31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 13

Chuyện nhanh - chậm được nói đến ở đây trước hết là chuyện đi lại trên đường. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa cảnh báo về tai nạn giao thông, câu này còn khuyến cáo chúng ta về chuyện nhanh - chậm trên đường đời. Câu 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới: ...

Chuyện nhanh - chậm được nói đến ở đây trước hết là chuyện đi lại trên đường. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa cảnh báo về tai nạn giao thông, câu này còn khuyến cáo chúng ta về chuyện nhanh - chậm trên đường đời.

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là phải nói đến sự thống nhất, lặp đi lặp lại có quy luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm, đủ để nhà văn tạo được cho mình một “chân dung tinh thần” riêng. Nhưng sự thống nhất đó không cản trở và cũng không mâu thuẫn gì với sự đa dạng, phong phú vốn cũng là bản chất của phong cách văn học. Do đòi hỏi có tính bắt buộc của hoạt động sáng tạo là phải thường xuyên đổi mới và do nhà văn phải không ngừng tiếp xúc, thể hiện cuộc sống phức tạp, đầy biến động nên phong cách nghệ thuật của nhà văn không đơn điệu mà có nhiều nét bổ sung mới mẻ theo từng thời kì sáng tác. Ngoài ra, do áp lực của phong cách thể loạimà sáng tác của các nhà văn trên các thể loại khác nhau mang những nét phong cách khác nhau. Vì tất cả những điều trên, hiện tượng đa phong cách ở một nhà văn là hiện tượng không đến nỗi hiếm trong lịch sử văn học.

(Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 172)

1.   Vấn đề chính được bàn tới trong đoạn văn là gì?

2.   Đoạn văn đã lí giải nguyên nhân làm nên sự đa dạng, phong phú của phong cách nghệ thuật nhà văn như thế nào?

3.   Hãy tìm một dẫn chứng để làm sáng tỏ thêm luận điểm sau đây trong đoạn văn: “Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là phải nói đến sự thống nhất, lặp đi lặp lại có quy luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm, đủ để nhà văn tạo được cho mình một “chân dung tinh thần" riêng”.

4.   “...phong cách nghệ thuật của nhà vẫn không đơn điệu mà có nhiều nét bổ sung mới mẻ theo từng thời kì sáng tác”.

Nêu một ví dụ cụ thể để chứng minh nhận định trên là có cơ sở.

5.   Khi đọc đến câu “...hiện tượng đa phong cách ở một nhà văn là hiện tượng không đến nỗi hiếm trong lịch sử văn học”, anh (chị) nghĩ tới nhà văn nào? Vì sao?

Câu 2.

Nhanh một phút, chậm cả đời.

Những lời thường được ghi trên các tấm biển cảnh báo tai nạn giao thông ấy nói với ta điều gì? Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.

Câu 3.

Góc nhìn văn hoá trong đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Vấn đề chính được bàn tới: sự thống nhất mà đa dạng, phong phú của phong cách nghệ thuật nhà văn.

2.  Đoạn văn lí giải nguyên nhân làm nên sự đa dạng, phong phú của phong cách nghệ thuật nhà văn là:

-   Do hoạt động sáng tạo luôn luôn đòi hỏi phải đổi mới;

-   Do sự tác động của cuộc sống vốn biến động không ngừng;

-   Do áp lực của phong cách thể loại từ những thể loại mà nhà văn lựa chọn.

3.  Dẫn chứng làm sáng tỏ thêm luận điểm “Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là phải nói đến sự thống nhất, lặp đi lập lại có quy luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm”...:

-   Trong thơ Tố Hữu, những lời chào, lời kêu gọi, tiếng hoan hô thường xuyên xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau; những hình tượng như mặt trời, con đường, bàn chân... cũng thường xuất hiện ở các bài thơ.

-   Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân, dù làm gì cung mang phẩm chất tài hoa, nghệ sĩ...

4.   Dẫn chứng chứng minh nhận định “...phong cách nghệ thuật của nhà văn không đơn điệu mà có nhiều nét bổ sung mới mẻ theo từng thời kì sáng tác”: vẫn một Nguyễn Tuân luôn tôn thờ “chủ nghĩa độc đáo”, nhưng trước Cách mạng, nhiều sáng tác của nhà văn có giọng khinh bạc, còn sau Cách mạng, giọng ấm áp, tin tưởng, trân quý con người đã trở thành giọng nổi bật trong nhiều bút kí, tuỳ bút.

5.  Có thể nghĩ tới tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: hiện đại trong truyện và kí viết bằng tiếng Pháp, dân dã trong các bài ca, vè tuyên truyền và cổ điển trong thơ chữ Hán...

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Hằng ngày, chúng ta đi lại biết bao nhiều lần trên những con đường. Cuộc sống hối hả khiến con người trở nên vội vàng, luôn muốn tranh thủ từng phút, tùng giây để có mặt nhanh nhất ở những nơi cần đến. Và để được nhanh hơn, dù chỉ một vài phút thôi, người ta có thể bất chấp luật lệ giao thông, vượt đèn đỏ, phóng ẩu, lao nhanh quá tốc độ quy định. Chính vì điều ấy, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Những con số thống kê về số vụ tai nạn giao thông được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến ta phải giật mình, số người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi ngày ở nước ta nhiều hơn số người thiệt mạng vì đạn bom ở một số quốc gia có chiến tranh trên thế giới. Chưa nói đến chuyện đau lòng là cái chết, tai nạn giao thông trước hết có thể khiến con người trở nên tàn phế. Nhiều người, vì muốn nhanh một phút mà phải trả giá bằng một đời ngồi trên chiếc xe lăn hay nằm bất động trên giường. Những con người ấy đã phải bỏ lỡ cơ hội học tập, làm việc, phấn đấu... Nhiều dự định tốt đẹp đã vĩnh viễn bị chôn vùi. Cánh cửa đến với tương lai đã bị khép lại. Với họ, mỗi ngày sống là một ngày thấm thía sự nuối tiếc, khổ đau, chua xót. Không chỉ “chậm cả đời”, có khi còn hỏng cả một đời người. Những thảm cảnh đó dường như diễn ra thường xuyên trong xã hội ta hiện nay. Từ góc nhìn này, tấm biển cảnh báo Nhanh một phút, chậm cả đời có mặt trên nhiều cung đường có ý nghĩa nhắc nhở thiết thực đối với mọi người tham gia giao thông.

-   Nhưng, ngẫm kĩ, lời lẽ trên tấm biển cảnh báo tai nạn giao thông ấy còn gợi nhắc ta về cách sống ở đời. Ngày nay, con người thường bị cuốn vào nhịp sống gấp gáp, hối hả. Dường như người ta muốn hoàn thành mọi việc trong thời gian ngắn nhất. Điều đó không hẳn là tiêu cực, nhưng cũng cần ý thức được rằng, không phải lúc nào, không phải việc gì cũng nên làm cho chóng vánh. Người xưa có câu: Dục tốc bất đạt (nóng vội dễ hỏng việc). Nhiều khi tưởng nhanh hoá ra lại chậm. Chẳng hạn, một người vì muốn làm giàu thật mau, lao vào kiếm tiền bằng mọi giá, dẫn đến phạm pháp, sa vào chốn lao tù, để những năm tháng sung sức nhất của cuộc đời trôi đi trong bốn bức tường nhà giam, rồi ra tù với hai bàn tay trắng. Trong khi đó, những bạn bè cùng trang lứa chịu khó, cần cù lao động nên đã có được gia đình ấm êm, cơ nghiệp đàng hoàng. Trên đời này, không hiếm người muốn nhanh chóng khẳng định mình bằng bất cứ giá nào, nhưng rốt cuộc đã thất bại cay đắng. Ngược lại, những ai biết đặt từng bước chân một cách chắc chắn trên từng nấc thang sự nghiệp, cuối cùng sẽ gặt hái thành công. Những chuyện nhanh một phút, chậm cả đời như thế không hiếm trong cuộc sống.

-   Liên hệ bản thân. (Lưu ý: Người viết căn cứ vào hai ý như đã trình bày trên đây (chuyện nhanh - chậm trong tham gia giao thông và nhanh - chậm trên hành trình cuộc đời) để rút ra bài học thiết thực cho riêng mình.)

Câu 3.

Cần chú ý cụm từ “góc nhìn văn hoá", chính cụm từ này có tác dụng định hướng cho toàn bộ sự phân tích về tác phẩm. Theo đó, thí sinh phải đặc biệt chú ý tới việc vận dụng các tri thức văn hoá để miêu tả sông Hương; để cắt nghĩa vị trí của sông Hương trong tâm thức, trong đời sống của con người xứ Huế; để mở rộng liên hệ, so sánh sông Hương với các dòng sông khác trên thế giới trong tư cách là biểu tượng của một vùng đất, một xứ sở nào đó. Tri thức về văn hoá hàm chứa trong nó các bộ phận như: tri thức về địa lí, lịch sử; tri thức về lối sống, trang phục; tri thức về văn chương, nghệ thuật... Cần ý thức được rằng, đọc tác phẩm, chúng ta không chỉ thấy mỗi sông Hương mà còn thấy được bao điều về văn hoá Huế - một trong những bộ phận cấu thành của nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng. Câu hỏi ở nhan đề tác phẩm thể hiện ý thức cắt nghĩa bề sâu của sự vật được miêu tả hơn là việc dừng lại trầm trồ về phương diện hữu hình của sông Hương.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Viết về bất cứ dòng sông nào trên trái đất, người ta cần thể hiện được một tình yêu tha thiết, lắng sâu và một sự am tường không hề sách vở về những vấn đề địa lí, lịch sử và văn hoá gắn liền với chúng. Bởi các dòng sông luôn là cái nôi của những vùng, những nền văn hoá đa dạng, nhiều sắc màu và là đối tượng mà các cư dân sống trong vòng tay của chúng phải vô hạn biết ơn. Viết về con sông Hương lại càng cần như vậy. Đây là một thách thức nhưng là thách thức đã được chuyển hoá thành niềm giục giã tự nhiên, đầy xao xuyến trong tâm hồn những ai yêu sông Hương, yêu Huế. May thay, chúng ta đã có được những nhà thơ, nhà văn tài năng vượt qua được các thách thức nói trên để tặng cho sông Hương những tác phẩm bất hủ. Trong những nhà thơ, nhà văn đó có Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đã viết nên một thiên tuyệt bút có nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông?.

-   Vang lên từ nhan đề, trước hết, câu hỏi Ai đã đặt tên cho dòng sông? có dáng dấp của một thoáng ngẩn ngơ rất thi sĩ. Từ thoáng ngẩn ngơ này, bao nhiêu ấn tượng về cái đẹp của sông Hương sẽ ùa về trong tâm trí, khơi lên mạch viết dạt dào cảm xúc về "nhan sắc" thiên phú của dòng nước êm đềm chảy qua đất cố đô. Vang lên những lần khác trong tác phẩm, câu hỏi biến thành một nỗi suy tư thâm trầm, đánh động bao vốn liếng văn hoá tích tụ trong người viết và cũng đòi nó phải được hiện diện trên trang giấy. Vậy đó, ta đang nói đến những mạch cảm hứng lớn đã dẫn dắt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến và đi với sông Hương, để rồi tiếp nữa, làm một cuộc viễn du vào lòng muôn độc giả, truyền cảm hứng cho họ bộc lộ tình yêu xứ sở hết sức thiết tha của mình.

-   Thông thường, người ta hay sử dụng phép nhân hoá khi miêu tả thiên nhiên. Kể cũng là điều dễ hiểu, bởi trong văn học, các sự vật không bao giờ xuất hiện như những "khách thể tự nó" mà như những đối tượng thể hiện nỗ lực của con người nhằm chủ quan hoá toàn bộ thế giới khách quan. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã nhân hoá sông Hương. Nhưng nhân hoá ở đây không chỉ là nhân hoá trong từng đoạn miêu tả rời rạc với mục đích làm cho câu văn, hình ảnh trở nên sinh động. Ông đã thực sự xây dựng sông Hương thành một nhân vật, một con người, để được chuyện trò, đối thoại cùng nó. Điều này hoàn toàn hợp lẽ, bởi chẳng phải ta vẫn quen nghĩ rằng các dòng sông vừa là kẻ đồng sáng tạo, vừa là chứng nhân lịch sử, vãn hoá của một vùng đất hay sao? Dưới ngòi bút tài hoa và cái nhìn đầy mê đắm, trân trọng của tác giả, sông Hương cũng có một cuộc đời phong phú trải qua nhiều giai đoạn, khi gian truân, khi êm đềm. Giữa lòng Trường Sơn, nó chính là "một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", có "bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng". Còn khi đã ra khỏi rừng, "sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở". Sông Hương có "phần tâm hồn sâu thẳm", có vẻ mặt lúc trầm mặc, lúc vui tươi, có thái độ đầy ân tình với Huế khi dành cho cố đô "điệu slolơ tình cảm" vô cùng ý nghĩa... Tác giả đã thực sự trở thành một tri kỉ của sông Hương, hiểu ngọn ngành khí chất của nó, và hơn thế, còn chu đáo đề xuất với chúng ta một cách nhìn toàn diện về người bạn của mình: "Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương...". Ông dõi theo từng khúc quanh, nét lượn, bước ngoặt rất cụ thể của sông Hương để nói với độc giả về những "ý tứ" mà sông Hương muốn biểu lộ trước con người và miền đất Châu Hoá xưa: "Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế". Theo tác giả, sông Hương đã thật "tâm lí" khi "trôi đi chậm, thực chậm" qua kinh thành Huế, như để an ủi người ta đừng quá sầu muộn về sự biến đổi vô thường của cuộc đời, về sự trôi qua chóng mặt của thòi gian. Dòng nước sông Hương đã như chú ý lặng lờ để muôn nghìn ánh hoa đăng trong đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về qua Huế "bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở". Bằng "cách trôi" rất riêng đó của mình, sông Hương như muốn nhắc người ta rằng cuộc đời này có rất nhiều cái đáng vương vấn. Rồi nữa, nếu không nhờ sự phát hiện đầy tính chất đồng điệu của tác giả đối với sông Hương, mấy ai biết rằng việc sông Hương đột ngột đổi dòng ngay khi vừa định chia tay Huế là thuận theo một lí do rất tình cảm, rất "người": chẳng qua, nó muốn gặp lại Huế "để nói một lời thề trước khi về biển cả". Ở đây, có đến ba thái độ chí tình cùng "hợp lưu" với nhau: cái chí tình của sông Hương đối với Huế, cái chí tình của con người Huế trong tình yêu (như là một phẩm chất được thấm nhiễm từ sông Hương) và cái chí tình của chính tác giả dành cho sông Hương, dành cho cả mảnh đất xưa gọi là Châu Hoá! Suy cho cùng, nếu không có cái chí tình của tác giả thì cái chí tình của sông Hương không thể trở thành một "khách thể tinh thần" hiện diện trong đời sống chúng ta và gây ấn tượng sâu đậm đến vậy!

-  Sông Hương, trong tư cách của một con người nhạy cảm, chắc hẳn đã rất yên tâm khi chọn trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường để hoá thân. Có lẽ chính nhà văn cũng nhận thấy, cũng hiểu niềm tin cậy đó, nên từng câu văn của ông bay bổng, diễm ảo lạ thường. Nhiều lúc, độc giả có cảm tưởng ngôn từ trong bài bút kí không phải là của tác giả dùng để miêu tả sông Hương mà chính là ngôn từ của sông Hương đang hát lên bài ca của mình. Ngôn từ ấy trôi chảy hết sức tự nhiên, nếu có "luyến láy" thì cũng "luyến láy" một cách tự nhiên, bởi chất hào hoa, đa tình vốn đã là cái thuộc về căn cốt của người viết rồi. Hãy thử đọc lại một vài đoạn: "Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". "Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...". "Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non"... Theo một cái nhìn mang tính phân tích, có thể thấy trong các đoạn văn trên, tác giả đã vận dụng khá nhiều thủ thuật ngôn từ: từ việc phối hợp hài hoà thanh điệu của các tiếng tới việc lựa chọn những định ngữ đắt nhất cho các đối tượng được miêu tả; từ việc sử dụng các ẩn dụ, so sánh đích đáng tới việc "khảm" một cách khéo léo ý tứ của các văn bán xưa vào văn mạch mới. Tuy vậy, đọc chúng lên, ta không có cảm giác cộm, vướng, bởi tác giả đã hoàn toàn làm chủ những thủ thuật ngôn từ kia, bắt chúng vâng phục tuỵệt đối sự điều hành của mình. Nói rộng ra, thiên bút kí đưa đến rất nhiều thông tin mà đọc lên vẫn thấy thanh thoát là nhờ thế.

-   Chịu ảnh hưởng của tư duy sử thi, Hoàng Phủ Ngọc Tường không quên tô đậm niềm "quang vinh" mà sông Hương đã có được trong lịch sử dài lâu của dân tộc. Có lẽ để khỏi mang tiếng là "thiên vị", ông đã dẫn ra các "lời chứng" vừa từ sử sách vừa từ những con người đã thực sự can dự vào cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc. Nhưng đồng thòi, nhà văn cũng thấm thìa rằng mọi thứ trên đời đều có thể bị quên đi, chỉ văn hoá là còn lại mãi. Có chiến công nào lớn hơn chiến công của văn hoá? Và mọi chiến công khác, nếu còn muốn được nhắc tới thì đều phải mang ý nghĩa văn hoá. Ông viết: "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước". Không, nhà văn không đơn thuần "tính đếm" hay kể lại những phẩm chất đa dạng của sông Hương. Lồng trong lời đánh giá khái quát mang tính chất ghi công đó, ông muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vẻ đẹp văn hoá sâu xa, trầm tĩnh của sông Hương. Không phải ngẫu nhiên ở rất nhiều đoạn trong bài bút kí này, ông đã thường xuyên liên tưởng tới Truyện Kiều, nhân vật Kiều khi nói về sông Hương. Đối với người Việt Nam, Truyện Kiều là tập đại thành của nền văn học, văn hoá dân tộc. Được so sánh, được liên hệ với Truyện Kiều chính là một niềm vinh dự. Nhưng một điều thú vị đáng nói là trong Truyện Kiều luôn có vang bóng của sông Hương, của văn hoá sông Hương. Tác giả đã chứng minh điều này một cách tinh tế và thuyết phục, bằng mẫn cảm nghệ sĩ, bằng những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời Nguyễn Du. Ông đã có một so sánh rất lạ, rất độc đáo nhưng cũng vô cùng chính xác: "Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Sự thực, câu văn không đơn thuần chỉ có so sánh. Nó chứa đựng (hay là thể hiện) một cái nhìn đồng nhất hoá, nâng sông Hương lên thành một linh hồn đích thực. Tác giả cũng kể lại cho ta một phát hiện bất ngờ chỉ có được ở những con người sống vì nghệ thuật, sống trong nghệ thuật: "Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỉ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều: "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời"... Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: "Đó chính là Tứ đại cảnh". Bằng sự lịch lãm văn chương, nghệ thuật của mình, sau khi đi một vòng để nêu lên chân lí "dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ", rằng sông Hương đã hiện hình với đủ cung bậc trong thơ của Tản Đà và Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan và Tố Hữu, tác giả lại khẳng định trong niềm ngạc nhiên của sự khám phá: "sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều".

 

-   Viết về một dòng sông văn hoá, quả rất cần một tư thế văn hoá. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện được điều này trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Rất nhiều trải nghiệm của một đời viết luôn gắn bó với con người, dân tộc và đất nước đã được đưa vào đây. Yêu sông Hương nhưng tình yêu ấy không ngăn cản ta yêu những dòng sông khác trên trái đất. Và ngược lại, niềm thích thú được quan sát dáng nét độc đáo của những dòng sông thuộc các vùng miền từng qua lại làm tươi mới trong ta nỗi rung động bồi hồi rất đặc biệt trước dòng sông quê hương đã nuôi lớn cuộc đời mình. Ai đã đặt tên cho dòng sông? - câu hỏi ấy không chỉ phản ánh một khoảnh khắc xao xuyến của tâm tư; cao hơn, nó hé lộ cho ta thấy một tâm thế sống luôn có trách nhiệm với cuộc đời, luôn biết ngạc nhiên về cái bí ẩn, phong phú vô tận của tạo vật.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0