25/05/2018, 09:46

Về quy mô và chất lượng GDĐH Việt Nam

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng, chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) đang xuống cấp, do vậy cần hạn chế việc mở rộng quy mô để củng cố chất lượng. Có thể nói: Nhu cầu, do đó là quy mô, và sự hạn chế kinh phí, do đó là việc “giảm sút chất ...

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng, chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) đang xuống cấp, do vậy cần hạn chế việc mở rộng quy mô để củng cố chất lượng. Có thể nói: Nhu cầu, do đó là quy mô, và sự hạn chế kinh phí, do đó là việc “giảm sút chất lượng”, là hai vấn đề lớn của GDĐH ngày nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, có phải “hạn chế việc mở rộng quy mô để củng cố chất lượng” là một định hướng có tính giải pháp chiến lược?

Ngày nay ai cũng hiểu, GDĐH phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, phát triển xã hội nói chung cũng như cho sự phát triển của mỗi con người nói riêng. Trên phương diện kinh tế quốc gia, kinh nghiệm cho thấy, GDĐH phải chuyển sang nền GDĐH đại chúng với tỷ lệ sinh viên (SV) trong độ tuổi trên 15% là bước đi tất yếu để quá độ từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp. Và, GDĐH phải chuyển sang nền GDĐH phổ cập (universal) với tỷ lệ SV trong độ tuổi trên 50% cũng là bước đi tất yếu để nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Trên phương diện xã hội và cá nhân từng con người, “Phát triển con người” ngày nay được hiểu là “Mở rộng khả năng và sự lựa chọn của họ”; con người không chỉ là “phương tiện” (Means) mà còn là “mục đích tự thân” (Ends) của sự phát triển. Vì vậy, đi học còn là để thoả mãn hiểu biết và là quyền của con người.

Từ đó, nhu cầu GDĐH bùng nổ. Ngay trong thời kỳ khủng hoảng dầu mỏ và tỷ lệ thất nghiệp cao ở những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nước phương tây đã dự báo quy mô GDĐH sẽ giảm đi, nhưng thực tế sau đó quy mô GDĐH vẫn tiếp tục tăng và thậm chí còn tăng nhanh hơn ở những năm 70, vượt qua mọi dự kiến của các nhà chiến lược. Ở các nước trong vùng trước đây, khi tỷ lệ SV trong độ tuổi còn thấp (dưới 10%), để thực hiện công nghiệp hóa, họ đã có tốc độ tăng SV trung bình hàng năm rất cao: thời kỳ 1970-1980 là 20% ở Hàn Quốc và Malaysia, thời kỳ 1980-1990 là 14,8% ở Hàn Quốc, 13,3% ở Malaysia và 12,4% ở Singapore. Ở Trung Quốc mấy năm qua, có năm tốc độ tăng SV đến 50%. Nhìn chung, tốc độ tăng tỷ lệ SV thường lớn hơn tốc độ tăng GDP.

Ở nước ta cũng có hiện tượng bùng nổ sĩ số trong 10 năm qua với tốc độ tăng bình quân khoảng 18% năm. Đây là một điều tất yếu. Tất yếu là do, ngoài những nguyên nhân chung như đã nói ở trên, GDĐH Việt Nam đã bị hạn chế trong suốt gần 30 năm chiến tranh. Tuy vậy, tỷ lệ SV trong độ tuổi hiện nay ở nước ta cũng chỉ khoảng 9%. Về mặt phát triển kinh tế, để có thể có một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2010 với tỷ lệ SV trong độ tuổi khoảng 15%, tốc độ tăng SV phải xấp xỉ 9% năm. Khi đó tỷ lệ SV trên 1 vạn dân sẽ vào khoảng 260.

Còn về mặt “phát triển con người”, hạn chế quá mức việc mở rộng quy mô GDĐH cũng có nghĩa là “hạn chế” việc nới rộng cái vòng “thắt cổ chai” trên con đường đi của tuổi trẻ từ GD trung học phổ thông (THPT) sang GD “sau THPT” (“Post Secondary Education”, và thế giới gọi chung là ĐH). Hiện nay, hàng năm có lẽ chỉ có khoảng dưới 1/3 số học sinh tốt nghiệp THPT của Việt Nam được tiếp tục học sau PTTH. Vậy còn khoảng trên dưới 400.000 “cô Tú cậu Tú” mới, không chút hành trang nghề nghiệp sẽ bước vào đời như thế nào? Xin nhắc lại, 400.000 là con số hàng năm. Một phần của con số đó sẽ được tích lũy lại theo thời gian.

Khi GDĐH bùng nổ, ở tất cả các nước cũng như ở Việt Nam đều có vấn đề về chất lượng. Nhưng chưa tìm thấy tài liệu nào trên thế giới nêu lên giải pháp chiến lược là hạn chế việc mở rộng quy mô để củng cố chất lượng. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên khi nói về chất lượng GDĐH là: nó chưa đuợc định nghĩa một cách rõ ràng. Theo góc nhìn: Người được đào tạo như là một “sản phẩm” của trường ĐH, học giả Havey (1995) đã hệ thống đến thành 5 quan điểm về chất lượng, trong đó có nhiều quan điểm mà chúng ta còn chưa quen như:”Giá trị để làm ra lợi ích” (Value for money), “Khả năng thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác” (Transformation), v.v… Thậm chí còn có quan điểm: Chất lượng là “Giá trị bổ sung” (Value added), nghĩa là chất lượng đo bằng “mức độ cải thiện năng lực, kỹ năng và chất lượng cuộc sống của người học”. Trong thực tế người ta thường phải phối hợp tất cả các quan điểm nói trên và tuỳ theo từng loại truờng ĐH mà quan điểm này hay quan điểm khác được nhấn mạnh. Quan điểm tương đối phổ biến nhất và được chấp nhận nhiều nhất trong GDĐH ngày nay là “Phù hợp với mục đích” (Fitness for Purpose).

Khi chuyển nền GDĐH từ “tinh hoa” sang “đại chúng” và nâng cao tỷ lệ SV trong độ tuổi, “chất lượng” bình quân của cả nền GDĐH như có giảm xuống là điều đương nhiên. Trước hết là vì, với số đông: tài năng, tư chất, chất lượng đào tạo ở THPT v.v… sẽ không còn giống như trước. Ví dụ, trình độ trung bình của nhóm chọn 9% trong số thanh niên ở độ tuổi để vào ĐH như hiện nay đương nhiên phải thấp hơn trình độ trung bình của nhóm chọn 2% trước đây. Hoặc trình độ trung bình của nhóm chọn 25% trong số học sinh tốt nghiệp PTTH để vào ĐH như hiện nay đương nhiên phải thấp hơn trình độ trung bình của nhóm chọn 5% trước đây. (Kể cả phía thầy giáo cũng vậy). Ở Anh, khi GDĐH chỉ chọn 0,5% trong số người từ 18 tuổi trở lên, “chỉ số thông minh” IQs trung bình của nhóm SV này là xấp xỉ 150; nhưng khi GDĐH chọn đến 30% trong số người từ 18 tuổi trở lên, chỉ số IQs trung bình đã giảm xuống còn 115. (Tất nhiên, chỉ số IQs mới chỉ là một mặt của vấn đề). Mặc khác, “chất lượng” của tầng SV giỏi nhất trong GDĐH đại chúng lại cao hơn “chất lượng” của tầng SV này trong GDĐH tinh hoa trước đây. Sự thay đổi là: “phổ chất lượng” ngày nay rộng hơn và kéo dài hơn về phía dưới so với trước.

Do đó, có lẽ không cần phải tránh né thực tiễn này, không cần phải e dè nói: “Chất lượng GDĐH đang được nâng dần trên một số mặt”, nhưng cũng không thể nói: “Sự tụt hậu của hệ thống GDĐH so với chính chúng ta trong những thập kỷ trước”.

Với nền GDĐH cho số đông, nhiều nước trên thế giới cũng đã từng lúng túng trước vấn đề chất lượng giảm thấp trong nhiều thập kỷ. Một số nước vẫn cứ muốn ĐH là “tinh hoa” như nhau và sứ mệnh của ĐH vẫn phải là kết hợp đào tạo chất lượng cao với nghiên cứu khoa học như ĐH kiểu truyền thống trước đây. Thực tế cho thấy, gần như không một nước nào thiết lập được một hệ thống như vậy, ngay cả khi có nguồn tài chính phong phú. Có thể xem Pháp và Moroco những năm 60 là những điển hình sai lầm của xu thế này.

Với nền GDĐH cho số đông, con đường “củng cố chất lượng” thường được đi theo những hướng sau đây: Thứ nhất là thay đổi mục đích trong các chương trình của GDĐH. Vấn đề chất lượng và số lượng phải gắn liền với mục đích của từng chương trình . Thứ hai là đa dạng hóa trình độ và chất lượng, thực hiện “phân tầng” (Stratification). Nghĩa là, một hệ thống GDĐH có cả chương trình “hướng về nghiên cứu” (research-oriented) và nhiều chương trình “hướng về GD nghề nghiệp” (Vocational / Technical) ở nhiều mức trình độ. Thứ ba là đa dạng hóa loại hình đào tạo, hình thức sở hữu… và đặc biệt là nguồn kinh phí đào tạo. Như đã nói ở trên, cái gốc của vấn đề chất lượng còn là sự hạn chế kinh phí. Đa số doanh nghiệp Việt Nam còn có hiệu quả kinh tế rất thấp. Họ không thể trả cho công nhân 100 Đồng thì có thể đóng góp cho Nhà nước 40 - 50 Đồng như ở một số Nhà nước Châu Âu phúc lợi. GDĐH Việt Nam do đó, có lẽ không thể chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước để phát triển, cho dù tỷ lệ dành cho GD là 20%, 25% đi nữa. Mặt khác, cũng cần lưu ý là: trong GDĐH truyền thống, chí phí đào tạo thêm, bổ sung (MC – Marginal Cost) xấp xỉ chí phí đào tạo trung bình (AC – Average Cost). Nhưng khi đào tạo “đại trà”, chi phí MC nhỏ hơn nhiều chi phí AC. Vì vậy, kinh phí hay nguồn tài chính bổ sung khi gia tăng số SV sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí trung bình.

GDĐH Việt Nam trong thập niên qua rõ ràng đã có sự giảm sút về mặt “chất lượng” trung bình, cho dù chất lượng còn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Sự giảm sút này, ngoài “phần đương nhiên” như đã nói ở trên, đáng tiếc một phần lại do những khuyết điểm chủ quan không đáng có. Có thể nêu lên một số ví dụ sau đây:

  • Chậm đổi mới chương trình đào tạo và để một số chương trình có chất lượng đầu vào thấp vẫn học theo chương trình đào tạo và nội dung môn học của trường ĐH kiểu truyền thống trước đây. Vì vậy, sinh ra vấn đề “không thích hợp”, do đó hiệu quả cũng như chất lượng của đào tạo thấp.
  • Đã buông lỏng một số mảng về quản lý GDĐH trong một thời gian tương đối dài. Ví dụ, mặc dù Bộ vẫn phân phối chỉ tiêu đào tạo nhưng đã để mất cân đối lớn trong hệ thống cả về ngành nghề, vùng miền, trình độ v.v…
  • Chưa sớm cập nhật được những xu thế tiến bộ về GDĐH. Ví dụ như chưa đưa được nội dung phát triển “năng lực xã hội” (Social Competence) vào nội dung đào tạo nhằm tạo ra “vốn xã hội”. Đó là nguồn nhân lực, mức độ đoàn kết xã hội và tinh thần sẵn sàng hành động vì những điều tốt đẹp. Nội dung này sẽ làm “đối trọng” với sự tăng lên của chủ nghĩa “cái tôi” (“Me-first-Ltd”, “Egocentric individualism”).

Tóm lại, con đường củng cố chất lượng đào tạo GDĐH cho số đông ngày nay chủ yếu là việc tổ chức “phân tầng” nền GDĐH để có một “phổ” về cấp độ chất lượng đi kèm với các “chuẩn khoa học” (Academic Standards) phù hợp với mục đích và thực hiện đa dạng hoá GDĐH. Đây còn là sự hợp lý nếu xét về phía cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực cũng như mục đích tự thân của sự phát triển GDĐH. Vậy phải chăng, đổi mới quan niệm GDĐH và cung cách quản lý mới là giải pháp chiến lược để vừa có thể củng cố chất lượng vừa mở rộng quy mô một cách thích hợp nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước và thỏa mãn nhu cầu học tập chính đáng của nhân dân?

0