31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 23

Trên phạm vi quốc gia, dân tộc, việc bỏ phí các cơ hội vàng có thể gây những hậu quả nặng nề, sẽ bị lịch sử phán xét nghiêm khắc. Trong cuộc tranh cường ráo riết, quyết liệt hiện nay, tụt hậu một bước có thể là tụt hậu vĩnh viễn. Bởi vậy, chúng ta đang rất cần những bộ óc thông tuệ, sáng suốt, biết ...

Trên phạm vi quốc gia, dân tộc, việc bỏ phí các cơ hội vàng có thể gây những hậu quả nặng nề, sẽ bị lịch sử phán xét nghiêm khắc. Trong cuộc tranh cường ráo riết, quyết liệt hiện nay, tụt hậu một bước có thể là tụt hậu vĩnh viễn. Bởi vậy, chúng ta đang rất cần những bộ óc thông tuệ, sáng suốt, biết nhìn ra cơ hội, biết tin vào tiềm năng dồi dào của dân tộc để tận dụng mọi điều kiện tốt đẹp mà thời cuộc đưa đến nhằm đưa đất nước cất cánh bay lên.

Câu 1.

Hồn Trương Ba (sau một lát): Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thế bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

ĐếThích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ởbên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thế thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

1.   Đoạn trích trên đây nằm trong văn bản nào thuộc chương trình Ngữ văn 12? Tác giả của văn bản đó là ai? Thể loại và phong cách ngôn ngữ của văn bản ấy?

2.   Trong đoạn trích trên, ngôn ngữ được tổ chức theo hình thức nào?

3.   Trong câu nói của Hồn Trương Ba, anh (chị) hiểu thế nào là “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo"?

4.   Trong đoạn trích trên, quan điểm của nhân vật Đế Thích và quan điểm của nhân vật Hồn Trương Ba mâu thuẫn với nhau như thế nào?

Câu 2.

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) bàn về chủ đề: Đừng để những cơ hội vàng trôi qua.

      Câu 3.

Trong truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, người kể chuyện đã đánh giá nhân vật bà Hiền là “giỏi quá”, “khiêm tốn và rộng lượng quá” và ví bà như “một hạt bụi vàng của Hà Nội”. Thế nhưng, cũng có những ý kiến cho rằng, bà Hiền không phải là nhân vật tích cực, vì quá khôn, quá thực tế, chỉ biết toan tính cho lợi ích của bản thân và gia đình.

Anh (chị) hãy trình bày cảm nhận và đánh giá riêng của mình về nhân vật này.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Đoạn trích thuộc vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Nhan đề đoạn trích này trùng với nhan đề của vở kịch. Ngôn ngữ trong đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

2.  Ngôn ngữ đoạn trích tổ chức theo hình thức ngôn ngữ đối thoại. Đó là sự luân phiên các lượt lời giữa nhân vật Đế Thích và nhân vật Hồn Trương Ba. Đây là đặc trưng của ngôn ngữ kịch.

3.  Tình trạng sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo" (trong câu nói của Hồn Trương Ba) nhằm chỉ một cuộc sống có sự vênh lệch giữa suy nghĩ và hành động, giữa tâm hồn và thể xác, giữa bản chất bên trong và biểu hiện bên ngoài. Khi người ta buộc phải nói ngược lại với tư tưởng của mình, buộc phải làm những điều trái với lương tâm, dối trá một cách có ý thức, ấy là lúc ‘‘bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

4.  Đoạn trích thể hiện rất rõ mâu thuẫn giữa Đế Thích - thần cờ - với Hồn Trương Ba - người được Đế Thích cho sống trong cái xác của anh hàng thịt. Vì phải sống trong thân xác của người khác, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” - điều gây bao rắc rối, thậm chí đau khổ cho mình - Hồn Trương Ba đã muốn tìm một hướng giải quyết dứt điểm. Chính điều mà Hồn Trương Ba cảm thấy phiền phức, không thể chấp nhận ấy, theo Đế Thích lại là chuyện thường tình. Vị tiên cờ ấy cho rằng, trên đời, không ai có thể sống đúng là mình, kể cả Ngọc Hoàng. Chính vì mâu thuẫn ấy mà Đế Thích cảm thấy không thể hiểu nổi quyết định của Hồn Trương Ba: quyết dứt bỏ tình trạng hồn mình sống trong thân xác người khác.

Câu 2.

Câu hỏi muốn đánh động tâm thế sống tích cực và khả năng thích ứng tốt với thời đại. Người viết cần tập trung suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Phải làm gì để những cơ hội vàng không bị bỏ lỡ?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, mỗi thách thức chính là một cơ hội để ta bứt phá và tự vượt lên mình. Việc tận dụng các cơ hội vàng trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu, không chỉ với các cá nhân mà còn với các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh doanh và cả với các quốc gia, dân tộc.

-   Nói tới cơ hội vàng là nói tới những điều kiện, những thời cơ cực kì thuận lợi bày ra trước một hoạt động cụ thể của một chủ thể nào đó. Đó là tiền đề quan trọng để đưa ta tới những thành công ngoạn mục, tất nhiên, với điều kiện chúng ta phải "chớp” được nó. Trong cơ hội vàng hội tụ đầy đủ các yếu tố mà người xưa đã khái quát là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” (trong những trường hợp khác nhau, 6 chữ mang đầy tính tượng trưng này có thể được cắt nghĩa khác nhau).

-   Sự tồn tại của cơ hội vàng tuy có tính khách quan nhưng không phải ai cũng nhìn ra, cũng nắm bắt và tận dụng được. Để phát hiện ra nó, người hành động phải có nhãn quan nhạy bén, khả năng phán đoán tinh tế, chính xác và đặc biệt phải thực sự là người trong cuộc, đang ráo riết phấn đấu và kiếm tìm. Một điều kiện nào đó, đối với người này có thể là cơ hội vàng nhưng đối với người kia lại có thể là không phải. (Tất nhiên, ta đang nói tới những người cùng chia sẻ một nhiệm vụ, một hoạt động, bởi cơ hội vàng là cơ hội của một hoạt động xác định chứ không phải của mọi hoạt động trong đời sống.)

-   Nhìn ra cơ hội vàng là việc khó nhưng tận dụng được nó là việc còn khó hơn nhiều. Ta chỉ có thể tận dụng được khi có sẵn tinh thần chuẩn bị với sự chủ động cao nhất. Chậm một chút, do dự một chút, thiếu quyết đoán một chút là tất cả trôi qua, khiến công việc trở về với tiến độ ì ạch, không hi vọng một sự đột phá nào. Còn lại lúc đó chỉ là sự nuối tiếc và người hoạt động, hành động chỉ còn biết tự trách mình.

-   Đối với cá nhân từng người, việc chuẩn bị chào đón và tận dụng cơ hội vàng gắn liền với những nỗ lực không ngừng nghỉ, với sự bồi đắp thường xuyên về kiến thức và kĩ năng, đặc biệt về năng lực thích ứng, năng lực nhận biết và giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra. Những kiến thức lạc hậu, không được cập nhật hay quá xa rời thực tiễn nhiều khi là lực cản, gây khó khăn cho ta trong việc nắm bắt những cơ hội, trong đó có cơ hội vàng, tức là thứ cơ hội tốt nhất bất ngờ tìm đến ta trong những thời khắc ngắn ngủi. Còn rất nhiều năng lực mà mỗi chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng như năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực hoạt động nhóm, năng lực xử lí thông tin... Thiếu chúng, con người ngày nay dễ thành kẻ chậm chân, lỡ chuyến liên miên trong hành trình cuộc sống.

-  

Câu 3.

Đây là dạng câu hỏi mở, cho nên không ràng buộc người viết phải lựa chọn chỉ một trong hai cách đánh giá đã có về bà Hiền. Đánh giá bà Hiền như một nhân vật tích cực hay như một nhân vật có nhiều nét tiêu cực đều được, nhưng phải có căn cứ đầy đủ, với những dẫn chứng cụ thể rút ra từ tác phẩm. Nếu người viết chú ý lí giải nguyên nhân sự khác biệt trong cách đánh giá về nhân vật thì cần nêu được các luận điểm và lập luận sao cho thuyết phục. Gợi ý sau đây đi theo hướng tán đồng với cách đánh giá bà Hiền của người kể chuyện.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-    Nguyễn Khải là một trong những cây bút văn xuôi tài năng của nền văn học Việt Nam từ sau năm 1945, và cũng thuộc số những nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Một người Hà Nội (1990) là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Khải, thể hiện cảm hứng mới trong việc khám phá cuộc sống, con người. Bà Hiền - nhân vật trung tâm của tác phẩm, được xây dựng nhằm thể hiện quan niệm mới mẻ, nhiều chiều về con người của Nguyễn Khải. Một nhân vật như vậy tất yếu gợi lên nhiều hướng cảm nhận, đánh giá khác nhau.

-   Người kể chuyện - nhân vật “tôi” (anh Khải) - vốn là một chiến sĩ quân đội trải qua chín năm kháng chiến, về tiếp quản Thủ đô Hà Nội với tư thế của những người chiến thắng. Đánh giá của người kể chuyện là đánh giá của người thấu hiểu những biến động, thăng trầm của lịch sử và có những dự cảm riêng về chặng đường phía trước của đất nước. Quá trình trần thuật của người kể chuyện song song với quá trình khám phá nhân vật và dần dần bị chinh phục bởi những phẩm chất của nhân vật. Từ chỗ nghi ngại về cách sống, xa lánh vì sợ vướng luỵ cái lí lịch tư sản của cô Hiền, càng về sau, Khải - người kể chuyện - càng tỏ ra mến phục, nể trọng, và kết thúc câu chuyện, anh không giấu nổi thái độ ngưỡng mộ, tôn vinh: “Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!”

-   Đánh giá của nhân vật tôi về nhân vật bá Hiền là đánh giá từ góc nhìn văn hoá, đề cao sự thích ứng để tồn tại, thích ứng mà không đánh mất bản sắc của mình. Bà Hiền là người con của Hà Nội, được đồng nhất với Hà Nội. Đánh giá bà Hiền thực chất cũng là đánh giá nét riêng đáng kính trọng của con người thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhân vật tôi đánh giá về bà Hiền trong tinh thần phản tỉnh, tinh thần tự đánh giá cách sống của bản thân - một kẻ gặp thời mà làm nên nhưng đầy bất cập và non nớt trước nhiều chuyện đời.

-     Quan niệm cho rằng bà Hiền không phải nhân vật tích cực là quan niệm của độc giá đã quen với chuẩn đánh giá con người của văn học cách mạng một thời: nhân vật tích cực phải vô tư, sẵn sàng xả thân không tính toán. Xét từ chuẩn đánh giá này, bà Hiền khó trở thành một con người đáng ca ngợi. Ý kiến “chê” bà Hiền xuất phát từ chỗ chưa thấy hết tính chính đáng của những nhu cầu cá nhân của con người, và quên rằng, nhìn từ kết quả việc làm, bà Hiền đã xử lí khá hài hoà mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, đã thực hiện các nghĩa vụ công dân một cách nghiêm túc và đầy đủ. Nếu cho bà Hiền chỉ biết nghĩ đến bản thân, đến gia đình thì rõ ràng là chưa thấy hết mối quan tâm của bà qua việc giữ gìn những tinh hoa trong cách sống của con người thủ đô, văn hoá thủ đô. Thực ra, những cái bà tính toán để giữ gìn không chỉ có ý nghĩa với riêng bà.

-     Bài học có thể rút ra trong cách đánh giá nhân vật bà Hiền nói riêng và con người nói chung: cần dùng thước đo văn hoá để đánh giá con người và cần có cái nhìn cởi mở hơn để chấp nhận cá tính riêng của mỗi con người.

 

-     Đọc Một người Hà Nội, độc giả không thể không có cái nhìn riêng, cách đánh giá riêng về nhân vật bà Hiền - một nhân vật chính của tác phẩm. Sự lôi cuốn này khỏi nguồn từ chỗ: nhà văn đã xây dựng được một nhân vật “có vấn đề”, có sức sống, gợi lên nhiều suy nghĩ của độc giả. Tác giả không xây dựng nhân vật theo sơ đồ có sẵn mà quan sát, thể hiện nhân vật như một đối tượng tự chủ, có hành trình, số phận riêng không thể can thiệp. Cá tính của nhân vật được khắc hoạ qua lai lịch, hành động, đặc biệt là lời nói. Tác giả luôn biết cách "khiêu khích" thói quen cảm thụ của người đọc để buộc họ phải năng động hơn trong tiếp nhận, không bị áp đặt bởi những chuẩn đánh giá quá cũ mòn yề các nhân vật văn học.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0