25/05/2018, 17:39

Trí thức là trí thức – Cán bộ là cán bộ

Cần một cuộc cách mạng đau đớn, quyết liệt trong đào tạo và sử dụng trí thức. Trí thức thực là trí thức- cán bộ thực là cán bộ, ai vào việc nấy độc lập sáng tạo mới mong kinh tế, văn hóa nước nhà thực sự cất cánh bền vững. Trí thức theo cách mạng Năm 1919 với khoa thi cuối cùng thời phong ...

Cần một cuộc cách mạng đau đớn, quyết liệt trong đào tạo và sử dụng trí thức. Trí thức thực là trí thức- cán bộ thực là cán bộ, ai vào việc nấy độc lập sáng tạo mới mong kinh tế, văn hóa nước nhà thực sự cất cánh bền vững.

Trí thức theo cách mạng

Năm 1919 với khoa thi cuối cùng thời phong kiến có thể coi là thời điểm phất cờ toàn thắng của Tân học đối với Cựu học. Đây không chỉ là việc quay lưng lại với chân trời trí thức cũ của phương Đông lạc hậu, hướng về chân trời tri thức phương Tây đang rực rỡ. Quan trọng hơn, chính là việc đảo lộn cơ cấu xã hội cũ với thứ bậc sĩ- nông– công- thương mà lớp sĩ phu- đứng đầu là lớp trí thức duy nhất cũng là lớp quan lại phục vụ triều đình.

Cựu học không chỉ có nghĩa là học Khổng, mà quan trọng hơn là học để làm quan. Cử nhân thì quan huyện, tiến sĩ thì chức to hơn. Khi suy vi thì hệ thống cựu học với hệ thống thi cử chỉ là chuyện đào tạo cán bộ hành chính mà thôi, không có giá trị sản xuất tinh thần nào cả. "Tiến vi quan thoái vi sư" thì cũng không khác gì, vì sư ở đây cũng lại là dạy cho lớp trẻ kế tiếp ra làm quan theo mẫu cũ. Sự gắn bó số phận, tình cảm, tâm huyết của trí thức cựu học với quan trường là một truyền thống quá bền chắc. Tú Xương cay cú chuyện thi cử tới mức chửi thề: "Tế đổi thành Cao mà chó thế/Tiệp trông ra Kiện ối giời ơi". Rồi Nguyễn Khuyến bảo Ông: "Rằng hay thì thật là hay/giời mà đối chó lão này không ưa". (Chưa ai dám chắc cái tâm thức gắn bó với quan trường của trí thức tới nay không còn âm ỉ mạnh mẽ!). Cả hai vị đứng nguyên trong vòng cựu học: chỉ có một con đường tiến thân là thi cử để ra làm quan và thúc thủ chờ mệnh giời.

Việc sản xuất tinh thần thực sự chỉ là nghề tay trái khi không làm quan thì bốc thuốc, viết sách như Hải Thượng Lãn Ông (ông này lười không thích làm quan!) hay Lê Quý Đôn là rất hãn hữu. Làm quan mà lo công nghệ, thúc đẩy kỹ thuật như Nguyễn Văn Thại làm kênh Vĩnh Tế hay Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất đai càng hiếm hoi hơn. Đại bộ phận chỉ làm thơ ngâm vịnh loanh quanh như trò "mua vui". Văn học thành tựu ở sự chán đời của các ông quan thiên tài sáng tác một cách nghiệp dư còn các ngành văn nghệ khác đều là "vô loài" khuyết danh cả. Điều này khác hẳn tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn nghệ của các nhà Nho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (không ai dám chắc rằng trong tâm thức nhiều vị quan ngày nay- cũng hay làm văn vần lúc hồi hưu- văn nghệ cũng vẫn chỉ là như thế). Điều đó lý giải phần nào câu hỏi của một thủ khoa khi vào thăm miếu thờ Khổng tử -Văn Miếu (vẫn bị nhiều người hiểu nhầm là Miếu thờ Văn hiến, văn hóa, sức mạnh trí tuệ của dân tộc và bị dịch ngây ngô ra tiếng tây là Miếu thờ văn học literature!) rằng: Tại sao nước ta nghèo thế này mà lắm người giỏi thế? Và ngược lại tại sao nước ta nhiều người giỏi thế- tên có trên bia- mà sao lại vẫn nghèo? Phần nào tính nghiệp dư của sản xuất tinh thần giải thích tại sao qua cả ngàn năm khoa cử mà đóng góp của trí thức nước ta vào kho tàng tri thức nhân loại chưa xứng với tầm dân tộc.

Tân học mang lại mẫu trí thức mới không gắn với quan trường mà gắn với nông công thương và "đám vô loài". Họ được đào tạo chuyên ngành hành chính, bác sĩ, canh nông, kỹ sư, họa sĩ, kiến trúc sư... để làm thuê như một lực lượng lao động tự do. Nhân đó các trí thức văn nghệ cũng bước ra khỏi bóng tối khuyết danh "con hát", "thợ vẽ", cũng đường hoàng là trí thức hẳn hoi. Điều đó dẫn tới một đợt bùng nổ nhỏ của trí thức với các nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sáng tạo văn nghệ ở nửa đầu thế kỷ 20. Song xã hội tao loạn suốt mấy thập niên sau đó nên mẫu hình trí thức độc lập- như là lực lượng sản xuất tinh thần mà nhiệm vụ là góp phần quyết định nâng cao GDP và lo đời sống tinh thần cho người dân - chưa được cố kết bền chắc.

Trở lại nửa đầu thế kỷ nếu như các trí thức cựu học tìm cách canh tân khởi nghĩa không thành thì lớp tân học cũng mang lòng yêu nước sâu sắc và đại bộ phận đầu có chí "lấy vũ khí giặc đánh giặc", tức phải học văn minh kỹ nghệ phương Tây, hiểu phương Tây thì mới có thể đánh đuổi thực dân và canh tân đất nước. Khi các phương án cách mạng kiểu mới (khác với cách của các nhà Nho) xuất hiện thì hầu hết trí thức đi theo hoặc phương án này hoặc phương án kia. Các Đảng Cộng sản thu hút được nhiều trí thức và sau này Việt Minh càng có sức thu hút mạnh hơn. Thế nên không phải chỉ từ sau 1945 trí thức mới đi theo cách mạng mà có thể nói theo cách mạng mưu cầu độc lập, phú cường cho đất nước là một phẩm chất vốn có của trí thức tân học ngay từ các thế hệ đầu tiên.

Trí thức khởi nghĩa đi học rồi làm quan

Cuộc khởi nghĩa thành công của Đảng và Việt Minh có sự tương đồng với Lam Sơn của Lê Lợi và Nguyễn Trãi ở chỗ dựa vào nông dân dưới một ngọn cờ tư tưởng mới với sự góp sức của lớp trí thức tinh hoa. Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã đưa Khổng thành chính thống và chúng ta đi theo chủ nghĩa Mác-Lê. Cuộc kháng chiến kiến quốc đã thu hút đông đảo trí thức. Họ vừa là các nhà trí thức đầu ngành cả ở khoa học lẫn văn nghệ vừa là các cán bộ đầu ngành. Rồi trong thập niên xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất có thêm lớp trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN) được đào tạo ở nước ngoài. Từ các vị đi học những năm 1953-1954 tới lớp cuối cùng năm 1964-1965 như chúng tôi đều được dặn là đi học cho tương lai, để về xây dựng đất nước sau này. Sau này mới có đất dụng võ. Nhưng rồi hầu như chỉ có các nhà khoa học thuần lý thuyết, các môn không động đến chính trị và kinh tế như khảo cổ, dân tộc học, nghiên cứu vốn cổ dân gian và hay y học là có đất và nhiều thành tựu. Các môn ứng dụng thì ở miền Nam tốt hơn nhiều vì có đất dụng võ. Thế rồi hàng chục năm các vị trí thức được đào tạo bài bản này hầu hết đều làm cán bộ các loại mà không làm chuyên môn. Một tiến sĩ cơ khí không làm ra cái máy nào, một tiến sĩ hóa polime không làm ra một bao ny lông nào, họ chỉ đi dậy và đào tạo ra mười mấy thế hệ cơ khí và polime cũng không thực hành gì cả như họ! Và cũng lại đi làm cán bộ sở, ty, phòng, ban và đi dạy như họ!

Trí thức hóa cán bộ?

Một dòng ngược lại là trí thức hóa cán bộ, tiêu chuẩn hóa cán bộ. Có bác ủy viên tỉnh ủy đã cáu bẳn với giảng viên rằng: Tôi học là cho Đảng, có phải học tại chức cho tôi đâu mà bắt thi lại mãi! Một trung tá chuyển ra làm hiệu trưởng một trường mỹ thuật và đi viết kịch nghiệp dư. Không biết có học tại chức không. Hệ tại chức hạ thấp tiêu chuẩn vốn đã thấp của hệ chính quy, các trường bồi dưỡng cán bộ nâng cấp dần lên cao đẳng rồi đại học và tới năm 2000 thì đã có thể cấp bằng Thạc sĩ (Ths), Tiến sĩ (TS)... để đáp ứng việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, trí thức hóa cán bộ. Việc này dẫn tới hình thành một đội ngũ trí thức giả, nhất là từ khi ta không còn nguồn đào tạo từ các nước XHCN nữa. Lớp trí thức giả, trình độ thấp mà có đủ văn bằng đứng ra chủ trì đào tạo cấp bằng tiếp cho các thế hệ sau, tiếp tục làm "hàng giả, hàng nhái".

Đến nay có thể thấy việc lạm phát bằng Ths. TS trong nước cũng như việc các vị TS xin dạy đủ mọi nơi cho đủ số giờ và chiêu dụ cán bộ "vùng sâu vùng xa" làm Ths, TS... để họ hướng dẫn. Đủ giờ dạy, đủ số luận văn đã hướng dẫn (có khi làm hộ luôn) thì mới được phong GS. Thế rồi rủ nhau về quê bỏ tiền khắc tên mình lên bia đá tặng làng! Bánh xe cứ thế quay, không gì cản nổi nữa, cái xe đi tới đâu thì không cần biết! Một anh làm TS lịch sử, tất nhiên là ngon rồi vì các thầy đều không giỏi lắm và đang cần tính điểm để được phong PGS nên đâu dễ đánh trượt anh. Nhưng ngoại ngữ thì khó quá thế là có suất đi tu nghiệp tiếng Anh ở nước ngoài trong chương trình 300 TS của thành phố. Học về anh bảo: đọc thì lõm bõm chứ nghe thì vẫn ù tai, nhưng cũng là qua được cầu ngoại ngữ!

Trí thức tụt hậu là nguy nhất

GDP tăng, đời sống được cải thiện, xóa đói giảm nghèo hay tụt hậu là thực tế mà tụt hậu về trí thức là rõ và nguy nhất, ảnh hưởng trầm trọng nhất đối với phát triển bền vững. Khẩu hiệu dùng hiền tài, chương trình đào tạo bao nhiêu TS cho một thành phố... là viển vông lợi bất cập hại, làm băng hoại xã hội nếu như hiền tài, nguyên khí mà văn bằng là đồ giả và được sử dụng giả. Và đó là cách tốt nhất tiêu diệt vai trò dẫn dắt, xây dựng đất nước của trí thức thật.

Trở lại mẫu trí thức độc lập làm thuê manh nha đầu thế kỷ trước ta thấy đến nay nó vẫn chưa đươc hình thành thực sự ở ta. Tính chất độc lập, tự trị của trí thức chưa có nền tảng. Khi công nghiệp hóa chuyển giao công nghệ ta đã quên không chuyển giao công nghệ giáo dục đào tạo trí thức và công nghệ sử dụng trí thức. Tính tự trị của nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo và sản xuất chưa hình thành.

Cuộc hội nhập và toàn cầu hoá cứ ào ào tới. Đám "sất phu hữu trách" ở đâu? Cần phải mạnh dạn, không sĩ diện, không ngụy biện mà nhận rằng trong khi guồng máy công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng tốc thì trí thức đã bị văng ra, rớt lại phía sau. Một lớp nền giả đã được tạo ra và đóng mác bảo hành nhưng rồi một lúc nào đó công trình sẽ sụt đổ vì cái nền giả đó.


khoá học thiết kế web tphcm giá rẻ thiet bi bếp nhà hàng tai tphcm cong ty thiet ke web tphcm cong ty may đồng phục tai tphcm mua mua container cũ gia re mua bán đàn guitar gia re ban mat ong rung nguyen chat gia re dai ly ống nước tien phong cuoc vũ đạo vu dao ban bình nóng lạnh tai tphcm Chóng mặt chong mat quan Cafe Phố Sữa Đá MacCoffee ống nhôm tien dat
0