31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 24

Giống như trong cuộc sống,''nhìn thấy vết bẩn trên mặt người khác thường rất dễ nhưng nhìn thấy vết bẩn trên mặt mình lại không hề đơn giản. Con người ta thường có xu hướng dễ nhìn thấy những sai lầm của người khác nhưng lại ít khi nhìn nhận những sai lầm của chính mình. Từ đó dẫn đến việc con ...

Giống như trong cuộc sống,''nhìn thấy vết bẩn trên mặt người khác thường rất dễ nhưng nhìn thấy vết bẩn trên mặt mình lại không hề đơn giản. Con người ta thường có xu hướng dễ nhìn thấy những sai lầm của người khác nhưng lại ít khi nhìn nhận những sai lầm của chính mình. Từ đó dẫn đến việc con người thường nghiêm khắc với người nhưng lại dễ dãi với mình.

Câu 1.

Bước vào năm 2015, Chính phủ tiếp tục yêu cầu không mua xe công, đồng thời với đó là cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.

Nội dung đáng chú ý ở đây nằm trong hai chữ “công khai".

Lâu nay dư luận bất bình trước sự lãng phí nhưng không phải bao giờ cũng có cơ hội “điểm mặt, chỉ tên”, do nhiều khi các sốliệu ngân sách chi cho hội nghị, hội thảo, lễ hội và cho các đoàn đi nước ngoài ở từng địa phương, từng bộ ngành cụ thể không được công khai rõ ràng.

Để tăng hiệu lực cho yêu cầu “công khai" này, nghị quyết của Chính phủ dự kiến ban hành trong một vài ngày tới cần có quy định về cơ chế bắt buộc cung cấp thông tin chi tiêu ngân sách về các lĩnh vực nêu trên. Để cho “dân biết" thì dân mới có thể  “bàn ” và “kiểm tra" được.

(Dẫn theo Võ Văn Thành, “Điểm mặt, chỉ tên" lãng phí, http://www.tuoitre.vn, ngày 31-12-2014)

1.   Nêu những ý chính của đoạn văn trên.

2.   Xác định loại phong cách ngôn ngữ của đoạn văn và phân tích những biểu hiện của nó.

3.   Viết đoạn văn ngắn thể hiện suy nghĩ của anh (chị) về sự lãng phí đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Câu 2.

Trong phần đầu của đêm, anh hãy nghĩ về lỗi lầm của chính anh, trong phần sau của đêm, anh hãy nghĩ về những lỗi lầm của kẻ khác.

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.

Câu 3.

Có ý kiến cho rằng thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu là thiên nhiên được quan sát bằng đôi mắt của một con người khát khao yêu đương và giao cảm với cuộc đời.

Nêu suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. Dùng những hiểu biết về bài thơ để chứng minh cho luận điểm của mình.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.   Các ý chính của đoạn văn:

-     Một trong hai yêu cầu của Chính phủ trong năm 2015 là phải công khai chi tiêu ngân sách.

-    Nêu tác hại của việc không công khai chi tiêu ngân sách: làm cho người dân không thể kiểm tra được hoạt động của Chính phủ và dẫn đến lãng phí.

-     Đề xuất cụ thể liên quan đến việc công khai: quy định về cung cấp thông tin.

2.   Văn bản trên có sự kết hợp giữa phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngôn ngữ báo chí.

-   Có tính chật chẽ, công khai quan điểm, đề cập đến một vấn đề chính trị cụ thể của phong cách chính luận:

+ Câu văn ngắn gọn và chính xác. Nêu bật một cách cụ thể yêu cầu, quan điểm (cần có quy định ....).

+ Đoạn văn ngắn, có đoạn chỉ gồm một câu nhằm mục đích nhấn mạnh.

+ Sử dụng lớp từ chính trị (cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, số liệu ngân sách, thông tin chi tiêu ngân sách, tăng hiệu lực...).

-   Tuy nhiên, văn bản cũng có một số dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ báo chí như sử dụng lớp từ có tính khẩu ngữ, đại chúng để tạo sự dễ hiểu cho thông điệp (“điểm mặt, chỉ tên”).

3.  Đoạn văn cần thể hiện được nghiêm túc và cụ thể quan điểm cá nhân, thể hiện thái độ dứt khoát chống lại nạn lãng phí đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau quanh ta.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Giải thích ý kiến:

+ Câu nói trên sử dụng một lối nói bóng bẩy, phần đầu và phần sau của đêm không có nghĩa là phần đầu và phần sau của một đêm cụ thể mà chỉ đơn thuần chỉ thứ tự: hãy nghĩ về lỗi lầm của mình trước khi nghĩ về lỗi lầm của người khác.

+ Nội dung của ý kiến: đưa ra lời khuyên mỗi người, hãy nghiêm khắc với chính mình. Trước khi phê phán người khác, hãy tự kiểm điểm lại những lỗi lầm của chính mình.

-   Bàn luận về ý kiến:

+

+ Thái độ nói trên dễ dẫn đến những hậu quả tai hại:

• Ta chỉ phê phán những cái sai của người khác mà không biết rằng chính ta cũng đang phạm phải những sai lầm và vì thế cứ tiếp tục phạm sai lầm, chính vì vậy nên không bao giờ ta có thể hoàn thiện được chính mình.

• Khi gặp phải khó khăn hay thất bại, ta dễ đổ tại hoàn cảnh mà ít khi nhìn thấy những nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính ta. Từ đó sẽ dẫn đến việc khó có thể rút ra được bài học đúng đắn.

+ Ngược lại với thái độ trên, việc nghiêm khắc với chính mình có thể mang lại hiệu quả tích cực, giúp con người không ngừng tự hoàn thiện mình để từ đó rút ra được những bài học có ích từ những thất bại trong cuộc sống và có thể có được những thành công trong tương lai.

-  Bài học về nhận thức và hành động:

Cần phải nghiêm khắc với chính mình, trước hết phải luôn nhìn vào những sai lầm của chính mình để tự hoàn thiện.

Câu 3.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Xuân Diệu nổi tiếng là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông bắt đầu xuất hiện trong đời sống văn chương từ năm 1935 và là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của thơ ca Việt Nam trước năm 1945. Thơ Xuân Diệu là thơ của một tâm hồn đầy khát khao giao cảm với đời. Thoát khỏi những ước lệ của thơ ca cổ điển, ông nhìn cuộc đời bằng con mắt của một tâm hồn say đắm tình yêu. Đó là thơ của một cái tôi luôn muốn khẳng định mình, sống mãnh liệt, huy hoàng, đạt đến cái tuyệt đích.

+ Vội vàng là bài thơ được trích từ Thơ thơ (1938), tập thơ đầu tay của Xuân Diệu. Đó là tập thơ “tràn đầy những cảm nhận tinh vi về sự lạnh lùng của thời gian và sự cô đơn của dòng đời”, là tiếng thơ "dào dạt của một tâm hồn trẻ lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, say đắm cuộc đời, quyến luyến cảnh sắc trần gian, thể hiện một quan niệm sống mói mẻ, tích cực” (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, tr. 27).

+ Vội vàng là bài thơ thể hiện rõ nét nhất quan niệm sống của nhà thơ. Trong bài thơ, hình ảnh thiên nhiên tràn ngập, khi thì rực rỡ, đầy say đắm, khi thì u buồn, hoang mang. Hai hình ảnh của thiên nhiên trong bài thơ tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại hết sức thống nhất.

-   Một thiên nhiên rực rỡ, đầy sức sống và say đắm:

+ Thiên nhiên trong Vội vàng trước hết là một thiên nhiên đang ở độ non tơ, tươi trẻ và đầy sức sống.

• Ong bướm đang trong “tuần tháng mật” vừa có thể hiểu là tuần trăng mật, thời khắc yêu đương, vừa có thể hiểu là mùa ong bướm đi làm mật, mùa của sức sống rộn ràng.

• Cây cối đang ở độ xanh tốt nhất (xanh rì), đang ở độ nở hoa.

• Thời gian cũng được thể hiện ở lúc bắt đầu, bắt đầu của ngày (buổi sớm) và bắt đầu của năm (tháng giêng).

+ Đó là một thiên nhiên như đang say đắm trong tình ái. Ong bướm hay yến anh cũng đều đang say đắm trong tuần tháng mật, trong khúc tình si.

+ Đó là một thiên nhiên tràn ngập ánh sáng - thứ ánh sáng rực rỡ, chói lọi, khiến người ta phải chớp mắt – chớp hàng mi.

+ Thiên nhiên được nhân hoá, giống như thế giới của con người, những con người đang ở trong tuổi trẻ và say đắm yêu đương.

+ Những từ này đây được lặp đi lặp lại như sự háo hức của nhà thơ khi phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhịp điệu thơ sôi nổi, gấp gáp. Nhiều hình ảnh thơ với phép so sánh rất độc đáo: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

-   Một thiên nhiên u buồn và lo âu:

+ Bên cạnh thiên nhiên rực rỡ, tươi trẻ và đầy sức sống, trong thơ Xuân Diệu còn có một thiên nhiên khác, u buồn và đầy lo âu.

+ Nếu như thiên nhiên trong đoạn thơ đầu tràn đầy sức sống, tươi vui bao nhiêu thì thiên nhiên trong đoạn thơ tiếp theo lại yếu đuối và mất dần sức sống, vẫn là sông núi, là con gió, chim, thậm chí, nhà thơ cảm nhận cả những điều vô cùng tinh tế: những bước đi của thời gian - mùi tháng năm. Tuy vậy, ở đây, gắn liền với những sự vật đó là những động từ thể hiện một trạng thái yếu đuối, mất sức sống: rớm, than thầm (kể lể nỗi đau buồn nhưng rất khẽ, chỉ giữ trong lòng), thì thào (nói rất nhỏ, không để lộ âm thanh), đứt tiếng (câm lặng một cách đột ngột). Và đằng sau trạng thái đó của thiên nhiên là một tâm trạng hờn (không bằng lòng, thậm chí căm thù, uất ức), sợ sự chia phôi, tiễn biệt, sợ sự phai tàn đang sắp diễn ra.

-   Hai hình ảnh của thiên nhiên nói trên, bề ngoài, tuy đối lập nhưng thực chất lại hết sức thống nhất. Trước hết đó là thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng. Hình ảnh thiên nhiên thể hiện triết lí u buồn mà Xuân Diệu đã phát hiện ra: thế giới rất đẹp nhưng mọi cái đẹp đều rất mong manh, đều đang trên đà tiêu biến. Và đồng thời đó cũng là tâm trạng của chính Xuân Diệu: rất say sưa với vẻ đẹp của trần thế nhưng cũng đầy lo sợ, thậm chí đau khổ khi biết rằng những vẻ đẹp đó đều không bền.

 

-   Điều đặc biệt trong cái nhìn thiên nhiên của Xuân Diệu là thiên nhiên được nhìn như một người tình, một người yêu để có thể riết, ốm, thâu trong một cái hôn nhiều. Và sự chiếm hữu ấy sẽ mang đến cho nhà thơ cảm giác của sự say sưa đến tột độ: chếnh choáng, đã đầy, no nê.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0