24/06/2018, 17:20

Chuyên đề 1: Lịch sử thế giới cận đại ( Phần 2) – Lịch sử 11

ĐỀ 2 Câu 5. Trình bày các phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi. Trong các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, phong trào nào được đánh giá là nổi bật và có ý nghĩa nhất. Nêu tóm tắt diễn biến của phong trào đó ? Câu 6. Trình bày diễn biến cuộc đấu tranh chống thực ...

ĐỀ 2

Câu 5. Trình bày các phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi. Trong các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, phong trào nào được đánh giá là nổi bật và có ý nghĩa nhất. Nêu tóm tắt diễn biến của phong trào đó ?

Câu 6. Trình bày diễn biến cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, Pháp của nhân dân Ha-i-ti ở Mĩ Latinh. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này ?

Câu 7. Bằng những kiến thức đã học trong bài “Chiến tranh thế giới thứ nhất”, hãy giải thích: Chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc gây ra Chiến tranh thếgiới thứ nhất ?

Câu 8. Tóm tắt diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918). Nêu tính chất của cuộc chiến tranh.

Câu 9. Trình bày những nét chính về chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học. Điểm khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng là gì?

Câu 10. Trình bày diễn biến chính của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Á ?

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI:

Câu 5. Trình bày các phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi. Trong các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, phong trào nào được đánh giá là nổi bật và có ý nghĩa nhất. Nêu tóm tắt diễn biến của phong trào đó ?

  • Các cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi:

+ Ở An-giê-ri: Cuộc khởi nghĩa của Áp-đen Ca-đe kéo dài từ năm 1830 đến năm 1874. Thực dân Pháp phải mất nhiều thời gian mới chinh phục được nước này.

+ Ở Ai Cập: Từ năm 1879 – 1882, diễn ra phong trào “Ai Cập trẻ”. Các nước đế quốc phải can thiệp mạnh mới ngăn chặn được cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai Cập.

+ Ở Ê-ti-ô-pi-a: Từ năm 1885 – 1896, đã đấu tranh chống thực dân I-ta-li-a và là một trong những nước giữ được độc lập ở châu Phi.

+ Ở Xu-đăng: Từ năm 1877 -1898, diễn ra cuộc khởi nghĩa của Mô-ha-mét.

Thực dân Anh được các nước đế quốc giúp đỡ mới dập tắt được phong trào.

-Phong trào đấu tranh nổi bật và có ý nghĩa nhất đó là phong trào đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Ê-ti-ô-pi-a chống xâm lược của I-ta-li-a bảo vệ được độc lập.

-Tóm tắt diễn biến:

Năm 1885,1-ta-li-a đem quân đánh chiếm Ê-ti-ô-pi-a, song bị nhân dân địa phương đánh bại. Năm 1889, I-ta-li-a lại tiến sâu vào nội địa, đánh chiếm một số vùng ở Ê-ti-ô-pi-a. Bọn thực dân đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân. Bọn thực dân I-ta-li-a bị đánh bại ở A-dua, 3000 quân tử trận, 3000 người bị bắt làm tù binh, nhiều vũ khí, đạn dược bị mất. Quân đội Ê-ti-ô-pi-a cũng bị tổn thất nặng nề, song đã chiến thắng, bảo vệ được Tổ Quốc.

Câu 6. Trình bày diễn biến cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, Pháp của nhân dân Ha-i-ti ở Mĩ La-tinh. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này ?

  • Diễn biến:

Năm 1791, ở Ha-i-ti bùng nổ cuộc đấu tranh lớn của người da đen dưới sự lãnh đạo của Tút-xanh Lu-véc-tuy-a. Ông buộc thực dân Anh phải rút khỏi đảo, tuyên bố thành lập nước cộng hòa, xóa bỏ chế độ nô lệ và ban hành quyền bình đẳng giữa người da đen và người da trắng. Năm 1803, cuộc đấu tranh giành được thắng lợi rực rỡ. Ha-i-ti trở thành nước cộng hòa da đen đầu tiên ở Mĩ Latinh. Tuy nhiên nền độc lập của Ha-i-ti chưa được bao lâu thì quân Pháp trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bắt giữ Tút-xanh Lu-véc-tuy-a, phục hồi nền thống trị thực dân.

  • Ý nghĩa:

+ Cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, Pháp của nhân dân Ha-i-ti thắng lợi buộc chúng phải công nhận nền độc lập của Ha-i-ti.

+ Với thắng lợi này, Ha-i-ti trở thành nước cộng hòa da đen đầu tiên ở Mĩ La-tinh.

+ Ha-i-ti đã xóa bỏ được chế độ nô lệ và thực hiện quyền bình đẳng giữa người da đen và da trắng.

+ Nó có tác dụng cổ vũ phong trào đâu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở khu vực Mĩ Latinh.

Câu 7. Bằng những kiến thức đã học trong bài “Chiến tranh thế giới thứ nhất”, hãy giải thích: Chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất ?

  • Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, do sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, dẫn đến mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thị trường và thuộc địa ngày càng gay gắt. Biểu hiện:

+ Anh, Pháp là những nước có nhiều thuộc địa và thị trường do chủ nghĩa tư bản được hình thành sớm.

+ Đức là nước có tiềm lực kinh tế mạnh nhất châu Âu lúc này nhưng thuộc địa và thị trường quá ít. Đức công khai đòi chia lại thuộc địa, thị trường.

  • Từ những mâu thuẫn đó nên đã dẫn đến thành lập hai khối quân sự:

+ Năm 1882, khối Liên minh được thành lập gồm: Đức, Áo- Hung, I-ta-li-a.

+ Năm 1907, khối Hiệp ước thành lập gồm: Anh, Pháp, Nga.

Hai khối quân sự này ráo riết chạy đua vũ trang, tích cực chuẩn bị chiến tranh thế giới.

  • Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất đã từng diễn ra những cuộc chiến tranh cục bộ giữa các nước:

+ Năm 1898, chiến tranh giữa Mĩ và Tây Ban Nha.

+ Năm 1899, chiến tranh giữa Anh và người Bô-Ơ.

+ Năm 1900, liên quân tám nước đế quốc can thiệp vào Trung Quốc.

+ Năm 1904 -1905, chiến tranh Nga – Nhật.

Đây là những cuộc chiến tranh bước đầu phân chia lại thế giới, báo hiệu cuộc chiến tranh thế giới ngày càng đến gần.

Như vậy, tất cả những mâu thuẫn và sự xung đột đều bắt nguồn từ các nước đế quốc, nên chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Câu 8. Tóm tắt diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918). Nêu tính chất của cuộc chiến tranh ?

-Tóm tắt diễn biến: chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (1914 -1916)

+ Năm 1914, Đức tập trung phần lớn binh lực ở mặt trận phía Tây và ngay trong đêm 3 – 8 đã tràn vào Bỉ – một nước trung lập, rồi đánh thọc sang Pháp, Pa-ri bị uy hiếp, quân Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt.

+ Năm 1915, Đức dồn binh lực sang mặt trận phía Đông cùng quân Áo – Hung tấn công Nga quyết liệt, định đè bẹp Nga. Chế độ Nga hoàng bị khủng hoảng nghiêm trọng nhưng Đức không đạt được mục đích loại Nga ra khỏi chiến tranh.

+ Cuối năm 1915, hai bên cùng bước vào thế cầm cự trên một mặt trận dài 1 .200km, từ sống Đơ-nhi-ép đến vịnh Ri-ga.

+ Năm 1916, Đức lại chuyển trọng tâm hoạt động về mặt trận phía Tây, mở chiến dịch Véc-đoong. Quân Đức vẫn không hạ nổi thành Véc-đoong. Từ cuối năm 1916 trở đi, Đức, Áo từ thế chủ động đã chuyển sang phòng ngự ở hai mặt trận.

  • Giai đoạn 2 (1917 – 1918):

+ Tháng 2 – 1917, chế độ Nga hòang bị lật đổ nhưng Chính phủ lâm thòi trong tay giai cẩp tư sản vẫn tiếp tục theo đuổi chiên tranh.

+ Ngày 2 – 4 – 1917, Mĩ tuyên chiến với Đức. Sự tham chiến của Mĩ có lợi hơn cho phe Anh – Pháp – Nga.

+Tháng 10 – 1917, nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đứng lên làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi.

+Ngày 3 – 3 -1918, Nhà nước Xô viết kí với Đức Hòa ước Brét Li tốp. Nước Nga ra khỏi chiến tranh đế quốc.

+Đầu năm 1918, quân Đức mở liên tiếp bốn đợt tấn công với quy mô lớn trên mặt trận Pháp. Một lần nữa, Chính phủ Pháp chuẩn bị rời khỏi Pa-ri.

+Tháng 7 -1918, 65 vạn quân Mĩ đổ bộ vào châu Âu cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Mĩ trực tiếp tham chiến khi cả hai phe bị thiệt hại quá nhiều, hết sức mệt mỏi. Mĩ trở thành người đứng đầu phe Hiệp ước thay Anh.

+Từ cuối tháng 9 – 1918, quân Đức liên tiếp thất bại, bỏ chạy khỏi lãnh thổ Pháp và Bỉ. Các nước đồng minh của Đức cũng bị tấn công liên tiếp, buộc phải đầu hàng: Bun-ga-ri (ngày 29 – 9), Thổ Nhĩ Kì (ngày 30 – 10), Áo-Hung (ngày 2-11). Chiến tranh thếgiới thứ nhất kết thúc.

Tính chất:

-Đây là cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa các nước đế quốc

-Là cuộc chiến tranh xâm lược nhằm cướp đoạt lãnh thổ và thuộc địa của đối phương.

-Là cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với cả hai phe.

Câu 9. Trình bày những nét chính về chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học. Điểm khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng là gì?

  • Chủ nghĩa xã hội không tưởng:

+ Là học thuyết: xây dựng một xã hội trong lòng chế độ tư bản, do Xanh xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen xây dựng, ra đời vào đầu thế kỉ XIX.

+ Chủ nghĩa xã hội không tưởng tố cáo mạnh mẽ sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, nhưng không đề ra được con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn để giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Họ chi dừng lại ở mơ ước xây dựng một xã hội mới, tốt đẹp, công bằng hơn, một cuộc sống không có nghèo khổ, không có chiến tranh.

+ Việc thực hiện mơ ước này chỉ được thực hiện thông qua tuyên truyền, cổ động mà không đấu tranh. Vì vậy, nó mang tính chất không tưởng.

  • Chủ nghĩa xã hội khoa học:

+ Ra đời vào cuối thế kỉ XIX, do Mác – Ănghen sáng lập sau này Lê-nin phát triển. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời khi chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển và phong trào đấu tranh của công nhân các nước cũng đang phát triển mạnh mẽ.

+ Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen và tư tưởng của các nhà triết học Hê-ghen, Phoi-ơ-bách. Đồng thời khoa kinh tế – chính trị cổ điển Anh cũng có tác động mạnh đến tư tưởng của Mác và Ăng-ghen.

+ Chủ nghĩa xã hội khoa học là cương lĩnh cách mạng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản và mở ra một kỉ nguyên mới cho sự phát triển của khoa học.

  • Điểm khác nhau cơ bản:

+ Học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học được xây dựng trên quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân và thực tiễn đấu tranh của phong trào cách mạng vô sản thế giới. Từ đó hình thành nên hệ thống lí luận mới vừa khoa học, vừa cách mạng.

+ Học thuyết của chủ nghĩa xã hội không tưởng được xây dựng trên cơ sở ước mơ, đó là mong muốn xây dựng một xã hội không có tư hữu, không có áp bức bóc lột.

Câu 10. Trình bày diễn biến chính của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Á ?

  • Phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ giữa thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX:

+ Từ giữa thế kỉ XIX, thực dân Anh xâm lược An Độ, mâu thuẫn giữa đông đảo nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh trở nên gay gắt. Các cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra quyết liệt dưới nhiều hình thức, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp. nhân dân tham gia. Điển hình là cuộc khởi nghĩa Xi-pay (1857 – 1858). Mặc dầu cuối cùng bị thất bại, cuộc khởi nghĩa Xi-pay tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân Anh.

+ Tiếp theo khởi nghĩa Xi-pay là phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Bom-bay tháng 6 -1908.

  • Phong trào đấu tranh ở Trung Quốc cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX:

+ Sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện, lịch sử Trung Quốc chuyển sang thời kì mới. Đó là thời kì Trung Quốc bị các nước đế quốc Âu – Mĩ đua nhau xâm lược và chia sẻ. Đây là thời kì nhân dân Trung Quốc đấu tranh anh dũng, liên tục và rộng khắp để vừa chống đế quốc, vừa chống triều đình phong kiến Mãn Thanh.

+ Mở đầu cho các phong trào đấu tranh ở Trung Quốc là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc dưới sự lãnh đạo của Hồng Tú Toàn, nổ ra vào tháng 1 – 1851 đến năm 1861, khởi nghĩa bị thất bại. Tiếp đó là cuộc Duy tân năm Mậu Tuất (1898) do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lãnh đạo. Phong trào Duy tân diễn ra hơn 100 ngày thì bị thất bại. Gần như đồng thời với phong trào Duy tân, một cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân chống đế Quốc, đó là phong trào Nghĩa Hòa đoàn.

+ Đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Trung Sơn khởi xướng và lãnh đạo. Đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

  • Phong trào đấu tranh ở các nước Đông Nam Á:

+ Từ nửa sau thế kỉ XIX, các nước ở Đông Nam Á (trừ Xiêm) đều bị các nước đế quốc xâm lược, thống trị. Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước ở Đông Nam Á diễn ra liên tục, sôi nổi.

+ Phong trào đấu tranh chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi- a cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Điển hình là cuộc khởi nghĩa nông dân năm 1890 do Sa-min lãnh đạo.

+ Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha của nhân dân Phi-líp-pin vào cuối thế kỉ XIX với hai xu hướng: xu hướng cải cách của Hô-xê Ri-đan và xu hướng bạo động của Bô-ni-pha-xi-ô.

+ Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Cam-pu-chia cuối thế kỉ XIX gắn liền với các cuộc khởi nghĩa của Si-vô-tha (1861- 1892); cuộc khởi nghĩa của A-cha Xoa (1863 -1866); khỏi nghĩa của Pu-côm-pô (1866 -1867).

+ Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỉ.Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Ong Kẹo và Com-ma-đam nổ ra năm 1901 và kéo dài đến năm 1937.

Một số chuyên mục hay của Lịch sử lớp 11: 

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 11
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

Xem thêm: Chuyên đề 1: Lịch sử thế giới cận đại ( Phần 1) – Lịch sử 11

0