Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Trong thiên truyện Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã rất thành công ở việc miêu tả tâm lí nhân vật. Sự dụng công ấy đã được kết đọng ở quá trình bộc lộ sức sống tiềm tàng của Mị, một thiếu nữ mà vẻ đẹp, tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc đều đã bị chế độ phong kiến miền núi vùi dập. Song con người ham ...
Trong thiên truyện Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã rất thành công ở việc miêu tả tâm lí nhân vật. Sự dụng công ấy đã được kết đọng ở quá trình bộc lộ sức sống tiềm tàng của Mị, một thiếu nữ mà vẻ đẹp, tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc đều đã bị chế độ phong kiến miền núi vùi dập. Song con người ham sống và sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn không chết. Có dịp, con người ấy sẽ thức dậy như một sự tất yếu, thức dậy để giải phóng thân phận mình. Tô Hoài đã miêu tả chân thực và tinh tế diễn biến ...
Nhà văn có tả hình dáng nhưng không nhằm khắc họa chân dung ngoại hình mà chủ yếu làm nổi bật con người số phận, một số phận nghiệt ngã, cay đắng, tủi cực. Điều đó có sức ám ảnh đối với độc giả, gieo vào lòng người những xót thương. Ách áp chế nặng nề của bọn chúa đất phong kiến miền núi, cả cường quyền và thần quyền đã đè nén một tâm hồn yêu đời, khát sống trở thành một người hoàn toàn tê liệt về ý thức: “sống lâu trong cái khổ Mị cũng đã quen rồi”, “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, Mị chỉ “cúi mặt, không nghĩ ngợi”, chỉ “nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau”. Mị không còn ý thức được về thời gian, tuổi tác và cuộc sống. Mị sống như một cỗ máy, một thói quen vô thức. Mị vô cảm, không tình yêu, không khát vọng, thậm chí không còn biết đến khổ đau.
Nhưng đâu đó trong cõi sâu tâm hồn người đàn bà câm lặng vì cơ cực, khổ đau ấy vẫn tiềm ẩn một cô Mị ngày xưa, một cô Mị trẻ đẹp như đóa hoa rừng đầy sức sống, một người con gái trẻ trung hiếu thảo. Ngày ấy, tâm hồn yêu đời của Mị gửi vào tiếng sáo “Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Ở Mị, khát vọng tình yêu tự do luôn luôn mãnh liệt. Nếu không bị bắt làm con dâu gạt nợ, khát vọng của Mị sẽ thành hiện thực bởi “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Mị đã từng hồi hộp khi nghe tiếng gõ cửa của người yêu. Mị đã bước theo khát vọng của tình yêu nhưng không ngờ sớm rơi vào cạm bẫy.
Tất cả những phẩm chất trên đây sẽ là tiền đề, là cơ sở cho sự trỗi dậy của Mị sau này. Nhà văn miêu tả những tố chất này ở Mị khiến cho câu chuyện phát triển theo một lô-gic tự nhiên, hợp lí. Chế độ phong kiến nghiệt ngã cùng với tư tưởng thần quyền có thể giết chết mọi ước mơ, khát vọng, làm tê liệt cả ý thức lẫn cảm xúc con người nhưng từ trong sâu thẳm, cái bản chất người vẫn luôn tiềm ẩn và chắc chắn nếu có cơ hội sẽ thức dậy, bùng lên.
Bị bắt về nhà thống lí làm con dâu gạt nợ, Mị định tự tử. Mị tìm đến cái chết chính là cách phản kháng duy nhất của một con người có sức sống tiềm tàng mà không thể làm khác trong hoàn cảnh ấy. “Mấy tháng ròng đêm nào Mị cũng khóc”, Mị trốn về nhà cầm theo một nắm lá ngón. Chính khát vọng được sống một cuộc sống đúng nghĩa đã khiến Mị không muốn chấp nhận cuộc sống bị chà đạp, cuộc sống lầm than, tủi cực, bị đối xử bất công như một con vật. Mị tìm đến cái chết như một hành động tự giải thoát.
Đêm tình mùa xuân là cái đêm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời Mị. Mị thốt nhiên lại muốn đi chơi và đã sửa soạn để đi chơi. Với một người như Mị, muốn đi chơi có nghĩa là muốn nổi loạn, muốn phá phách, không cam chịu sống “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” nữa.
Tô Hoài đã bộc lộ tài năng nghệ thuật già dặn của mình trong việc lí giải sự chuyển biến tâm lí của Mị vừa như một sự bột phát đột phá vừa như là hệ quả tất yếu của một sức sống tiềm tàng, tiềm ẩn được khơi dậy, bùng lên để quên đi thực tại, sống đúng với bản chất của mình.
Sự thức tỉnh ý thức của Mị trước hết là nhờ ở sự tác động của hoàn cảnh: “những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ, hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ au, đỏ thẫm rồi sang màu tím man mác”. Cảnh vật cùng với những âm thanh rộn rã báo hiệu mùa xuân: “đám trẻ đợi tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà” cũng có những tác động nhất định đến tâm lí của Mị. Nếu ngoại cảnh là những chất xúc tác gián tiếp thì rượu là chất xúc tác trực tiếp để tâm hồn yêu đời, khát sống của Mị trỗi dậy. “Mị đã lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát một”. Mị vừa như uống cho hả giận vừa như uống hận, nuốt hận. Hơi men đã dìu tâm hồn Mị theo tiếng sáo.
Trong đoạn diễn tả tâm trạng hồi sinh của Mị, tiếng sáo có một vai trò đặc biệt quan trọng. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi...
Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác”. Với Mị, tiếng sáo là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân, của khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại dụng công miêu tả tiếng sáo nhiều lần đến thế: “Tiếng sáo gọi bạn cứ thiết tha, bồi hồi”, “ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo”, “tai Mị vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”, “mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”, “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”, “trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo”... Tô Hoài đã miêu tả tiếng sáo như một dụng ý nghệ thuật để lay tỉnh tâm hồn Mị. Tiếng sáo là biểu tượng của khát vọng tình yêu tự do, đã theo sát diễn biến tâm trạng Mị, là ngọn gió thổi bùng lên đốm lửa tưởng đã nguội tắt. Thoạt tiên, tiếng sáo còn “lấp ló”, “lửng lơ” đầu núi, ngoài đường. Sau đó, tiếng sáo đã thâm nhập vào thế giới nội tâm của Mị và cuối cùng tiếng sáo trở thành lời mời gọi tha thiết để rồi tâm hồn Mị bay theo tiếng sáo. Mị đã vượt khỏi tâm trạng thờ ơ, nguội lạnh lâu nay của mình. Dấu hiệu đầu tiên của việc sống lại đó là Mị nhớ lại quá khứ, nhớ về hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tuổi trẻ của mình và niềm ham sống trở lại “Mị thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. “Mị còn trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ lắm. Mị muốn đi chơi”. Phản ứng đầu tiên của Mị là: “nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết”. Mị đã ý thức được tình cảm đau xót của mình. Mị muốn chết chứ “không buồn nhớ lại nữa” cái ngày xưa đẹp đẽ ấy bởi nhớ lại chỉ thêm đau, “chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Những giọt nước mắt tưởng đã cạn kiệt vì đau khổ đã lại có thể lăn dài. Đau khổ tưởng đã làm Mị tê liệt cả lí trí lẫn tình cảm nhưng từ trong sâu thẳm, tâm hồn Mị không chết, Mị vẫn còn khóc được cho hoài niệm của mình, khóc cho vết thương tưởng đã mãi mãi thành sẹo, thành chai. Từ những sôi sục trong tâm tư đã dẫn Mị tới hành động “lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu”. Đây là hành động của sự thức tỉnh. Mị muốn thắp lên ánh sáng cho căn phòng bấy lâu chỉ là bóng tối. Mị muốn thắp sáng cho cuộc đời tăm tối của mình. Chí ít, thứ ánh sáng thực này cũng khiến Mị cảm thấy mình không phải là một thứ đồ vật bị bỏ quên, không phải là một con rùa trong xó tối. Hành động này đẩy tới hành động tiếp: Mị “quấn tóc lại, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”, chiếc váy hoa mà có lẽ đã bao nhiêu mùa xuân rồi Mị không biết đến sự tồn tại của nó. Và cứ như một người đàn bà mộng du, Mị quên hẳn sự có mặt của A Sử, quên hẳn mình đang bị trói mà tiếng sáo vẫn dìu tâm hồn Mị “đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào”. Tâm hồn Mị đã thuộc về một thế giới khác, một thế giới lung linh như ngọc bích, lóng lánh như pha lên, một thế giới mà ở đó Mị thổi sáo, Mị hát, Mị yêu và được yêu. Đó là một sức sống tiềm tàng, dữ dội và mãnh liệt.
Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở Mị được bộc lộ rõ ở hành động “vùng bước đi” giữa lúc cả người bị trói đứng vào cột. Chỉ khi “tay chân đau không cựa được” Mị mới sức tỉnh trở về hiện tại. Tiếng sáo im bặt, thay vào đó là “tiếng chân ngựa đạp vào vách” khiến Mị cay đắng nghĩ “mình không bằng con ngựa”. Trong tác phẩm, rất nhiều lần tác giả nhắc đến cuộn dây trói (trói Mị, trói A Phủ). Đó như là một biểu tượng cho chế độ cường quyền và thần quyền khắc nghiệt. Nhưng ngay cả khi cuộn dây trói thít chặt nhất cũng không thể ngăn con người nghĩ đến cuộc sống, sống với thế giới của tình yêu và khát vọng.
Tô Hoài đã đặt sự hồi sinh của Mị vào tình huống bi kịch: khát vọng mãnh liệt - hiện thực phũ phàng khiến cho sức sống ở Mị càng thêm phần dữ dội. Quá trình hồi sinh của một sức sống tiềm ẩn được nhà văn miêu tả không hề hời hợt, dễ dãi. Nhân vật vượt khỏi sự thờ ơ, nguội lạnh không hề đơn điệu, dễ dàng. Mị sống quá lâu trong cái khổ vì thế sự hồi sinh đến nhanh rất dễ gây cảm giác giả tạo. Đó phải là một quá trình chuyển biến lớn dần và phải có một sự tác động đặc biệt. Sự tác động đó không gì thay được tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân. Một làn sóng cảm xúc đi qua, dù mãnh liệt cũng không thể làm thay đổi cuộc đời Mị. Nhưng những gì mà Tô Hoài viết về cái đêm tình mùa xuân ấy thật vô cùng ý nghĩa. Qua đây, nhà văn muốn phát biểu một tư tưởng: sức sống của con người cho dù bị giẫm đạp, bị trói chặt vẫn không thể chết mà luôn luôn âm ỉ, chỉ cần gặp dịp là bùng lên.
Khi tiếng sáo im bặt, chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách cũng là lúc mọi kí ức tan biến, cuộc đời Mị lại như những đêm đông trên miền núi cao, vừa dài vừa buồn. Trước cảnh A Phủ bị trói, Mị hoàn toàn vô cảm. “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay”. Có đêm, bị A Sử đánh gục ngay cửa bếp vậy mà đêm sau Mị vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay như thế. Ta cứ tưởng sức sống trong Mị giống như ngọn đèn cạn dầu, chỉ bùng lên để rồi tắt ngấm. Nhưng không, phần trên mới chỉ là phần chuẩn bị cho một bước đột phá. Tâm hồn tê dại của người đàn bà ấy đột ngột bùng lên thật mãnh liệt: cắt dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát chính mình. Đây là một hành động táo bạo có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời Mị . Sau hành động này, Mị đã tìm thấy hạnh phúc và sống một cuộc đời đáng sống - trở thành vợ A Phủ và thành viên đội du kích Phiềng Sa.
Hành động của Mị vừa mang tính tự phát vừa có ý thức tự giác. Tự phát bởi sự việc đến nhanh, đột ngột và Mị không kịp tính trước rồi sẽ đi đâu, làm gì, ngay cả việc có chạy theo A Phủ hay không cũng chỉ được Mị quyết định sau khi cắt dây trói, đứng lặng một phút trong bóng tối. Tô Hoài thật tinh tế và bản lĩnh khi sắp xếp chi tiết này bởi nếu không khéo rất có thể có hai khả năng xảy ra: một là Mị trốn chồng vì khổ quá, hai là Mị bỏ chồng theo A Phủ vì A Phủ vốn là người mà bao nhiêu cô gái mơ ước có được. Cả hai khả năng này đều hạ thấp giá trị nhân vật, Mị cắt dây trói cho A Phủ nhưng không hề chạy theo. Chỉ sau một phút định thần, nỗi hoảng sợ đã đẩy bàn chân Mị vùng chạy theo một cách tự nhiên.
Tuy vậy, hành động của Mị chính là kết quả tất yếu của một con người có sức sống tiềm tàng. Hành động này có nguồn gốc từ bản chất một người con gái hiếu thảo, yêu đời, ham sống trong quá khứ, từ cái “buồn rười rượi”, từ cách uống rượu “ừng ực từng bát một” và ngay cả từ ý định tự sát của Mị nữa. trực tiếp hơn cả là những giây phút Mị rạo rực nghe tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân. Sâu xa hơn nữa là vì Mị cảm thấy đau đớn giống như những lần chính Mị bị trói. Mị không nỡ để một con người vô tội phải chết dần trong đau đớn.
Tất cả được khơi dậy đúng lúc: “Mị hé mắt trông sang thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xạm đen lại của A Phủ”. Giọt nước mắt tuyệt vọng của A Phủ đã giúp Mị nhớ lại mình, nhận ra mình, xót xa cho mình. Thương người và thương mình đồng thời nhận ra tất cả sự tàn ác của nhà thống lí, tất cả đã khiến cho hành động của Mị mang tính tất yếu.
Tất nhiên, Mị cũng rất lo lắng, hoảng sợ. Mị sợ mình bị trói thay vào cái cọc ấy, “phải chết trên cái cọc ấy”. Khi đã chạy theo A Phủ, cái ý nghĩ ấy vẫn còn đuổi theo Mị: “ở đây thì chết mất”. Nỗi lo lắng của Mị cũng là một khía cạnh của lòng ham sống, nó đã tiếp thêm cho Mị sức mạnh vùng thoát khỏi số phận mình.
Nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí độc giả. Mị là nạn nhân của ách áp chế nặng nề kiểu trung cổ. Nhưng trong Mị luôn tồn tại những mâu thuẫn gay gắt: bên trong người đàn bà cam chịu là một sức sống tiềm ẩn, bên cạnh sự dửng dưng vô cảm có lúc lại thiết tha, bồi hồi, mãnh liệt.
So với chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố), sức sống của Mị có thể không tiềm tàng, quyết liệt bằng nhưng ở Mị, sức sống ấy một khi trỗi dậy thì có hướng đi rõ rệt. Chị Dậu vùng lên mãnh liệt để rồi đứng bơ vơ trong đêm tối đen như mực, tối như cái tiền đồ của chị. Hành động rút dao của Mị cũng không phải là hành động tự giải thoát bi kịch bằng một bi kịch kiểu Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao) mà là hành động cắt đứt sợi dây mê tín thần quyền và sức mạnh man rợ cường quyền. Hành động của Mị tượng trưng cho sự chiến thắng của tinh thần phản kháng và con đường của Mị cũng như của bao người nghèo khổ đến với cách mạng là con đường tất yếu.
Cả quãng đường dài dằng dặc của Mị ở nhà thống lí Pá Tra có hai đêm đáng nhớ nhất. Đó là “đêm tình mùa xuân” và đêm cắt dây trói cho A Phủ. Hai biến cố đó đã chứng minh được sức sống tiềm tàng trong con người Mị mà không thế lực nào giết chết được. Đó cũng là tình cảm nhân đạo lớn lao của ngòi bút Tô Hoài. Nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến tâm lí và hành động của Mị rất tự nhiên, sinh động, vừa bất ngờ, vừa tất yếu hợp qui luật. “Mị là nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam” (Trần Đình Sử).