Xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh
* Xây dựng chiến lược kinh doanh Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thương mại là định hướng hoạt động có mục tiêu của doanh nghiệp cho một thời kỳ dài và hệ thống các chính sách, biện pháp, điều kiện để thực hiện các mục ...
* Xây dựng chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thương mại là định hướng hoạt động có mục tiêu của doanh nghiệp cho một thời kỳ dài và hệ thống các chính sách, biện pháp, điều kiện để thực hiện các mục tiêu đề ra cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh. Xây dựng chiến lược kinh doanh được thực hiện theo trình tự :
- Xác định nhiêm vụ và hệ thống mục tiêu làm nền tảng cho công tác hoạch định chiến lược với nội dung :
- Xác định ngành nghề và mặt hàng kinh doanh
- Vạch rõ mục tiêu chính
- Xác định triết lý chủ yếu của doanh nghiệp.
Phân tích các yếu tố của môi trường để nhận diện cơ hội và nguy cơ đe doạ bao gồm các yếu tố : kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, kỹ thuật công nghệ, điều kiện tự nhiên. Đồng thời phân tích các yếu tố vi mô bên ngoài doanh nghiệp như : khách hàng, người cung ứng, đối thủ cạnh tranh và các sản phẩm thay thế.
Doanh nghiệp cần nhận thức rõ các yếu tố của môi trường có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đo lường mức độ ảnh hưởng và chiều hướng của chúng. Các thông tin tổng hợp kết quả phân tích và dự báo cần xác định theo hai hướng: Thứ nhất, các thời cơ, cơ hội của môi trường kinh doanh. Thứ hai, các rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra trong môi trường kinh doanh.
- Phân tích điểm mạnh và điểm yếu trong phạm vi doanh nghiệp
Để xây dựng được chiến lược kinh doanh doanh nghiệp phải tiến hành phân tích, đánh giá những yếu tố bên trong doanh nghiệp như : tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, trình độ tổ chức quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật...Từ đó xác định được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp , điểm mạnh là những yếu tố thuộc về tiềm năng của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh còn điểm yếu là những thuộc tính làm suy giảm tiềm lực của doanh nghiệp. Nhờ đó chiến lược đưa ra sẽ là một chiến lược phù hợp với tiềm lực và điều kiện của doanh nghiệp.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh tổng quát và chiến lược kinh doanh bộ phận
Chiến lược chung tổng quát đề cập đến những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp thương mại như phương hướng kinh doanh, chủng loại hàng hoá, dịch vụ kinh doanh, thị trường tiêu thụ, các mục tiêu tài chính và các chỉ tiêu phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
Chiến lược kinh doanh bộ phận của doanh nghiệp thương mại bao gồm: các chiến lược mặt hàng kinh doanh và dịch vụ, chiến lược thị trường và khách hàng, chiến lược vốn kinh doanh, chiến lược cạnh tranh, chiến lược marketing hỗn hợp, chiến lược phòng ngừa rủi ro, chiến lược kinh doanh trên thị trường quốc tế, chiến lược con người.
- Lựa chọn và quyết định chiến lược kinh doanh
- Nguyên tắc lựa chọn: chiến lược kinh doanh phải bảo đảm mục tiêu bao trùm, phải có tính khả thi và phải bảo đảm mối quan hệ biện chứng giữa doanh nghiệp và thị trường trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên tham gia.
- Thẩm định và đánh giá chiến lược kinh doanh: Bao gồm các tiêu chuẩn định tính và định lượng. Các tiêu chuẩn định lượng gồm khối lượng bán hàng, thị phần của doanh nghiệp, tổng doanh thu và lợi nhuận...Tiêu chuẩn định tính phải bảo đảm mục tiêu của doanh nghiệp về thế lực, độ an toàn trong kinh doanh và sự thích ứng của chiến lược kinh doanh với thị trường.
- Các bước lựa chọn và quyết định chiến lược kinh doanh :
Chọn tiêu chuẩn chung để so sánh các chiến lược kinh doanh đã lựa chọn.
Chọn các thang điểm cho các tiêu chuẩn
Cho điểm từng tiêu chuẩn thông qua phân tích.
* Xây dựng kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch hoạt động kinh doanh cơ bản nhất mà một doanh nghiệp thương mại nào cũng phải lập và thực hiện là kế hoạch lưu chuyển hàng hoá. Đây là kế hoạch hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp thương mại.
Kế hoạch lưu chuyển hàng hoá của doanh nghiệp thương mại là bảng tính toán tổng hợp những chỉ tiêu bán ra, mua vào và dự trữ hàng hoá đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trên cơ sở khai thác tối đa khả năng có thể có của doanh nghiệp trong kỳ kế hoạch.
Nội dung của kế hoạch lưu chuyển hàng hoá :
- Kế hoạch bán hàng : Bán hàng là nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp thương mại, là mục tiêu của hoạt động kinh doanh. Vì vậy mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phục vụ cho việc bán hàng được nhiều, nhanh, thu hút ngày càng nhiều khách hàng, giảm được chi phí bán hàng để đạt hiệu quả kinh doanh cao.
Kế hoạch bán ra bao gồm nhiều chỉ tiêu khác nhau:
Theo hình thức bán hàng: chỉ tiêu bán buôn, bán lẻ
Theo khách hàng: bán cho đơn vị tiêu dùng trực tiếp, bán cho các tổ chức trung gian, bán qua đại lý..
Theo các khâu của quá trình kinh doanh : bán ở tổng công ty, công ty, bán ở kho, cửa hàng ...
- Kế hoạch mua hàng : Mua hàng là điều kiên tiên quyết để thực hiện kế hoạch bán ra và dự trữ hàng hoá. Mua hàng đòi hỏi hàng hoá phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng, phải mua hàng kịp thời, đúng với yêu cầu, giá cả hợp lý là yếu tố quan trọng quyết định kinh doanh có lãi. Vì vậy trong kế hoạch mua hàng phải tính toán, cân nhắc lựa chọn các loại hàng và bạn hàng tin cậy để bảo đảm an toàn vốn kinh doanh và đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ kế hoạch.
Các nguồn hàng mà doanh nghiệp có thể lưan chọn: nguồn hàng nhập khẩu, nguồn hàng sản xuất trong nước, nguồn hàng tự khai thác chế biến, nguồn hàng liên doanh, liên kết, các nguồn hàng khác...
- Kế hoạch dự trữ hàng hóa đầu kỳ và cuối kỳ : Một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thương mại liên tục và đạt hiệu quả cao là có kế hoạch dự trữ hàng hoá phù hợp.
Trình tự lập kế hoạch lưu chuyển hàng hoá
- Bước 1 : Chuẩn bị lập kế hoạch. Cần chuẩn bị các tài liệu cần thiết, cho lập kế hoạch, tổ chức thu thập, nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn các tài liệu tin cậy; phân tích tài liệu dự báo và lựa chọn các hướng dự báo có căn cứ khoa học nhất; phân tích tình hình môi trường kinh doanh và khả năng phát triển của các đối thủ cạnh tranh, cũng như xu hướng nhu cầu mặt hàng và mặt hàng thay thế.
- Bước 2 : Trực tiếp lập kế hoạch. Phải tính toán các chỉ tiêu, sau đó cân đối các mặt hàng từ chi tiết đến tổng hợp, có mặt hàng nhiều danh điểm chỉ cân đối đến nhóm mặt hàng; phát hiện và dự kiến các biện pháp khắc phục sự mất cân đối.
- Bước 3 : Trình, duyệt, quyết định kế hoạch chính thức. Kế hoạch lập ra phải được trình và bảo vệ trước ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc hội đồng quản trị. Sau khi bổ sung và thống nhất, kế hoạch sẽ trở thành chính thức của doanh nghiệp thương mại.