02/07/2018, 18:24

Đặc điểm cấu tạo của tuyến vú và quá trình tạo sữa

Đặc điểm cấu tạo của tuyến vú Trong giai đoạn phát triển bào thai và giai đoạn trước khi bê cái thành thục tính dục, mô tuyến vú được cấu tạo từ mô mỡ, bao quanh các ống dẫn sữa nguyên thuỷ. Khi bắt đầu thành thục tính dục, dưới ảnh hưởng của các estrogen, các ống dẫn sữa phát triển. Trong khi ...

Đặc điểm cấu tạo của tuyến vú

Trong giai đoạn phát triển bào thai và giai đoạn trước khi bê cái thành thục tính dục, mô tuyến vú được cấu tạo từ mô mỡ, bao quanh các ống dẫn sữa nguyên thuỷ. Khi bắt đầu thành thục tính dục, dưới ảnh hưởng của các estrogen, các ống dẫn sữa phát triển. Trong khi đó, progesteron do thể vàng tiết ra tạo thuận lợi cho việc hình thành các nang tuyến. Cứ sau mỗi chu kỳ động dục, thể tích bầu vu lại tăng lên một chút.

Trong thời gian có chửa, thể tích bầu vú tăng lên rất mạnh do sự phát triển của các ống dẫn và nang tuyến, dưới tác động tăng cường của estrogen và progesteron. Bắt đầu từ tháng chửa thứ bảy, bầu vú đã hình thành đầy đủ để chuẩn bị thể hiện vai trò của mình.

Mặc dù thực tế là 4 khoang vú gắn liền vói nhau giữa chúng để tạo thành bầu vú, nhưng mỗi khoang vú này vẫn giữ mức độ độc lập của nó. Điều đó có thể thấy được từ bên ngoài. Khi quan sát bầu vú từ phía sau ta thấy một rãnh chia bầu vú thành hai nửa và mỗi nửa được tạo thành từ hai khoang, gọi là khoang trước và khoang sau (vú trước và vú sau).

Một lát cắt ngang qua bầu vú bò cái chỉ rõ là nó được hình thành từ 4 khoang (vú). Giữa các khoang này có các vách ngăn bằng mô liên kết. Các vách ngãn chạy theo chiều dọc và chiều ngang làm cho các khoang độc lập với nhau.

Như vậy, có thể là một khoang sản sinh ra lượng sữa lớn hơn các khoang kia, hoặc một trong các khoang bị nhiễm khuẩn mà các khoang khác không bị ảnh hưởng mạnh.

Bầu vú gắn với cơ thể qua trung gian các dây chằng: các dây chằng nâng bên cạnh và các dây chằng nâng ở giữa.

Bầu vú bò cái có thể có trọng lượng rất lớn, nhất là trước khi vắt sữa. Một bò cái sản xuất ra 20 lít sữa/ngày có bầu vú cân nặng tới 40kg.

Một bầu vú lý tưởng là:

– Bầu vú phát triển, rộng và sâu, 4 khoang vú có thể tích bằng nhau.

– Các núm vú thẳng đứng, có độ dài trung bình, tách biệt nhau rõ ràng.

Khoảng cách giữa các núm vú trước lớn hơn một chút so với khoảng cách giữa các núm vú sau.

– Các dây chằng nâng đỡ bầu vú vững chắc, bầu vú không bị chảy sâu quá tránh cho các núm vú lê quyệt trên mặt đất và bị tổn thương.

– Trên bề mặt bầu vú thấy có nhiều tĩnh mạch và các tĩnh mạch này nổi rõ.

– Bên trong phải chứa nhiều mô tuyến.

Một bầu vú chứa ít mô tuyến và chứa nhiều mô liên kết thì mặc dù thể tích lớn nhưng không phải là bầu vú lý tưởng để sản xuất sữa (ở bò cái Zêbu bầu vú thường là loại chứa ít mô tuyến).

Người ta có thể phân biệt dễ dàng một bầu vú nhiều mô tuyến với một bầu vú nhiều mô liên kết: sau khi vắt sữa, một bầu vú nhiều mô tuyến thì rỗng, mềm, còn bầu vú nhiều mô liên kết thì cứng, vẫn tiếp tục cho hình dạng một bầu vú đầy sữa, ngay cả sau khi ta đã vắt kiệt.

Như vậy, cần phải nắn bầu vú trước và sau khi vắt sữa để đánh giá cấu trúc của nó. Có thể sử dụng một phương pháp khác: ấn một hay nhiều ngón tay lên bầu vú. Nếu như dấu ấn của ngón tay chậm mất đi thì chứng tỏ bầu vú có nhiều mô tuyến. Trong trường hợp bầu vú nhiều mô liên kết thì dấu ấn ngón tay nhanh chóng mất đi, hoặc không để lại dấu ấn và có cảm giác cứng khi ấn ngón tay.

Cấu tạo bên trong của tuyến vú:

Tuyến vú bao gồm mô tuyến và mô liên kết. Mô tuyến bao gồm các nang tuyến và hệ thống ống dẫn:

Đọc thêm  Đặc điểm sinh sản bò cái

– Nang tuyến: có số lượng rất lớn (khoảng 80.000 nang tuyến trong 1cm3). Nang tuyến có dạng khối cầu, mặt trong được bao phủ bởi các tế bào biểu mô (tế bào tiết sữa). Ở chính giữa có một xoang, gọi là xoang tiết. Xoang này ăn thông với một ống dẫn gọi là ống dẫn nhỏ. Nhiều ống dẫn nhỏ tập trung lại thành một ống dẫn trung bình. Nhiều ống dẫn trung bình tập trung lại thành ống dẫn lớn.

Nhiều ống dẫn lớn đổ về bể sữa. Bể sữa thông ra ngoài bằng ống núm vú. Cuối núm vú có cơ thắt đầu núm vú, cơ này ngăn không cho sữa tự chảy ra ngoài.

– Hệ cơ trong tuyến vú: ở xung quanh các nang tuyến có cơ biểu mô. Khi cơ co bóp thì đẩy sữa vào ống dẫn nhỏ, sau đó từ ống dẫn nhỏ vào ống dẫn trung bình và lớn. Xung quanh ống dẫn lớn và bể sữa có cơ trơn. Khi cơ biểu mô co thì các cơ trơn dãn và cơ thắt đầu vú co. Khi cơ trơn co thì cơ thắt đầu vú dãn và sữa chảy ra ngoài thành tia.

– Tổ chức liên kết đệm trong tuyến vú: ở giữa các nang tuyến có các tổ chức mỡ bao bọc. Tổ chức này có hai chức năng:

+ Có tác dụng đệm: tránh xây xát cho các nang tuyến khi bầu vú căng sữa và có kích thích cơ giới bên ngoài lên bầu vú.

+ Có tác dụng giữ cho tuần hoàn máu lưu thông trong lúc bầu vú căng sữa.

– Hệ thống thần kinh mạch quản:

+ Hệ thống thần kinh chi phối hoạt động của tuyến vú.

+ Hệ thống mạch quản: động mạch đi vào và tĩnh mạch đi ra. Nếu lấy máu của động và tĩnh mạch kiểm tra thì sẽ biết được tuyến vú đã sử dụng những chất nào. Tĩnh mạch vú thường nổi lên thành dạng thừng và đây là một chỉ tiêu quan trọng để chọn bò nuôi lấy sữa.

Quá trình tạo sữa

Quá trình tạo sữa có sự tham gia của toàn bộ cơ thể: tiêu hoá tăng 65%. Tuần hoàn cũng tăng.

Theo các kết quả nghiên cứu thì để có 1 lít sữa cần 540 lít máu chảy qua tuyến vú. Đó là quá trình chọn lọc những chất từ huyết tương đưa vào tuyến vú và tổng hợp nên những thành phần đặc trưng của sữa. Tức là, trong quá trình tạo sữa, một số chất từ máu thấm trực tiếp qua tuyến vú. Ngoài ra, trong tuyến vú cũng tổng hợp được một số chất không có trong máu. Phân tích thành phần của sữa và huyết tương người ta thấy sữa có nhiều chất mà huyết tương không có, như cazein, lactose, mỡ sữa… Hàm lượng của một số chất cũng rất khác nhau, ví dụ: hàm lượng đường sữa lớn hơn hàm lượng đường huyết 90 – 95 lần, mỡ lớn hơn 19 lần, hàm lượng protein ít hơn 2 lần, vitamin ít hơn 6 lần.

Các thành phần của sữa được tổng hợp trong lưới nội chất (endoplasmic reticulum) với sự tham gia của thể ribozom. Năng lượng cho lưới nội chất do mitochondria cung cấp. Sau khi được tổng hợp, các thành phần này được chuyển dọc theo máy Golgi, qua nguyên sinh chất và màng đỉnh tế bào biểu mô và sau đó được máy Golgi đổ vào xoang tiết dưới dạng “bọng túi”.

– Protit sữa: chủ yếu là cazein (chiếm 76 – 86% tổng số protit trong sữa). Nó là loại protit chỉ có ở trong sữa và không có ở trong máu. Cazein thuộc loại photspho protit (chứa 0,8 – 9% phospho). Cazein được chia ra α, β và γ cazein.

Ngoài cazein ra, trong sữa còn có lactoalbumin, lactoglobulin, các men: lactoperoxydaza, lipaza, proteaza, photphataza. Những men này có hai nguồn gốc: từ máu vào và do các tế bào biểu mô tổng hợp nên.

Hiện nay người ta phát hiện là ngay trong tế bào tuyến vú có khả năng tổng hợp được axít amin, đặc biệt là các axít amin thay thế được.

Đọc thêm  Dự trữ và bảo quản một số loại thức ăn cho bò sữa

– Đường sữa: trong sữa có đường. Đây là loại đường do tuyến vú tổng hợp nên từ hai nguyên liệu: glucose và galactose. Glucose lấy từ máu, còn galactose thì tuyến vú có khả năng biến glucose thành galactose.

glucose —> glucose 6-phosphat  —> glucose-1-p —> glucouridin-di.P —> galactouridin-di.P

galactouridin-di.P + glucose-1-P—lactozillransieraza -> lactose-1 -P + uridin di.P

lactose-1-P –lactose-1-P phosphataza -> lactose + P

– Mỡ sữa: được tạo ra trong tuyến vú thông qua tổng hợp từ axit béo và glycerin.

Tuyến vú lấy glucose từ máu để biến thành glycerin. Còn axit béo thì nó lấy từ máu.

Ngoài ra, ở động vật nhai lại, tuyến vú có khả năng tổng hợp axit béo bậc cao từ những axit béo bay hơi cấp thấp, sản sinh ra trong dạ cỏ, đặc biệt là axit axetic, butyric, β- hydroxyl butyric.

Cơ sở sinh lý của việc vắt sữa

Khi sữa được hình thành, nó đi qua thành tế bào và tích tụ lại trong xoang tiết. Sữa được hình thành liên tục, nhưng quá trình tạo sữa nhanh hơn khi bầu sữa rỗng so với khi bầu vú đã đầy. Khi các xoang tiết đầy sữa, nó tạo nên một áp lực lên hệ thống mao mạch, làm chậm quá trình lưu thông máu và như vậy làm giảm việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo sữa, việc tạo sữa chậm lại Điều đó giải thích tại sao cần phải vắt sữa cho bò 2 lần một ngày và với khoảng thời gian như nhau, nếu không, quá trình tạo sữa bị chậm lại và tổng lượng sữa bị giảm.

Việc tiết và thải sữa tiến hành thông qua các phản xạ có điều kiện: bò nhìn thấy hình ảnh người vắt sữa, dụng cụ vắt sữa, vị trí vắt sữa, giờ vắt sữa… và thông qua kích thích trực tiếp lên bầu vú (rửa lau bằng nước ấm, xoa bóp bầu vú…). Kích thích sẽ theo dây thần kinh truyền vào tuỷ sống, đến hành tuỷ, vùng dưới đồi. Dưới sự điều khiển của vùng dưới đồi, thuỳ sau tuyến yên tiết và đổ oxytoxin vào máu. Oxytoxin làm co các cơ biểu mô và đẩy sữa vào bể chứa.

Hoạt động của hormon này kéo dài khoảng 6 phút, mà thời điểm từ khi tiếp nhận thần kinh cho đến khi hormon tới bầu vú, nghĩa là bắt đầu tác động lên tuyến vú kéo dài 60 – 80 giây (hoặc khoảng 1 phút). Như vậy, thời gian vắt sữa được giới hạn khoảng 5 phút.

Trong trường hợp có các kích thích đau, khó chịu (như đánh đập, xoa bóp quá mạnh, tiếng kêu thét, có đông người hoặc người lạ vào vắt sữa…) thì vùng dưới đồi điều khiển tuyến thượng thận tiết ra adrenalin, hormon này ngăn cản sự co bóp của các cơ biểu mô và cơ trơn, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiết và thải sữa.

Như vậy để vắt sữa đạt hiệu quả cao (người công nhân lành nghề có thể vắt được 90 – 100% lượng sữa, bình thường chỉ vắt được 60 – 70% lượng sữa), cần tuân thủ một số quy định sau đây:

– Phải luôn luôn bảo đảm cho bò trong trạng thái dễ chịu, không gây ra những biến động bất thường.

– Kích thích lên bầu vú phải nhẹ nhàng (nên dùng khăn lau thấm ướt với nước ấm hoặc xoa bóp nhẹ nhàng lên bầu vú), thời gian kích thích trong khoảng 1 phút.

– Việc vắt sữa cần luôn được tiến hành chỉ do cùng một người, vào thời gian nhất định và theo cùng một trình tự vắt sữa (nếu như có nhiều bò).

Tốc độ vắt sữa bảo đảm vừa phải, không nên quá nhanh hay quá chậm. Tốc độ vắt phải phù hợp với tần số co bóp của cơ trơn bể sữa (thông thường là 84 – 132 lần/phút) và đảm bảo thời gian vắt sữa chỉ kéo dài 5 – 6 phút (trong khoảng thời gian phản xạ thải sữa còn duy trì).

0