04/06/2017, 23:40

Viết bài tập làm văn số 2 lớp 9 - Văn tự sự

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau về thăm trường xưa vào 1 ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem ...

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau về thăm trường xưa vào 1 ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.Đề 4: Đã có lần em cùng bố mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, Tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm mộ đáng nhớ đó.

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau về thăm trường xưa vào 1 ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 2015.
Ngọc Anh thân mến.

Là Bảo Nguyên viết thư cho bạn đây. Ngọc Anh ơi, Bảo Nguyên vừa có một giấc mơ về ngôi trường mà mình và bạn đang học, mình rất xúc động và viết thư kể lại cho bạn nghe. Đọc thư mình bạn đừng cười nhé. Đang mơ màng trong giấc ngủ sau một ngày làm việc vất vả, mình bỗng choàng tỉnh giấc. Hôm nay đã là ngày 20 tháng 5 năm 2035, ngày mình hẹn với bạn sẽ về thăm lại trường xưa, ngôi trường cấp II Trưng Vương thân yêu của chúng mình. Nó đã tròn một trăm năm tuổi. Mình vùng dậy và chuẩn bị đến trường với niềm vui sẽ được gặp lại ngôi trường sau bao năm xa cách. Mình đi trên con đường thân quen từ nhà đến trường. Con đường xưa mình và Ngọc Anh vẫn đi bộ cùng bạn bè sao hôm nay dài thế! Mình vừa đi vừa thất sốt ruột. Kể từ khi học xong phổ thông, mình đi du học rồi đi làm.

Thời gian trôi đến là nhanh, mới thoáng đây thôi mà đã 10 năm rồi, không đủ cho mình nhận ra mình đã thay đổi đến thế nào. Bỗng dung trong lòng mình cảm thấy nao nao, vui buồn cứ lẫn lộn. Cuối cùng, mình đã đến trường. Quang cảnh trường sau 10 năm sao mà đổi thay đến vậy? Mình bồi hồi, lặng ngắm cánh cổng trường. Hồi ấy, vào khóa học của chúng mình, nó được sơn màu xanh thẫm như màu lá cây cổ thụ, và hàng chữ “Trường trung học cơ sở Trưng Vương” màu xanh nước biển. Bây giờ cổng trường và các tấm rào được sơn màu vàng nhạt, còn tên trường lại màu xanh thẫm. Mình thả bộ một vòng quanh trường.

Sau 10 năm trường mình đã hiện đại hơn nhiều. Bốn dãy nhà A, B, C D hai tầng xưa kia không còn nữa. Thay vào đó là ngôi nhà 6 tầng sơn màu vàng nhạt trông rất sang. Còn khu vực để xe của chúng mình hồi ấy bây giờ là bể bơi và nhà thể dục đa năng cho học sinh. Trật tự sắp xếp lớp học cũng thay đổi hoàn toàn. Thay vào những phòng học mang tên lớp 6a1, 9a2… là những phòng học theo tên các môn học như phòng Ngữ Văn, phòng Toán, phòng Tin, phòng Vật Lí… phòng nào cũng có vài ba tủ sách và tủ đựng các thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, màn hình… Khu nhà trước là căng tin và phòng Đoàn đội giờ là một tòa nhà 4 tầng cửa chớp sáng bóng. Tầng một của ngôi nhà vẫn là căng tin và phòng y tế; tầng hai là nơi dành cho các bộ phận quản lí trường như phòng hiệu trưởng, hiệu phó, phòng quản lí học sinh; tầng ba là nơi nghỉ giữa giờ của các thầy cô, tầng bốn là các hội trường nhỏ dành cho sinh hoạt ngoại khóa hay đoàn đội…

Quả thực với một học sinh trở lại thăm trường đầu tiên sau bao nhiêu năm như mình, đây là một sự thay đổi quá lớn lao, dường như mình không thể nhìn thấy chút dấu tích gì về trường cũ ngày xưa ngoài mấy cây bàng đang xòe tán dưới sân trường. Vẫn biết đổi thay là điều đương nhiên nhưng mình bỗng cảm thấy có chút ích kỉ, mình muốn trường mình lại như ngày ấy, như mình đã ngắm kĩ không biết đến bao lần, mình chẳng muốn thấy một sự thay đổi gì cả dù hết sức nhỏ nhoi. Mình đi vội vào sân trường. Hai hàng cây phượng vĩ đã không còn nữa. Đáng lẽ bây giờ nó đã đỏ rực những hoa và xõa bóng che mát gần hết sân trường. Mình tiếc quá. Dù trường có hiện đại hơn nhưng không còn những “bông hoa học trò” thì buồn lắm. Vìa kia, mình chỉ thấy cô chủ nhiệm của chúng mình.

Thời gian, làm chúng mình trưởng thành, làm thay đổi bao thứ mà lại chẳng thay đổi được ánh mắt, nụ cười và tình yêu thương bao la của cô. Tóc cô đã bạc màu và gương mặt có hơi nhăn một chút, nhưng mà hình như cô vẫn thế. Cô đã khóc, khi thấy mình chào cô. Có lẽ cô rất xúc động vì nhìn thấy mình đã trưởng thành và cũng vì đã lâu mình chưa về thăm lại cô. Mình bỗng nhớ lại những lần sinh hoạt lớp, chúng mình quay lại thành một vòng trong, cô ngồi ở giữa, cô trò cùng hát vang bài ca đã thuộc từ ngày mới bước chân vào cổng trường Trưng Vương “Mở trang truyền thống chói sáng tên vàng. Thầy cô mến yêu đã viết nên trang sách hồng. Bao tháng năm trôi qua, vẫn ngạt ngào sắc hương, tự hào biết bao, ta là học sinh Trưng Vương”. Rồi “Chào ngày vui giữa thủ đô cùng gặp nhau trong bao mến thương. Kỉ niệm xưa không hề phai, bạn bè tình thêm lưu luyến. Từng gắn bó chung một mái trường, ta bước đi trên khắp nẻo đường. Trường Trưng Vương sáng mãi trong tim của ta”. Mắt mình cay xè và nhòa đi vì nước mắt. Mình ra sức dụi mà không ngăn được… bỗng có tiếng mẹ gọi: “Bảo Nguyên, dậy thôi, ngủ mơ gì mà cứ ú ớ vậy!”. Thì ra mình đã có một giấc mơ đẹp. Mình đã tưởng tượng ra ngôi trường của mình 10 năm sau.

Dù rằng trường mình bây giờ chưa hiên đại và dù rằng một ngôi trường hiện đại phải là ngôi trường như mình thấy trong mơ nhưng không hiểu tại sao mình vẫn muốn trường mình như hôm nay, không thay đổi, giống như mình và bạn đang găn bó với nó, phải không Ngọc Anh? Và lòng mình cứ vang vang câu nói: Ai dám cho rằng mái trường không phải là nơi tuyệt vời nhất trên đời này?

Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày

Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày vui vẻ bên người ông kính mến. Bởi lẽ đó mà ông là người tôi yêu quý nhất, nhưng ông đã đi xa, ông đã yên nghi cách nay bảy năm rồi. Tôi chi biết nhớ thương và lưu giữ bóng hình ông nơi sâu thẳm của trái tim mình, để rồi tôi gặp ông trong giấc mơ – một giấc mơ thật ý nghĩa đối với tôi trong đêm ba mươi tháng chạp vừa qua.

Hôm ấy, cả nhà đang đón giao thừa. Một đêm xuân mở đầu cho năm mới. Những chùm pháo hoa bay tít trên cao, tỏa ngàn tia sáng nhấp nháy. Đất trời rạo rực. Tôi cùng gia đình quây quần quanh bếp lửa đỏ hồng, náo nức chờ thời khắc bước sang năm mới. Thế rồi, tôi ngả mình trên chiếc võng và thả hồn theo những đốm lửa đang bay như vệt sáng sao trời. Giấc ngủ say nồng đã đến với tôi.

Bỗng một tiếng nói vốn dĩ đã quen thuộc ấm áp vang lên: “Cháu của ông ngủ ngon quá nhỉ?” Tôi ngước mắt nhìn lên, một ông cụ trạc tám mươi tuổi, râu bạc trắng, tóc búi củ hành, ăn mặc như một ông tiên, chân đi guốc mộc, đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi như nín thở khi nhận ra người ông đã quá cố của mình. Tôi chạy đến ôm chân ông, ôm thật chặt như sợ ông biến mất một lần nữa. Ông ngồi xuống chiếc võng cùng tôi, xoa đầu tôi rồi hỏi thăm tôi về chuyện học hành. Tôi phấn khởi kể cho ông nghe thành tích học tập của mình, ông gật đầu mỉm cười rồi đưa tay vuốt nhẹ hàm râu trắng như cước trên khuôn mặt hiền từ, phúc hậu như ngày nào. Ông khuyên tôi phải nghe thầy, đua bạn học giỏi hơn nữa. Ông bảo:

– Cháu phải hứa với ông là sệ cố gắng học tập để sau này thành tài, sẽ vâng lời bố mẹ để chứng tỏ mình là đứa con hiếu thảo!

Tôi gật đầu vâng dạ rồi lại đòi ông kể chuyện về cuộc sống của ông, đòi ông kể chuyện cổ tích, ông đã kể cho tôi nghe, ông lại dẫn đi thăm vườn cổ tích, ông biết tôi thích dạo chơi cùng ông, thích đi dạo vườn hoa vào mỗi buổi chiều xuân hửng ấm. Vừa đi dạo ở vườn cổ tích lại vừa nghe ông rủ rỉ giảng về đời sống các loài cây, tôi cảm thấy mình tràn ngập niềm vui sướng. Có lẽ vui sướng nhất là được gặp ông sau bảy năm dài xa cách. Vì vui quá nên tôi đâu biết rằng đây chỉ là giấc mơ. Tôi chỉ biết ông đã về, ông còn sống như ngày xưa và tôi lại chỉ biết nũng nịu với ông, đòi ông kể chuyện, đòi dẫn đi chơi, đòi ông hái hoa thơm, quả ngọt như ngày nào. Tôi định hỏi ông thêm về cuộc sống các loại côn trùng đang rỉ rả trong lòng đất, thì bỗng có tiếng gọi: “Khuya quá rồi, lên giường đi ngủ thôi còn!” Tôi mở mắt. Thì ra là một giấc mơ, giấc mơ tuyệt đẹp đã đưa tôi trở lại một thời tuổi thơ đầy hạnh phúc.

Nhìn bàn thờ gia tiên đang tỏa khói hương, nhìn những câu đối được bố treo trên vách tường, tôi lại nhớ lời khuyên nhủ của ông. Nó như mạch nước ngầm chảy mãi trong tôi. Lời răn của ông sẽ mãi in sâu vào tâm khảm tôi. Cổ lẽ đây là một giấc mơ vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời tôi.
Tôi nguyện chăm ngoan, học giỏi để ông tôi được yên lòng nơi chín suối.

Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.

Kể lại trận đại thắng Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu (1789)

Cuối năm Mậu Thân (1788), nhân dân Thăng Long và Bắc Hà phải chịu đựng những ngày tháng đau thương, tủi nhục vì nạn ngoại xâm. Lợi dụng sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống, 290 nghìn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lãnh, đã tràn vào chiếm đóng kinh thành và kiểm soát phần lớn đất Bắc Hà. Quân đồn trú Tây Sơn do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, đã theo kế sách mưu trí của tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn.

Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất chủ quan. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm đóng quân ở Thăng Long để nghỉ ngơi ăn tết và chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo rồi sau tết sẽ "tiến vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống Nguyễn Huệ" (Hoàng Lê nhất thống chí), Hắn đóng đại bản doanh ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị và bố trí lực lượng phòng thủ quanh Thăng Long, nhất là hướng đường thiên lý và đường thượng đạo mà quân Tây Sơn có thể bất ngờ tiến công. Trên hai hướng phòng ngự này, đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa giữ vị trí then chốt.

Những ngày giáp tết năm đó, nhân dân kinh thành đã chứng kiến biết bao tội ác của quân giặc: 'kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì cả"; và sự phản bội hèn mạt của bọn bán nước: 'nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế" (Hoàng Lê nhất thống chí).

Nhưng cũng trong thời gian đó, tại Phú Xuân, ngày 24 tháng 11 Mậu Thân (21/12/1788) Quang Trung nhận được tin cấp báo và ngay hôm sau làm lễ xuất quân. Với những phán đoán tình hình và công việc chuẩn bị được trù liệu trước, chỉ trong vòng 35 ngày từ 25/11 đến 30/12 Mậu Thân (22/12/1788 - 25/1/1789), trên đường hành quân và tập kết đại quân ở Tam Điệp, Quang Trung đã hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đại phá quân Thanh. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90 km, mở đầu cuộc đại phá quân Thanh. Sau 5 ngày đêm tiến quân thần tốc, đạo quân chủ lực của Quang Trung đã phá tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng đường thiên lý tiến về Thăng Long.

Mờ sáng mùng 5 tết (30/1/1789), đạo quân chủ lực của Quang Trung phối hợp với đạo quân đô đốc Bảo công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi - Đầm Mực. Cùng lúc đó, đạo quân do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Đống Đa rồi đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.

Sự phối hợp hai trận đánh Ngọc Hồi, Đống Đa làm cho Tôn Sĩ Nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ. Với cả một lực lượng dự bị khá lớn ở tổng hành dinh, nhưng viên chủ soái quân Thanh đành phải tháo chạy trong cảnh hoảng loạn và tan rã. Trên đường tháo chạy, chúng lại bị một cánh quân Tây Sơn khác chặn đánh ở vùng Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang và bị bồi thêm những đòn tổn thất nặng nề.

35 ngày chuẩn bị trên đường hành quân dài khoảng hơn 500 km từ Phú Xuân đến Tam Điệp và 5 ngày đêm tiến công tiêu diệt trên một tuyến phòng ngự dài khoảng 90 km từ Gián Khẩu đến Thăng Long, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã đạt mức kỷ lục về tính thần tốc trong hành quân chuẩn bị và tiến công tiêu diệt địch.

Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Đó là chiến thắng tiêu biểu cho đỉnh cao của sự phát triển và thắng lợi của phong trào Tây Sơn, được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với sức mạnh yêu nước và đoàn kết của cả dân tộc. Trong hàng ngũ quân đội Tây Sơn lập nên vũ công mùa xuân đó có những người đã tham gia dấy nghĩa từ đất Tây Sơn, có những con các em dân tộc Tây Nguyên chuộng tự do phóng khoáng, có những người dân khắp mọi miền của đất nước đã tự nguyện đứng dưới lá cờ nghĩa Tây Sơn, có những trí thức yêu nước như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp... những võ quan cũ của chính quyền Lê - Trịnh như Đặng Tiến Đông..., những tướng soái Tây Sơn đã đày dạn chiến trận như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết... .

Đó là chiến thắng của quân đội Tây Sơn với quyết tâm và ý chí đánh cho nó 'chích luân bất phản", đánh cho nó 'phiến giáp bất hoàn", đánh cho 'sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. ý chí đó lại được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Và như chúng ta đã biết, trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã cho con em mình gia nhập nghĩa quân, đã tiếp tế lương thực, giúp các phương tiện vượt sông...
Nhân dân các làng xã quanh Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật giấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đền Ngọc Hồi, đã phối hợp làm trận rồng lửa trong trận diệt đồn Đống Đa...

Bằng lối đánh thần tốc và một thế trận lợi hại kết hợp tiến công chính diện mãnh liệt với những mũi thọc sâu bất ngờ và những mũi vu hồi sau lưng, Quang Trung với số quân chỉ hơn 10 vạn, nhưng đã đặt Tôn Sĩ Nghị và 29 vạn quân Thanh vào thế hoàn toàn bị động, bất ngờ đi từ thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng phải chấp nhận sự thảm hại, tháo chạy trong hoảng loạn. Đại thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) biểu thị tập trung thiên tài quân sự của Quang Trung Nguyễn Huệ.

Cũng ngay sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích dùng mọi biện pháp ngoại giao mềm mỏng và tích cực để nhanh chóng lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh. Chỉ trong vòng nửa năm, hai bên đã thông sứ bộ và sau đó, quan hệ bang giao và buôn bán giữa hai nước đã được khôi phục.

Trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần chiến đấu và niềm tự hào dân tộc vẫn còn in đậm mãi trong lòng mỗi con dân nước Việt. Tinh thần đó được thế hệ đời sau lưu truyền và gìn giữ như một bản trường ca anh hùng về sự mưu trí, anh dũng, thiện chiến của quân dân đất Việt, mà trận đại thắng Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là một minh chứng hào hùng nhất.

Đề 4: Đã có lần em cùng bố mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, Tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm mộ đáng nhớ đó.

Hôm ấy là ngày đầu xuân, trời thật đẹp, trăm hoa đua nở như đón sự an khang, thịnh vượng đến với mọi nhà. Gia đình tôi đón xuân trong niềm vui đầm ấm và tưởng nhớ về tổ tiên – cội nguồn của mình. Lòng biết ơn sâu sắc đó đã thôi thúc gia đình tôi đi thăm mộ ông bà vào ngày Tết – ngày mở đầu của một năm mới mà tôi cho là quan trọng nhất.

Trước đó mấy ngày, tôi thật phấn khởi trong không khí đón Tết, sắp được về quê chúc Tết bà con và thăm mộ ông bà. Tôi háo hức nhất là trong đêm 30 tháng chạp, cả nhà quay quần bên chiếc bàn xinh xắn để bàn chuyện đi thăm mộ ông bà vào ngày hôm sau. Nồi bánh chưng bốc nghi ngút, sôi sùng sục. Tôi thầm nghĩ:

– Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là bước sang năm mới. Xuân sẽ đến với đất trời, đến với mọi nhà, đến với gia đình mình.

Tôi mong trời mau sáng để cùng bố mẹ về quê đi thăm mộ ông bà và đi chúc Tết bà con ở quê.

Sáng hôm sau, tôi được bố mẹ đưa đi thăm mộ ông bà. Khí trời se lạnh, mây trắng nhởn nhơ trên bầu trời xanh thẳm, cảnh vật dường như đẹp hơn mọi ngày. Những ngôi nhà hai bên đường đã mở cửa, nhà nào cũng có hoa, có những câu đối đỏ treo trên những cành mai đang trổ lộc. Đâu đó, nghe tiếng chim hót lảnh lót như đón chào xuân đang tới. Ra đến nghĩa trang, khói hương xung quanh nghi ngút. Bà con ở gần đi viếng mộ rất sớm, trẻ em chạy nhảy tung tăng trên bãi cỏ với những bộ quần áo mới. Bố tôi kính cẩn đặt hoa tươi, bánh mứt để cúng ông bà. Tôi bồi hồi tưởng nhớ cội nguồn của mình và dấy lên một lòng biết ơn sâu nặng. Khói hương bốc lên lan tỏa khắp các mộ ở nghĩa trang. Người nào cũng tưởng nhớ đến người quá cố. Duy chỉ có những em bé là hồn nhiên, vô tư, chúng đang tinh nghịch trên lề đường đằng xa. Gặp lại những đứa bạn ở quê cùng đi viếng mộ, tâm trạng tôi cũng vui lên sau những phút giây bùi ngùi thương nhớ về ông bà của mình đã yên nghỉ nơi phần mộ. Làn khói hương vẫn bay bay, hòa quyện với đám sương mờ đang bao phủ. Tôi, bố mẹ tôi và mọi người vẫn đứng trước những ngôi mộ tổ tiên của mình. Bố tôi nói:

– Ngày trước, bố cũng thường đi viếng mộ tổ tiên cùng ông bà trong dịp Tết.

Nghe bố nhắc đến ông, bà nội thì tôi lại bâng khuâng nhớ về ngày ông, bà nội tôi chưa mất. Lúc ấy, tôi được sống trong tình thương bao la của ông, bà. Nhớ những đêm trăng sáng, tôi cùng bà ngồi trò chuyện trên chiếc võng đầu hè, nghe bà kể chuyện thời xưa. Tôi lại ứa nước mắt khi nghĩ đến điều này. Bố tôi cũng thế! Dường như bố mẹ tôi cũng xúc động khi nhắc đến ông, bà nội.

Cúng viếng xong, hương trầm cũng dần tàn theo bánh xe thời gian đang di chuyển. Bố và tôi cúi lạy ông bà, lấy bánh mứt phân phát cho các em nhỏ rồi bố tôi đưa tôi về nhà dì chúc Tết.

Dịp đi thăm viếng mộ ông bà lần này đã cho tôi một tình, yêu sâu sắc; Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước bền chặt trong tôi. Tôi thầm nhắc mình phải cố gắng học giỏi, thành tài để xứng đáng với cội nguồn tổ tiên, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

pov-olga4

0 chủ đề

23913 bài viết

0