24/05/2018, 11:18

Xin hỏi nghệ đen có tác dụng như thế nào và có hại đối với dạ dày không?

Nghệ đen Nghệ đen là tên gọi của vị thuốc Nga truật. Trong dân gian tùy từng địa phương, nghệ đen còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như nghệ tím, ngải tím, ngải xanh, nghệ đăm. Theo y học cổ truyền, nghệ đen vị cay, đắng, tính ôn, vào kinh can, có tác dụng hành khí, phá huyết, ...

Nghệ đen

Nghệ đen là tên gọi của vị thuốc Nga truật. Trong dân gian tùy từng địa phương, nghệ đen còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như nghệ tím, ngải tím, ngải xanh, nghệ đăm. Theo y học cổ truyền, nghệ đen vị cay, đắng, tính ôn, vào kinh can, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, tiêu tích, hóa thực. Nó thường được dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh, tích huyết, hành kinh không thông, nhiều máu cục (huyết khối). Liều dùng 3 - 6 g dưới dạng sắc uống hoặc tán bột.

Nghệ đen còn thường được sử dụng để chữa những bệnh như: Ung thư cổ tử cung và âm đạo, điều trị đau bụng kinh, kinh không đều, đầy bụng, nôn mửa nước chua, chữa các vết thâm tím trên da... Với những công dụng này, nhiều gia đình bắt đầu cho chúng vào bữa ăn hàng ngày để vừa thay đổi khẩu vị vừa có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, loại nghệ này vẫn thường được sử dụng theo dạng sắc, bột hay thuốc viên. Nhiều người cho rằng dùng nghệ đen tốt hơn nghệ vàng. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn về y học cổ truyền thì nghệ đen và nghệ vàng có tác dụng rất khác nhau.

Thời gian gần đây, nhiều trang thông tin điện tử đăng tải các bài viết về công dụng thần kỳ, chữa được bách bệnh của nghệ đen, khiến nhiều người tiêu dùng cố tìm cho bằng được để thêm vào bữa ăn hàng ngày hay bào chế thuốc chữa bệnh. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày vì nghệ đen không những không giúp điều trị bệnh này mà còn làm cho bệnh diễn biến nặng hơn. Do có tính chất phá huyết, nghệ đen hoàn toàn không có tác dụng làm lành vết thương mà ngược lại, chúng còn làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn, vết thương lâu lành hơn. Tính phá huyết của nghệ đen rất mạnh nên ngoài bệnh nhân viêm loét dạ dày, phụ nữ đang mang thai và người đang bị rong kinh cũng không nên dùng.

Theo những công năng, dược tính đã trình bày ở trên thì nghệ đen không thể dùng để thay cho nghệ vàng. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ dùng chúng để điều trị riêng hoặc dùng chúng với nghệ vàng để tăng cường tính năng cho nhau. Vì vậy, các chuyên gia Đông y khuyên người dân nên nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn trước khi sử dụng.

Nguồn tin: Theo Nông Nghiệp Việt Nam

0