31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 20

Trong mạch lập luận của đoạn văn, đoạn bình về câu thơ Chim hôm thoi thót về rừng đảm nhiệm chức năng minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể cho luận điểm nói về điều kì diệu của mỗi tiếng, mỗi chữ trong thơ. Kinh nghiệm về cách lập luận có thể rút ra là: khi nêu luận điểm, muốn thuyết phục người đọc, ta ...

Trong mạch lập luận của đoạn văn, đoạn bình về câu thơ Chim hôm thoi thót về rừng đảm nhiệm chức năng minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể cho luận điểm nói về điều kì diệu của mỗi tiếng, mỗi chữ trong thơ. Kinh nghiệm về cách lập luận có thể rút ra là: khi nêu luận điểm, muốn thuyết phục người đọc, ta phải đưa ra được những dẫn chứng xác đáng, có chọn lọc.

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dựng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, toả ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy. Câu thơ hay, có cái gì làm rung những chiếc cốc kia trên bàn, làm động ánh trăng kia trên bờ đê. “Chim hôm thoi thót về rừng"... Chúng ta đọc mà thấy rõ buổi chiều như hơi thở tắt dần, câu thơ không còn là một ý, một bức ảnh gắng gượng chụp lại cảnh chiều, nó đã bao phủ một vầng linh động truyền sang lòng ta cái nhịp phập phồng của buổi chiều. Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả xung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc xung quanh. Người xưa nói: Thi tại ngôn ngoại.

(Nguyễn Đình Thi, Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ vãn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 58)

1.   Vấn đề trọng tâm được Nguyễn Đình Thi bàn tới trong đoạn văn trên là gì?

2.   Khái niệm giá trị ý niệm đã được tác giả giải thích như thế nào? Hãy nêu một ví dụ để làm rõ ý của Nguyễn Đình Thi khi đưa ra cách giải thích ấy.

3.   Theo Nguyễn Đình Thi, giá trị cốt yếu của chữ và tiếng trong thơ nằm ở đâu?

4.   Đoạn bình về câu thơ Chim hôm thoi thót về rừng đảm nhiệm chức năng gì trong mạch lập luận của đoạn văn? Từ đoạn bình này, ta có thể rút ra được những kinh nghiệm gì về cách lập luận?

Câu 2.

Để chấm dứt bệnh nói suông đang lan tràn trong xã hội.

Anh (chị) hãy đề xuất giải pháp của mình cho vấn đề trên bằng một bài văn (khoảng 600 từ).

Câu 3.

Anh (chị) hãy phát biểu điều tâm đắc nhất của mình về đoạn thơ sau trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 119 - 120)

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  vấn đề trọng tâm được Nguyễn Đình Thi bàn tới trong đoạn văn là: Nên hiểu như thế nào cho đúng về giá trị của chữ và tiếng trong thơ.

2.  Khái niệm giá trị ý niệm được giải thích là giá trị định danh sự vật, nó có tính chất đông cứng, bất di bất dịch, “cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt”. Ví dụ: giá trị ý niệm của từ “nắng hạ” ở câu thơ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ của Tố Hữu là nói về nắng mùa hạ (hè) - một mùa trong bốn mùa của năm. Rõ ràng, nếu chỉ hiểu từ “nắng hạ” như thế thôi thì ta chưa cảm nhận được cái hay của câu thơ.

3.  Theo Nguyễn Đình Thi, giá trị cốt yếu của chữ và tiếng nằm ở sức gợi mở, ở khả năng khơi gợi cảm xúc và liên tưởng phong phú nơi người đọc, ở việc biểu đạt được những cái vô hình, huyền diệu.

4. 

Câu 2.

Để chấm dứt bệnh nói suông đang lan tràn trong xã hội mới chỉ là một vế chứ chưa phải một câu trọn vẹn. Để có câu hoàn chỉnh, cần triển khai thêm một vế có thể bắt đầu bằng mấy chữ: cần phải, hãy... Suy nghĩ theo logic này, dàn ý của bài văn có thể được thiết lập một cách sáng rõ.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Cuộc sống hiện nay dường như đang lạm phát những lời hứa hão, những lời tuyên bố “nói xong bỏ đó”, những kế hoạch hay ho không bao giờ trở thành hiện thực... Đây thực sự là một vấn nạn, một căn bệnh khiến đạo đức xã hội suy đồi, cản trở con đường phát triển của đất nước.

-   Nói suông là nói không đi đôi với làm. Nói có thể rất hay, rất đúng nhưng hành động thì không tương xứng. Có thể vì lí do khách quan này nọ mà người ta không thực hiện được điều mình hứa hoặc bỏ dở những dự định tốt đẹp. Cũng có thể lí do rất đơn giản: người nói rất thiếu trách nhiệm với phát ngôn của chính mình, sau nữa, với cộng đồng. Dù vì lí do gì thì lời phán quyết của xã hội về các hiện tượng trên cũng không thay đổi: nói suông! Cũng có thể xếp vào phạm trù nói suông những chương trình, kế hoạch hoang tưởng, không có tính khả thi...

-   Cội nguồn của bệnh nói suông chính là sự suy thoái đạo đức. Những căn bệnh có liên quan với nó là thói dối trá, thói chuộng hư danh, thói vô trách nhiệm. Người nói suông (dù chỉ đại diện cho mình hay đại diện cho một tổ chức nào đó) là người đã đánh mất lòng tự trọng. Bệnh nói suông làm giảm sút lòng tin ở mọi người, phá vỡ những mối liên kết xã hội, làm hại cho tinh thần cố kết, đoàn kết trong cộng đồng, làm lãng phí tài nguyên và nguồn nhân lực...

Những giải pháp để chấm dứt bệnh nói suông:

+ Trước hết phải khơi dậy lòng tự trọng và ý thức về phẩm giá ở con người, phải soát xét lại nền tảng đạo đức xã hội bằng một cái nhìn nghiêm khắc. Phải tạo ra dư luận mạnh mẽ, đủ gây áp lực buộc mỗi con người phải hành xử có trách nhiệm với cương vị, với nhiệm vụ của mình.

+ Phải xây dựng được một cơ chế thông tin hai chiều thông suốt, phải hình thành được quyền lực giám sát xã hội, đảm bảo cho mọi lời hứa, mọi kế hoạch phải được thực thi một cách có hiệu quả.

+ Phải đưa ra được những phản biện kịp thời và sáng suốt, trên tinh thần vì cộng đồng; phải thực hiện những sự trừng phạt nghiêm minh tuỳ mức độ gây hại của việc nói suồng ở những phạm vi khác nhau.

+ Phải xây dựng được tinh thần trọng thực tiễn khi thực hiện mọi việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, luôn xem xét cẩn thận tính khả thi của mọi kế hoạch.

-   Bệnh nói suông có thể chớm nở từ rất sớm ở mỗi một con người, ngay khi người đó chưa trưởng thành. Nhưng một người chỉ biết nói suông thì người đó dù lớn tuổi cũng khó gọi là trưởng thành được! Tương tự, một xã hội tràn ngập lời nói suông không thể gọi là một xã hội phát triển lành mạnh!

(Lưu ý: Phải tìm đúng nguyên nhân của bệnh nói suông thì mới có thể đề ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt nó. Người viết cần phân tích bệnh nói suông từ những trải nghiệm thực tế của riêng mình.)

Câu 3.

Về đoạn trích thơ, mỗi người có thể có những điều tâm đắc riêng, không ai giống ai. Câu hỏi cho phép người làm bài tự do trình bày điều mình có ấn tượng, cảm nghĩ sâu sắc. Người làm bài cần tránh việc nêu “nhầm” những điều tâm đắc không phải đối với đoạn trích, mà đối với những đoạn khác cũng lấy ra từ chương Đất Nước của trường ca Mặt đương khát vọng. Rõ ràng, để tránh được điều này, người viết phải rất có ý thức bám sát văn bản.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Đất Nước là chương V của trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác vào cuối năm 1971 (đoạn trích trong SGK chỉ là một phần của chương này). Có thể nói đây là chương hay nhất, thể hiện sâu sắc một trong những tư tưởng cơ bản nhất của bản trường ca - tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Nó cô đọng kết quả nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ về đất nước - một nhận thức có thể làm thành điểm tựa để họ xác định vai trò, vị trí của mình trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

-   Viết về đất nước - một đề tài lớn, người ta dễ rơi vào đại ngôn. Trong đoạn thơ này, đất nước được nhìn ở tầm gần và hiện hình qua lời tâm sự của anh và em. Bởi thế, khuôn mặt đất nước trở nên vô cùng bình dị, thân thiết. Tình cảm dành cho đất nước là tình cảm vô cùng chân thật, được nói ra từ chiêm nghiệm, trải nghiệm của một con người cá nhân (không cố gắng nhân danh ai) nên có khả năng làm lay động thấm thìa tâm hồn người đọc.

-   Sáu câu đầu của đoạn thơ như muốn trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì? Đất nước ở đâu? Lời đáp thật giản dị nhưng cũng hàm chứa những bất ngờ: Đất nước không tồn tại ở đâu xa mà có trong mỗi một con người; mỗi người đều mang một phần đất nước; tổng thể đất nước sẽ được hình dung trọn vẹn khi anh và em biết “cầm tay” nhau, "cầm tay mọi người’’... Phần hàm ngôn của các câu thơ thật phong phú: sự tồn tại của đất nước cũng là sự tồn tại của ta và chính sự hiện hữu của tất cả chúng ta làm nên sự hiện hữu của đất nước. Hành động “cầm tay” là một hành động mang tính biểu tượng. Nhờ hành động đó, đất nước mới có được sự “hài hoà nồng thắm”, mới trở nên “vẹn tròn to lớn”. Rõ ràng, đất nước không là một khái niệm chung chung, trừu tượng, và tất cả mọi người chúng ta đều phải có trách nhiệm với đất nước của mình.

-   Ba câu tiếp theo của đoạn thơ vừa đẩy tới những nhận thức - tình cảm đã được triển khai ở phần trên, vừa đưa ra những ý tưởng có phần “lạ lẫm”: Mai này con ta lớn lên / Con sẽ mang Đất Nước đi xa / Đến những tháng ngày mơ mộng. Thực chất, đây là một cách biểu đạt đầy hình ảnh về vấn đề: chính thế hệ tương lai sẽ đưa đất nước lên một tầm cao mói, có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ từng thiết tha mong mỏi ngay từ buổi đầu lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển của đất nước luôn gắn với nỗ lực vun đắp đầy trách nhiệm cho cộng đồng của rất nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mà thế hệ của chúng ta chỉ là một mắt xích trong đó.

-   Trong bốn câu thơ cuối, cảm xúc được đẩy tới cao trào. Nhân vật trữ tình thốt lên với niềm xúc động không nén nổi: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn bó và san sẻ / Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở / Làm nên Đất Nước muôn đời... Đoạn thơ có những câu mang sắc thái mệnh lệnh với sự lặp lại cụm từ “phải biết”, nhưng đây là mệnh lệnh của trái tim, của tình cảm gắn bó thiết tha với đất nước, bởi vậy đọc lên hết sức thấm thìa, có thể táf động mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức và hành động của mọi người.

-   Mỗi nhà thơ có một cách bày tỏ tình yêu nước của mình không giống ai. Cách bày tỏ của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này thật độc đáo, nhưng quan trọng hơn là vô cùng chân thật. Điều đó đã khiến cho cả đoạn thơ, cũng như toàn bộ chương thơ đã được bao nhiêu người đồng cảm, chia sẻ, xem là tiếng lòng sâu thẳm nhất của chính mình. Đọc đoạn thơ, ta vừa được bồi đắp thêm những nhận thức về lịch sử, vừa được thuyết phục về tình cảm để từ đó biết suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0