18/06/2018, 17:09

Tự sự học lịch sử và tự sự học văn chương – Suy nghĩ nhân một tình tiết bình chú Tam Quốc Diễn Nghĩa của Nhân dân Văn học Xuất bản Xã

Lê Thời Tân 1 .“Khổng Minh sửa Đồng Tước Đài Phú khích Chu Du” – Bình điểm của Mao Tôn Cương Trước lúc đi vào trọng tâm của bài (trao đổi cùng Nhân dân Văn học Xuất bản Xã[1] về một chú thích cho màn tự sự “Khổng Minh xuyên tạc Đồng Tước Đài Phú ...

tao thao.jpg

Lê Thời Tân 

1.“Khổng Minh sửa Đồng Tước Đài Phú khích Chu Du”– Bình điểm của Mao Tôn Cương

Trước lúc đi vào trọng tâm của bài (trao đổi cùng Nhân dân Văn học Xuất bản Xã[1] về một chú thích cho màn tự sự “Khổng Minh xuyên tạc Đồng Tước Đài Phú khích Chu Du” đầu hồi 44) đồng thời cũng nhằm tạo bối cảnh cần thiết cho việc trình bày câu chuyện chung, chúng tôi thấy cần thiết phải dẫn dịch trở lại màn tự sự này kèm lời bình của Mao Tôn Cương. Mao thực hiện việc bình điểm theo cách đầu mỗi hồi có các đoạn tổng bình, trong hồi chêm chèn các câu bình điểm ngắn. Tổng bình của hồi 44 – hồi có chứa màn trần thuật “Khổng Minh trí khích Chu Du” như sau:   

 – Chu Du từ lâu trong lòng đã quyết chí cự Tào thế mà ngoài miệng giả tảng hàng Tào ấy là để khiêu khích Khổng Minh, cốt khiến Khổng Minh phải cầu lụy mình. Lỗ Túc không biết cái trí trá của Du cứ ra sức tranh luận; Khổng Minh thừa biết Du nên cứ đưa đẩy nói xuôi. Du và Lượng mỗi tay đều giở bài của mình, đều nói vờ. Tất cả đều giữ miếng đoán thầm, làm bộ không biết. Lạc vào giữa một anh Lỗ Túc thật thà, chốc chốc lại nói mấy câu thành khẩn – Chuyện viết ra nhân vật hiện lên mồn một.

 – Khách đến nhà hỏi trước tên húy huống hồ Khổng Minh đến nước người mà không biết tên đệ nhất đệ nhị phu nhân nước sở tại sao? Có người nghi chuyện Khổng Minh đọc phú nhắc chuyện Nhị Kiều chẳng qua do bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa tô vẽ chứ thực không có như thế. Thế nhưng ta đọc thơ Đỗ Mục có câu “Đông Phong bất dữ Chu Lang tiện, Đồng Tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều”. Tức là Khổng Minh mà không mượn được gió Đông, Chu Du làm sao phóng hỏa thiêu quân Tào thì hai Kiều chả phải cũng giống như chuyện vợ Trương Tế, vợ Viên Hy rồi sao? Vả chăng cứ cho là Tào Tháo không có chuyện đó thì Khổng Minh cũng không vì thế mà không dựng ra!

Bài phú cũ Đồng Tước có câu “Liên nhị kiều vu đông tây hề, Nhược trường không chi chuế đống”. Đấy là tả hai tòa bên đông và bên tây là Ngọc Long và Kim Phượng được nối với với nhau bằng cầu vồng trên không. Cũng như cảnh mà phú Cung A  Phòng tả “Trường kiều ngọa ba, vị vân hà long; Phúc đạo lăng không, bất tễ hà hồng” vậy. Khổng Minh đem chữ “kiều” chỉ cầu sửa thành chữ “Kiều” chỉ người, đổi chữ “tây” thành chữ “nam”, chữ “liên” thành chữ “lãm” rồi thay hẳn câu sau. Thế là nhẹ nhàng gán được chuyện lên người hai cô họ Kiều. Văn sửa như thế kể là tài!

(lược một đoạn)

Lấy chữ kiều chỉ cầu đổi thành chữ Kiều chỉ người ấy là vờ  “tác” “tộ” đọc nhầm chữ. Khổng Minh muốn gạt Chu Du nên cố ý làm thế.[2]

Trên đây là tổng bình đầu hồi. Kế theo đây là đoạn tự sự “Khổng Minh đọc Đồng Tước Đài Phú” cùng lời bình chêm xen giữa các dòng:

“(Khổng Minh sang Đông Ngô du thuyết kháng Tào, “hiến kế” dâng mĩ nữ để lui quân Tào) Du hỏi: “Dùng hai người nào?” Khổng Minh nói: “Lượng tôi lúc còn ở Long Trung đã kịp nghe chuyện Tháo xây một cái đài bên bờ Chương Hà đặt tên đài Đồng Tước, cực kì  tráng lệ. Tuyển chọn mĩ nữ khắp trong thiên hạ nhốt đầy trong đó (Mao bình: Có trước một câu này chứng thực). Tháo vốn đồ hiếu sắc, từ lâu biết Giang Đông ông Kiều có hai con gái, chị gọi Đại Kiều em là Tiểu Kiều nhan sắc chim sa cá lặn nguyệt nhường hoa thẹn (Mao bình: Nói đến vợ Du và vợ chúa của Du rồi!). Tháo từng thề “Ta một mong đạp bằng bốn cõi thành đế nghiệp (Mao bình: Lại có trước một câu này chứng thực). Hai mong bắt được chị em họ Kiều ở Giang Đông, đem về Đồng Tước Đài vui thú tuổi già. Dù chết chả còn gì phải ân hận!” Nay dẫn quân trăm vạn chực nuốt Giang Nam thực chỉ vì hai cô đó thôi (Mao bình: Vờ không biết. Hay tuyệt!) Tướng quân sao không tìm nhà họ Kiều dùng ngàn vàng mua lấy hai cô ấy mà dâng Tào Tháo. Tháo được hai cô tất mãn nguyện rút quân vậy. Đấy là kế Phạm Lãi dâng Tây Thi, sao không làm gấp đi (Mao bình: Diệu ở chỗ lại mượn chuyện làm chứng!) Chu Du nói “Tháo muốn hai Kiều, có gì làm chứng cứ?” (Mao bình: Du không chửi mắng ngay lại đòi kiểm chứng. Thế văn rất lắt léo!) Khổng Minh nói “Con nhỏ của Tào Tháo là Tào Thực tự Tử Kiến hạ bút thành văn. Tháo sai làm bài phú, nhan đề  Đồng Tước Đài. Ý trong bài phú chỉ nói chuyện nhà nó xứng đáng làm thiên tử (Mao bình: Lại có trước một câu này chứng thực) và thề lấy hai Kiều (Mao bình: Có bài phú làm chứng, tựa như trăm ngàn lần chuyện thực!)” Du nói: Bài phú đó ông có nhớ không? (Mao bình: Lại đòi kiểm chứng, không lập tức nổi giận. Hay tuyệt!) Khổng Minh nói: “Tôi thích ngôn từ hoa lệ của bài ấy nên cũng trộm ghi nhớ được.” Du nói: “Xin thử đọc cho nghe!” (Mao bình: Lại đòi kiểm chứng, không lập tức nổi giận. Hay tuyệt!). Khổng Minh đọc bài “Đồng Tước Đài Phú”: Tòng minh hậu dĩ hi du hề, Đăng tầng đài dĩ ngu tình; Kiến thái phủ chi quảng khai hề, Quan thánh đức chi sở doanh; Kiên cao môn chi tha nga hề, Phù song khuyết hồ thái thanh; Lập trung thiên chi hua quan hề, Liên phi các hồ tây vực; Lâm Chương Thủy chi trường lưu hề, Vọng quả viên chi tư vinh; Lập song đài vu tả hữu hề, Hữu Ngọc Long dữ Kim phượng; Lãm nhị kiều vu Đông Nam hề, Lạc triêu tịch chi dữ cộng; (Mao bình: Cựu phú viết “Liên nhị kiều vu đông tây hề, Nhược trường không chi chuế đống”. “Kiều” đây là kiều cầu chứ không phải nàng Kiều. Nay Khổng Minh đổi tráo hai câu phú, nhẹ nhàng gán vận vào hai nàng Kiều). Phủ hoàng đô chi hồng lệ hề, Hám vân hà chi phù động; Hân quần tài chi lai túy hề, Hiệp phi hùng chi cát mộng; Ngưỡng xuân phong chi hòa mục hề, Thính bách điểu chi bi minh; Vân thiên viên kì kí lập hề, Gia nguyện đắc hồ song sính; Dương nhân hóa vu vũ trụ hề, Tận túc kính vu thượng kinh; Duy Hoàn Văn chi vi thịnh hề, Khởi túc phương hồ thánh minh; Hưu hĩ! Mỹ hĩ! Huệ trạch viễn dương; Dực tá ngã hoàng gia hề, Ninh bỉ tứ phương; Đồng thiên địa chi quy lượng hề, tề nhật nguyệt chi huy quang; Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề, Đẳng quân thọ vu đông hoàng; Ngự long kì dĩ ngao du hề, Hồi loan giá nhi chu chương; Ân hóa cực hồ tứ hải hề, Gia vật phụ nhi dân khang; Nguyện tư đài chi vĩnh cố hề, Lạc chung cổ nhi vị ương! 

Chu Du nghe xong, nổi giận phừng phừng, đứng phắt dậy chỉ về phương Bắc mắng: “Thằng giặc già khinh ta quá!” Khổng Minh vội đứng dậy can:“Xưa chúa Thiền Vu Hung Nô hay quấy nhiễu bờ cõi, thiên tử nhà Hán gả công chúa cầu thân. Nay Đông Ngô tiếc gì hai cô gái nhà dân ấy?” Du nói: “Ông có chỗ không biết, Đại Kiều là vợ Tôn Bá Phù tướng quân, Tiểu Kiều là vợ Du đó!” (Mao bình: Biết lâu rồi!) Khổng Minh giả bộ hoảng hốt nói: “Lượng thực không tường, lỡ miệng nói càn, tội đáng chết, đáng chết!” Du nói: “Ta thề không trời trời chung với tên giặc già!” Khổng Minh nói: “Việc phải suy nghĩ cho chín kẻo hối về sau!” Du nói: “Ta chịu kí thác của Tôn Bá Phù, sao có thể khuất thân hàng Tào. Những lời vừa nãy là để thử lòng nhau đó thôi. Du này từ lúc rời Phiên Dương Hồ về đây là đã tính chuyện Bắc phạt, dù đao búa kề đầu cũng lay chuyển chí này vậy. Mong Khổng Minh giúp ta một tay cùng phá giặc Tào!” Khổng Minh đáp: “Nếu ngài không chê, Lượng xin gắng hết sức khuyển mã, sớm tối đợi lệnh dưới trướng.”ồH Chu Du nói: “Mai vào gặp chúa công sẽ bàn chuyện khởi binh ngay”. Khổng Minh và Lỗ Túc bái biệt đi ra.”[3]

Ngoài Mao Tôn Cương, bình của Lý Chí về đoạn cũng rất đáng chú ý: “Khổng Minh vốn đi nhờ vả Chu Du lại khiến Chu Du phải nhờ vả mình; Giang Đông khuyên Khổng Minh hàng Ngô lại bị Khổng Minh thuyết quy Thục. Đấy đều là phép phản lật vậy, cũng là lối giữ miếng phòng thân vậy!” Như ta đọc thấy, trong đoạn kể đối đáp giữa Khổng Minh và Chu Du xoay quanh câu chuyện cầu kiều trên Đồng Tước Đài và người Kiều ở Giang Nam hồi 44 này, Mao Tôn Cương khi bình hay lặp đi lặp lặp câu “Khổng Minh trước tiên nói một câu chuyện thực”. Còn Chu Du thì nghe xong “lại đòi chứng cứ”. Nhìn từ góc độ tự sự học, cái gọi là  những “chứng cứ” ấy (xây đài, viết phú) cũng chỉ là sự thực có mức độ/sự thực qua mồm người muốn lấy đó làm chứng cứ. Cứ mỗi lần Chu Du hỏi Khổng Minh: “Có gì làm chứng?” là mỗi lần Chu Du lại bị cuốn vào sâu hơn vòng “bịa đặt”/“hư cấu” của tự sự Khổng Minh (hẵng cứ cho việc Khổng Minh kể chuyện Tào Tháo đánh Đông Ngô vì Nhị Kiều cho Chu Du nghe là một ví dụ về nghệ thuật tự sự kết hợp “thực hư” vậy). Cái quan hệ giữa Khổng Minh và Chu Du trong đoạn giao lưu hỏi chuyện thuật chuyện trên thực ra cũng giống quan hệ giữa các độc giả nệ sử nghiền khảo cứu (vị khảo cứu) với nhà tự sự tiểu thuyết vậy.

Nhà phê bình nệ sử và nghiền khảo cứu vị khảo cứu có lúc nhắc nhở nhà văn “không biết khảo cứu hoặc nhầm lẫn về mặt lịch sử”. Tác giả tiểu thuyết hoàn toàn có thể (mượn câu bình của chính Mao Tôn Cương) cười mà rằng: “Tri chi cửu hĩ! – Biết lâu rồi ạ!” Chúng ta cũng hoàn toàn có thể mượn bình điểm của Mao Tôn Cương để ám chỉ mối quan hệ giữa nhà tiểu thuyết với độc giả vậy. Độc giả một khi lần giở trang tiểu thuyết là đã chấp nhận trở thành đối tượng của một sách lược tự sự nhất định. Anh ta có thể là một người thông kinh bác sử, lập trường tư tưởng vững chắc và được vũ trang vũ khí phê bình nghiên cứu tân tiến, anh ta  tưởng mình có thể so găng với nhà tự sự, không ngờ có khi trúng kế nhà tự sự (giống như ý của Lý Chí: Nhà tự sự bao giờ cũng có sách lược phản lật và giữ miếng nhất định trong quan hệ với người thụ thuật)!

Ta nên biết rằng muốn hiểu được tình tiết hồi truyện người đọc phải theo dõi kết nối những “thông tin trần thuật” liên quan đến chi tiết tự sự vừa xuất hiện trong dòng văn bản. Chẳng hạn để hiểu tình tiết Khổng Minh đọc phú khích Chu Du, độc giả phải nhớ lại tình tiết xây đài Đồng Tước tam toà, Ngọc Long Kim phượng hai bên, chính điện Đồng Tước cao nhất ở giữa, hai cầu nối ba toà kiến trúc như cầu vồng trong không trung theo ý của Tào Thực (hồi 34). Thậm chí còn phải chờ tới hồi 48 về sau mới rõ thêm nhờ đọc đến chuyện Tào Tháo tâm sự ước nguyện riêng với các tướng trên chiến thuyền đậu giữa Trường Giang đêm trước trận Xích Bích (hồi 48). Mặt khác tại thời điểm đọc đến tình tiết Khổng Minh đọc Đồng Tước Đài phú (hồi 44) cho Chu Du nghe, độc giả phải tự xem mình là đã biết bài phú đó của Tào Thực (để biết được Khổng Minh đã “sửa” câu nào trong đó). Nếu không độc giả có thể sẽ được hỗ trợ bằng chú thích dưới trang truyện như ta thấy ở bản in xuất bản ngày nay. Trong bản in khắc ván thời xưa như trường hợp Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa mà ta đang nói đến chẳng hạn, thay thế cho chú thích của nhà xuất bản sẽ là những câu bình điểm đi kèm. Tổng bình đầu hồi và các câu bình xen giữa trang mà Mao Tôn Cương thực hiện thực tế có tính cách như là những chú thích hoặc dẫn giải phục vụ độc giả. Chính những chỗ tinh tế này càng chứng tỏ cái khoảng cách rõ ràng giữa tiểu thuyết văn nhân (đọc) và bình thoại thuyết thoại (nghe xem). Những chỗ tinh tế đó cũng góp phần phân biệt tự sự sử truyện và tự sự tiểu thuyết (diễn nghĩa trường thiên). Đáng tiếc không phải nhà xuất bản hay dịch giả nào cũng ý thức được sâu sắc vấn đề đó.[4] Trường hợp mà chúng tôi dẫn ra sau đây là những ví dụ.   

2.Chú thích “Nhị Kiều” của NDVHXBX- tâm lí nệ sử và thái độ sùng khảo cứu

Tam Quốc Diễn Nghĩa, Nhân dân Văn học Xuất bản Xã (viết tắt NDVHXBX) chú thích cho hai chữ  “nhị kiều” (hồi 44, đoạn Khổng Minh đọc Đồng Tước Đài Phú 銅雀臺賦khích Chu Du) như sau:

     “Ở hồi 34 có câu “Làm hai cây cầu nối ngang trên không” (lời Tào Thực bàn với Tào Tháo về thiết kế đài Đồng Tước nhân đào được chim sẻ bằng đồng – LTT). Thế nên “nhị kiều” trong bài phú ở đây chính là chỉ hai cây cầu đó. Tiểu thuyết tả Gia Cát Lượng cơ trí, khéo léo “giải thích nhầm” hai chữ “nhị kiều” (họ Kiều thời xưa vốn viết cùng chữ “kiều” 桥 chỉ cầu, sau này mới giảm nét – bỏ bộ mộc, chỉ viết phần đồng âm bên trái 乔) làm chứng chuyện Tào Tháo muốn cướp vợ vua tôi Đông Ngô nhằm khích Chu Du. Hồi 48 về sau kể chuyện Tào Tháo tự bạch muốn chiếm chị em họ Kiều tiến thêm một bước chứng minh cho việc đó. Chi tiết có ý nghĩa nghệ thuật bôi xấu Tào Tháo[5] (lưu ý: Đồng Tước Đài Phú mà tiểu thuyết dẫn chân ngụy lẫn lộn. Đoạn tám câu từ “Lập song đài ư tả hữu hề” cho đến “Hiệp phi hùng chi cát mộng” và sáu câu đoạn cuối cùng vốn không thấy trong tác phẩm của Tào Thực, văn ý không tương hợp cả bài, nghi là nguỵ thác)”.[6]

2.1.Chú thích này biểu thị một thái độ mà chúng tôi gọi là nệ sử. Nệ sử khiến cho chú thích này vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu ở chỗ nó không “khôi phục” nguyên văn câu câu phú bị Khổng Minh thay thế: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”. Độc giả Tam Quốc Diễn Nghĩa của NDVHXBX coi như không biết có chuyện gọi là cặp câu “Lãm nhị Kiều ư Đông Nam hề, Lạc triêu tịch chi dữ cộng” chính ra là đã “bị” Khổng Minh cải đổi trên cơ sở “nguyên tác”: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”. Và vì thế mà họ cũng (coi như) không thấy được tài ứng biến của (nhân vật) Khổng Minh. (May Chu Đô đốc không theo dõi thời sự văn chương nên nhà ngoại giao đến từ đất Thục mới bịa liều thế được! Cả mấy viên quan văn Đông Ngô đứng đấy cũng chả ai thuộc hay sưu tầm sẵn nguyên tác bài phú của con Tào Thừa tướng để cãi cho tay thuyết khách nước Thục kia một phen lòi mặt gian khích xúc phạm bề trên bản quốc!) Lí do của việc không “khôi phục” nguyên văn câu câu phú đã bị bị Khổng Minh cải đổi nằm ở chỗ NDVHXBX dường như mặc nhiên cho rằng đoạn 4 cặp câu “Lập song đài vu tả hữu hề, … … , hiệp phi hùng chi cát mộng” (tức đoạn chứa cặp câu được cho là bị Khổng Minh cải đổi) là không có trong phú của Tào Thực. Có thể hiểu nhà xuất bản ngầm lập luận rằng “vốn không có trong nguyên tác của Tào Thực thì lấy đâu ra mà nói chuyện cải đổi”. Khẳng định của nhà xuất bản dường như căn cứ vào Tam Quốc Chí (bài phú Tào Thực mà Bùi Tùng Linh chú dẫn trong Tam Quốc Chí quả không có đoạn này).  Một khi đã giữ quan điểm như thế, chú thích này do vậy chỉ tập trung vào hai chữ  “nhị kiều” và phần nói về “đoạn tám câu vốn không có trong nguyên tác” chỉ được chú thích trình bày như là một lưu ý thuyết minh bổ sung. Chính phần lưu ý chêm thêm này bộc lộ khá tập trung thái độ nệ sử và tâm lí sùng khảo cứu. Nệ sử và sùng khảo cứu trong trường hợp này quả đã tạo ra những vướng mắc nhất định cho nhà chú giải. Rõ ràng khi đang tiếp xúc với câu chuyện tiểu thuyết (người và việc trong truyện) mà lại chỉ loay hoay với cái gọi là vấn đề “chân ngụy” của một văn bản sáng tác được tiểu thuyết dẫn dụng là đã lạc đề mất rồi. Nhà chú giải đã vô tình quên đi rằng nhân vật trong truyện tự nó có quyền dẫn sai một tác phẩm (đã xuất bản hay chỉ truyền tụng). Nói trắng ra đó là chuyện của nhà văn. Nhà văn thậm chí có quyền bịa ra một sáng tác nào đó để gán cho một văn nhân nào đó (kể cả khi văn nhân này không là nhân vật trong thiên truyện của nhà văn).

Đọc chú thích của NDVHXBX ngay lập tức ta có thể chất vấn rằng: Vậy người chú thích cho đâu là “nguyên tác” của Tào Thực? Phải chăng NDVHXBX chỉ xem bản Đồng Tước Đài Phú chép trong Tam Quốc Chí là căn cứ tài liệu gốc duy nhất? Có nên mặc định rằng một khi trong các sưu biên chính thống tác phẩm của Tào Thực (ví dụ bộ Tào Tử Kiến Tập[7]) không thấy có đoạn tám câu nói trên thì tức là những dị bản đâu đó đều là “ngụy thác” và như bản dẫn trong tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa[8] thì lại càng không đáng tin? Thế nhưng, điều hệ trọng hơn nằm ở chỗ: Cách chú thích như thế gián tiếp cho thấy NDVHXBX coi như không tồn tại tình tiết Khổng Minh cải đổi gì trong bài phú cả. Vậy thì cái gọi là “Khổng Minh dụng trí khích Chu Du”[9] là ở đâu? Nghệ thuật tự sự cao cường mà cũng rất tinh vi của tác giả tiểu thuyết coi như thành số không. Tự sự sử chí xâu đống sự kiện người việc vào một sợi dây thừng biên niên trong khi tiểu thuyết gia đan dệt tất cả vào một tấm thảm đa sắc. Hình tượng “Đồng Tước Đài” trong trong tấm thảm diễn nghĩa kia cũng vậy – nó được dệt dần lên từ nhiều đường kim mũi chỉ. Cần phải theo dõi suốt một chặng dài tự sự từ cuối hồi 33 lúc ánh kim quang con sẻ đồng vừa lóe sáng cho đến tận hồi 79 ngày chủ nhân của ngôi đài trước lúc trút hơi thở tàn di mệnh ca kĩ tấu nhạc mỗi khi cúng cơm mình trên Đài Đồng Tước mới thấy hết được những đường nét ẩn hiện của bao chuyện thoạt trông tản mạn tách rời nhưng luôn giây mơ rễ má với nhau nhờ hai chữ “Đồng Tước”. Không chú ý đến điều đó, mỗi chú thích liên quan thường chỉ gói mình trong những dẫn giải rất cục bộ. Nhưng vấn đề còn ở chỗ: NDVHXBX một khi đã dùng bản do Mao Tôn Cương tu nhuận làm bản căn cứ để in (底本) thì ít ra cũng nên “tôn trọng” cách hiểu của chính Mao – người đã bỏ công nhuận sắc, biên tập và dẫn giải cho bộ tiểu thuyết. Có thể nói khi “biên tập-bình điểm” Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa thành Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa Mao đã làm việc trong một tư cách kép – vừa là nhà biên tập vừa là đồng tác giả. NDVHXBX có thể lược đi không in kèm lời bình đầu mỗi hồi cũng như lời bình xen dòng của Mao nhưng trong những trường hợp quan trọng thiết tưởng vẫn cần phải chú ý thích đáng tới những “tư liệu” rất khả thủ mà Mao cung cấp. Mao đã dẫn trở lại nguyên văn một cặp câu trong cái gọi là “Đồng Tước Đài Phú cựu bản” (cũng đáng chú ý ở mức tương tự việc La Quán Trung đã dẫn thêm một bản Đồng Tước Đài Phú khác với bản dẫn trong Tam Quốc Chí). Bằng cách đó Mao thực sự giúp cho độc giả có được “độc pháp” (phép đọc)[10] cụ thể đặng thưởng thức tình tiết “Khổng Minh dụng trí khích Chu Du” từ góc độ nghệ thuật tự sự văn chương. Cách làm của Mao chính là một cách chú thích rất đắc dụng cho La Quán Trung.[11] Đáng tiếc NDVHXBX lại không ý thức được điều này. Cứ cho cái gọi là “Đồng Tước Đài cựu phú” này chẳng qua do chính Mao dựng lên (tức bản thân việc chú thích của Mao cũng chỉ là một dàn dựng ngôn từ nhằm biểu thị một cách đọc hiểu đối với tình tiết tự sự Tam Quốc)[12] thì không thể không thừa nhận nhà bình điểm đã thực hiện công việc khá hoàn hảo. Bên cạnh cách chú dẫn cho tình tiết “Khổng Minh sửa phú khích chồng Kiều Nương”, chú dẫn của Mao về chữ “kiều” cũng rất phù hợp với tình tiết tự sự. Cùng đều giải thích chữ “kiều” nhưng cách chú thích của NDVHXBX tỏ ra hơi khá miễn cưỡng và không thật thuyết phục. Chính bởi vì không đặt vấn đề “Khổng Minh sửa phú Tào Thực” cho nên NDVHXBX chỉ tập trung chú thích chữ “kiều”. Và cũng vì bỏ qua tình tiết “Khổng Minh sửa phú Tào Thực” nên khi chú thích chữ “kiều” NDVHXBX chỉ còn biết lấy thông tin từ bản thân chuyện về sau trong chính tiểu thuyết: “Hồi 48 về sau kể chuyện Tào Tháo tự bạch muốn chiếm chị em họ Kiều tiến thêm một bước chứng minh cho việc đó”.

Thế nhưng, theo chúng tôi không nên lấy tự bạch của Tào Tháo ra làm chứng cho việc Khổng Minh “khẳng định” mục đích Tào Tháo đánh Giang Nam. Là vì xét từ góc độ nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết gia, ta phải thấy Khổng Minh không nói chuyện đó với Chu Du như là một sự khẳng định chân thành nghiêm túc hay tràn đầy thiện ý. Nói cách khác tên giặc già họ Tào kia có vô đạo dâm ô và ngạo mạn đến thế hay không chả quan trọng. Thậm chí A Man không phải vậy thì nhà thuyết khách Gia Cát nước Thục này cũng phải bịa ra như vậy thôi. Chú thích cho một tình tiết tự sự trong tiểu thuyết nên được thực hiện với dụng ý giúp độc giả thưởng thức được những tinh tế trong nghệ thuật tự sự của bản thân cuốn tiểu thuyết chứ không nên chỉ loay hoay với “tri thức khảo cứu” vị khảo cứu, càng không nên biến thành một lối giao lưu ứng xử như trong đời thực. Bởi vì cứ như cách lập luận của chú thích này của NDVHXBX thì hóa ra may nhờ về sau Tào Tháo “tự bạch” chuyện Đồng Tước Đài và Nhị Kiều nên Khổng Minh mới chẳng đến nỗi thành kẻ “ăn ốc nói mò”! Chú thích này cũng cho rằng chi tiết Khổng Minh cắt nghĩa chữ “kiều” vừa nói là “có ý nghĩa nghệ thuật bôi xấu Tào Tháo”. Chúng tôi không hiểu tại sao chú thích vừa dẫn rõ là Khổng Minh “giải thích nhầm” mà lại có thể khẳng định “có ý nghĩa nghệ thuật bôi xấu Tào Tháo”? Vả chăng, theo chúng tôi ý nghĩa nghệ thuật của tình tiết “giải thích nhầm” chữ Kiều không ở chỗ bôi xấu Tào Tháo[13] mà là nhắm vào việc tô đậm kịch tính của sự việc, khắc họa biểu hiện của (nhân vật) Khổng Minh.

2.2.Chú thích của NDVHXBX nói trên đồng thời cũng tỏ ra là thừa khi bỏ công luận giải phân biệt (hai) chữ “kiều”. Ta nên nhớ tình tiết truyện cụ thể như sau: Chu Du hỏi Khổng Minh có thuộc bài phú không, Khổng Minh nói văn từ hoa lệ thành ra có nhớ và đọc-cho-nghe (tất nhiên không ai cấm tác giả Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa đặt tình tiết trong đó Chu Du đòi viết-cho-xem mấy câu có các chữ nhắc đến họ vợ nhà mình. Đối với độc giả hiện đại vấn đề này có thể khái quát một cách đơn giản là chuyện đồng âm dị tự. Hoặc cũng có thể xem Khổng Minh đang dùng – tạm gọi là một phép giả tá (假借 ; hoặc dùng cách nói khác của Trung Quốc có thể gọi việc Khổng Minh đang làm trước mặt Chu Du đây là “di hoa tiếp mộc” – ghép hoa cây này vào cành cây kia hay “Trương quan Lí đới” – mũ ông chằng đội sang đầu bà chuộc 移花接木, 张冠李戴 ). Thế nhưng đối với “người đời Tam Quốc” đặt vấn đề “họ Kiều thời xưa vốn viết cũng chữ  “kiều桥” chỉ cầu, sau này mới giảm nét – bỏ bộ mộc, chỉ viết phần đồng âm bên trái 乔” chắc là hơi miễn cưỡng. 

 Đương nhiên chả ai cấm ta giả định tình thế tiểu thuyết Tam Quốc sẽ chưa từng được/bị tu nhuận, bình điểm hay chú dẫn gì hết. Rời khỏi tay họ La là cứ thế nó đến thẳng với bạn đọc. Nếu vậy thì thứ nhất, cuộc tranh luận dài dòng về một chú thích nho nhỏ mà bài này dẫn ra đương nhiên phải tự giải trừ. Thứ hai,  chúng ta chỉ còn chờ và hi vọng những độc giả đọc rộng biết nhiều (biết tích Đài Đồng Tước, rành sử Tam Quốc, thuộc bản phú lưu truyền mà đồng thời còn có trong tay nguyên tác phú Tào Thực) sẽ (tự) thưởng thức được đoạn tự sự giàu kịch tính trên ngay cả trong trường hợp không có chú thích dẫn giải nhiêu khê. Dường như tự sự học gọi bộ phận người đọc này là “độc giả lí tưởng”. Hạnh phúc thay cho nhà văn khi các nhà nghiên cứu phê  bình cũng trở thành “độc giả lí tưởng”.[14]

2.3.Sau cùng chúng tôi cho rằng, lưu ý về vấn đề chân ngụy trong văn bản Đồng Tước Đài Phú của Tào Thực nên được đề xuất ở một văn cảnh khác – chẳng hạn khi chú thích cho một biên tuyển phú đời Ngụy. Ta có quyền nhắc nhà chú thích Tam Quốc Diễn Nghĩa đừng quên là đang làm việc với một cuốn tiểu thuyết. Sa lầy trong khảo cứu mà không nhớ đến logic bên trong của thế giới tự sự ngôn từ trước mắt (cũng là một lịch sử như tuồng đã khép lại), nhiều khi không giúp chúng ta đọc một truyện kể, một tiểu thuyết như nó vốn thế. Bởi vì một truyện kể hay một tiểu thuyết suy cho cùng cũng chỉ là một “ngụy thác” ngôn từ (discours – chúng tôi dùng từ này theo cách hiểu của Foucault) mà thôi. Nói như Hồng Lâu Mộng đó là chuyện mượn lời quê – “Giả ngữ Thôn ngôn” đem chuyện thật giấu che – “Chân sự Ẩn khứ” [15] mà thôi! Các tiểu thuyết gia nhiều khi làm khổ biết bao nhà khảo cứu.

Vậy nên, cứ như thiển ý của chúng tôi ở tình tiết Khổng Minh đọc phú khích Chu Du này thay vì chú dẫn dài dòng về chuyện đồng âm dị tự chữ  “kiều” và vấn đề “nguyên tác” của Tào Thực, NDVHXBX chỉ nên dẫn lại “nguyên văn” câu được cho là vốn có trong bài phú Tào Thực để độc giả biết Khổng Minh đã biến cải thế nào từ chuyện mô tả bố cục một kiến trúc thành ra thuật chuyện mong ước cướp đoạt vợ người là đã đủ. Muốn thế điều rõ ràng là cần chấp nhận tiền đề cho rằng có sự tồn tại của một dị bản Đồng Tước Đài Phú (Mao Tôn Cương gọi là “Đồng Tước Đài cựu phú”) tạo điều kiện cho La Quan Trung “lấy ra cho Khổng Minh sửa”.[16] Nói như vậy tức cũng có nghĩa là chấp nhận cách đọc mà Mao Tôn Cương đã thể hiện khi bình điểm Tam Quốc.

 * * *

Tam Quốc từ La bản (Minh) cho đến Mao bản (Thanh) là một chặng dài lịch sử. Trải qua bão bùng phong vân từ Thanh qua Ngũ Tứ rồi Quốc Cộng phân tranh đến ngày NDVHXBX hiệu đính và xuất bản rộng rãi bản in Tam Quốc Diễn Nghĩa hai quyển thượng hạ trên toàn cõi Đại Lục lại là một chặng dài lịch sử nữa. Từ bấy cho đến nay nghiên cứu danh tác này đã tiến những bước dài quan trọng. Bài viết này của chúng tôi không đáng là công trình nghiên cứu hay khảo cứu thực sự. Cùng lắm chỉ dám xem là một bài tùy bút ghi điều sở đắc xoay quanh một chú thích nhỏ lúc đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa bản in của nhà xuất bản quyền uy tại Đại Lục – Nhân dân Văn học Xuất bản Xã mà thôi.

 

 Chú thích:

[1] Xin viết tắt NDVHXBX

[2]Nguyên văn:周瑜拒操之志,早已决于胸中,而诈言降操者,是以言挑拨孔明,欲使其求助于我也。鲁肃不知其诈,而极力争之;孔明知其诈,而随口顺之。瑜、亮二人各自使乖,各说假话,大家暗暗猜着,大家只做不知;而中间夹着一至诚之鲁肃,时出几句老实语以形之:写来真是好看煞人。

入门问讳,岂有入其国而不知其国之夫人者乎?或疑孔明二乔之说,乃演义妆点耳,非真有是言也。然吾读杜牧之诗,有“东风不与周郎便,铜雀春深锁二乔”之句,则使孔明不借风,周郎不纵火,将二乔之为二乔,其不等于张济之妻、袁熙之妇者几希矣!事既非曹操之所无,说何必非孔明之所有?

<铜雀>旧赋云:“连二桥于东西兮,若长空之蝃蝀。”此言东西有玉龙、金凤之两台,而接之以桥也。以蝃蝀比之,即<阿房赋>所谓“长桥卧波,未云何龙;复道凌空,不霁何虹”者也。孔明乃将桥字改作乔字,将西字改作南字,将连字改作揽字,而下句钊全改之,遂轻轻划在二乔身上去,可谓善改文章者矣。(…lược một đoạn …) 以桥作乔,此读别字也。孔明欲欺周郎,故有意为之。(…lược một đoạn …)

[3] Nguyên văn瑜又问:“果用何二人?”孔明曰:“亮居隆中时,即闻操于漳河新造一台,名曰‘铜雀’,极其壮丽。广选天下美女以实其中。【毛夹批:先有此一句为实。】操本好色之徒,久闻江东乔公有二女,长曰大乔,次曰小乔,有沉鱼落雁之容,闭月羞花之貌。【毛夹批:方说出要他妻子及其主人之嫂。】操曾发誓曰:‘吾一愿扫平四海,以成帝业。【毛夹批:又先有一句为实。】一愿得江东二乔,置之铜雀台,以乐晚年,虽死无恨矣。’今虽引百万之众,虎视江南,其实为此二女也。将军何不去寻乔公,以千金买此二女,【毛夹批:佯作不知。妙。】差人送与曹操。操得二女,称心满意,必班师矣。此范蠡献西施之计,何不速为之?”【毛夹批:妙在又借故事为证。】瑜曰:“操欲得二乔,有何证验?”【毛夹批:周瑜不即怒骂,又核实一句。文势甚曲。】孔明曰:“曹操幼子曹植,字子建,下笔成文。操尝命作一赋,名曰《铜雀台赋 》。赋中之意,单道他家合为天子,【毛夹批:又先有一句为实。】誓取二乔。”【毛夹批:有赋为证,竟似千真万真。】瑜曰:“此赋公能记否?”【毛夹批:又核实一句,不即发怒。妙甚。】孔明曰:“吾爱其文华美,尝窃记之。”瑜曰:“试请一诵。”【毛夹批:又核实一句,不即发怒。妙甚。】孔明实时诵<铜雀台赋>云:“从明后以嬉游兮,登层台以娱情。见太府之广开兮。观圣德之所营。建高门之嵯峨兮,浮双阙乎太清。立中天之华观兮,连飞阁乎西城。临漳水之长流兮,望园果之滋荣。立双台于左右兮,有玉龙与金凤。揽“二乔”于东南兮,乐朝夕之与共。【毛夹批:旧赋云:“连二乔于东西兮,若长空之蝃蝀。”此“桥”也,非“乔”也。今孔明易此二语,便轻轻划在二乔身上去。】俯皇都之宏丽兮,瞰云霞之浮动。欣群才之来萃兮,协飞熊之吉梦。仰春风之和穆兮,听百鸟之悲鸣。云天垣其既立兮,家愿得乎双逞,扬仁化于宇宙兮,尽肃恭于上京。惟桓文之为盛兮,岂足方乎圣明?休矣!美矣!惠泽远扬。翼佐我皇家兮,宁彼四方。同天地之规量兮,齐日月之辉光。永贵尊而无极兮,等君寿于东皇。御龙旗以遨游兮,回鸾驾而周章。恩化及乎四海兮,嘉物阜而民康。愿斯台之永固兮,乐终古而未央!” 周瑜听罢,勃然大怒,离座指北而骂曰:“老贼欺吾太甚!”孔明急起止之曰:“昔单于屡侵疆界,汉天子许以公主和亲;今何惜民间二女乎?”瑜曰:“公有所不知,【毛夹批:知之久矣。】大乔是孙伯符将军主妇,小乔乃瑜之妻也。”孔明佯作惶恐之状,曰:“亮实不知。失口乱言,死罪!死罪!” 瑜曰:“吾与老贼誓不两立!”孔明曰:“事须三思,免致后悔。” 瑜曰:“吾承伯符寄托,安有屈身降操之理?适来所言,故相试耳。吾自离鄱阳湖,便有北伐之心,虽刀斧加头,不易其志也。望孔明助一臂之力,同破曹贼。” 孔明曰:“若蒙不弃,愿效犬马之劳,早晚拱听驱策。”瑜曰:“来日入见主公,便议兴兵。” 孔明与鲁肃辞出,相别而去。

【李贽总评:言及二乔,不由公瑾不兴兵也。孔明妙处,兵在禁处下着,所以再无虚着也。孔明借周郎为助,而反使周郎借为助;子瑜说孔明降吴,而孔明反说子瑜归蜀。此皆倒跌法也,亦谓之看家拳头。】

[4] Có ba bản dịch Tam Quốc tái bản trong thời gian gần đây: 1.Tam Quốc diễn nghĩa (trọn bộ ba tập), Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỉ-Lê Huy Tiêu hiệu đính, Nxb.Văn Học, 2004 (gọi tắt bản dịch Phan Kế Bính). 2.Tam Quốc chí diễn nghĩa (trọn bộ 2 tập), nguyên tác La Quán Trung, lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Tử Vi Lang, Nxb.Văn hoá Thông tin, 2006 (gọi tắt bản dịch Tử Vi Lang). 3.Tam Quốc chí diễn nghĩa (hai tập), nguyên tác La Quán Trung, lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Mộng Bình Sơn, Nxb.Văn hoá Thông tin (gọi tắt bản dịch Mộng Bình Sơn). Liên quan đến tình tiết “Khổng Minh xuyên tạc Đồng Tước Đài Phú khích Chu Du” chúng tôi nhận thấy: hai bản dịch Tử Vi Lang và Mộng Bình Sơn thường “hiện đại hoá” phong cách tự sự của nguyên tác. Nguyên tác thường dùng lối “bạch miêu” điềm đạm, trầm tĩnh và trung hoà về giọng điệu, tạo nên một lối thuật kể không có rườm vướng bởi những miêu tả hay bình luận chủ quan. Đặc biệt trong dẫn  thuật lời thoại, nguyên tác đi gần đến lối triển thị (showing) đối thoại của kịch. Thông thường nguyên tác viết, chẳng hạn “Khổng Minh nói: …”, “Tào Tháo bảo: …”, “Trương Phi quát to: …”, cụ thể hơn có khi là “Vân Trường cả giận mà rằng: …” khác với cách dịch  “Lỗ Túc đùng đùng nổi giận trách mắng Khổng Minh:…”, “Khổng Minh còn văn hoa nói thêm:…”, “Khổng Minh lòng đã sướng như mở cờ liền nói: …” phổ biến ở bản dịch Tử Vi Lang và Mộng Bình Sơn. Thực tế chỉ có bản dịch Phan Kế Bính là đã trung thành với văn phong của nguyên tác. Trong trường hợp đoạn kể Khổng Minh dùng chuyện Đồng Tước Đài khích Chu Du chủ chiến nói trên, bản dịch Tử Vi Lang và bản dịch Mộng Bình Sơn đều thực hiện một lối biên dịch đối với tình tiết Khổng Minh đọc bài phú. Các dịch giả tự giải thích thêm Khổng Minh đã “xuyên tạc” câu nào trong bài phú để khích được Chu Du. Trong lúc đáng ra tôn trọng nguyên tác cũng như nhằm để đảm bảo ý vị của trần thuật lối Tam Quốc cần đem chúng xuống phần chú thích. Bản Phan Kế Bính không giải thích mở rộng mà khéo léo sử dụng chú thích. Tuy thế dịch giả đã “lược” mất bài phú, chỉ dẫn vừa đủ đoạn phú có câu bị Khổng Minh “xuyên tạc”. Vì lược bài phú nên dịch giả cũng đành phải biên dịch chút ít: “Khổng Minh đọc luôn bài phú, trong bài có mấy câu: “Lập song đài ư tả hữu hề: Hữu Ngọc Long dữ  Kim Phượng; Lãm nhị Kiều ư đông nam hề: Lạc triêu tịch chi dữ cộng” (Nghĩa là: Dựng hai toà Ngọc Long và Kim phụng ở bên tả và bên hữu, Tìm “nhị kiều” ở đông nam, sớm hôm vui vầy cùng)” Bản dịch Phan Kế Bính chú thích  gọn gẽ và chừng mực: “Chính trong bài phú Đài Đồng Tước thì vế sau là: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”, nghĩa là “Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây, như cầu vồng ở trên không”. Khổng Minh đổi chữ  kiều là cầu ra chữ kiều là nàng Kiều, đông tây ra đông nam để khích Chu Du. Vì Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du.” (Bản in 2004 in sai nhiều chữ trong câu phú mà dịch giả phiên âm Hán Việt). Chúng ta vẫn biết việc lược dịch hay ngược lại dẫn giải thêm suy cho cùng cũng là chuyện bất đắc dĩ. Tuy vậy điều quan trọng cần được chú ý là đề phòng việc làm sai lạc mất một phong cách diện mạo tự sự của nguyên tác.

[5] Khi nói như thế, dường như người chú thích cho rằng Tào Tháo (ít ra trong chuyện Nhị Kiều) vốn không xấu đến thế. Nhưng tác giả tiểu thuyết đã xây dựng tình tiết “tự bạch” về ước nguyện cướp vợ đó để hạ thấp đạo đức nhân vật này. Hạ thấp hay nâng cao chúng tôi không dám lạm bàn nhưng xin chép ra đây một đoạn trong chính sử Tam Quốc Chí để biết vua tôi Ngô Quốc có được Nhị Kiều trong hoàn cảnh nào: “Chu Du theo Tôn Sách tiến quân hạ thành An Huy. Lúc đó bắt được hai con gái nhà họ Kiều, đều là bậc quốc sắc. Sách lấy chị, Du lấy em”. Giang Biểu Truyện có đoạn: “Sách ung dung nói giỡn với Du: Nhà ông Kiều có nhị nữ là hạng long lanh, được rể như hai ta cũng đủ vui rồi!”). Tôn Sách mất năm Kiến An thứ năm (200), Chu Du mất năm Kiến An thứ mười lăm (210). Vậy là vào lúc Đồng Tước Đài xây xong, Nhị Kiều Đông Ngô đều đã là gái góa nửa chừng xuân! 

[6]三國演義, 人民文學出版社, 2004 (quyển thượng), tr.366. “Đồng Tước Đài Phú”  dẫn trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa (Mao bản): 從明后以嬉游兮,登層臺以娛情。見太府之廣開兮,觀聖德之所營。建高門之嵯峨兮,浮雙闕乎太清。立中天之華觀兮,連飛閣乎西城。臨漳水之長流兮,望園果之滋榮。立雙臺於左右兮,有玉龍與金鳳。攬二喬於東南兮,樂朝夕之與共。俯皇都之宏麗兮,瞰雲霞之浮動。欣群才之來萃兮,協飛熊之吉夢。仰春風之和穆兮,聽百鳥之悲鳴。雲天亙其既立兮,家願得乎雙逞。揚仁化於宇宙兮,盡肅恭於上京。惟桓文之為盛兮,豈足方乎聖明?休矣美矣!惠澤遠揚。翼佐我皇家兮,寧彼四方。同天地之規量兮,齊日月之輝光。永貴尊而無極兮,等君壽於東皇。御龍旂以遨遊兮,迴鸞駕而周章。恩化及乎四海兮,嘉物阜而民康。願斯臺之永固兮,樂終古而未央! “Nguyên văn” câu chưa bị Khổng Minh “xuyên tạc” là 連二橋於東西兮,若長空之蝃蝀 

[7] Tào Tử Kiến Tập (曹子建集) 10 quyển tập hợp thi văn của Tào Thực. Phần phú tập trung ở bốn quyển đầu gồm 44 bài (thống kê của Tứ Khố Toàn Thư Đề Yếu). Tác phẩm gọi là “Đồng Tước Đài Phú” nói ở đây chính là bài “Đăng Đài Phú” (登台赋) trong tổng tập này.

[8] Xin lưu ý: “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” – tức bản Mao Tôn Cương bình điểm tu nhuận.

[9] Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa  (La Quán Trung) dùng hồi mục “Gia Cát Lượng trí thuyết Chu Du”.

[10] Mao sau khi tu nhuận và bình điểm Tam Quốc – “Tứ Đại Kì Thư Đệ Nhất Chủng” đã cho khắc in bài “Độc Tam Quốc Chi Pháp” lên đầu công trình. NDVHXBX có tham vọng chỉnh lí Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa – bản Mao Tôn Cương để xuất bản được một bản in Tam Quốc thông hành nhất cho thời hiện đại. Nhà xuất bản này dường như có ý phân biệt bản in Tam Quốc của mình với bản của Mao Tôn Cương khi bỏ đi chữ “chí” rút gọn nhan đề bộ sách thành Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hai bản dịch tiếng Việt phổ biến tại miền Nam Việt Nam – bản của Tử Vi Lang và bản của Mộng Bình Sơn giữ nhan đề Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Bản dịch Phan Kế Bính xuất bản tại Hà Nội 1909 vẫn nhan đề Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Đến 1960 bản dịch này được Bùi Kỉ hiệu đính (đối chiếu với bản của NDVHXBX) và xuất bản với nhan đề rút gọn giống bản của NDVHXBX – Tam Quốc Diễn Nghĩa (Nhà xuất bản Phổ thông, 13 tập, có tranh minh họa của các họa sĩ Trung Quốc hiện đại). Vậy mà cụ thể ở tình tiết Khổng Minh đọc phú Đài Đồng Tước, người hiệu đính rõ ràng là đã không tham khảo theo “tài liệu mới có” – bản của của NDVHXBX. Chú thích cho tình tiết Khổng Minh “xuyên tạc” Đài Đồng Tước Phú của dịch giả Phan Kế Bính  do đó vẫn được bảo lưu. Đó là một điều có ích cho độc giả tiếng Việt, có lợi cho tiểu thuyết và công bằng đối với Mao Tôn Cương.    

[11] Thì cũng như (từ một giác độ nào đó mà nói) việc La đã “chú thích” cho nguyên cả Tam Quốc Chí  bằng một dằng giặc trường thiên diễn nghĩa này vậy.

[12] Tương tự việc Mao thác chuyện tìm được Tam Quốc cựu bản đem ra tu nhuận thành Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa vậy.

[13] Là điều mà hầu hết các nhà bình điểm Tam Quốc Diễn Nghĩa không từ cơ hội tô đậm mỗi khi có dịp. Tình hình có thể đã được “cải thiện” ít nhiều khi bước sang nửa sau thế kỉ XX lãnh tụ Mao Trạch Đông công khai tỏ thái độ hâm mộ Tào Tháo.  

[14] Chúng ta có nên mơ ước hay không một nền văn học mà thế tam phân sáng tác-độc giả-phê bình yên hưởng nền thái bình nhất thống?

[15] Tào Tuyết Cần chơi chữ nhân đồng âm tên họ hai nhân vật Giả Vũ Thôn và Chân Sĩ Ẩn ở hồi đầu Hồng Lâu Mộng. Xin chú ý là “贾雨村”- Giả Vũ Thôn còn đồng âm với  “假語存” – giả ngữ tồn nữa. Lầu Hồng có thể là giấc mộng nhưng Hồng Lâu Mộng kia thì mãi vẫn phong tình cổ lục hiện tồn giữa nhân gian!

[16] Rất có thể La Quán Trung tìm thấy cảm hứng sáng tạo tình tiết Khổng Minh “sửa văn” khích Chu Du từ thơ Đỗ Mục: Chàng Chu mà chẳng  gió Đông giúp, Chim Sẻ đài kia đã khoá Kiều.

0