31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 17

Nhiều yếu tố ngoại lai đã được Việt hoá để góp phần xây đắp nên nền văn hoá Việt Nam [Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu / Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát) và văn hoá Việt Nam luôn có sự thống nhất trong sự đa dạng (Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thẩc / Gợi trăm màu trên ...

Nhiều yếu tố ngoại lai đã được Việt hoá để góp phần xây đắp nên nền văn hoá Việt Nam [Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu / Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát) và văn hoá Việt Nam luôn có sự thống nhất trong sự đa dạng (Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thẩc / Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi).

Câu 1.

Trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm có đoạn:

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi"

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 121 - 122)

Anh (chị) hãy:

1.   Xác định thể thơ đã được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.

2.   Nêu những ý thơ chính đã làm nên nội dung đoạn thơ.

3.   Cho biết những bài ca dao đã được dùng làm chất liệu để viết nên những câu thơ: Dạy anh biết "yêu em từ thuở trong nôi” / Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội / Biết trồng tre đợi ngày thành gậy / Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

4.   Giải thích ý nghĩa của các cụm từ bắt nước, bắt lên câu hát theo văn cảnh của đoạn trích.

Câu 2.

Sống là chuyển động và hành động.

Phát biểu ý kiến của anh (chị) về vấn đề này bằng một bài văn khoảng 600 từ.

Câu 3.

Nếu được chọn phân tích một trong hai nhân vật Huấn Cao hoặc quản ngục (trong truyện ngắn Chữ người tử tù) để làm nổi bật những nét riêng trong sáng tạo của Nguyễn Tuân thì anh (chị) sẽ chọn nhân vật nào? Tại sao? Hãy trình bày cảm nhận về nhân vật mà anh (chị) lựa chọn.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Thể thơ được dùng trong đoạn văn này là thể thơ tự do (số tiếng trong các câu không đều nhau; mô hình vần không cố định; không bị câu thúc bởi niêm, luật...).

2.  Những ý thơ chính làm nên nội dung đoạn văn:

-   Chính ca dao, thần thoại do nhân dân sáng tác đã góp phần tạo dựng nên khuôn mặt riêng của văn hoá Việt Nam, đất nước Việt Nam (5 câu đầu).

-  

3.  Các bài ca dao:

-     Yêu em từ thuở trong nôi Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru.

-     Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.

-     Thù này ắt hẳn còn lâu

Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què.

4.  Ý nghĩa của các cụm từ:

-   Bắt nước, phát nguyên, bắt nguồn. Cụm từ này gọi nhắc một sự thực về địa lí: rất nhiều dòng sông như sông Mê Công (sông Cửu Long), sông Hồng, sông cả (sông Lam)... trước khi chảy vào Việt Nam đã chảy qua nhiều nước láng giềng của ta.

-   Bắt lên câu hát: có nghĩa như cất lên hay ngân lên câu hát. Cũng có thể hiểu: bắt đầu ngân lên nhũng tiếng nói riêng, bắt đầu mang dáng vẻ Việt Nam hết sức thân thuộc, gần gũi.

[Lưu ý. Người viết cần đọc lại nội dung trả lời cho câu hỏi 2 ở trên để hiểu thêm về ý nghĩa hai cụm từ này.)

Câu 2.

Câu hỏi muốn đánh thức những ý nghĩ lạc quan về cuộc đời và thái độ sống tích cực của thanh niên. Người viết cần bộc lộ được khát khao vươn tới và những kế hoạch tương lai của bản thân qua việc phát biểu suy nghĩ về vấn đề này.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Để nhận diện bản chất của cuộc sống, chúng ta thường dùng những từ, cụm từ như phức tạp, đầy biến động, không ngừng đi tới... Đó quả là những từ, cụm từ xác đáng, có ý nghĩa khái quát cao. Cuộc sống được tạo nên bởi hoạt động sống, hành động sống, hành vi sống của mọi con người. Bởi vậy, không có gì khác, bản chất nói trên của cuộc sống phản ánh chính bản chất của cái được gọi là sống. Cuộc sống và sống là những khái niệm khác nhau nhưng thống nhất với nhau. Tường giải một khái niệm sẽ tạo tiền đề để nắm bắt đúng nội hàm của khái niệm còn lại.

-   Từ muôn xưa, sống luôn luôn là chuyển động và hành động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hôm nay, việc nhắc lại điều này không hề vô nghĩa, bởi như chúng ta thấy, cuộc sống bây giờ xem ra chuyển động gấp gáp hơn, năng động hơn, có nhịp độ khẩn trương hơn, do sự tiến bộ của văn minh, do sự phát triển của khoa học và công nghệ, do những nỗ lực cải tạo không ngừng của con người đối với môi trường, hoàn cảnh sống.

-   Nói tới chuyển động và hành động ở đây thực chất là nói tới sự chủ động, năng động của chúng ta trong cuộc sống, nói tới sự linh hoạt nhập cuộc, tới khả năng song hành cùng thời đại của mỗi một con người. Chuyển động không phải chỉ là vấn đề của cơ thể, thể chất hay là sự dịch chuyển vị trí của con người trong không gian. Chuyển động trước hết phải được bắt đầu từ nhận thức, quan niệm, gắn liền với đổi mới cách tư duy về nhiều vấn đề của tồn tại. Cuộc sống đi lên, mọi thứ đều thay đổi. Nếu cố chấp, bảo thủ, khư khư giữ những tín điều giáo điều đã bị phủ nhận theo quy luật thì chúng ta luôn đứng trước nguy cơ tụt hậu. Điều này đúng với cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như đúng với lộ trình phát triển của cả một đất nước, dân tộc. Tất nhiên, chuyển động ở đây khác xa với kiểu hành xử cơ hội “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Nó phải được đặt trên nền tảng của tư duy biện chứng vốn giúp ta thấy rõ bước đi tất yếu của cuộc sống để ta biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, hành động của mình cho phù hợp. Trong mệnh đề đã nêu, hành động là hệ quả tất yếu của chuyển động. Nó giống như những biểu hiện cụ thể của sự chuyển động, thay đổi từ sâu trong nhận thức. Hơn thế, nó gắn liền với chiến lược can dự vào đời sống theo cách tích cực nhất, nhằm thúc đẩy mọi thứ phát triển thuận chiều.

-   Những điều tốt đẹp chỉ đến với ta khi ta khắc phục được thói quen và thái độ “há miệng chờ sung”, khi ta có được sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, từ tinh thần, kiến thức, kĩ năng đến các năng lực sống thiết yếu mà thòi đại đòi hỏi. Tất nhiên, chuyển động và hành động không chỉ gắn với những bước đi lớn mà còn với những bước đi nhỏ, có khỏi động, có tăng tốc, có nước rút. Mọi người, ai cũng có cơ hội và điều kiện để chuyển động và hành động, nhắm tói những đích xa, đích gần khác nhau. Quan trọng là chúng ta phải có ý thức sẵn sàng nhập cuộc, với niềm tin vào mình, vào cuộc đời và sự lạc quan không bao giờ lụi tắt.

-   Tuổi thanh niên, hơn bất cứ lứa tuổi nào khác, đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa (Tố Hữu), là tuổi có khả năng nắm bắt mọi cơ hội của cuộc đời một cách nhạy bén và thành công nhất. Chúng ta không thể để phí nó, chôn vùi nó bằng thái độ thụ động, ù lì, sợ sệt. Chỉ có chuyển động và hành động, chúng ta mới có thể bộc lộ được hết những phẩm tính thanh niên của bản thân trên hành trình hướng về một ngày mai tươi sáng.

Câu 3.

Đây là một câu hỏi mở, người viết rộng đường lựa chọn một trong hai nhân vật chính của tác phẩm để trình bày cảm nhận của mình. Tuy nhiên, chọn nhân vật nào, thì cũng phải phải trình bày được lí do, và lí do đó có thuyết phục hay không tuỳ thuộc phần lớn vào việc phân tích nhân vật.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

Nói đến văn xuôi Việt Nam trước Cách mạng, không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân. Là một nhà vân lãng mạn có thiên hướng duy mĩ, sáng tạo của Nguyễn Tuân là một cuộc hành trình mải miết đi tìm cái đẹp. Đó có thể là cái đẹp xưa, cái đẹp của xê dịch giang hồ hoặc cái đẹp truỵ lạc. Với tập truyện Vang bóng một thời (1940), những vẻ đẹp của một thời quá vãng được tác giả tái hiện rõ nét. Ta bắt gặp trong tập Vang bóng một thời hình ảnh những con người tài hoa, tài tử với phẩm chất nghệ sĩ hiếm có trên đời. Giữa thế giới nhân vật phong phú ấy, Huấn Cao và quản ngục trong Chữ người tử tù là những nhân vật đẹp nhất, được sáng tạo bằng tâm huyết nghệ thuật của một nhà văn tài năng, độc đáo.

(Lưu ý: Nếu chọn nhân vật nào, người viết phải trình bày rõ quan điểm của mình về mối liên hệ giữa nhân vật ấy với tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân cũng như sự thích thú riêng của bản thân về nhân vật. Đối với tác phẩm này, những nét riêng của nhà văn được thể hiện ở cả hai nhân vật, do vậy, người viết chọn nhân vật nào để phân tích cũng đều thoả đáng.)

Phương án chọn nhân vật Huấn Cao:

-   Cả Huấn Cao và quản ngục đều là những nhân vật tập trung biểu hiện quan niệm sống và tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, nếu vẻ đẹp của quản ngục kín đáo, được giấu đằng sau vỏ bọc của một thứ nghề dễ gây ác cảm cho người đọc thì ngược lại, vẻ đẹp của Huấn Cao lại phát lộ rực rỡ, vẹn toàn. Có thể nói, với Huấn Cao, ta có thể cảm nhận đầy đủ hơn những gì mà Nguyễn Tuân muốn gửi gắm qua tác phẩm Chữ người tử tù.

-   Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên với tư cách là một bậc hào kiệt lẫy lừng trong thiên hạ: dám nổi loạn chống lại triều đình. Con người ấy văn võ toàn tài. Thế nhưng tác giả đã không miêu tả Huấn Cao ở đoạn đời “chọc trời khuấy nước”, mà lại chọn thời điểm anh hùng thất thế sa cơ: bị bắt giam vào ngục, chờ ngày ra pháp trường chịu án tử hình. Đây là tình huống đặc biệt, buộc nhân vật bộc lộ những gì vốn có trong tính cách và phẩm chất của mình.

-   Huấn Cao trước hết là con người đầy khí phách. Người tử tù này xuất hiện ở nhà ngục tỉnh Sơn với dáng vẻ hiên ngang, ngạo nghễ. Trước mắt Huấn Cao, lũ tiểu lại giữ tù chỉ là một thứ rác rưởi, không đáng bận tâm. Dường như không một thứ luật lệ, phép tắc nào của chốn ngục tù trói buộc được ông. Chỉ hành động chúc gông đổ rệp cũng đủ thấy sự ngang tàng của Huấn Cao trước những kẻ đang nắm giữ sinh mệnh mình.

-   Là một tù nhân mang án tử hình, đối mật với cái chết, nhưng Huấn Cao vẫn bình tĩnh, vững vàng. Cảnh xử trảm nơi pháp trường không hề làm ông rối trí. Nếu có chút băn khoăn thì chỉ là sự bất thành của nghiệp lớn mà thôi. Nơi ngục thất, với thời gian ít ỏi còn lại của cuộc đời, Huấn Cao vẫn ung dung hướng về sự sống. Ông thản nhiên nhận rượu thịt do quản ngục sai người dâng lên và thụ hưởng với niềm sinh thú của một người không biết đến gông xiềng.

-   Có lẽ cũng chỉ có Huấn Cao mới dám quát đuổi quản ngục ra khỏi buồng giam: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Khi nói ra cái câu xấc xược ấy, Huấn Cao đã thách thức quyền uy của kẻ cầm quyền bị lăng nhục và sẵn sàng đón nhận một trận đòn báo thù khủng khiếp. Song với ông, đó chỉ là chuyện đáng khinh của kẻ tiểu nhân. Phải là một người như thế mới đủ dũng khí cầm bút viết những dòng chữ đẹp cuối cùng của đời mình tặng kẻ tri âm ngay khi đã được báo về thời khắc chịu chém.

-   Người xưa thường dùng hình ảnh cây tùng, cây bách tượng trưng cho dũng khí của người quân tử, của đấng trượng phu. Huấn Cao đúng là một cây tùng, cây bách sừng sững hiên ngang trước bão tố cuộc đời.

-   Không chỉ cứng cỏi, Huấn Cao còn là một người tài hoa. Ông nổi tiếng bởi viết chữ Hán rất nhanh và rất đẹp. Chữ Hán vốn là chữ tượng hình, viết chữ không khác gì vẽ tranh. Người xưa rất coi trọng thư pháp chữ Hán. Qua miêu tả của Nguyễn Tuân, Huấn Cao là một nghệ sĩ thư pháp thực thụ. Chữ ông "đẹp lắm và vuông lắm”, hơn thế, mỗi nét chữ lại như kết tinh “hoài bão tung hoành của một đời con người” và in đậm dấu ấn nhân cách cao quý của một nghệ sĩ “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Tiếng tăm lừng lẫy là thế, vậy mà suốt đời Huấn Cao cũng chí để lại vài ba tác phẩm cho những người bạn tri âm mà thôi. Tài hoa ấy, vì thế, càng thêm sang trọng.

-   Thiên lương của Huấn Cao là nét son ngời sáng trong nhân cách của ông. Nó thể hiện trước hết trong quan hệ với quản ngục. Ban đầu, trong mắt Huấn Cao, quản ngục chỉ là một thứ công cụ của quyền lực. Ông không hề đếm xỉa, thậm chí coi khinh. Thế nhưng, khi nghe thầy thơ lại trình bày nỗi lòng của quản ngục: muốn có được bức chữ đẹp, thì Huấn Cao đã thay đổi hẳn thái độ. Ông tỏ ra trân trọng và hối hận vì đã suýt “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, ông quyết định cho chữ, và nhất là khuyên quản ngục bỏ nghề coi tù, về quê mà ở để giữ vẹn sự trong sáng của một đời lương thiện. Đó là một tình cảm vô cùng sâu sắc.

-   Có thể khẳng định rằng, trong tập Vang bóng một thời, hiếm có nhân vật nào đẹp một cách vẹn toàn, rực rỡ như Huấn Cao. Để xây dựng nhân vật này, Nguyễn Tuân đã

dựa vào một nguyên mẫu có thật trong đời: đó là Cao Bá Quát - một danh sĩ sống vào thời Nguyễn. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân không có dụng ý tái hiện một nhân vật lịch sử. Nguyên mẫu chỉ là cái cớ để nhà văn dựa vào đó mà tưởng tượng, hư cấu một cách phóng túng và bằng cảm hứng lãng mạn của mình, sáng tạo nên một nhân vật hoàn mĩ mang màu sắc lí tưởng, vẻ đẹp của Huấn Cao xét cho cùng chính là sự kết tinh quan niệm sống mà Nguyễn Tuân muốn khẳng định. Khí phách, tài hoa và thiên lương của con người - những điều được Nguyễn Tuân ngợi ca trong Chữ người tử tù - không chỉ “vang bóng một thời” mà vĩnh viễn toả sáng trong tâm hồn độc giả.

Phương án chọn nhân vật quản ngục:

Đi vào thế giới nghệ thuật Chữ người tử tù, nhiều khi người đọc bị choáng ngợp trước cái đẹp siêu phàm của Huấn Cao mà dễ quên đi một con người lặng lẽ, khiêm nhường bên cạnh. Đó là viên quan coi ngục ở nhà tù tỉnh Sơn - nhân vật đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo tình huống truyện. Cứ thử giả định rằng quản ngục là một con người với bản chất hoàn toàn khác thì liệu tài năng và phẩm cách của Huấn Cao có thể toả sáng được chăng?. Những ngày cuối cùng của Huấn Cao trong chốn ngục tù rồi sẽ ra sao? Xem thế đủ biết nhân vật quản ngục đã giúp cho việc thể hiện chủ đích nghệ thuật của nhà văn như thế nào.

-    Nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù thực sự là một thành công nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nếu như vẻ đẹp của Huấn Cao phát lộ rực rỡ thì cái đẹp của quản ngục lại hết sức kín đáo, không dễ gì phát hiện. Chảng phải Huấn Cao cũng đã suýt nhầm bản chất của quản ngục, vì làm nghề coi tù thường là những kẻ cứng rắn, lọc lừa, xảo trá, tàn nhẫn, lắm mánh khoé đê tiện. Nhưng ở đây, Nguyễn Tuân đã làm hiển hiện trước mắt ta hình ảnh một con người tự biết rằng mình đã “chọn nhầm nghề mất rồi”.

-   Tiếp xúc với quản ngục, người đọc có ngay ấn tượng thật dễ chịu. Đó là một con người trung tuổi, từng trải, chín chắn, biết suy trước nghĩ sau, biết xét đoán tính cách người khác bằng thiện tâm, thiện cảm. Nghe câu nói bộc trực của viên thơ lại, ông lập tức ngăn đón vì sợ vạ miệng, nguy hiểm nếu đến tai quan trên. Nhưng cũng chính từ câu nói ấy, ông mơ hồ nhận ra "một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình”.

-   Vẻ đẹp thiên lương sáng ngời của quản ngục bộc lộ một cách trọn vẹn nhất qua thái độ của ông đối với Huấn Cao. Trước sau, ông chỉ có một thái độ cung kính, một tấm lòng ngưỡng mộ Huấn Cao. Cả khi Huấn Cao có những lời lẽ xấc xược đến thế, ông vẫn một mực lễ phép, nhũn nhặn. Đó không phải là sự đớn hèn. Chẳng qua vì ông ý thức được vị thế của mình bên cạnh những người tài cao chí cả hiếm có trong đời. Tấm lòng ấy, thiên lương ấy thật xứng đáng với hình ảnh “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

-   Quản ngục còn là người có tâm hồn nghệ sĩ - một điều ngỡ không thể có ở kẻ làm nghề coi tù. Dù không “học rộng tài cao”, nhưng bù lại, ông có một niềm đam mê khát khao cái đẹp nghệ thuật đến cháy bỏng. Cái sở nguyện lớn nhất của đời ông là một ngày kia được treo trong nhà riêng của mình một bức chữ do chính tay Huấn Cao viết. Dĩ nhiên sở nguyện này không phải chỉ mới bột phát nảy sinh khi có Huấn Cao xuất hiện trong nhà ngục nơi ông giám quản, mà là một niềm ao ước thầm kín “từ những ngày nào”. Điều đáng trân trọng là ở chỗ đó. Ta mới hiểu vì sao khi nghe những lời khuyên tâm huyết của Huấn Cao, ông đã lãnh nhận bằng thái độ và niềm xúc động khác thường: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin-bái lĩnh”. Với quản ngục, dường như đây không chỉ là lòi khuyên chân thành của một con người đáng kính, mà còn là mệnh lệnh thiêng liêng của cái Đẹp, của nghệ thuật. Cùng một lúc, ông vừa cúi đầu trước một nhân cách, vừa cúi đầu trước cái Đẹp mà ông hằng khát khao, ngưỡng mộ.

-   Không rõ khi xây dựng nhân vật quản ngục, trí tưởng tượng của Nguyễn Tuân có bắt rễ từ nguyên mẫu nào trong cuộc đời hay không, nhưng chỉ biết rằng: với nhân vật này, nhà văn đã bộc lộ tâm huyết và cảm hứng nghệ thuật khá sâu sắc. Nhiều vẻ đẹp tinh tuý của con người được Nguyễn Tuân dồn vào nhân vật mà ông hằng yêu mến. Điều đó cho thấy nhà văn đã sử dụng bút pháp lí tưởng hoá nhằm tạo nên một nhân vật mang màu sắc lãng mạn. Cùng với Huấn Cao, quản ngục góp phần thể hiện những giá trị cao đẹp của con người mà Nguyễn Tuân muốn biểu dương. Mặt khác, qua tình huống gặp gỡ kì diệu giữa Huấn Cao và quản ngục, phải chăng Nguyễn Tuân còn muốn nêu lên một quy luật quyết định sự sống còn của nghệ thuật. Đó là sự tương ứng cần thiết giữa người nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp và người có tâm hồn nghệ sĩ biết quý trọng, khát khao thưởng thức nghệ thuật. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được xác lập thì cái đẹp nghệ thuật mới thực sự phát huy vai trò của nó giữa cuộc đời. Không chỉ có Chữ người tử tù mà ở nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Tuân, ta bắt gặp những cặp nghệ sĩ tài hoa tài tử, đồng thanh đồng khí cùng toả sáng bên nhau, về phương diện này, quan niệm của Nguyễn Tuân là hết sức nhất quán.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0