của nhà văn? Một bạn đọc công bình đều thấy rõ quan quân triều đình thật là vô tích sự nếu không nói là thối nát, nhưng bạn đọc lẽ nào lại không cảm thấy bất an nếu đất nước quả thực sẽ được cai quản bởi những người như Pugatsốp (trần thuật của tiểu thuyết cho thấy thủ lãnh không biết đọc!) Và nhắn nhủ của tác giả thiên bút kí lẽ nào lại không phải niềm mơ ước của từng số phận con người trong cuộc chiến tranh: “Bạn đọc trẻ tuổi của tôi ơi, nếu những dòng ghi chép này có lọt đến tay bạn thì hãy nhớ rằng những sự thay đổi tốt đẹp và vững chãi nhất là những sự thay đổi nào thực hiện bằng cách cải thiện tâm tính, phong tục, không gây ra những cuộc rung chuyển thô bạo” [5 tr.347]. Nhà tiểu thuyết Puskin quan tâm đến những số phận con người trong cơn chinh chiến li loạn và ông đã “tìm đến” con cháu của một kẻ may mắn trở về từ cuộc chiến tranh để đưa cho chúng ta cuốn sách này cũng là vì tư tưởng ấy. Cái tư tưởng thuyết phục độc giả bằng câu chuyện về những cuộc đời, số phận cụ thể của một tiểu thuyết gia chứ không phải là của một người dùng hình thức tiểu thuyết để minh hoạ cho lịch sử đã qua – lịch sử  mà ông như tuồng đã “trực tiếp” thấy được qua những tư liệu trong kho lưu trữ của nhà nước.

___________________________

CHÚ THÍCH

1 Theo cách gọi trong phần giới thiệu bối cảnh lịch sử của tiểu thuyết Người con gái viên đại uý in trong Alêchxanđrơ Puskin – Tuyển tập văn xuôi, Nxb.Cầu vồng, M.1985, tr.363.

2 Xem  А.С. Пушкин. Собрание сочинений в шести томах. Том 6, М., “Правда”, 1969. Hoặc xem tập 8 của bộ Пушкин А. С. Полное собрание сочинений: В 10 томах. — Л.: Наука, 1978. Cuốn “Lịch sử Pugatsốp” ít nhất cũng có số lượng trang gần gấp ba cuốn tiểu thuyết Người con gái viên đại úy. Công trình này công bố lần đầu năm 1834 với nhan đề «История Пугачевского бунта». Dưới thời Liên Xô, cuốn này thường được xuất bản dưới nhan đề «История Пугачева» (Lịch sử Pugatsốp). Và người ta thường giải thích rằng nhan đề “Lịch sử cuộc bạo loạn của Pugatsốp” là đầu đề do (Nga Hoàng) kiểm duyệt (цензурное заглавие).

3 Tác giả Luyxernơ viết tiếp về “biến cố” đó: “Nó liên quan không phải tới những phương diện tồi tệ vĩnh cửu của bản chất con người, mà liên quan tới một thời đại nhất định trong sự phát triển của xã hội. Đó là một sự kiện không phải dành cho lịch sử hoạt động của con người, mà để cho lịch sử của tiến bộ văn minh.”.

4 Nhà xuất bản Cầu Vồng xuất bản bản tiếng Việt, bìa trong ghiАлександр Пушкин. Избранное. Проза Редактор русского текста Чеботкевич Л.Ф. Перевод сдела по изданию: А.С.Пушкин. Собрание сочинений в 10-ти томах,  издательство “Правда”, Москва, том 5, 1981”. Một số tuyển tập tác phẩm Puskin của các nhà xuất bản khác có thể không có chú thích gì thêm.

5 Nguyên văn câu “kết thúc tiểu thuyết”: “Chúng tôi bèn quyết định, với sự thoả thuận của con cháu ông, xuất bản tập bút ký này ra, thêm vào mỗi chương mấy câu giáo đầu thích hợp và tự ý thay đổi một vài tên họ”. Danh sách các nhân vật “bị thay đổi tên họ” vô phương kiểm chứng này tất nhiên có thể không ít đến mức “một vài” !!! Nguyên tác “дозволив себе переменить некоторые собственные имена”. “некоторые” dịch là “một số” cũng chả sao.

6 Tự sự trong tiểu thuyết như sau: “- Phải, ta đánh đấm cũng đã ra trò! Ở Ôrenburg các người có nghe n

0