Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học
Hướng dẫn ĐỀ: Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. BÀI LÀM Giản dị mà nồng nàn, mộc mạc mà trữ tình, Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã đi vào niềm cảm mến của tôi từ lúc nào không biết nữa. Như một dòng sông lặng lẽ dịu êm, thiên truyện trôi qua hồn người, lắng ...
Hướng dẫn
ĐỀ: Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
BÀI LÀM
Giản dị mà nồng nàn, mộc mạc mà trữ tình, Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã đi vào niềm cảm mến của tôi từ lúc nào không biết nữa. Như một dòng sông lặng lẽ dịu êm, thiên truyện trôi qua hồn người, lắng đọng lại biết bao tinh hoa ngọt ngào đằm thắm. Những kết tinh kì diệu đó chính là chất thơ bồi hồi, man mác – chất men say của truyện ngắn Hai đứa trẻ.
Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố. Chất thơ bay lên từ những tầng nguồn cảm xúc dồi dào, chất thơ sóng sánh như từng biểu hiện của “cái đẹp”, chất thơ gắn liền với trí tưởng tượng nhưng chất thơ cũng là tinh chất của cuộc sống sôi động và chân thực…
Chất thơ trong Hai đứa trẻ cũng vậy. Nó là sự kết tinh hoàn hảo vẻ đẹp của ngòi bút Thạch Lam và tâm hồn nhân vật, sự hòa quyện giữa cảm xúc dạt dào của nhà văn và tình người ấm nồng trên trang sách, chất thơ ở đây còn là “cái nhụy của cuộc sống” nghèo nàn, quanh quẩn nơi phố chợ đìu hiu, là những phút giây thơ mộng của Liên khi nghĩ về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo…”.
Đến với Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ta bước vào một cuộc sống nghèo nàn, bế tắc; nhưng bên cạnh đó, ta còn đến với một thế giới mới – thế giới của tình người, tình đời đầm ấm, thiết tha. Giữa cái lạnh lùng, hiu hắt của phố chợ lúc chiều tàn, tình người cứ cháy lên nồng nàn, sưởi ấm những tâm hồn hiu quạnh. Nghèo khổ làm cho con người khốn đốn, quẫn cùng, nhưng nghèo khổ không thể dập tắt được tấm lòng cảm thông giữa những người cùng cảnh ngộ. Mối quan hệ của chị em Liên với những người xung quanh: chị Tí, bác xẩm, bác Siêu… tưởng như rất đỗi bình thường, nhưng càng đọc, càng suy nghĩ ta càng thấm trọn “cái tình người chân chất, bàng bạc khắp thiên truyện”. Tình cảm giữa Liên và An cũng vậy, không một lời bình, không một câu ngợi khen của Thạch Lam, nhưng từng cử chỉ, lời nói của họ đối với nhau đều gợi lên những làn sóng yêu thương nhẹ nhàng mà đằm thắm. Khi Liên dịu dàng hỏi thì An lễ phép trả lời, Liên quạt cho em thì An tin cậy nghiêng đầu ngả vào chị… chỉ một vài chi tiết như thế cũng gợi cho ta bao xúc động chân thành. Có thể nói Liên sinh ra như để yêu thương vậy. Tình cảm của cô không chỉ nghiêng tràn cho An, cho chị Tí, bác Siêu, bác xẩm… nó còn được san sẻ cho bà cụ Thi – một bà già hơi điên cùng những đứa trẻ con nhà nghèo bới rác nơi chợ tàn hiu quạnh. Và đâu chỉ yêu thương con người, trong Liên còn có tình yêu quê hương mặn mà, sâu sắc. Đã mấy ai cảm nhận được như Liên về một “mùi âm ấm bốc lên”, “hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá”. Chỉ những tâm hồn thực sự gắn liền với mảnh đất quê hương mới có được cảm giác như vậy.
Tình người, tình đời trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam là như vậy đấy. Không chút ồn ào, dồn dập mà cứ lắng dần, lắng dần trên trang sách, tạo nên một ấn tượng cảm giác khó phai mờ. Nhưng những yếu tố cảm xúc trong Hai đứa trẻ đâu chi dừng lại ở đây, bên cạnh cái tình người, tình đời, tình quê, truyện còn xao xuyến cái tình của tác giả. Cũng là cảnh sống nghèo nàn của những con người khôn khổ trong cái phố chợ đó thôi nhưng những cây bút khác dành cho họ sự thương hại, ban ơn bao nhiêu thì Thạch Lam lại cảm thông, gần gũi họ bấy nhiêu. Trong Lời nói đầu của tập Gió đầu mùa, ông đã từng tâm sự: “Tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét của cả cuộc đời. (…) Và lòng tôi se lại trong khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ, an ủi những người khốn cùng ấy”… Trên những dòng viết về cuộc sống nghèo nàn của người dân phố chợ, ta bắt gặp những rung động thực sự của môt tâm hồn dạt dào cảm xúc, bao nhiêu thắm thiết yêu thương, Thạch Lam dồn cả vào đầu ngọn bút. Nó giúp ông tìm tòi, chắt lọc được những tinh chất của cuộc sống, tạo nên chất thơ tinh tế, nhẹ nhàng. Gửi gắm tình cảm vào những cảnh cụ thể của đời sống ngày thường, Thạch Lam đã nâng nó lên một tầng nguồn ý nghĩa lớn lao hơn. Ông đã đạt được cái thành công rực rỡ như Tú Xương, khi tạo ra được những hình ảnh “cùng mọc trên những đống tài liệu thực tế”, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định, mà nó mở ra một cái diện không gian, thời gian, trong đó “nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” (lời Nguyễn Tuân bình thơ Tú Xương). Tấm lòng ấy cũng là cảm xúc dạt dào trong Hai đứa trẻ, là một nhân tố không thể thiếu để tạo dựng chất thơ của thiên truyện.
Đi vào thế giới của Hai đứa trẻ, nếu “cái tình” trong đó làm ta xao xuyến, ấm áp bao nhiêu thì “cái đẹp” lại làm ta ngây ngất, mê say bấy nhiêu. Như một cô gái e ấp với nét duyên thầm, “cái đẹp” ở đây kín đáo và tinh tế nhưng đậm nét truyền cảm. Trên cái nền tối sẫm, nghèo nàn nơi phố chợ, “cái đẹp” vẫn vươn lên như một phép thần diệu kì. Biểu hiện đầu tiên của “cái đẹp" không phải gì xa lạ mà chính là tâm hồn con người giữa chốn đìu hiu ấy. Có thể nói ngòi bút của Thạch Lam đã đạt tới trình độ tuyệt vời khi miêu tả “những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại” (lời Thạch Lam khen Nguyên Hồng). Tâm trạng của Liên, cô thiếu nữ mới lớn được thể hiện một cách đầy đủ, tài hoa, tinh tế. Vô hình trung cây bút Thạch Lam trở thành chìa khóa giúp ta hé mở tâm hồn Liên, với bao rung động nhỏ bé. Chỉ mới bắt gặp “mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc”, cô đã liên tưởng đến “mùi riêng của đất, của quê hương”, chỉ hình ảnh một vài đứa trẻ bới rác bên đường mà lòng cô đã trào lên mối xót xa, thương cảm, và chỉ một chiếc xà tích, một chiếc khóa được mẹ giao cũng gợi lên trong lòng cô sự “quý mến và hãnh diện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang”. Những rung động như thế chỉ có được ở một tâm hồn trong sáng, cao đẹp và nhạy cảm.
Nét đẹp của tâm hồn Liên đã được Thạch Lam thể hiện một cách tuyệt vời, nhưng nó còn hoàn hảo hơn cả ở những dòng văn ghi lại những ước mơ chập chờn chưa định hình hẳn trong tâm hồn Liên khi con tàu đêm lướt qua, ước mơ về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo…”.
Ở đây, trí tưởng tượng phong phú của Thạch Lam đã đưa tâm hồn Liên vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của hiện thực cuộc sống, nâng nó bay lên “Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ảnh lửa của bác Siêu”. Tâm hồn Liên chợt rung lên trước những hình ảnh quá vãng. Chất lãng mạn của một nhà văn trong Tự Lực văn đoàn đến giờ mới hé mở trên trang sách, tạo cho thiên truyện một vẻ đẹp thanh nhã, giàu chất thơ.
Nếu “cái đẹp trong thơ là sự thống nhất thẩm mĩ giữa những phẩm chất thực tại khách quan và cái đẹp trong tâm hồn nhà thơ” thì cái đẹp trong Hai đứa trẻ là sự kết hợp tuyệt diệu giữa vẻ đẹp tâm hồn con người, vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp của ngòi bút Thạch Lam. Cảnh vật được miêu tả không nhiều song vẫn có sức hấp dẫn lạ kì. Mỗi hình ảnh đều chứa chất cảm xúc của nhà văn, gợi lên trong người đọc bao suy nghĩ. Những câu văn tả cảnh ở đây có thể coi là mẫu mực trong văn học Việt Nam: “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. “Phương tây, đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Phải có một tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa như thế nào mới có thể miêu tả được những cảnh tuyệt vời như thế. Một nét buồn êm ả láng nhẹ trên cảnh vật. Một dòng cảm xúc tinh tế cứ đẩy con thuyền thời gian trôi mãi từ chiều đến đêm, và hai bên bờ là biết bao hình ảnh kì diệu của không gian. Đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam, bên cạnh ngòi bút tả cảnh tuyệt vời, tài hoa như thế còn là một giọng văn “bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cải giả dối đẹp đẽ, đi tìm những cái giản dị, cái sâu sắc, và cái thật bằng cách quan sát và rung động đúng”… Cái đẹp của nghệ thuật trong Hai đứa trẻ là cái đẹp của giọng văn nhẹ nhàng, truyền cảm có sự phân tích tinh tế, sâu sắc, lắng nghe lòng mình và chiêm nghiệm cuộc đời. Giọng văn ấy khơi sâu vào cảm giác người đọc, mở ra một chân trời bát ngát đầy chất thơ.
Được tạo nên từ những cảm xúc sâu lắng, những vẻ đẹp hoàn mĩ, là kết tinh của cuộc sống bình thường hòa điệu với trí tưởng tượng bay bổng, chất thơ trong Hai dứa trẻ của Thạch Lam đọng lại trong tâm hồn người đọc một cảm giác tinh tế, sâu lắng và nhẹ nhàng, ý nhị. Gấp trang sách lại, dư vị ngọt ngào của nó vẫn còn phảng phất mãi trong ta. Chất thơ đó góp phần tạo nên sự trường tồn của Hai đứa trẻ.
Cái chất diệu kì này đã trở thành một trong những đặc điểm của phong cách Thạch Lam. Có người cho là nhà văn đã thi vị hóa hiện thực một cách thái quá. Không, Thạch Lam vẫn đưa hiện thực cuộc sống vào trang viết một cách chân thành sâu lắng. Nhưng bên cạnh hiện thực ấy, chất thơ đã góp phần mở rộng tâm hồn “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu” (Nguyễn Tuân). Cây bút thiên về cảm giác ấy vẫn chỉ gợi lên những gì trong lành, không phải chìm lặn trong cõi vô thức tối tăm, bệnh hoạn như một số nhà văn khác. Trước sau, Thạch Lam vẫn thiết tha hướng tới cái chân, cái thiện, vẫn tin ở thiện căn của con người. Và đây chính là điều làm cho tác phẩm của ông sống mãi trong lòng chúng ta..
Đỗ Thị Thạch (Lớp 12 Văn, THPT Công nghiệp Hà Đông, Hà Tây, năm học 1990-1991)
Mai Thu
Từ khóa tìm kiếm:
- ta ve van nghi luan sô 5