03/06/2017, 23:35

Cảm nhận của anh (chị) về cá tính sáng tạo của nhà văn Nguyễn Tuân qua đoạn trích Người lái đò sông Đà.

Bàn về tính độc đáo của phong cách trong sáng tác văn học, đã có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”. Đọc ý kiến này, có lẽ nhiều người ...

Bàn về tính độc đáo của phong cách trong sáng tác văn học, đã có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”.

Đọc ý kiến này, có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến Nguyễn Tuân. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một phong cách nghệ thuật hết sức tài hoa. Người nghệ sĩ có đời văn như một đời ông cần mẫn ấy đã để lại những trang viết luôn in đậm một bản ngã độc đáo. Với Nguyễn Tuân, con người có ý thức cá nhân phát triển rất cao thì việc viết văn trước hết là để khẳng định cá tính của mình. Tập Sông Đà, trong đó có tùy bút Người lái đò sông Đà thể hiện rất rõ cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ ấy.
 
Tác phẩm Người lái đò sông Đà được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960). Đây là kết quả của nhiều chuyến đi thực tế về Tây Bắc, đặc biệt là lần đi năm 1958 cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải... Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã thật sự đem đến cho Nguyễn Tuân niềm say mê sáng tạo để ông viết nên, dệt nên những bức tranh sinh động và hấp dẫn về thiên nhiên và con người Tây Bắc với một cảm hứng lãng mạn trong sáng: chất thơ, chất trữ tình thấm đượm.
 
Trước hết, cá tính sáng tạo của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ ở phương diện đề tài. Thực ra, Nguyễn Tuân cũng bình dị trong việc chọn lựa đề tài để viết. Thậm chí, đôi khi ông quan tâm đến những vấn đề, sự việc không mấy ai để ý. Song, cái độc đáo của Nguyễn Tuân là ở hướng tiếp cận đề tài.
 
Nguyễn Tuân bao giờ cũng nhìn sự vật, hiện tượng ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, ở những vẻ riêng mà không mấy ai phát hiện ra. Sông nước trong văn học được miêu tả nhiều. Nhưng đôi khi nhắc đến những con sông ấy, người ta chỉ nghĩ đến vẻ đẹp bãi bờ, sự mênh mang, nét hoang sơ, hay ý nghĩa về dòng đời mà nó gợi ra. Còn sông Đà của Nguyễn Tuân có địa chỉ, tên tuổi cụ thể lại rất đặc biệt. Có lẽ, cái độc đáo của sông Đà đã hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của tác giả. Đã có ý kiến cho rằng: Nhu cầu săn tìm cảm giác mạnh, máu phiêu lãng giang hồ và một tiên cảm nghệ thuật đã mách cho người nghệ sĩ tìm đến nguồn cảm hứng sông Đà (Nguyễn Tấn Huy). Con sông ấy không thuộc “chung thủy giai đông tẩu” mà là hàng độc: “Đà giang độc bắc lưu”.
 
Con sông của Nguyễn Tuân đúng là một con sông đầy cá tính! Sông Đà như một đứa con ngỗ ngược của bà mẹ thiên nhiên Tây Bắc. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà được xem như một công trình thẩm mĩ, một kì công nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Con sông ấy hội đủ hai đặc điểm đối nghịch nhau: vừa hung bạo, dữ dội, vừa trữ tình, thơ mộng hiền hòa, gợi cảm.
 
Để nêu bật tính chất hùng vĩ, hiểm trở của con sông, nhà văn đi vào miêu tả cảnh đá bờ sông dựng vách thành, những quãng sông hẹp có vách đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Rồi những ghềnh sông, những hút nước nguy hiểm. Và tập trung nhất là đoạn miêu tả quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà:
 
“…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Rồi thấy “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”. Đá sông Đà như “mai phục” sẵn từ ngàn năm chỉ chờ đợi để nhổm dậy vồ lấy thuyền. Mặt chúng “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm, méo mó”. Sông Đà như đã “bày thạch trận”, đã “đòi ăn chết cái thuyền” đơn độc trong trận giáp lá cà. Cùng với đá, nước thác reo hò, phối hợp thanh viên cho đá tạo nên bài ca của gió thác giữa một: trận nước vang trời thanh la não bạt!”. Sóng thác sông Đà đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất. Những hòn đá trông vẫn
đáng sợ ngay cả khi chúng thua trận vói cái mặt xanh lè vì thất vọng.
 
Dõi theo bốn trang viết về thác lũ sông Đà của Nguyễn Tuân, người đọc phải thừa nhận tài năng quan sát, khám phá và thể hiện hình tượng thiên nhiên của Nguyễn Tuân. Ngôn ngữ của ông là thứ ngôn ngữ giàu sức tạo hình. Vốn từ ngữ phong phú, biến hóa được Nguyễn Tuân tung ra đúng lúc, đúng chỗ với hàng loạt những động từ mạnh, những tính từ miêu tả sắc nét, những so sánh, liên tưởng táo bạo, kì thú, những câu văn có cấu trúc trùng điệp, có độ co, giãn, căng chùng, có sức xô đẩy. giúp nhà văn chạy đua với dòng chảy dữ dội của con sông. Ngoài khả năng liên tưởng trước sự vật, Nguyễn Tuân còn vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực, ngành nghề hỗ trợ cho sự miêu tả của mình. Tất cả giúp người đọc hình dung được một cách sinh động, cụ thể, ám ảnh và ấn tượng về một con sông hung bạo, có bản tính gắt gỏng, mà nhiều lúc tưởng chừng nó thành ra “diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một”.
 
Sông Đà dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, quả thật đã trở thành một nhân vật sinh động có cá tính, có tính cách như một con người. Con sông chứa đựng trong mình nó những sự đối lập, những tính khí thất thường, nói như Nguyễn Tuân: “Người cố nhân ấy biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.
 
Sông Đà vừa hùng vĩ, hiểm trở mà lại cũng rất trữ tình, thơ mộng, hung bạo đến khủng khiếp mà cũng thơ mộng đến tuyệt vời. Trên kia, Nguyễn Tuân nói con sông hung bạo, thì bây giờ, cũng con sông ấy. Không ai nghĩ rằng đó từng là con sông có lúc như kẻ thù của con người. Chính người viết về con sông cũng có sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Thật thú vị trước phát hiện của Nguyễn Tuân về con sông: nó như cái” dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình” và đẹp nhất là: “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Sông Đà mang vẻ đẹp dịu dàng, kiều diễm của một nàng thiếu nữ, một giai nhân duyên dáng. Nguyễn Tuân còn có phát hiện rất tinh về màu nước sông Đà theo mùa. Đó là thứ màu sắc đặc biệt, cũng như cá tính của con sông: màu xanh ngọc bích vào mùa xuân và màu lừ lừ chín đỏ như “da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Đó tuyệt nhiên không phải là thứ màu lờ lờ canh hến như ở những con sông khác.
 
Sông Đà không chỉ trữ tình, hung bạo mà còn rất gợi cảm. Đã có lúc, nhà văn nhìn con sông như một “cố nhân”. Phải yêu thiên nhiên tha thiết lắm thì Nguyễn Tuân mới có những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông, về giang sơn gấm vóc của Tổ quốc mình, làm đẹp thêm cho linh hồn bức tranh thiên nhiên của đất nước. Có lẽ không ai có khả năng thể hiện một cách đẹp đến nhường ấy nét lãng tử, êm ả, thanh bình, thơ mộng của Đà giang như Nguyễn Tuân. Người đọc tưởng như đang trôi trên con thuyền xuôi dòng về thời tiền sử hay đang sống trong một niềm cổ tích yên bình, thanh tĩnh.
 
Câu văn cuối đoạn này có sự dàn trải như chở trong nó sự đầm ấm, nhẹ nhàng của dòng trôi, như sông Đà đang mải nghe giọng nói êm êm của người xuôi vậy.
 
Có thể nói, từ cách nhìn nhiều chiều về con sông, Nguyễn Tuân đã tạo dấu ấn khó quên trong lòng người đọc về một con sông, đem đến một bức tranh thiên nhiên kì thú cho kho tàng văn học dân tộc.
 
Miêu tả thiên nhiên ấy, Nguyễn Tuân đã tô đậm thêm, tôn thêm vẻ đẹp, sự trí dũng, tài hoa của người lái đò. Có thể khẳng định một điều: con người này là của dòng sông ấy. Chỉ có người lái đò ấy mới “trị” được dòng sông ấy. Điều độc đáo trong sáng tạo của Nguyễn Tuân là luôn nhìn con người (ở bất cứ nghề nào, thuộc loại người nào) đều trên phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Ông lái đò thực sự là một nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực chèo đò, vượt thác, một tay lái ra hoa, lão luyện, thành thục trong công việc của mình (là nghệ sĩ trong nghề nghiệp trước hết phải có sự lão luyện, thành thục của tay nghề).
 
Ông lái đò có ngoại hình hết sức đặc biệt: dấu ấn nghề nghiệp in trong dáng vóc: tay lêu nghêu như cây sào, chân khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng, giọng nói nghe như tiếng ồn ào của tiếng nước mặt ghềnh, tầm mắt luôn hướng mong một cái bến xa trong sương mù. Tư thế nghề nghiệp như đã ăn vào máu thịt, xương cốt của con người ông vậy. Con người đó có trí nhớ dẻo dai, thông thuộc sông Đà như thuộc một trường thiên anh hùng ca đến từng dấu chấm than, chấm câu và cả đoạn xuống dòng. Cuộc sống của người lái đò là cả một cuộc chiến trên sông nước, luôn phải giành sự sống từ thiên nhiên về tay mình. Đó là con người của một nghề nguy hiểm, phải luôn mắt, luôn tay, và cả luôn tim nữa, phải có một hệ thống thần kinh thật vững vàng mới có thể sống chết với nghề sông Đà - chiến trường đá thác ấy là nơi ông lái trổ tài, trổ những ngón nghề của mình. Đó quả là con người thích được thử sức trong những hoàn cảnh đặc biệt. Có lẽ vì thế, phần thưởng dành cho người lái đò cũng hết sức lạ lùng: thứ huân chương siêu hạng sông nước ban cho, đó là cái vết bầm trên ngực do cán sào tì vào.
 
Có sự thống nhất và khác biệt trong cách nhìn về con người của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân tìm chất nghệ sĩ ở những con người thượng lưu, sang trọng. Sau này, ông tìm thấy chất nghệ sĩ ngay trong những con người bình thường. Chất tài hoa, tài tử vẫn là phong thái riêng của nhân vật Nguyễn Tuân. Ông lái đò có chút gì đó cũng “khinh bạc và kiêu ngạo” của Nguyễn Tuân - có thể hồn nhiên quên đi cái lớn của mình hay đúng hơn, họ không hề cho là lớn, cái chúng ta thấy rõ ràng là vĩ đại (Nguyễn Tấn Huy).
 
Từ việc xem xét hai hình tượng trung tâm của bài tùy bút, ta còn bắt gặp một Nguyễn Tuân - nhà văn của những tình cảm phi thường, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, không ưa những gì nhợt nhạt, bằng phẳng, yên ổn. Nhân vật của ông (người lái đò) quả là con người của cảm giác mạnh mẽ, nguy hiểm. Ông than phiền là thấy dại chân và buồn ngủ ở khúc sông bằng phẳng, vô sự, khi đó sông Đà hình như cũng hết cả đậm đà với nhà đò.
 
Cảm giác ấy Nguyễn Tuân và nhân vật của ông chỉ tìm được ở những phong cảnh tuyệt mĩ của gió bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh hiểm trở, dữ dội. Điều đó hoàn toàn đúng với phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua tùy bút này. Bút lực phi thường của nhà văn được thể hiện ấn tượng nhất cũng là ở đoạn miêu tả trận thủy chiến trên sông Đà và cảnh dòng sông lặng tờ, êm đềm đến mức huyền thoại. Thiên nhiên qua trang viết của Nguyễn Tuân hùng vĩ, hung bạo đến mức khủng khiếp mà đẹp đẽ cũng đến tuyệt mĩ.
 
Còn có một Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác xét trên phương diện điểm nhìn nghệ thuật. Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật, hiện tượng ở nhiều góc độ để khám phá, phát hiện nó một cách tường tận. Nhà văn không muốn dừng lại ở những điều đã biết mà tìm đến những chỗ chưa biết bằng sự vận dụng kiến thức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tổng hợp cảm nhận của các giác quan khác nhau. Miêu tả sông Đà, Nguyễn Tuân dùng những kiến thức lịch sử, địa lí, khoa học... có thêm những kiến thức ở ngôn ngữ của những ngành khác mà văn chương ít đưa vào như thể thao, võ thuật, quân sự.
 
Ngoài ra, nhà văn còn vận dụng những kĩ thuật thể hiện của các ngành nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điện ảnh, cả kiến thức văn chương (những câu thơ đẹp - tinh hoa trong văn học cổ kim, Đông - Tây) để khám phá, đào sâu đối tượng cho đến “sơn cùng thủy tận” làm cho đối tượng hiện lên một cách sinh động, truyền cho người đọc cảm giác thực sự như đang đứng trước đối tượng ấy. Vì vậy, tác phẩm của Nguyễn Tuân mang một giá trị thẩm mĩ riêng, một giá trị thông tin riêng, phong phú, bổ ích và sâu sắc.
 
Về phương diện ngôn ngữ, phải thừa nhận Nguyễn Tuân là nhà văn không chịu dùng từ một cách dễ dãi. Đó thực sự là ngôn ngữ nghệ thuật, một thứ ngôn ngữ sắc nét, chính xác, sát với điều cần diễn đạt. Để ý đoạn văn miêu tả thạch trận sông Đà với những so sánh, liên tưởng về con sông, âm thanh, hình ảnh, cảm giác... người đọc sẽ thấy ngôn ngữ của Nguyễn Tuân được dùng như trong một cuộc chạy đua với cái đẹp của thiên nhiên và sự tài hoa, trí dũng của con người. Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân xứng đáng là những tờ hoa, trang hoa đẹp đẽ. Những thứ đó không phải là thứ sáo ngữ lộng lẫy, chỉ được dùng để trang điểm một cách cầu kì, hời hợt. Đọc những từ, những chữ, những câu của Nguyễn Tuân, ta thấy chúng luôn có một sức hút như có một thứ ma lực của ngôn từ. Nhà văn như một pháp sư có cây đũa thần sáng tạo để huy động, phù phép cho đội quân chữ nghĩa đi vào trật tự của câu văn (Văn Giá). Trữ lượng, tiềm năng ngôn từ của Nguyễn Tuân rất dồi dào. Ngoài vốn từ phong phú, nhà văn còn tạo được những câu văn đầy màu sắc, góc cạnh, có nhịp điệu trầm bổng, giàu nhạc tính. Nhiều đoạn trong tùy bút này được nhà văn viết với một bút pháp trữ tình, giàu cảm xúc, và chúng cũng là những đoạn văn giàu nhạc điệu.
 
Và đây là một đoạn như thế:
 
“Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người (...). Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa (...)”.
 
Đọc những đoạn văn như thế này, ta có cảm giác ngòi bút của Nguyễn Tuân, tâm hồn Nguyễn Tuân thăng hoa thực sự khiến ông viết nên những câu xuất thần. Ta cũng có cảm tưởng Nguyễn Tuân như đang “đề thơ vào sông nước”.
 
Lối viết tự do, phóng túng khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một tất yếu. Ở thể tài này, nhà văn có thể thả sức tung hoành, thể hiện mình trong cảm xúc, vốn tri thức, văn hóa để chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác, sự lịch lãm và cá tính độc đáo của mình.
 
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: ở Nguyễn Tuân, bài học thấm thía nhất là bài học về tính chất “khổ hạnh” của nghệ thuật ngôn từ. Đây quả lànghề chơi cũng “lắm công phu”, một thứ lao động thật sự đầy gian nan, vất vả. Thành công của nó được trả giá bằng tâm huyết, lòng tự trọng, bằng vốn sống và sự lăn lộn với đời, bằng tri thức, bằng mồ hôi của trí não đổ xuống khi thiết kế từng hình ảnh, xếp đặt từng câu, cân đo từng chữ. Ngay cả lối đi thực tế kiểu Nguyễn Tuân cũng phải thật sự thực tế như chuyện ông đến với sông Đà như thế nào thì ta đã biết: theo chân những cán bộ địa chất khảo sát sông Đà, băng rừng, lội sông, đi trên cạn cũng như trên không - Nguyễn Tuân nói đã từng bay nhiều lần trên sông Đà để thêm cho mình góc nhìn mới về con sông.
 
Đọc tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, ta hiểu lí do vì sao nhà văn có một cuộc đời văn học khá thành đạt. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm mà ông viết ra đều có đường nét chung, độc đáo với những phẩm chất riêng, cốt cách riêng mình.
 
Gor-ki từng nói: “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Đó có lẽ cũng là điều mà một người như Nguyễn Tuân sợ mất. Con người ấy luôn muốn đề cao cái bản ngã độc đáo của mình, không để mình giống ai và cũng không ai bắt chước được mình (Phan Cự Đệ).

0