06/02/2018, 15:32

Cảm nghĩ về truyện Bánh chưng, bánh giầy

Đề bài: Nêu suy nghĩ về truyện Bánh chưng bánh giầy Bài làm Dân tộc Việt ta thật tự hào vì có một lịch sử phát triển lâu đời, những bản sắc văn hóa vô cùng giá trị, ấn tượng với biết bao thế hệ trên khắp mọi miền của tổ quốc và vang xa cả thế giới. Đặc biệt, mỗi dịp tết ...

Đề bài: Nêu suy nghĩ về truyện Bánh chưng bánh giầy

Bài làm

Dân tộc Việt ta thật tự hào vì có một lịch sử phát triển lâu đời, những bản sắc văn hóa vô cùng giá trị, ấn tượng với biết bao thế hệ trên khắp mọi miền của tổ quốc và vang xa cả thế giới. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh giầy vừa thơm ngon mà lại thấm đượm hồn dân tộc, giúp dội lại những dòng suy nghĩ về cội nguồn, về cách nhìn thời cuộc, cách chọn người hiền tài xứng đáng trị vì đất nước.

Chắc hẳn là người con nước Việt, ta hẳn biết về sự tích bánh chưng, bánh giầy. Xuất phát từ  câu chuyện lịch sử, đời thứ 6 Vua Hùng Vương nước ta đã dẹp hết thảy giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, Vua cha muốn tìm người kế vị ngai vàng, tiếp quản trị vì đất nước, đưa đất nước phát triển phồn thịnh hơn bây giờ  nhưng hẳn quá phân vân, khó khăn khi không biết chọn ai cho xứng đáng nhất, tài năng nhất trong 18 vị con trai của người. Tuổi cao, sức kiệt nên dù nhìn thấy quá nhiều việc để kiến thiết một nước độc lập mới, ông cũng bất lực, suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng buộc phải nhờ cậy vào thế hệ đi sau.

bánh chưng bánh giầy 

Hình thức thi tài để tuyển chọn người ưng ý là điều ông đang tính đến để cho hoàn toàn công bằng với tất cả. Ông ra quyết định rồi họp mặt đông đủ, Ông nói với các con: “Tổ tiên ta từ khi dựng nước đã truyền được sáu đời…. Năm nay, nhân lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên Vương chứng giám”.

Với đề bài như vậy, hẳn mỗi người con đều giữ cho mình những bí quyết, dồn tiền của để đáp ứng điều kiện của vua cha, vì tất cả họ muốn chứng minh mình có khả năng giành được ngôi báu to lớn ấy. Không để vua cha thất vọng, hầu như các con trai của ngài chẳng đắn đo suy tính nhiều, nhanh chóng đi kiếm tìm những của ngon vật lạ nhất trên đời, giai nhân trong nhà lên rừng xuống biển để kiếm phục vụ cho mâm cỗ đầy giá trị ấy,…để cúng dường tổ tiên, họ tin rằng như thế  sẽ thuyết phục được vua cha nhường ngôi. Nhưng họ càng làm như vậy, càng chắc chắn một điều họ không hiểu nổi ý tứ, tâm tình sâu xa của vua cha.

Khác với các anh trai, Lang Liêu là con út của Vua Hùng, vốn đầy thiệt thòi từ lúc mới sinh ra cho đến khi lớn lên, bị các anh chèn ép, cả đời ít được biết đến sự tận hưởng giàu sang phú quý. Nhưng chàng bỏ qua điều đó, mà dành sức chăm lo công việc đồng áng, trồng lúa, trông khoai chẳng khác gì người lao động chính gốc. Chàng trai đắn đo, suy nghĩ, đau khổ, tủi thân  khi bàn về cuộc thi, chẳng thể tìm cho mình được những món đắt giá, ngon lành vì trong nhà giờ chỉ có khoai và lúa tầm thường. Nhưng hoàn cảnh, tấm lòng của chàng, sự chăm chỉ của chàng đã cảm động được đến thần linh, một vị Thần giúp đỡ. Anh được thần báo mộng rằng: “Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương, bởi trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo”. Làm theo ý thần, anh còn học được bài học về sự biết trân trọng, phát huy những gì mình có. Thứ đơn giản mà anh có chính là hạt gạo mà anh vất vả lao động, làm ra sau bao mồ hôi, nước mắt  lại chính là góp phần nuôi sống con người bao đời. Nó tôn vinh được giá trị của một đất nước thuần nông. Càng suy nghĩ, chàng càng thấy đúng.  Chàng càng làm càng thấy thật hạnh phúc và vui mừng vì thấy được sự quan trọng của công việc mình làm góp phần nhỏ vào giúp cho nhân dân, cho đất nước. Chính bàn tay lao động đáng quý, cùng tấm lòng hiếu thảo hết mực, sáng tạo, khéo léo chàng đã làm việc ngày đêm cùng mọi người để làm ra những chiếc bánh chưng vuông vức, bao gồm cả thứ gạo nếp ngoài đồng, đậu, lá dong  trong vườn, thịt lợn nuôi được, buộc bằng lạt chắc chắn rồi đem đi luộc chín. Mọi thứ tuy đơn giản nhưng kết hợp hoàn hảo với nhau thành thứ bánh đặc biệt xưa nay chưa từng có mang tên Bánh Chưng. Và cũng gạo nếp ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn rồi nặn thành thứ bánh hình tròn. Đó là bánh giầy.

Trong ngày lễ lớn đó, hai vật phẩm ấy của chàng được đặt lên một mâm cỗ trịnh trọng song song với các mâm cỗ khác bày ra giữa toàn dân và nhà Vua. Nhà Vua dường như đặt thái độ quan tâm của mình vào nó, ngắm nghía và ấn tượng, bên này bánh chưng xanh mướt, bên kia là bánh dày mịn màng, trắng trẻo tuy dung dị nhưng đầy hấp dẫn,ngon lành. Gặng hỏi Lang Liêu về bí quyết, chàng thành thật về câu chuyện thần mách bảo. Và cuối cùng, tất cả đã thuyết phục được Vua Cha và cả Đất trời và tất nhiên chàng được nối ngôi đầy xứng đáng. Và câu chuyện về chiếc bánh chưng, bánh giầy được Vua cha giải thích kĩ lưỡng, và được đi vào lịch sử của nước nhà dù trải qua thời gian dài nhưng ý nghĩa nó tạo được nét riêng nhất là trong ngày Tết cổ truyền,đẹp trọn vẹn vì bánh chưng chính là tượng trưng cho mặt đất hiền hòa của chúng ta, còn bánh giầy chính là mặt trời kia, không thể thiếu được trong cuộc sống .

Qua câu chuyện, ta dường như thêm ngưỡng mộ đức tính của người con trai Lang Liêu ấy hội tụ tài năng, hiếu thảo và thông minh, cách chọn người tài kế vị đầy sáng suốt để hoàn thành sứ mệnh trị vì đất nước, chăm sóc muôn dân. Vậy nên, câu truyện vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong kho tàng văn học nước nhà và chính bánh chưng, bánh giầy làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực Việt để sau này biết bao nhiêu thế hệ tiếp nối theo. 

0