16/01/2018, 13:35

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Văn mẫu lớp 2

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Văn mẫu lớp 2 Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 1 Cây tre đã quá thân thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam. Luỹ tre làng em đẹp lắm, luỹ tre làng em xanh um một màu. ...

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Văn mẫu lớp 2

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 1

Cây tre đã quá thân thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam.

Luỹ tre làng em đẹp lắm, luỹ tre làng em xanh um một màu. Trời dông bão, cây tre ôm chặt lấy nhau, chở che cho mái đình, mái chùa, bảo vệ cho hàng trăm ngôi nhà. Trời nắng hạn, nóng như nung, lũy tre toả bóng mát. Gió thổi, lũy tre phấp phới rung lên, xua đuổi cái nóng, quạt mát cho em nhỏ, cho cụ già. Thời kháng chiến, luỹ tre làng là chiến hào chống càn, là nơi từng phơi đầy xác giặc.

Tre đủ loại. Có tre to để đan lát, làm hàng thủ công, để làm nhà cửa, lều quán. Mùa xuân, măng tre mập mạp, nhọn hoắt như chông, mọc lên tua tủa. Luỹ tre làng em là nơi trú ngụ của đàn cò, bầy vạc, là nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim. Sáng sớm bình minh, chim chóc cất tiếng hót rồi tung cánh bay đi tìm mồi. Trời chập choạng, luỹ tre là tổ ấm cho đàn chim trời hiền lành, đáng yêu kéo về kêu râm ran, tỉ tê trò chuyện.

Đêm đêm nằm ngủ, em nghe luỹ tre thầm thì.

Bước ra khỏi nhà, khỏi làng, trên đường đi học, em ngoái cổ lại nhìn luỹ tre làng, lòng xôn xao tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu. Luỹ tre làng là bến quê của em.

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 2

Đầu làng tôi có những khóm tre xanh mát, không biết những khóm tre ấy có từ đời nào, nhưng chỉ biết rằng chúng rất thân với người dân quê tôi.

Nhìn từ xa, lũy tre làng như một bức tường thành bao quanh thôn xóm. Tới gần, mới thấy bức tường thành ấy được tạo bởi nhiều cây tre, gầy guộc, khẳng khiu. Cây này nương tựa cây kia, bất chấp nắng mưa bão dông, vươn lên trên cao, đón nhận ánh sáng mặt trời. Các cụ già trong làng thường bảo: “Cây tre cũng như người dân quê mình một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, bất khuất kiên cường”.

Thân tren tròn lẳn lại nhiều gai, trên thân cây tua tủa những vòi xanh ngỡ như những cánh tay vươn dài. Dưới gốc, chi chít những búp măng non. Búp thì mới nhô khỏi mặt đất, búp thì cao ngang ngực tôi, có búp vượt đầu người. Tôi cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre. Năm năm tháng tháng được mẹ chăm chút ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương. Những ngày hè oi bức, nắng như đổ lửa trên đồng, lũy tre là nơi nghỉ ngơi của bà con, cô bác. Buổi trưa, tre che nắng cho trâu nằm, ru cho trâu ngủ. Buổi chiều, chúng tôi ra ngồi dưới gốc tre trò chuyện, vui chơi. Có những đêm rằm, bọn tôi mang đèn treo lên những cành tre. Ánh sáng lấp lánh, chúng tôi nhảy múa, cười đùa, vui ơi là vui! Lá tre rì rào tiếng hát, rầm rì kể chuyện ngày xưa … tre cũng vui cùng chúng tôi.

Tre đi vào cuộc sống của con người quê tôi. Đó là người bạn tâm tình của nhiều thế hệ người làng tôi. Người làng tôi ai đi xa cũng nhớ về cây tre, cũng nhớ về lũy tre làng xanh mát yêu thương.

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 3

Mỗi cây một vẻ đẹp riêng, một công dụng riêng. Nhưng gần gũi và thân thuộc nhất với con người Việt Nam vẫn là cây tre, nếu thiếu đi lũy tre già thì không còn là làng quê nữa.

Nhìn từ xa xa, các bạn sẽ thấy  lũy tre như bức tuờng thành kiên cố đang  bảo vệ bao quanh thôn xóm mình. Nhưng khi bước tới gần mới thấy “thân gầy guộc lá mong manh”, cây tre nhỏ nhắn với thân dài thẳng, được chia thành những đốt nhỏ đều nhau. Thân cây thường có màu xanh thẫm, các đốt thì có màu hơi xanh đậm hơi vàng. Cây tre không đứng riêng lẻ với nhau, mà thường tạo thành từng lũy với cây này tựa cây kia, dựa vào nhau cùng vươn lên bất chấp nắng mưa để đón lấy ánh sớm bình minh. Các nhánh tre thường không mọc trên cao mà mọc ngay gần dưới đất, chúng có rất nhiều gai gồ ghề và thường rất nhỏ. Còn lá tre thì mỏng, nhọn, to chỉ bằng nửa lá xoài mà thôi, tuy lá tre trông mảnh khảnh nhưng rất dẻo dai.

Tre ôm lấy xóm làng, làm phong cảnh làng quê thêm phần duyên dáng, thêm phần thanh bình. Còn gì đẹp hơn những hình ảnh những mái đình, ngôi chùa thấp thoáng dưới bóng tre xanh, ánh trăng vàng treo lơ lửng trên ngọn tre.

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 4

Tôi rất thích những ngày hè được về và sống ở quê nội, bởi ở đây, buổi sớm tinh mơ thức dậy, tôi lại cảm nhận được không khí trong lành. Với từng làn gió mơn man lướt qua mặt tôi mát rượi. Tôi nhẹ bước trên triền đê con sông chảy qua làng. Bờ sông rợp một màu xanh biêng biếc nom thích mắt, đó là lũy tre làng tôi đấy.

Tre ở làng tôi mọc thành dãy dài the bờ sông. Các cây tre mọc chen chúc nhau. Cây nào cũng cố vươn mình thật cao, thật thẳng, Thân tre chia thành từng đốt nhỏ nhắn, đều tăm tắp, ấy vậy mà thân tre cao lớn cứng cáp lạ thường. Ông nội tôi thường bảo ít khi có cây tre nào bị gió bẻ gãy. Những chiếc lá tre xanh mỏng manh vươn ra đón ánh nắng ban mai ấm áp, đu đưa theo nhịp gió hát, rì rào reo vui đón nhận, những hạt mưa tươi mát. cần mẫn, kiên trì, chẳng quản ngại cát sỏi bạc màu, rễ tre ăn sâu xuống đất làm lụng, kiếm tìm những hạt màu tre mãi xanh tốt. Tre chẳng sống đơn độc, sống riêng rẽ bao giờ. Mỗi cây đan cài vào nhau vững chắc, nương tựa vào nhau mà chống chọi với bão táp, phong ba. Quanh gốc tre những búp măng non vàng tươi mọc lên phơi phới, đầy hứa hẹn.

Lũy tre đã gắn bó với người dân làng quê tôi và là người bạn thân thiết gắn với bao kỉ niệm tuổi thơ của tôi. Tôi luôn mong mùa hè đến để lại được về quê và đi dưới lũy tre xanh.

Tả lũy tre, cây tre nơi làng quê của em – Bài số 5

Ở nhà nội em có trồng rất nhiều loại cây, nhưng em thích nhất là cây tre, nó mọc lên từng bụi, cho ra rất nhiều cây tre.

Thân tre thẳng đứng từ gốc tới ngọn. Gốc bám chặt với lòng đất nên rất cố định. Thân tre thẳng đứng, vỏ láng và được phân vào nhiều mắt trông rất đẹp. Càng lên cao thân nó càng thu nhỏ lại và đâm thẳng lên trời, cây tre cao khoảng mười mét, lá tre dài và nhọn, màu xanh đậm đều đặn được tỏa mát phía sau nhà, cây tre rất có lợi trong đời sống sinh hoạt và trong chiến đấu. Quê em cây tre dùng để phục vụ đời sống con người, tre dùng để làm cột nhà, làm đũa ăn, làm rổ để đựng cá và các dụng cụ khác, tre dùng để làm chông gai, tầm vông vạt nhọn để chống quân xâm lược. Cây tre là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam.

Cây tre tượng trưng cho lòng dũng cảm, ngay thẳng, đùm bọc và thương yêu nhau. Dù có đi đâu xa em vẫn luôn nhớ về quê hương với những rặng tre xanh rì rào.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • tả cây tre làng em vào mùa xuân
  • Viết bài văn tả cây tre ở làng xóm em
  • bai van ta luy tre lop 6
  • những bài văn tả cây tre lớp 7
  • tả văn cây tre lang em lớp 7
  • Tả cây tre làng em
0