WTO là gì, Vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO
WTO là gì, tìm hiểu cơ cấu tổ chức, vai trò nhiệm vụ và mục đích của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, viết tắt của World Trade Organization. Tầm quan trọng của WTO ngày càng lớn đối với tự do thương mại thế giới, một tổ chức giúp duy trì và đảm bảo tự do, công bằng và minh bạch về thương mại toàn ...
WTO là gì, tìm hiểu cơ cấu tổ chức, vai trò nhiệm vụ và mục đích của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, viết tắt của World Trade Organization. Tầm quan trọng của WTO ngày càng lớn đối với tự do thương mại thế giới, một tổ chức giúp duy trì và đảm bảo tự do, công bằng và minh bạch về thương mại toàn cầu. Hầu hết các nước trên thế giới đều tham gia WTO, vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại.
WTO là gì?
WTO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh World Trade Organization, dịch sang tiếng Việt thành “Tổ chức Thương mại Thế giới”, tiếng Pháp: Organisation mondiale du commerce; tiếng Tây Ban Nha: Organización Mundial del Comercio; tiếng Đức: Welthandelsorganisation.
WTO là tổ chức quốc tế có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, WTO có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên tuân theo các quy tắc thương mại đã đề ra sẵn. Mục đích của WTO là loại bỏ và giảm thiểu các rào cản thương mại, để tiến tự tự do hóa thương mại toàn cầu.
WTO được thành lập vào ngày 1/1/1995, với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại tự do mang tính toàn cầu, giúp các hoạt động thương mại diễn ra một cách thuận lợi và minh bạch nhất.
WTO thừa kế và phát triển từ các quy định của “Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan – GATT 1947.
Các thành viên của WTO
Nhiều bạn không biết WTO có bao nhiêu thành viên. Tính đến ngày 2016 thì WTO có tổng cộng 164 thành viên, và mọi thành viên thuộc tổ chức này phải tuân theo những quy định chung đề ra. Việt Nam cũng là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào ngày 11/1/2007. Bạn có thể cập nhật danh sách này tại trang của tổ chức với URL là: WTO.ORG
Chức năng của WTO
- Quản lý việc thực hiện các hiệp định của WTO
- Diễn đàn đàm phán về thương mại
- Giải quyết các tranh chấp về thương mại
- Giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia
- Trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện cho các nước đang phát triển
- Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác
Cụ thể, WTO có 5 chức năng chính được ghi trong trong Điều III của Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO:
- WTO tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, quản lý và điều hành và những mục tiêu khác của Hiệp định thành lập WTO, các hiệp định đa biên của WTO, cũng như cung cấp một khuôn khổ để thực thi, quản lý và điều hành việc thực hiện các hiệp định nhiều bên;
- WTO là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên về những quan hệ thương mại đa biên trong khuôn khổ những quy định của WTO. WTO cũng là diễn đàn cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các thành viên về những quan hệ thương mại đa biên; đồng thời WTO là một thiết chế để thực thi các kết quả từ việc đàm phán đó hoặc thực thi các quyết định do Hội nghị Bộ trưởng đưa ra;
- WTO sẽ thi hành Thoả thuận về những quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên (”Thoả thuận” này được quy định trong Phụ lục 2 của Hiệp định thành lập WTO);
- WTO sẽ thi hành Cơ chế rà soát chính sách thương mại (của các nước thành viên), ”Cơ chế” này được quy định tại Phụ lục 3 của Hiệp định thành lập WTO;
- Ðể đạt tới sự thống nhất cao hơn về quan điểm trong việc tạo lập các chính sách kinh tế toàn cầu, khi cần thiết, WTO sẽ hợp tác với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới và các cơ quan trực thuộc của nó.
Nhiệm vụ của WTO là gì?
-Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và cả những cam kết trong tương lai, nếu có).
-Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mai.
-Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO.
-Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.
WTO được tổ chức như thế nào?
Cơ cấu tổ chức của WTO bao gồm các cấp được sắp xếp theo thứ tự thẩm quyền từ cao xuống thấp như sau:
-Hội nghị Bộ trưởng: Bao gồm các Bộ trưởng thương mại – kinh tế đại diện cho tất cả các thành viên. Họp 2 năm 1 lần để quyết định các vấn đề quan trọng của WTO.
-Đại hội đồng: Bao gồm đại diện tất cả các thành viên, thực hiện chức năng của Hội nghị Bộ trưởng trong khoảng giữa hai kỳ hội nghị của cơ quan này; Đại hội đồng cũng đóng vai trò là Cơ quản giải quyết tranh chấp (DSB) và Cơ quan rà soát các chính sách thương mại.
-Các Hội đồng Thương mại Hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Các vấn đề về Sở hữu trí tuệ liên quan đến Thương mại; Các Ủy ban, Nhóm công tác: là các cơ quan được thành lập để hỗ trợ hoạt động của Đại hội đồng trong từng lĩnh vực, tất cả các thành viên WTO đều có thể cử đại diện tham gia các cơ quan này.
-Ban thư ký: Ban thư ký bao gồm Tổng Giám đốc WTO, 3 Phó Tổng Giám đốc và các Vụ, Ban giúp việc với khoảng 500 nhân viên, làm việc độc lập không phục thuộc vào bất kỳ chính phủ nào.
Hy vọng bài viết này đã giúp độc giả của Giainghia.com hiểu phần nào về Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là gì. Cũng như cơ cấu tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ của WTO. Khi các bên có tranh chấp, WTO sẽ là trọng tài đứng ra giúp giải quyết, đảm bảo cho tự do hoạt động thời mại diễn ra bình thường giữa các thành viên.