24/06/2018, 17:21

Chuyên đề 23: Phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 (Phần 1) – Lịch sử 11

*Kiến thức nâng cao: 1. Những sự kiện chứng minh Phan Bội Châu chủ trương giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản bằng phương pháp bạo động Phan Bội Châu là sĩ phu nổi tiếng đất Nghệ An, là lãnh tụ tiêu biểu nhất trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX. Phan Bội Châu chủ trương ...

*Kiến thức nâng cao:

1. Những sự kiện chứng minh Phan Bội Châu chủ trương giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản bằng phương pháp bạo động

Phan Bội Châu là sĩ phu nổi tiếng đất Nghệ An, là lãnh tụ tiêu biểu nhất trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX. Phan Bội Châu chủ trương bạo động vũ trang đánh đuổi Pháp, xây dựng một chế độ chính trị mới ở Việt Nam. Chủ trương đó được thể hiện:

Năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Hội Duy tân, chủ trương đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập, thiết lập một chính thể quân chủ lập hiến ở Việt Nam.

Là người tổ chức phong trào Đông du, đưa thanh thiếu niên sang Nhật học tập để chuẩn bị lực lượng chống Pháp.

Tháng 6-1912, ông thành lập Việt Nam Quang phục hội, khẳng định tôn chỉ: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước cộng hoà dân quốc.

Bí mật cử người về nước trừ khử những tên thực dân đầu sỏ và bọn tay sai đắc lực của Pháp để khuấy động dư luận trong và ngoài nước.

Phan Bội Châu là người vươn lên liên tục để đạt mục tiêu giải phóng dân tộc nhưng tất cả đều bị thất bại.

2. Những sự kiện chứng minh Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản bằng phương pháp cải cách

+Phan Châu Trinh là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng phương pháp cải cách như nâng cao dân trí, dân quyền, dựa vào Pháp đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, xem đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập. Chủ trương đó được biểu hiện:

+ Từ năm 1906, Phan Châu Trinh và nhóm sĩ phu tiến bộ ở Quảng Nam mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì. Ông chú ý đến việc cổ động chấn hưng thực nghiệp, lập hội kinh doanh.

+ Cuộc vận động Duy tân của Phan Châu Trinh diễn ra dưới nhỉều hình thức phong phú.

+Phong trào Duy tân là một cuộc vận động yêu nước có nội dung chủ yếu là cải cách văn hóa – xã hội, gắn liền với giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị ngoại xâm.

+Khuynh hướng của Phan Châu Trinh thể hiện lòng yêu nước, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi sự thống trị của nước ngoài nhưng cuối cùng cũng bị thất bại.

3. Mục đích hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục. Những đóng góp của Đông Kinh nghĩa thục trong cuộc vận động văn hóa đầu thế kỉ XX

Mục đích:

Mục đích của Đông Kinh nghĩa thục nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá một nền học thuật mới và nếp sống văn minh, tiến bộ, góp phần làm cho đất nước thoát khỏi lạc hậu, thoát khỏi ách thống trị ngoại bang, trở thành một Quốc gia độc lập.

Đông Kinh nghĩa thục không chỉ là trường học mà còn là một tổ chức cách mạng để hưởng ứng cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX.

Những đóng góp:

Đông Kinh nghĩa thục có những đóng góp lớn trong cuộc vận động văn hóa đầu thế kỉ XX:

Đã xác định được mục đích của nhà trường và mục tiêu của giáo dục mới: nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng, truyền bá một nền học thuật mới và một nếp sống văn minh ở Việt Nam.

Cải tiến phương pháp học tập theo hướng phát triển tư duy.

Cải cách nội dung giáo dục: chống nền cựu học, đòi bỏ việc dùng chữ Hán, bỏ học theo lối thi cử, nhồi sọ, xây dựng một nền giáo dục “phổ cập”.

Biên soạn và phổ cập các loại sách mang tính giáo khoa và văn học.

4. Khuynh hướng mới trong phong trào vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX

Cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX gồm có hai khuynh hướng: Khuynh hướng bạo động của Phan Bội Châu và khuynh hướng cải cách của Phan Châu Trinh.

Hai khuynh hướng này nảy sinh trong hoàn cảnh lịch sử:

+ Sau khi phong trào Cần vương bị thất bại, con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến không còn phù hợp ở Việt Nam.

+ Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp làm cho nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam có những biến chuyển sâu sắc. Những biến chuyển này có tác động rất lớn đối với các sĩ phu yêu nước.

+ Cùng với những biến chuyển trong nước, lúc này còn có những tác động từ bên ngoài: cuộc Duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc, Cách mạng Tân Hợi… đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động của các nhà cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

5. So sánh tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu

  • Giống nhau:

+ Cả hai ông đều mong muốn thực hiện mục đích làm cách mạng là cứu nước, cứu dân.

+ Cả hai ông đều đi ra nước ngoài để tìm đường cứu nước, học hỏi kinh nghiệm cách mạng các nước về làm cách mạng ở Việt Nam.

  • Khác nhau:

+ Phan Bội Châu là lãnh tụ của phong yêu nước – cách mạng, chủ trương vận động quần chúng và tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài để tiến hành bạo động chống Pháp, xây dựng nên một chế độ chính trị mới ở Việt Nam.

+ Phan Châu Trinh là lãnh tụ của phong trào cải cách dân chủ, ông chủ trương phê phán chếđộ thuộc địa, vua quan, hô hào cải cách xã hội; nâng cao dân trí, dân quyền tiên tới cứu nước; tư tưởng của ông ảnh hưởng đến phong trào dân chủ của các sĩ phu lúc bây giờ.

0