25/05/2017, 00:53

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Văn mẫu lớp 11

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Văn mẫu lớp 11 4.8 (96.01%) 381 votes Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội Viết về lí tưởng cách mạng, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã trở ...

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Văn mẫu lớp 11 4.8 (96.01%) 381 votes Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội Viết về lí tưởng cách mạng, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã trở thành câu ca, tiếng hát của hàng triệu con người hơn nửa thế kỉ ...

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội

Viết về lí tưởng cách mạng, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã trở thành câu ca, tiếng hát của hàng triệu con người hơn nửa thế kỉ nay. Giọng thơ sôi nổi, say mê, trẻ trung và yêu đời tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. “Từ ấy" là tiếng hát của người thanh niên cộng sản thể hiện một tình yêu lớn: yêu lí tưởng cách mạng và yêu giai cấp cần lao.

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn, gồm có 3 khổ thơ mỗi khổ 4 câu. Đây là khổ đầu ca ngợi lí tưởng và nói lên tình yêu lí tưởng cách mạng:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Nhà thơ là đứa con của "Huế đẹp và thơ". Ông sinh ra và lớn lên trong đêm trường nô lệ "Nước mất nhà tan, đời khổ thế!". Trưởng thành trong phong trào yêu nước của thanh niên học sinh, nhà thơ nhiệt thành đi tìm đường cứu nước: "Con lớn lên con tìm Cách mạng". Và trong đêm dày nô lệ, nhà thơ cảm thấy tâm hồn "bừng nắng hạ" kể từ ấy:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim".

"Từ ấy" là thời điểm (1938) nhà thơ được giác ngộ cách mạng, bắt gặp lí tưởng cộng sản chủ nghĩa. "Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ về lí tưởng cách mạng, về chủ nghĩa Mác – Lênin. Chữ "chói" (chói qua tim) nghĩa là chói lọi, soi vào, chiếu vào. Ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin vô cùng chói lọi đã chiếu vào, soi vào trái tim – tâm hồn yêu nước của nhà thơ trẻ.

Bóng tối đêm dày nô lệ như bị xua tan, người chiến sĩ cách mạng cảm thấy cuộc đời mình, con đường mình hướng tới “bừng nắng hạ". Đây là hai câu thơ đẹp nhất của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng. Ngôn từ (bừng, chói), hình ảnh (mặt trời chân lí) rất hay, rất sáng tạo. Lúc nào đọc, ta vẫn cảm thấy mới mẻ, vần thơ tràn ngập ánh sáng và niềm tin.

Hai câu thờ 3, 4 tiếp theo nói về "hồn tôi" từ thuở ấy, từ khi "bừng nắng hạ":

"Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim".

Nhà thơ sử dụng một so sánh đặc biệt: "Hồn tôi là một vườn hoa lá"… Ngôi vườn ấy xanh màu xanh của lá, rực rỡ của sắc hoa, "rất đậm hương" ngào ngạt. Ngôi vườn đẹp tươi ấy "rộn tiếng chim" hót nghe rất vui. Các từ gợi tả: "đậm", "rộn" thể hiện sức sống và vẻ đẹp của vườn hoa lá, của "hồn tôi" từ khi có chủ nghĩa Mác – Lênin, có "Mặt trời chân lí chói qua tim". Hai câu thơ nói lên tác dụng kì diệu của lí tưởng cách mạng qua một không gian nghệ thuật kì diệu nên thơ.

Tố Hữu yêu nước, yêu chủ nghĩa Mác – Lênin mới có cách nói hay, rất hình tượng về lí tưởng cách mạng. "Mặt trời chân lí" và "vườn hoa lá…" là hai hình tượng rất đẹp, rất thơ. Các từ ngữ: "từ ấy", "bừng". "chói", "đậm", "rộn" – được chọn lọc tinh tế làm cho vần thơ cất cánh trong tâm hồn chúng ta.

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Bài làm 2

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Phù Lai, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được biết đến với tư cách là một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam, con đường thơ ca của ông gắn liền với con đường cách mạng.

Tập thơ “Từ ấy” là tập thơ đầu tay của ông, gồm 71 bài được sáng tác trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1936-1946. Tập thơ được chia thành ba phần, phản ánh rõ nét quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. “Máu lửa” gồm 27 bài, là thơ của thời kỳ Mặt trận Dân chủ tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hòa bình, cơm áo, vấn đề quyền sống con người và cách mạng giải phóng dân tộc. “Xiềng xích” gồm 30 bài, viết trong tù thể hiện nỗi buồn đau và ý chí, khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù. “Giải phóng” gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.

Bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ cùng tên của Tố Hữu, đây chính là tiếng hát hân hoan, nồng nhiệt của một thanh niên trí thức khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bài thơ gồm có 3 khổ thơ, mỗi khổ thơ có 4 câu thơ diễn tả 3 nét chuyển biến trong nhận thức, trong tâm hồn của nhà thơ. Trong đó, khổ thơ đầu tiên thể hiện niềm vui sướng của nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Từ nhan đề cho đến mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng từ “Từ ấy”, nhằm mục đích nhấn mạnh giây phút đầu tiên chàng thanh niên trẻ bắt gặp lí tưởng cộng sản, đây cũng chính là giây phút thiêng liêng trọng đại quyết định cả cuộc đời của người thanh niên ấy. Mốc thời gian quan trọng ấy chính là tháng 9 năm 1938, vì thế giây phút thiêng liêng ấy đã trở thành một mốc thời gian không thể nào quên trong trái tim thi sĩ. Trước mốc thời gian đó, Tố Hữu là một thanh niên sôi nổi, hào hứng tràn đầy nhiệt huyết “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi cho bản thân:

“Vẩn vơ theo mãi vòng luẩn quẩn
Muốn thoát than ôi chẳng bước rời”
(Nhớ đồng)
Chính vì vậy, nhà thơ đã rơi vào cảnh:
“Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt”

Đang trong tâm trạng chán nản, buồn chán vì không xác định được hướng đi cho mình thì bỗng bất ngờ nhà thơ bắt gặp lí tưởng cách mạng, giây phút ấy như bừng sáng đến diệu kì. Nhà thơ diễn tả niềm vui sướng đó bằng một loạt các hình ảnh, những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc cùng với một loạt những từ ngữ chỉ sắc thái và mức độ mạnh mẽ của tình cảm như: “bừng nắng hạ”, “chói qua tim”, “vườn hoa lá”, “đậm hương”, “rộn tiếng chim”. Tất cả những hình ảnh ấy đều ở mức độ mãnh liệt, say mê nhằm thể hiện niềm vui sướng bất tận tràn đầy viên mãn và tình cảm chân thành, kính trọng của nhà thơ đối với Đảng.

Lí tưởng cách mạng của Đảng được tác giả so sánh với hình ảnh “mặt trời chân lí” tỏa ánh nắng chói chang, rực rỡ ấm nóng như ánh nắng mùa hạ làm bừng sáng tâm hồn người chiến sĩ trẻ, nó có đủ sức mạnh xua đi mọi u ám buồn đau, bế tắc trong tử tưởng của những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết nhưng chưa tìm được hướng đi đúng trong cuộc đời. Nhà thơ cảm nhận ánh sáng của Đảng bằng cả trái tim, khối óc và lí trí chứng tỏ đây là nhận thức rất sâu sắc chứ không phải bột phát. Hình ảnh “mặt trời chân lí chói qua tim” là một sáng tạo mới mẻ và rất có chiều sâu của Tố Hữu trong thơ ca cách mạng lúc bấy giờ, hình ảnh này giàu sức hấp dẫn đối với tuổi trẻ nên sống mãi trong lòng bạn đọc mãi mãi về sau. Với Tố Hữu, lí tưởng cộng sản còn mang cái xanh tươi, rạo rực của cuộc sống tràn trề hương thơm ngào ngạt, rộn rã tiếng chim ca khiến nhà thơ vừa có cảm giác chói lóa trước một vầng sáng diệu kì, lại vừa cảm nhận được sự dịu mát của tâm hồn khi đứng trong một vườn cây ngập tràn hoa lá.

Bài thơ “Từ ấy” nói riêng và cả tập thơ nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng cộng sản trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo bước ngoặt lớn cho quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Trong Từ ấy, không chỉ có tiếng chim rộn rã và hương hoa của niềm vui vừa bắt gặp lý tưởng, mà còn có lời an ủi, động viên chân tình đối với những số phận bất hạnh. Và sau cùng, nhân danh cách mạng, “Từ ấy” là tiếng thét đầy hờn căm, là hồi kèn xung trận thôi thúc mọi người xông lên, vào trận chiến mất còn với kẻ thù để giành lại độc lập tự do và quyền sống của con người.

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Bài làm 3

Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làm Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên –Huế. Tháng 7 năm 1938, chàng trai Nguyễn Kim Thành đã chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản khi mới 18 tuổi. Đồng thời sự nghiệp thơ ca cách mạng của Tố Hữu cũng bắt đầu từ đó. Mốc lịch sử quan trọng này cùng niềm vui sướng, hào hứng buổi đầu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tố Hữu đã viết “Từ ấy”. Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Ánh sáng chân lí đã soi rọi,  người thanh niên đã giác ngộ rõ con đường cách mạng cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại.  Niềm vui sướng và say mê mãnh liệt được thể hiện rõ ràng trong khổ đầu bài thơ:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Trước khi biết đến với lí tưởng ví đại của Đảng cộng sản, cuộc sống của đa số thanh niên Việt yêu nước đều chìm đắm trong tăm tối như một đêm đông kéo dài vô tận. Có người nói rằng,  “con người ta sẽ không khổ nếu người ta không biết mình đang khổ”, với những người an phận thủ thường, cam chịu khiếp nô lệ thì việc đấu tranh giải phóng mình họ còn không màng tới huống hồ là sự nghiệp cứu nước.  Ngược lại, với những người ý thức được hoàn cảnh thực tại và khao khát được thay đổi số phận mình lại cảm thấy ngột ngạt và bí bách; Tố Hữu là một trong những thanh niên như vậy. Sự bất lực khi bản thân mình có tài sức mà không có cơ hội được đem nhiệt huyết hừng hực ấy sống mái với giặc. Nếu như không có lí tưởng của Đảng dẫn đường, có lẽ là một người có cá tính rất mạnh mẽ như Tố Hữu sẽ phản kháng với số phận bằng con đường cực đoan, chìm đắm trong men rượu lậu và khói thuốc phiện mà bỏ quên sự đời. Chắc hẳn hơn một lần chàng trai trẻ phải ngao ngán than thở bởi con đường phía trước mịt mờ, vô định quá: “Bâng khuân đứng giữa đôi dòng nước. _ Chọn một dòng hay để nước cuồn trôi?” Thật may là lí tưởng của Đảng đã đem đến ánh sáng cho cuộc đời Tố Hữu.

 Ngay trong câu đầu tiên, độc giả bắt gặp hình ảnh ẩn dụ độc đáo và đầy ý nghĩa: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. Đó chính là khoảnh khắc người thanh niên giác ngộ lí tưởng cách mạng và tình nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Nắng hạ”  kết hợp với động từ “bừng”  làm cho câu thơ tràn ngập ánh sáng và gợi mở ra nhiều tầng ý nghĩa. Tác giả chọn “nắng hạ”, thứ ánh sáng xuất hiện mãnh liệt nhất trong năm để thể hiện niềm hân hoan mạnh mẽ và lòng nhiệt huyết căng tràn. Nắng hạ bừng sáng là chân lí sáng soi sau một thời gian đông dài u tối, bế tắc không lối thoát rồi đến tiết xuân là khi những cơ sở tiền đề, định hướng tương lai được nảy nở, ấp ủ. Những dự định tiềm tàng bấy lâu như trăm nụ hoa ngủ dài, bắt gặp ánh sáng mãnh liệt kia bừng tỉnh giấc, tỏa ngát hương sắc cho đời.

Tố Hữu so sánh lí tưởng cách mạng với hình tượng tuyệt đẹp: “mặt trời chân lí”. Hình tượng này rất logic với tứ thơ câu trên. Thật vậy, ánh sáng mạnh mẽ, mãnh liệt nhất có lẽ chỉ có mặt trời mới tạo ra được, cũng ánh sáng như mặt trời, chân lí cách mạng  đã dẫn dắt con người bế tắc đến tương lai tươi sáng. Từ hình ảnh so sánh này, ta càng thêm ý thức được sự quyết định sống còn của lí tưởng cách mạng với con người làm cách mạng. Sự quan trọng của lí tưởng cách mạng cũng giống như mặt trời với muôn loài trên hành tinh vậy. Nhưng cái hay của câu hai không chỉ có bấy nhiêu, ảnh hưởng của “mặt trời chân lí” còn trực tiếp tác động đến tình cảm của nhà thơ: “chói qua tim”. Như vậy, Đảng Cộng sản đã tác động con người từ lí trí đến tình cảm, mà như người Việt ta có câu: “Thấu tình đạt lí”.

Hai câu thơ tiếp theo đem lại cảm giác thỏa mãn giác quan cho người đọc:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Câu thơ thật bay bổng và lãng mạn, diễn đạt trọn vẹn niềm vui sướng tột độ của một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết khi bắt gặp chân lí, tìm ra con đường lí tưởng của cuộc đời. Đó là gắn trọn cuộc đời với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước vĩ đại của dân tộc: “Ta sẵn sàng xé trái tim ta_ Cho Tổ quốc, và cho Tất cả”. Những từ ngữ được tác giả sử dụng rất đắt ý và có hiệu quả cao trong việc khơi gợi cảm xúc. Tố Hữu so sánh cái vô hình là “hồn tôi” với cái hữu hình “vườn hoa lá” làm cho câu chữ bay bổng hơn, lãng mạn hơn. Cái “vườn hoa lá” của Tố Hữu khi được “mặt trời chân lí” làm cho “bừng” sáng đã ngập tràn sắc hương và âm thanh tươi mới của cuộc đời. Quả thật trong lòng có nắng, con mắt nhìn đâu cũng thấy sáng bừng… Chàng thanh niên Tố Hữu lúc này đối lập hoàn toàn với chính Tố Hữu trước khi đến với chân lí: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu_Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…” ( “Truyện Kiều”, Nguyễn Du).

Khổ đầu bài thơ là tiếng hát dạo đầu thể hiện niềm vui sướng tột độ của người con đất Việt gặp được chân lí, tìm được con đường lí tưởng của đời mình. Đặt trong bối cảnh nước nhà bấy giờ, có một bộ phận thanh niên chán ngán xã hội đương thời, tù túng với cuộc sống thực tại mà không tìm được con đường đi đúng đắn, họ chìm đắm trong thuốc phiện và rượu cồn, từng bước từng bước hủy hoại bản thân cả về thể lực lẫn lí trí thì “Từ ấy” như một lời tuyên ngôn của bản thân Tố Hữu. Nó tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm của độc giả. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ song mỗi khi “Từ ấy” vang lên, mỗi người trẻ hôm nay đều có những cảm xúc tích cực và quyết tâm tu thân, rèn luyện, bảo vệ Tổ quốc.

Từ khóa tìm kiếm

  • phân tích khổ đầu từ ấy
  • phân tích khổ đầu bài thơ từ ấy
  • những từ ngữ nào diễn tả niềm vui trong khổ thơ đầu của bài Từ Ấy
  • Phân tích khổ thơ đầu của bài từ ấy
  • phan tich bai tu ay to huu
  • phân tích 2 câu thơ ngẩng đầu lên không thấy mặt trời đất lai láng những là nước mắt
  • phân tích bốn câu thơ đầu trong bài từ ấy cua tố hữu
  • mở bài thơ từ ấy
  • văn 11 phân tích khổ 1 bài từ ấy
  • cảm nhận khổ thơ đầu bài từ ấy

Bài viết liên quan

0