03/06/2017, 23:35

Vẻ đẹp của sông Hương xứ Huế qua trang văn Ai đặt cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Từ dòng sông đời, sông Hương đã chảy thành những dòng sông văn, phô ra biết bao vẻ đẹp, chuyên chở biết bao nỗi niềm... Không thể kể hết những dòng thơ, dòng văn ghi họa về vẻ đẹp của sông Hương. Mỗi người nghệ sĩ đa tình đều ít nhiều lưu dấu Hương Giang trong tâm hồn, trong sáng tác của mình để ...

Từ dòng sông đời, sông Hương đã chảy thành những dòng sông văn, phô ra biết bao vẻ đẹp, chuyên chở biết bao nỗi niềm... Không thể kể hết những dòng thơ, dòng văn ghi họa về vẻ đẹp của sông Hương. Mỗi người nghệ sĩ đa tình đều ít nhiều lưu dấu Hương Giang trong tâm hồn, trong sáng tác của mình để rồi người đọc được mỗi lần rung động với Huế mộng và thơ.

Nhưng nếu muốn hiểu về sông Hương với cả vẻ đẹp của cảnh và người, của văn hóa, lịch sử, của say đắm, lãng mạn. hãy một lần cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi tìm lời đáp cho câu hỏi Ai đã đặt tên cho dòng sông?
 
Thực ra, đấy là nhan đề cho bài tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Với sự tinh tế của một nghệ sĩ, với tình yêu thiết tha sông Hương và xứ Huế, với sự hiểu biết tường tận về dòng sông này, nhà văn đã diễn tả thành công vẻ đẹp kiều diễm của Hương Giang, vẻ đẹp của cố đô Huế.
 
Trước hết, là cái nhìn khám phá của tác giả bài kí về vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế, sông Hương. Đó là vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại”. Khi chảy qua lòng dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già”, nó “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác”. Bên cạnh vẻ đẹp man dại, huyền bí ấy, sông Hương còn là một dòng sông thơ mộng, “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”, trở thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa đất cố đô. Khi chảy qua thành phố Huế, màu sắc Hương Giang biến ảo như nền trời tây nam thành phố phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Nó mang vẻ đẹp kín đáo “trầm mặc” khi lặng lẽ chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u và kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn. Nó phảng phất vẻ đẹp triết lí, cổ thi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ và trở nên “vui tươi” khi lượn vòng qua ngoại ô xứ Huế, để rồi “mơ màng” trong sương khói, xa dần thành phố để đi qua những bờ tre, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ nên thơ.

Không chỉ có vậy, vẻ đẹp của Hương Giang còn được nhìn từ góc độ văn hóa, lịch sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường ví sông Hương như “một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Theo ông “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Nhà văn nhắc tới thi hào Nguyễn Du - người đã từng làm quan ở xứ Huế, đưa người đọc vào không khí văn hóa cổ kính: “Tôi ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông”. Bởi vậy ông hoàn toàn có lí khi đưa ra chi tiết đầy gợi cảm: tác giả Truyện Kiều đã bao đêm đi thuyền nghe nhạc và ngắm “phiến trăng sầu” trên sông Hương. Nhà văn cũng cho rằng có một dòng thi ca về sông Hương, một dòng thơ không lặp lại mình, ấy là “dòng sông trắng - lá cây xanh” trong thơ Tản Đà, là vẻ đẹp hùng tráng “như kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát, là nỗi quan hoài vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu... Hơn thế, sông Hương từng là dòng sông bảo vệ biên thùy Tổ quốc thời Đại Việt, từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa rồi đến Cách mạng tháng Tám 1945, chiến dịch Mậu Thân 1968.
 
Và nữa trong khi đọc bài ký người đọc không khỏi giật mình, ngỡ ngàng vì bất ngờ khám phá ra vẻ đẹp của sông Hương khi nó hiện ra trong trí tưởng tượng đầy tài hoa của người nghệ sĩ. Ông đã nhìn sông Hương như một cô gái Huế, từng có lúc là cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, nhưng nói chung là một thiếu nữ tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình mà kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô trương. Tô điểm cho dòng sông là cây cầu Tràng Tiền, người ta vẫn ấn tượng bởi hình dáng đặc biệt của nó (Cầu cong như chiếc lược ngà / sông dài mái tóc cung nga buông hờ - Nguyễn Bính). Những liên tưởng của tác giả về cây cầu ấy khiến nó đẹp gấp bội phần: “Chiếc cầu trắng của thành phố in ngầm trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non.”
 
Tất cả những vẻ đẹp trên của sông Hương đã giúp người đọc lí giải được cái tên của dòng sông, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Nhưng dường như với Hoàng Phủ Ngọc Tường, thế vẫn chưa thỏa đáng. Bài kí kết thúc bằng một huyền thoại mĩ lệ về sông Hương - huyền thoại ấy đã nói lên khát vọng của con người đem cái đẹp và tiếng thơm xây đắp văn hóa và lịch sử.
 
Trong trang tùy bút này, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ của sông Hương, xứ Huế, ẩn hiện sau câu chữ biến hóa là vẻ đẹp lấp lánh ánh sáng trí tuệ, tri thức và cả cái chất phong tình, tài hoa, lãng mạn từ tâm hồn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

0