16/01/2018, 13:03

Tục ngữ có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …” – Văn mẫu lớp 7

Tục ngữ có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …” – Văn mẫu lớp 7 Tục ngữ có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …" – Bài số 1 Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của ...

Tục ngữ có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …” – Văn mẫu lớp 7

Tục ngữ có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …" – Bài số 1

Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình… nói chung, nhờ lời nói mà con người có thể hiểu nhau và dễ đến gần nhau hơn. Nói thì dễ nhưng nói như thế nào để không mất lòng người nghe, nói như thế nào để “lọt” đến xương, nói làm sao để “mật ngọt chết ruồi” thì không dễ chút nào, nhất là những lúc ta đang “nổi khùng” thì ta càng dễ nói tầm bậy. Vì thế cha ông ta có khuyên: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, vì lời nói bay đi thì không thể lấy lại được, nên ta hãy cẩn thận trước khi nói.

Tâm lý chung của con người là thích nghe ngọt. Những lời nói tốt đẹp không làm chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực, nhưng nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà. Dĩ nhiên, chúng ta không nên vì “lựa lời” mà nói với nhau những lời giả dối. Trái lại, chúng ta cần nói thật với nhau bằng tấm lòng yêu thương.

Đúng thế, cái lưỡi là một bộ phận quan trọng để phát ra tiếng nói. Tiếng nói là một phương tiện hữu hiệu để chuyển đạt cho người khác biết những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn thầm kín; nhờ đó bắc lấy một nhịp cầu cảm thông. Lưỡi đóng một vai trò quan trọng như vậy, song cái lưỡi cộng với lời nói lại chính là nguyên cớ làm cho chúng ta dễ vấp phạm hơn cả, bởi vì chúng ta có thể vấp phạm ở bất kỳ đâu, trong bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai.
Tục ngữ cũng đã có câu:

“không nọc nào độc cho bằng cái lưỡi”. Hay:
“lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Một lời nói thiếu suy nghĩ được sánh ví như đổ thêm dầu vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thiêu huỷ hết tình ruột thịt cũng như tình nghĩa anh em. Hơn nữa, trong cộng đoàn tu trì gồm những con người từ “khắp tứ phương thiên hạ”, mỗi người mỗi tính nết, mỗi người một kiểu sống khác nhau, nên không thể tránh được hết những va chạm, những bực bội, những buồn phiền… nhiều khi chính chúng ta lại là những người gây ra những đau khổ, buồn phiền cho người khác chỉ bằng những lời nói thiếu cân nhắc trước sau.
Cụ thể ngay trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi có thể vô tình thôi, chúng ta chọc ghẹo anh chị em mình bằng những lời nói nghe hơi… “rát tai”, nghe mà “đau nhói cả tim”. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn nói cho sướng cái miệng của mình, nhưng lại không để ý đến nỗi đau của người anh chị em mình khi phải nghe những lời chọc ghẹo đó.

Do vậy, trong cộng đoàn tiếng cười là cần thiết, nó đem lại niềm vui cho cộng đoàn là điều cần làm và nên làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý tứ hơn nữa trong những lời chọc vui để những lời chọc vui đó không những đem lại niềm vui cho mình mà còn làm cho người bị chọc cũng được vui cười thoải mái. Dựa vào lời nói, người khác có thể biết được phần nào tâm hồn của chúng ta. được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và thế giá của mỗi người, như một câu danh ngôn đã dạy: “lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự, còn mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Bởi đó, ta cần phải biết đắn đo cân nhắc trong cách ăn nói của mình để tránh đi những hiểu lầm, đau khổ cho người khác. Phải sử dụng lời nói như một phương tiện, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” là vậy. ý thức được tầm quan trọng của ngôn từ, chúng ta hãy chú ý những ngôn từ chúng ta dùng trong ngày. Phải có trách nhiệm khi sử dụng ngôn từ, bởi vì qua những lời chúng ta nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui phục sinh nhưng cũng có thể đem lại đau khổ thập giá cho những anh em trong cộng đoàn và chúng ta cũng nên lắp đặt một… “cái thắng” vào miệng, để những lúc ngứa mồm, muốn phát ngôn bừa bãi, thì biết “stop” lại đúng nơi và đúng lúc. để kết thúc, xin mượn câu nói của cha ông ta nói về ngôn từ: Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Hoặc lựa lời mà nói khó thay ! Tiếng chì, tiếng bấc thường hay “chàng ràng” khi ai mở miệng nói ngang thì ta chắc chẳng ngại “phang”…. “mỹ từ” một tia lửa nhỏ sơ sơ khu rừng lớn mấy mặc dù, cháy tiêu giữa ngàn thế sự đảo điên có ai áp dụng lời khuyên bao giờ lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!

Tục ngữ có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …" – Bài số 2

Lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm cả kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập… ). Vì thế, nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo mọi người cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp, ông cha ta đã từng căn dặn:

Lời nói chẳng mất tiền mua

lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

  Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa được lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hóa của mình. Ông cha ta nhận thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả lớn, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

   Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói thích hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm.

   Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau: sư già đã viên tịch; người chiến sĩ ấy đã hy sinh vì Tổ quốc; ông cụ nơi khuất núi… Người có văn hóa khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

   Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Học ăn, học nói, học gói, học mở.

   Tuy chú ý đến việc lựa lời để để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp là để vừa lòng nhau.

   Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thật, sau đó mới là lời nói đẹp.

   Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người . Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Tục ngữ có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …" – Bài số 3

Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn phải rèn luyện đạo đức và văn hóa cho bản thân mình, nhưng trước tiên vấn đề đạo đức sẽ phải đặt lên hàng đầu, và đúng như câu tục ngữ này đã nói lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói ở đây được nhắc đến như một phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Nhưng tại sao lời nói lại gắn liền với đạo đức bởi lẽ đạo đức nó là phạm trù bao hàm lên lời nói của con người, những người có đạo đức luôn luôn biết suy nghĩ và cư xử đúng phép, những lời nói mà họ nói ra cũng đậm đà và dễ nghe. Từ xưa đến nay chúng ta luôn được những người đi trước dạy dỗ và cần phải thay đổi những thói quen không tốt để rèn luyện bản thân mỗi ngày. Lời nói là phương tiện giao tiếp của con người, thống qua nó con người có thể trao đổi tâm tư nguyện vọng và những điều cần thiết trong cuộc sống cho đối phương. Nhưng để diễn tả được điều đó con người cần phải lựa chọn những ngôn ngữ phù hợp và nó đem lại những điều rất cần thiết cho cuộc sống của con người.

Đúng như câu ca dao này đã nói: “ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe” quả rất đúng từ xưa đến nay lời ăn tiếng nói luôn luôn được đặt lên hàng đầu nó được coi trọng và được mỗi người rèn luyện mỗi ngày, trong hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta đều sử dụng ngôn ngữ đó là lời nói để diễn tả được nguyện vọng mà chúng ta muốn dành cho đối phương, nhưng để thu được tình cảm cao quý mà đối phương đem lại chúng ta cần sử dụng những ngôn ngữ dịu dàng dễ nghe, dù dân tộc ta đã có câu lời nói gió bay nhưng nếu chúng ta biết sử dụng những câu để lại những ấn tượng rất sâu sắc cho mỗi người, thì những điều đó sẽ luôn luôn tạo nên những giá trị tốt đẹp nhất, và những tình cảm chân thành nhất mà đối phương dành tặng cho chúng ta.

Lời ăn tiếng nói hàng ngày mà chúng ta sử dụng nó vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và tâm tư nguyện vọng mà chúng ta dành cho mọi người, lời nói không mất tiền mua bởi lẽ đó là những ngôn ngữ mà chúng ta có, và chúng ta sử dụng để giao tiếp với người khác. Không có một giới hạn nào về ngôn ngữ, mọi người được tự do ngôn luận nhưng việc sử dụng ngôn ngữ nào cho hợp lý là những điều mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống của chúng ta, giá trị của những lời nói đó để lại cho người nghe cảm giác lâu dài, nếu những ngôn ngữ đó dễ dàng và hiểu thấu được tâm tư tư nguyện vọng của đối phương, lúc đó là chúng ta đang dành được những tình cảm chân thành nhất từ mọi người.

Học ăn học nói đó là đạo lý từ xưa đến nay, không phải ngôn ngữ nào cũng có thể đem ra sử dụng bởi nó sẽ tạo ra rất nhiều cảm giác cho người nghe, nếu sử dụng đúng mục đích, từ ngữ của chúng ta tế nhị dịu dàng thì sẽ tạo cho chúng ta những tình cảm đáng quý và trân trọng nhất, những tình cảm to lớn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của mỗi người. Những ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng cần phải được sử dụng và chọn lựa kĩ lưỡng, giống như nhà văn Việt Nam đã sử dụng trong câu thơ sau: Bác Dương thôi đã thôi rồi. Ở đây đều là nói sự ra đi và cái chết của bác Dương, nhưng nhà văn đã biết sử dụng những từ ngữ tránh đem lại cảm giác đau đớn và xót xa đến con người, cũng cùng một hàm nghĩa nhưng cách sử dụng những từ đồng nghĩa để tránh những từ ngữ đau thương, xót xa là những điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Giống như chúng ta cùng một hoàn cảnh vậy tại sao chúng ta không sử dụng những từ ngữ đêm lại những giá trị to lớn, và có ý nghĩa nhất, trong cuộc sống của mỗi chúng ta tâm tư tình cảm đó sẽ để lại cho chúng ta những điều mang lại những ý nghĩa cần thiết và quan trọng nhất. Một lời nói được sử dụng cần phải suy nghĩ chín chắn và nó đúng với hoàn cảnh tranh làm cho người nghe có cảm giác bị thô tục và ghê rợn, những điều đó phụ thuộc vào việc sử dụng ngôn ngữ của chúng ta. Lời nói là những công cụ vô cùng hữu ích nhưng việc sử dụng nó một cách có ý nghĩa và hiệu quả nhất là điều quan trọng và góp phần mạnh mẽ làm nên giá trị đạo đức cho phẩm chất của con người.

Đôi khi chỉ vì những câu nói không suy nghĩ mà để lại cho người nghe những cái đau đớn và những tổn thương vô cùng sâu sắc, chính vì vậy chúng ta nên chọn lựa ngôn ngữ để diễn tả nó một cách có ý nghĩa quan trọng và ý nghĩa hơn, muốn làm được những điều đó chúng ta cần phải kiềm chế những cảm xúc của bản thân những lúc giao tiếp với người khác. Bởi một ngôn ngữ hay có thể để lại những hạnh phúc cho người nghe, nhưng một lời nói không ý thức được trạng thái của sự vật nó có thể gây ra đau đớn cho người nghe trong một thời gian dài nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của họ.

Việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp là một điều vô cùng cần thiết ngoài học tập những kiến thức về văn hóa thì vấn đề tu dưỡng về đạo đức cũng luôn luôn được đề cao và nó trở thành một phương tiện quan trọng trong giao tiếp của mỗi con người. Cùng một ngôn ngữ thể hiện nhưng chúng ta nên lựa chọn những ngôn ngữ phù hợp tránh những ghê sợ đối với người nghe.

Lời nói không mất tiền mua chính vì vậy chúng ta nên sử dụng những ngôn ngữ dễ nghe để có thể vừa lòng được người khác, nên có những suy nghĩ chín chắn và đúng về việc sử dụng ngôn ngữ, có như vậy chúng ta mới làm chủ được chính cuộc sống và cuộc đời của mình.Hãy làm cho người nghe có cảm giác hạnh phúc và có thể làm vừa lòng được người nghe bằng những từ ngữ dễ nghe và để lại nhiều cảm xúc nhất cho người nghe.Khi chúng ta sử dụng những từ ngữ dịu dàng dễ nghe chúng ta sẽ có được tình cảm đáng quý mà họ dành cho mình, ra ngoài xã hội chúng ta sẽ được mọi người tôn trọng và có sự mến ngưỡng một cách rất sâu sắc.

Dân tộc ta cũng có rất nhiều những câu tục ngữ khuyên răn chúng ta về lời ăn tiếng nói hàng ngày, cần phải sử dụng nó một cách có hiệu quả và đem lại những giá trị to lớn nhất, thì cuộc đời của chúng ta sẽ luôn luôn ngập tràn những niềm vui và sự tôn trọng mà mọi người dành cho mình, tình cảm của con người dành cho nhau đó là những tình cảm đáng quý nhất, sống trong xã hội như ngày nay tình yêu thương mà con người dành cho nhau là những tình cảm đáng trân trọng và giữ gìn nhất. Mỗi người chúng ta nên biết lựa chọn những cách giao tiếp cho phù hợp, bởi học ăn học nói học gói học mở, để nói ra những lời nói hay, chúng ta phải học cách giao tiếp cho phù hợp và sử dụng những từ ngữ cho phù hợp với lòng người.
Trong cuộc sống bên cạnh những con người luôn biết sử dụng những từ ngữ hay và dễ nghe thì lại có những người hay sử dụng những từ ngữ thô tục, và biểu hiện đó là những con người không có đạo đức không có văn hóa.  

Chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mỗi ngày, luôn luôn phải có tinh thần phê và tự phê đối với bản thân bởi đó là yếu tố quan trọng giúp cho chúng ta có được phẩm chất tốt và vô cùng ca quý, giá trị của nó để lại cho nhân loại cũng vô cùng nhiều và để lại được cho nhân loại những điều có ích nhất.

Tục ngữ có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời …" – Bài số 4

Con người sống trong xã hội luôn phải giao tiếp và ứng xử với nhau. Và ngôn ngữ là thứ công cụ chủ yếu được họ sử dụng. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của lời nói trong cuộc sống:

Lời nói gói vàng

Và:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Một câu là tục ngữ, một câu là ca dao, cả lí trí và tình cảm nhân dân ta đều hướng lới giá trị và ý nghĩa của lời nói với cuộc sống con người. Vàng –  một thứ kim loại quý hiếm – được dùng để làm trang sức, trao đổi buôn bán hoặc cất giữ của cải. Câu tục ngữ đặt lời nói có trọng lượng và giá trị ngang với gói vàng. Điều đó giúp ta thấy vị trí đặc biệt quan trọng của lời nói trong mối quan hệ giữa người với người. Loài người là động vật cao cấp nhất, tập hợp thành xã hội. Với bộ óc hoàn chỉnh, con người khác với con vật ở ý thức. Lời nói là vỏ âm thanh của ý thức và tình cảm con người. Nó chính là công cụ để chúng ta trao đổi, giao tiếp với nhau trong cuộc sống. Mối quan hệ hay tình cảm giữa con người với có gắn bó khăng khít, có tốt đẹp bền vững hay không phụ thuộc vào việc con người có biết ăn nói hay không. Cũng có khi chỉ vì lời nói mà gây ra sự mất đoàn kết, đổ vỡ tình cảm, thậm chí dẫn đến hậu quả, tác hại khôn lường. Mục đích giao tiếp có đạt được hay không, thành công có đến với ta hay không một phần do tác động rất lớn từ lời ăn tiếng nói. Tóm lại, cha ông ta muốn nhắc nhở chúng ta rằng, một lời nói thốt ra quý giá và quan trọng như vàng. Vì thế trước khi mở lời, ta cần phải suy nghĩ thận trọng, thấu đáo, phải lựa lời, lời khuyên chân tình ấy được đúc kết trong câu ca dao:

Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mờ nói cho vữa lòng nhau.

Tại sao khi thì nhân dân ví lời nói với gói vàng, khi lại nói lời nói không mất mua? Thật vậy, lời nói thể hiện suy nghĩ, tình cảm của con người, trong sự lựa chọn của con người lúc trao đổi giao tiếp với nhau. Như vậy lời nói chẳng phải tốn kém tiền của, không phải mua bán mới có được. Tuy thế, điều đó không có nghĩa hạ thấp giá trị của lời nói mà giá trị của nó là sự phản ánh trình độ văn hóa, thước đo phẩm giá của mỗi người. Vì vậy, trong quá trình giao tiếp ứng xử ta phải chọn lời hay ý đẹp, phải liệu lời mà nói. Những lời lẽ lịch sự, lễ độ, hòa nhã bao giờ cũng khiến người nghe vui lòng. Việc khéo léo lựa chọn từ ngữ, lựa chọn cách diễn đạt phù hợp với đối tượng giao tiếp sẽ khiến người nghe dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình, cho dù đó có là lời phê bình, góp ý. Không những thế, người biết ăn nói còn làm cho người khác phải kính nể, làm cho họ hiểu và tin mình, thậm chí nghe và làm theo mình. Ai cũng ứng xử đúng mực, nói năng hòa nhã lịch thiệp thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, văn minh, mối quan hệ giữa người với người sẽ gắn bó khăng khít. Lựa lời mà nói chính là một bí quyết của sự thành công. Trái lại, chẳng ai có thể lọt tai những lời nói thô tục, thiếu thiện chí. Ăn nói xấc xược, khiếm nhã là nguyên nhân dẫn tới mất tính đoàn kết, mất lòng tin và tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau. Người nghe không chỉ khó tiếp thu ý kiến mà còn coi thường, khinh ghét người nghe thiếu lịch sự, văn minh. Ta chẳng những không đạt được mục đích mà quan hệ giữa người với người sẽ chuyển biến theo chiều hướng xấu.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiều lời khuyên của câu ca dao một cách đúng đắn, không phải để vừa lòng nhau mà ta biến mình thành kẻ a dua, xu nịnh, mà ta không kiên quyết thẳng thắn phê bình sai lầm của bạn, khuyên bảo bạn. Điều quan trọng là thái độ chân thành ta đặt trong lời nói. Sự chân thành thẳng thắn trước sau cũng nhận được sự tiếp thu, tiếng nói đồng tình ủng hộ. Như vậy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau về bản chất khác hẳn với thái độ nịnh bợ, luồn cúi ta cần tránh. Lời hay ý đẹp sẽ là cầu nối tạo nên sự tin cậy, cảm thông chia sẻ lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ và một xã hội tốt đẹp giữa người với người.

Là một công cụ giao tiếp giữa ngưòi với người, lời nói có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn trong cuộc sống. Tục ngữ đã dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Vì thế ta không nên coi thường lời ăn tiếng nói. Và vì lời nói thể hiện trình độ văn hóa, phẩm giá của con người nên chúng ta phải không ngừng và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện cả về mặt đạo đức, tri thức. Hiểu được giá trị của lời nói và biết cách sử dụng nó chính là bí quyết thành công trong cuộc sống.

Vũ Hường tổng hợp

0