Về thiết kế và tổ chức mạng lưới các trường đại học
Hiện nay Nhà nước đang xem xét phương án mạng lưới các trường ĐH (MLĐH) cho đến năm 2020 qua đề án của bộ GD và Đào tạo (GDĐT). Nhằm góp phần làm rõ vấn đề, bài viết này đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí thiết kế và một vài giải pháp cho mạng ...
Hiện nay Nhà nước đang xem xét phương án mạng lưới các trường ĐH (MLĐH) cho đến năm 2020 qua đề án của bộ GD và Đào tạo (GDĐT). Nhằm góp phần làm rõ vấn đề, bài viết này đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí thiết kế và một vài giải pháp cho mạng lưới.
MLĐH ở đây được hiểu là mạng lưới trường cho GD sau Trung học phổ thông, bao gồm cả đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) như đã nêu trong Điều 34 của Luật Giáo dục (Tertiary / Post - secondary Education). Nói đến MLĐH trước hết là nói đến nhiệm vụ của GDĐH và từ đó là tính chất và cơ cấu của hệ thống. Nhiệm vụ tổng quát của GDĐH là phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực và thoả mãn nhu cầu học tập chính đáng của nhân dân, nhiệm vụ này đang từng bước được cụ thể hoá trong quá trình xây dựng chiến lược / “tầm nhìn” (Vision) cho GDĐH Việt Nam hiện nay. Về mặt tính chất và cơ cấu của hệ thống, nói về MLĐH là nói về quy mô, sự phân bổ sứ mạng / nhiệm vụ (Mission), cơ cấu xã hội - trình độ - ngành nghề, sự phân bố trên lãnh thổ và cách tổ chức quản lý. Việc sắp xếp lại MLĐH để phát triển còn cần phải đặt trong bối cảnh của thực trạng, chính sách của Nhà nước và những ràng buộc về nguồn lực.
Để có thể thiết kế được các yếu tố nói trên, trước hết có lẽ cần dự tính những biến đổi và phác thảo những nét đặc trưng cơ bản nhất của GDĐH Việt Nam trong khoảng 20 năm tới. Chúng tôi cho rằng các biến đổi và đặc trưng đó là:
- Cần có thêm hàng triệu “chỗ học” mới.
Ở nước ta, trong 8 - 9 năm qua số lượng SV đã tăng lên quá nhanh, trên 5 lần. Hiện nay có khoảng 720 ngàn SV. Tuy vậy số SV năm 1997 cũng chỉ mới chiếm 4,9% số thanh niên trong độ tuổi (18 -23 tuổi). Theo dự kiến tỷ lệ này sẽ đạt 7% năm 2000, 15% năm 2010 và 25% năm 2020 (Dự thảo Văn kiện hội nghị TW2).
Như vậy, đến năm 2020, MLĐH ít ra phải đáp ứng cho được số lượng SV nhiều gấp trên 5 lần hiện nay, nghĩa là cần có thêm trên 3 triệu “chỗ học” mới cho số SV tăng thêm. Tốc độ tăng bình quân tương đối hợp lý, khoảng 9%/năm (trong 7 - 8 năm qua, tốc độ tăng khoảng 20%/năm). Việc tăng nhanh số lượng SV là phù hợp với xu thế “bùng nổ sĩ số” trên thế giới. Tuy nhiên, con số 3 triệu “chỗ học” mới nói trên thực sự là một nhiệm vụ nặng nề của GDĐH.
- GDĐH sẽ có dạng “Phân lớp ”
Một biến đổi cơ bản của nền GDĐH Việt Nam trong 10 năm qua và khoảng 20 năm đến là sự chuyển hoá từ một nền GDĐH cho thiểu số tinh hoa (Elite Higher Education) từng bước sang một nền GDĐH đại chúng (Mass Higher Education). Từ con số 20 SV trên một vạn dân cuối những năm 80 sang con số gần 100 SV hiện nay và 400 - 500 SV trên 1 vạn dân vào năm 2020, nền GDĐH đang và sẽ biến đổi hoàn toàn về chất.
Với một nền GDĐH đại chúng, MLĐH phải được tổ chức có dạng phân lớp . Đây không còn là một sự lựa chọn mà là một thực tế tất yếu và gần như không có con đường nào khác. Trên thế giới có lẽ không có một nước nào đủ nguồn lực để đảm bảo “chất lượng cao như nhau” với một “phổ “ duy nhất theo kiểu tổ chức ở các ĐH truyền thống trước đây, kể cả những nuớc giàu và dành đến trên dưới 20% ngân sách quốc gia cho GD. Đây cũng là sự hợp lý nếu xét về phía cơ cấu nguồn nhân lực (phía Cầu) cũng như sự phân hoá khá rộng về tư chất và trình độ của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông - nguồn vào của các trường ĐH (phía Cung).
- Một hệ thống mở, liên thông và đa dạng hóa nhiều hơn
Hệ thống GDĐH trong tương lai sẽ là một hệ thống đa dạng hoá cả về loại hình đào tạo, hình thức sỡ hữu, nguồn lực tài chính,v.v… và mở ra đối với xã hội. Đây cũng là một xu thế của GDĐH trên thế giới “học tập suốt đời”, “xã hội học hành” v.v...
Hiện nay, chúng ta đã có hai trường ĐH mở, có tổng cộng 17 trường ĐH dân lập và bán công, số SV chiếm khoảng 16% tổng số SV. Vậy với hơn 3 triệu “chỗ học” mới cho SV, trong tương lai tỷ lệ SV của trường ĐH dân lập, bán công sẽ chiếm một tỷ lệ bao nhiêu? Điều này còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước . Tuy nhiên, nếu so sánh ngân sách dành cho GDĐH (hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu) và nhu cầu kinh phí trong bối cảnh cần tăng nhanh số luợng SV nói trên (có lẽ cần không dưới năm, sáu chục ngàn tỷ đồng để có hơn 3 triệu “chỗ học” mới), xu thế chung vẫn là phải mở rộng hơn nữa việc đa dạng hoá.
Về mặt loại hình đào tạo, ngày nay trên thế giới đã có những “xí nghiệp tri thức’’(Knowlegde Factory), có những tổ chức không còn phân biệt được là khoa (Faculty) hay hãng (Firm). Ở Trung Quốc có rất nhiều “xí nghiệp khoa học - kỹ thuật”mà thực chất là liên kết tổ chức quản lý-giảng dạy giữa một trường ĐH và một xí nghiệp. Những xu thế này có lẽ cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam ngay trong những thập niên đầu thế kỷ.
- Cơ cấu của hệ thống và phân bố trên lãnh thổ hợp lý hơn
Trước hết là vấn đề công bằng xã hội và bình đẳng về cơ hội học tập. Theo một vài ước lượng thống kê chưa chính thức, sự phân tầng giàu nghèo ở nước ta hiện nay khoảng 8 lần (tính bằng tỷ số thu nhập bình quân của 20% dân số giàu nhất và của 20% dân số nghèo nhất). Tuy nhiên, sự phân tầng về số SV tốt nghiệp ĐH (tính theo tỷ số SV thuộc hai lớp dân cư nói trên) có thể đã lên đến 20 lần. Về mặt phân bố SV trên một vạn dân, bình quân của cả nước hiện nay là khoảng 100 SV trong khi ở các vùng sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc chỉ có 17 SV. Tính theo đơn vị tỉnh, thì có khá nhiều tỉnh chưa có đến 10 SV trên một vạn dân (Tp. HCM – 428 và Hà Nội - 1270), thậm chí còn trên 10 tỉnh chưa có một trường CĐ nào.
Về mặt cơ cấu trình độ và ngành nghề, hiện nay chúng ta có gần 700 ngàn SV trình độ ĐH nhưng chỉ có chưa đến 120 ngàn SV cao đẳng, trong đó chủ yếu lại là SV Sư phạm. Chúng ta cũng đang có đến 43,8% SV Kinh tế và Luật nhưng chỉ có 3,1% SV các ngành Nông – Lâm - Ngư trong bối cảnh của một nước có mức đô thị hoá chỉ mới 22%. Do vậy, MLĐH cũng cần phải góp phần giải quyết những mất cân đối này thông qua các “Tiêu chí ràng buộc”.
- Sẽ tiến hành phân cấp trong tổ chức quản lý
Hiện nay cả nước có190 trường ĐH, trong đó bộ GDĐT trực tiếp quản lý toàn diện 49 trường, nhưng chiếm đến trên 70% số SV (khoảng 530 ngàn ), cùng với việc quản lý “song hành trực thuộc” 61 Sở GDĐT. Nghĩa là, bộ GDĐT đang có trên 100 đầu mối quản lý.Về phương thức quản lý, chủ yếu vẫn là kiểu quản lý của “Bộ chủ quản”. Bộ vẫn muốn “Tổ chức quản lý công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nhà trường ĐH - cao đẳng”.
Như vậy hiện nay đã có tình trạng vượt quá “khả năng giám sát” của Nhà nước , gây ra sự nhũng nhiễu của cấp trung gian và Nhà nước không còn đủ sức để chú trọng những vấn đề lớn hơn: Ví dụ, số nghiên cứu sinh từ 1992 đến 1995 chỉ có 8,8% về khoa học - kỹ thuật, nhưng có đến 41,9% về kinh tế xã hội (ở Thái Lan những năm 80, số SV làm tiến sĩ về kinh tế - xã hội chỉ xấp xỉ số SV làm tiến sĩ về nông - lâm - ngư) v.v…
Khi số SV tăng lên đến vài ba triệu, số trường ĐH có lẽ sẽ là 500-600, trong đó có nhiều trường ĐH dân lập, bán công. Con đường tất yếu là phải thực hiện phân cấp trong quản lý và đề cao nguyên tắc tự chủ đi kèm với trách nhiệm xã hội của các truờng ĐH. Khi đó Bộ mới có điều kiện để tập trung nhiều hơn vào công việc quản lý Nhà nuớc như: Chiến lược và ngân sách, chính sách và tiêu chuẩn / quy chế, giám sát và thanh tra, v.v…
GD nói chung và GDĐH nói riêng đang đứng trước một loạt các nghịch lý và thách thức: áp lực của nhu cầu học tập và nguồn tài lực cũng như số lượng sử dụng bị hạn chế (SV tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp!), số lượng và chất lượng, cạnh tranh cần thiết và cơ hội bình đẳng về học tập, quản lý (của Nhà nước) quá nhiều và quá ít, v.v… Vì vậy, rất khó có đuợc những nguyên tắc để giải quyết vấn đề một cách hoàn toàn thoả đáng. Mặt khác, lẽ ra một nguyên tắc, một tiêu chí thiết kế phải là một vấn đề nghiên cứu. Ở đây, chỉ dựa vào một số suy luận khoa học, một số kinh nghiệm, tham khảo tình hình ở các nước và những phán đoán kiểu “heuristic” để đưa ra những ước lượng gần đúng ban đầu.
- Về cơ cấu của hệ thống GDĐH phân lớp
Theo số liệu ở một số nước, cơ cấu hợp lý có thể như sau:
(a) Phân lớp 1: là loại “tinh hoa”, chất lượng cao, chủ yếu nhằm phục vụ các đỉnh cao và các lĩnh vực có lợi thế so sánh, chương trình đào tạo theo kiểu của ĐH truyền thống. Số SV phân lớp này chiếm khoảng 12-15% tổng số SV.
(b) Phân lớp 2: là loại ĐH “đại trà”, nhằm phục vụ trực tiếp các hoạt động kinh tế xã hội. chương trình đào tạo hướng tới thực hành và kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế, thiên về “kỹ thuật nghề nghiệp” (Technical and Vocational). Số SV thuộc phân lớp này chiếm khoảng 30 – 35%.
(c) Phân lớp 3: là lớp SV có trình độ Cao đẳng, chủ yếu phục vụ loại nhu cầu phổ cập. chương trình đào tạo nặng về thực hành, ngành nghề phải phù hợp với nhu cầu của địa phương / cộng đồng, và thời gian đào tạo từ 2-3 năm. Số SV thuộc phân lớp này chiếm khoảng 50 - 60%.
Cơ cấu hiện nay rất không hợp lý. Phân lớp thứ 3 chỉ chiếm duới 17% mà chủ yếu lại là SV ngành sư phạm. Phân lớp thứ 1 và thứ 2 thường học chung một chương trình đào tạo. chương trình này, nói chung, có tính chất và cấu tạo của loại chương trình dành cho phân lớp thứ 1 nhưng trình độ và chiều sâu lại thuộc chương trình dành cho phân lớp thứ 2.
Để đào tạo loại SV phân lớp 1, có lẽ cần xúc tiến việc thành lập mới hai trường ĐHQG
Bên cạnh đó, cần sớm tổ chức các “chương trình danh dự” (Honor) theo kiểu Research – Oriented với số SV thi vào đạt kết quả giỏi trong một số ngành được lựa chọn ở các trường ĐH có truyền thống (có thể là 24 trường ĐH “hạt nhân” đã nêu trong Đề án MLĐH của bộ GDĐT). Các trường ĐH hạt nhân này đang chiếm một tỷ lệ SV rất lớn (ở khu vực Tp.HCM khoảng 75%). Do vậy chỉ có thể tổ chức một số “chương trình danh dự” ở các truờng ĐH này để góp phần đào tạo phân lớp 1 – tinh hoa nói trên. Các chương trình này khác chương trình cho phân lớp 2, có thời gian đào tạo dài hơn bình thuờng một năm và cũng không hoàn toàn giống chương trình Honor ở các nước.
- Về tính chất và cơ cấu trường ĐH
Trên thế giới tồn tại phổ biến các loại trường ĐH đa lĩnh vực và đa ngành - đơn lĩnh vực. Ơ Thái Lan, trường Y Dược Mahidol là một trường ĐH lớn nổi tiếng; Ba trường ĐH độc lập đều có tên King Mongkut’s Institute of Technology (xác định theo địa danh kèm theo) là những trường ĐH kỹ thuật, trong đó trường ĐH Thonburi chỉ có 3 khoa. Ơ Hà Lan các trường ĐH Delf, Eindhoven là ĐH đào tạo chuyên ngành kỹ sư, ĐH Wageningen là trường Nông – Lâm. Đa lĩnh vực là để thuận lợi trong hợp tác giải quyết các vấn đề khoa học, dễ tạo ra các ngành học liên ngành (Interdisciplinary Studies), dễ bổ sung kiến thức tổng quát và liên ngành trong đào tạo, chứ đa lĩnh vực không có mục đích tự thân. Các kiểu cơ cấu trường ĐH này không có liên hệ trực tiếp với quy mô lớn và chất lượng cao. Rất nhiều trường ĐH đa lĩnh vực trên thế giới có quy mô vừa và nhỏ.
Về mặt cơ cấu tổ chức, hầu hết các trường ĐH trên thế giới đều có cơ chế tổ chức 3 cấp (hoặc ít hơn): trường ĐH, Khoa (Faculty/ College/ School) và Bộ môn. Trong tiếng Anh, từ College là để gọi một trường trong trường ĐH, nhưng cũng là để chỉ trường ĐH hoặc cao đẳng nói chung. Ví dụ, ở Mỹ gọi chung các trường ĐH là “4 years Colleges”. Từ University thì chỉ để gọi riêng trường ĐH, đặc biệt là các ĐH đa lĩnh vực (chứ không để gọi trường cao đẳng). Trước năm 1975 ở Miền Nam gọi University có tính đa lĩnh vực là “Viện ĐH” chứ không phải viện ĐH là một trường ĐH (University) trong đó lại có nhiều trường ĐH (Universities). Điều 38 của Luật GD cũng chỉ gọi University là truờng ĐH chứ không gọi là Viện ĐH. Có ý kiến cho rằng, ở Mỹ có nhiều viện ĐH trong đó có nhiều trường ĐH. Thật ra, đó là những hệ thống ĐH ở dạng “Multicampus System”. Do theo cơ chế liên bang và không có một bộ GDĐT riêng ở cấp liên bang, nhiều bang ở Mỹ có một hoặc một số hệ thống với kiểu tổ chức khá khác nhau nhưng tất cả đều có hội đồng quản trị (Governing Board). Người đứng đầu thực thi (CEO) gọi là President hoặc Chancellor. Trong hội đồng quản trị có quan chức điều hành GDĐH của bang (State Higher Education Excutive Officer), quan chức này cũng có thể là “Người đứng đầu thực thi của hệ thống”, có những người lãnh đạo lập pháp (như Speaker of the State house) và có cả đại diện của giáo viên
Từ đó, đề nghị tổ chức trường ĐH theo cơ chế 3 cấp: trường ĐH, Khoa, Bộ môn và sử dụng cả loại trường đa lĩnh vực cũng như đangành - đơn lĩnh vực(như Y dược, Xây dựng, Nông lâm…), nhưng chú trọng việc hình thành một số ĐH đa lĩnh vực, chất lượng cao, quy mô vừa ở các thành phố lớn, các trung tâm khu vực.
Chủ trương của Nhà nuớc lập ĐH Quốc gia(ĐHQG) để đào tạo chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế là một ý tưởng tốt đẹp và hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên trong thực hiện, ĐHQG Tp.HCM đã được hình thành bằng cách ghép nhiều trường ĐH lớn trong vùng, và hiện nay đã có quy mô lên đến 150 ngàn SV, chiếm trên 90% tổng số SV ĐH công, gần 3/4 tổng số SV ĐH các loại ở khu vực Tp.HCM, có tỷ lệ SV/ Giáo viên là 48/1. Thật khó có thể cho rằng, ưu tiên, trọng điểm hoặc chất lượng cao cho cả khối 150 ngàn SV này (ưu tiên cho 90%!) và trong bối cảnh trong ĐHQG Tp.HCM có cả trường ĐH thành viên với tỷ số SV/Giáo viên đạt kỷ lục là135/1. Vì vậy, nên chăng chuyển tổ chức ĐHQG Tp.HCM hiện nay thành “Hiệp hội các trường ĐH khu vực Tp.HCM”
- Về quy mô trường ĐH
Quy mô nhỏ nhất và quy mô trung bình có thể xác định qua khái niệm “Quy mô có hiệu quả về mặt kinh tế” (Economies of scale). Tuy nhiên vấn đề này ở Việt Nam còn chưa được nghiên cứu. Có thể tham khảo các con số có liên quan ở một số nước. Nước Úc đã nghiên cứu quy mô kinh tế (Economic Size) và xác định quy mô trường ĐH nên nằm trong khoảng từ 4.000 đến 10.000 SV tuỳ loại trường (Thực tế ở Úc có nhiều trường ĐH quy mô nhỏ hơn 4.000 SV và lớn hơn 10.000 SV). Ở Thái Lan, trừ hai trường ĐH mở, quy mô trung bình của cả ĐH công và tư là vào khoảng 4.000 SV. Hệ thống ĐH chính quy của Trung Quốc có 1.054 trường (1995) với gần 3 triệu SV, nghĩa là quy mô trung bình khoảng 3.000 SV. Ở Hà Lan, quy mô trung bình: 5.000 SV (ĐH - 12.000 và CĐ -3.500). Ở Mỹ, trong khoảng 2.000 trường ĐH 4 năm của họ, có đến 80% số trường có quy mô dưới 4.000 SV ĐH. Vậy phải chăng quy mô trung bình của các trường ĐH Việt Nam nên nằm trong khoảng 8.000 đến 10.000 SV, trường CĐ trong khoảng 4.000 – 5.000 SV nhưng không nên nhỏ hơn 3.000 SV.
Quy mô lớn nhất có lẽ nên suy luận qua khái niệm “Phạm vi quản lý có hiệu quả” và trình độ quản lý thực tế ở Việt Nam. Người ta cho rằng, mỗi cấp quản lý khó có thể quản lý tốt trên 15-20 đầu mối (đương nhiên còn tuỳ cấp quản lý). Vì vậy, nếu theo cơ chế quản lý 3 cấp thì mỗi truờng ĐH không nên có quá 1.500-2.000 giáo viên. Theo tiêu chí trung bình khoảng 15-20 SV /1 Giáo viên, thì có thể cho rằng, quy mô trường ĐH lớn nhất không nên vượt quá 30.000 SV. Cũng cần lưu ý là: khi quy mô quá lớn thì chi phí đào tạo cho một SV có khi lại tăng lên, người ta gọi là “tăng quy mô, giảm hiệu quả” (Diseconomies of Scale) .
Có một số con số để tham khảo thêm như sau: ở Hà Lan chỉ có hai trường ĐH lớn nhất, mỗi trường có 28.000 SV. Trong khoảng 2.000 trường ĐH 4 năm ở Mỹ (1991) chỉ có 31 trường có quy mô trên 20.000 SV ĐH, 6 trường có quy mô lớn hơn 30.000 SV ĐH và tính cả SV sau ĐH cũng không có trường nào có đến 50.000 SV. Trong tài liệu: “GDĐH và công nghệ cho các nước Châu Á ở thế kỷ 21”, các Nhà GD Châu Á còn khuyên: “Trường ĐH không nên vượt quá quy mô 10.000 SV”. Hơn nữa, phải chăng có quy mô lớn mới có chất lượng cao?. Ngược lại, những trường có quy mô quá lớn thường chất lượng không cao.
Từ đó có thể cho rằng, quy mô lớn nhất các tường ĐH của Việt Nam không nên vượt quá 30.000 SV. Tiêu chí này có lẽ cũng chỉ nên áp dụng cho một số trường ĐH lớn đã có. (Riêng ĐH mở là loại hình khác, có thể có quy mô rất lớn). Với các trường ĐH mới thành lập hay được nâng cấp ở các địa phương, cần có sự phân bố rộng hơn trên lãnh thổ, có lẽ quy mô lớn nhất không nên vượt quá 20.000 SV đối với ĐH và 10.000 SV đối với cao đẳng.
- Về sự phân bố trên lãnh thổ
Trong 7 - 8 năm qua, số SV đã tăng hơn 5 lần và chủ yếu là tăng số SV ở trình độ ĐH. Vì vậy đã có sự mất cân đối quá lớn về cơ cấu xã hội và trình độ. Cần từng bước khắc phục sự mất cân đối này. Trước mắt, từ nay đến năm 2005, phải chăng cần giữ nguyên tổng số SV ĐH như hiện nay (có điều chỉnh giữa các lĩnh vực) để củng cố và tập trung tăng số cao đẳng lên khoảng 400 ngàn SV và phân bố rộng trên các địa phương để cải thiện sự bình đẳng về cơ hội học tập và sự mất cân đối về cơ cấu trình độ.
Vì vậy, đề nghị mỗi tỉnh có ít nhất một trường cao đẳng hoặc ĐH đa ngành (hoặc đa lĩnh vực) và đa hệ.Quy mô SV ở mỗi tỉnh phụ thuộc vào dân số và mức độ phát triển kinh tế của tỉnh đó. Tuy nhiên, nếu số SV trên một vạn dân bình quân lúc đó khoảng 150 thì con số này ở các tỉnh không ít hơn 50 SV (số SV cao đẳng không còn tập trung vào các đô thị lớn). “Mô hình hướng tâm” nêu ra trong Đề án của bộ GD- ĐT về mật độ SV thực tế đã tồn tại và có lẽ chỉ nên áp dụng cho trình độ ĐH, trong đó chủ yếu là ĐH phân lớp 1.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh đã có trường CĐ sư phạm, trung học sư phạm hoặc trường CĐ, trung học thuộc các ngành nghề khác. Tuy nhiên phần lớn các trường này có quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng không cao và thực sự cũng chưa bị “yếu tố truyền thống” ràng buộc quá nhiều. Vì vậy, hy vọng có thể thuyết phục được để sát nhập và hình thành các trường CĐ nhưng đa hệ và có quy mô lớn hơn (lớn hơn quy mô kinh tế tối thiểu nói trên).
Do thu nhập dân cư ở các tỉnh còn quá thấp, các trường CĐ này nên có hình thức sỡ hữu là công lập(hệ thống Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ là công lập và ở Châu Âu gần như không có trường ĐH tư), một ít trường hợp có thể là bán công, học phí rất rẻ và có một tỷ lệ lớn SV được nhận học bổng từ ngân sách địa phương. Về cơ cấu ngành nghề, buớc đầu chủ yếu là sư phạm, y tế, nông lâm và một số lĩnh vực kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của địa phương. chương trình đào tạo ở một số trường có thể theo kiểu Cao đẳng cộng đồng, có 2 loại: “chương trình ngành nghề kết thúc” (Terminal Programs) chiếm khoảng 70-80% số SV và “chương trình chuyển tiếp” (Transfer Programs) chiếm khoảng 20-30% số SV. SV học chương trình chuyển tiếp sẽ được liên thông thi vào giai đoạn 2 của các trường ĐH 4 năm trở lên với những ưu tiên nhất định.
Việc hình thành mạng lưới các trường cao đẳng này cũng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của các tỉnh lỵ, bộ mặt nông thôn, giảm bớt sự phân tầng kinh tế, giữ được cán bộ cho các địa phương đồng thời góp phần làm giảm đi áp lực dân số ở các đô thị lớn. Mạng lưới này cũng là sự thể hiện Nghị quyết của Bộ chính trị “Về một số vấn đế nông nghiệp và phát triển nông thôn” gần đây.
- Về tỉ lệ SV trên giáo viên
Có thể sử dụng tỉ lệ SV trên giáo viên và số m2 phòng ốc trên đầu SV (với cách tính quy đổi khác nhau tuỳ thuộc loại trường , chương trình đào tạo, cấp độ chất lượng…) để làm tiêu chí cho việc lập trường mới, nâng cấp trường , phát triển quy mô và xây dựng chỉ tiêu về số lượng tuyển sinh. Trong năm ba năm trước mắt, tiêu chí này còn có thể sử dụng để hiệu chỉnh cơ cấu ngành nghề và quy mô bất hợp lý của một số trường hiện có (tỉ lệ SV/Giáo viên quá lớn). Theo kinh nghiệm của các nước, tỉ lệ này thường từ 12/1 – 20/1 tuỳ theo tính chất của trường và lĩnh vực ngành nghề. (Trung Quốc năm 1992 có tỉ lệ bình quân chỉ 6/1). Tuy nhiên ở nước ta con số bình quân hiện nay là 30/1 và có trường ĐH còn lên đến 100/1 và hơn nữa.
Vì vậy, từ nay đến năm 2005 đề nghị sử dụng tiêu chí: tối đa 30 SV/1 giáo viên cơ hữu đối với trường công, 50 SV/1 giáo viên cơ hữu đối với trường bán công, dân lập và trường ĐH mới thành lập. Sau năm 2005, các tiêu chí tương ứng sẽ là 20 SVvà 30 SV/1 giáo viên. Với các truờng ĐH có tính chất quốc gia, đào tạo có chất lượng cao, tiêu chí trên sẽ là 20 SV/1 giáo viên cho đến năm 2005 và 15 SV/1 giáo viên sau năm 2005. Ngoài ra ở đây còn cần thiết kế thêm một số tiêu chí khác như: tỉ lệ SV sau ĐH trên tổng số SV, số giáo viên có học hàm, học vị trên tổng số giáo viên, về cơ sở vật chất, về kinh phí trên đầu SV v.v…
Với các trường ĐH và CĐ nhỏ, các trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp ở các địa phương, vấn đề giáo viên là một “nan giải”. Vì vậy cần tổ chức, sắp xếp và sát nhập lại ở dạng đa ngành, đa hệ, để vừa đảm bảo quy mô kinh tế, vừa tận dụng được đội ngũ giáo viên. Truớc mắt, cần phân công các “trường ĐH hạt nhân” làm nhiệm vụ đỡ đầu”, cử “Giáo viênbiệt phái” đến các trường này. Ngoài ra, cần sử dụng cả cán bộ có trình độ ĐH trở lên ở các lĩnh vực hoạt động khác ở địa phương, kể cả số giáo viên và cán bộ đã hưu trí. Trong GDĐH, tính truyền thống rất quan trọng. Tuy nhiên, với nhiều trường CĐ và ĐH nhỏ mới thành lập, yếu tố này chưa đến mức là một “cản ngại” hoặc “cần phải giữ lại” trong việc sắp xếp nói trên. Vả lại, rõ ràng không thể giữ lại một “tình trạng tĩnh tại” đối với một hệ thống GDĐH động, đang có nhiều biến đổi sâu sắc.
- Về việc phân cấp và đổi mới quản lý GDĐH
Như đã nói ở trên, khi số trường ĐH lớn, việc quản lý Nhà nước về GDĐH cũng cần được phân cấp. Khi đó, cấp tỉnh (sở GDĐT) sẽ là một cấp quản lý Nhà nuớc về GDĐH ở địa phương. (Về mặt Đảng, các trường ĐH hiện nay đều đã trực thuộc các đảng bộ địa phương). Khi đó, bộ GDĐT chỉ là “cấp trên trực tiếp” của một số trường ĐH công, chất lượng cao, có tính chất quốc gia. Các trường ĐH khác do địa phương hoặc địa phương kết hợp với trung ương để quản lý. Trung Quốc trong những năm qua cũng đã thực hiện theo hướng này và thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt. Các trường ĐH cũng đã gắn bó hơn với cộng đồng, với địa phương.
Mặt khác, cần đổi mới cách quản lý các trường ĐH theo nguyên tắc đề cao tính tự chủ đi kèm với trách nhiệm xã hội. Đối với các trường ĐH mở, ĐH bán công, dân lập, nên xem xét việc cấp đất miễn phí. Nói riêng, đối với truờng ĐH mở, cần mở rộng quy mô theo kiểu ghi danh nhưng cần quản lý chặt chẽ đầu ra theo từng môn học với công nghệ “trắc nghiệm khách quan”. Tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn ở đây có khi chỉ đạt 20-30%.
Bên cạnh đó, để tạo sự liên kết giữa các truờng ĐH, giữa ĐH và viện nghiên cứu, có thể thành lập các liên hiệp hay hiệp hội
- Về ưu tiên ngân sách
Ngân sách cho GD Việt Nam còn rất hạn chế và chủ yếu dành cho “chi thường xuyên”. Hơn nữa, phần dành cho sự nghiệp GD” thường lại gấp đến 3 lần phần dành cho “sự nghiệp đào tạo”. Vốn dành cho xây dựng cơ bản về GD thường dưới 4% tổng số vốn cơ bản và chiếm tỉ trọng nhỏ trong toàn bộ ngân sách GD. Việc tạo ra được gần 500 ngàn “chỗ học” mới cho SV trong 8-9 năm qua chủ yếu là nhờ vào việc tận dụng khai thác các cơ sở đã có trước đây và thuê mướn thêm của các tổ chức Nhà nước khác (số SV đã tăng 5 lần nhưng cơ sở vật chất tăng thêm có lẽ chỉ khoảng 50%). Chắc khó có khả năng khai thác thêm. Để đáp ứng tốc độ tăng nhanh SV nói trên, hàng năm phải tăng thêm hàng vài ngàn tỷ đồng riêng cho GDĐH. Một con số rất lớn so với ngân sách GD. Do đó cần phải tính toán chi tiết về đối tượng và phạm vi ưu tiên.
Trong đề án MLĐH, bộ GDĐT có đưa ra 12 “trường ĐH trọng điểm” chủ yếu theo ý nghĩa chất lượng và ưu tiên đầu tư. Đây là 12 trường ĐH lớn, có tổng số SV đến 326.000 trong tổng số gần 700.000 SV ĐH hiện nay (gần 50%). Nhiều trường trong số này đã có sự phân tầng rất lớn về mặt chất lượng đào tạo (có trường có tỉ lệ SV/Giáo viên rất cao, đến 100/1). Do đó, chúng tôi thật sự e ngại cả về phạm vi, đối tượng ưu tiên và kết quả kỳ vọng.
Qua những phân tích ở trên, đề nghị tập trung ưu tiên cho:
(a) Phần đào tạo phân lớp 1 – tinh hoa, nghĩa là vốn để thành lập hai trường ĐHQG đa lĩnh vực mới chất luợng cao và các “chương trình danh dự” ở một số ngành lựa chọn trong số các trường ĐH hạt nhân (khoảng 70-80 ngàn SV ở mức hiện nay).
(b) Hai trường ĐH sư phạm, hai trường ĐH nông lâm ở Hà Nội và Tp.HCM (khoảng 70 ngàn SV ở mức hiện nay) và một vài lĩnh vực khác như Thuỷ lợi, Địa chất…
(c) Vốn để hình thành mạng luới trường CĐ (hoặc ĐH) đa ngành (hay đa lĩnh vực) và đa hệ ở các địa phương.
GDĐH của Việt Nam cũng như của toàn thế giới đang đứng trước một loạt những nghịch lý / thách thức, rất khó tìm ra được một lời giải hoàn toàn thỏa đáng. Chiến lược GDĐH Việt Nam hiện nay lại mới chỉ là những nét phác thảo cơ bản. Có lẽ vì vậy mà đề án MLĐH của bộ GDĐT tuy đã nêu lên được những mục tiêu, mô hình khá hợp lý nhưng bước sang phương án tổ chức MLĐH thì lại bị “một khoảng cách” so với mục tiêu và những ràng buộc. Thiết kế tổ chức MLĐH là một vấn đề có tính “biện pháp chiến lược” hết sức phức tạp. Đó là vấn đề của một đề án lớn chứ không phải của một bài viết ngắn. Do đó những đề nghị nói trên chỉ được xem như là những gợi ý ban đầu