Tuần 8 – Ôn tập văn học trung đại Việt Nam
Tuần 8 – Ôn tập văn học trung đại Việt Nam Hướng dẫn I – VỀ NỘI DUNG 1. Bên cạnh những nội dung yêu nước đã có trong văn học các giai đoạn trước, ở giai đoạn văn học này (từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX) xuất hiện những nội dung mới: ý thức về vai trò của người trí thức đối với đất ...
Tuần 8 – Ôn tập văn học trung đại Việt Nam
Hướng dẫn
I – VỀ NỘI DUNG
1. Bên cạnh những nội dung yêu nước đã có trong văn học các giai đoạn trước, ở giai đoạn văn học này (từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX) xuất hiện những nội dung mới: ý thức về vai trò của người trí thức đối với đất nước (Chiếu cầu hiền – Ngô Thì Nhậm), tư tưởng canh tân đất nước (Xin lập khoa luật – Nguyễn Trường Tộ), tìm hướng đi mới cho cuộc đời trong hoàn cảnh xã hội bế tắc (Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Cao Bá Quát),… Chủ nghĩa yêu nước trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX còn mang âm hưởng bi tráng, thể hiện đặc biệt rõ nét trong những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX xuất hiện một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Có thể nói, chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn này trở thành một trào lưu bởi trong đời sống văn học xuất hiện liên tiếp hàng loạt những tác phẩm mang nội dung nhân đạo có giá trị lớn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương,…
Những nội dung nhân đạo chủ yếu thể hiện trong văn học giai đoạn này là: sự thương cảm trước bi kịch và đồng cảm với khát vọng của con người; khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm, lên án những thế lực tàn bạo chà đạp con người; đề cao truyền thống đạo lí, nhân nghĩa của dân tộc.
Cảm hứng nhân đạo trong giai đoạn này cũng có những biểu hiện mới so với các giai đoạn văn học trước: hướng vào quyền sống của con người, nhất là con người trần thế (Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương); ý thức về cá nhân đậm nét hơn (ý thức về quyền sống cá nhân, hạnh phúc cá nhân, tài năng cá nhân,…. qua các tác phẩm như Đọc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du, Tự tình (bài II) – Hồ Xuân Hương, Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ).
3. Giá trị phản ánh và giá trị phê phán hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự – Lê Hữu Trác):
Thượng kinh kí sự ghi lại việc tác giả lên kinh đô chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm. Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh là bức tranh chân thực về cuộc sống nơi phủ chúa, được khắc hoạ ở hai phương diện: cuộc sống thâm nghiêm giàu sang, xa hoa và cuộc sống ốm yếu, thiếu sinh khí của cha con nhà chúa.
– Ở khía cạnh thứ nhất, Trịnh phủ hiện lên thâm nghiêm và đầy uy quyền trong con mắt của người viết kí sự. Uy quyền nơi phủ chúa thể hiện ở những tiếng quát tháo, truyền lệnh, những tiếng dạ ran của kẻ hầu người hạ, ở những con người oai vệ và ở cả cái dáng vẻ khúm núm, sợ sệt của người ngoài. Phủ chúa là một thế giới riêng biệt. Người vào phải qua rất nhiều cửa gác, mọi việc đều phải qua quan truyền lệnh, chỉ dẫn. Thầy thuốc vào khám bệnh phải chờ, phải cúi lạy, phải nín thở,…
Phủ chúa hơn thế nữa còn là nơi cực kì giàu sang và hết sức xa hoa. Giàu sang từ nơi ở đến tiện nghi sinh hoạt. Xa hoa từ vật dụng đến đồ ăn thức uống. Cả vật và người đều phơi bày sự giàu sang, xa xỉ.
– Cuộc sống nơi Trịnh phủ thiếu sinh khí vô cùng. Đó cũng là nguyên nhân gây ra sự ốm yếu của thái tử Cán. Sự thâm nghiêm kiểu mê cung càng làm tăng âm khí nơi phủ chúa.
4. Những giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:
– Giá trị nội dung: Nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là nội dung đề cao đạo lí nhân nghĩa qua Truyện Lục Vân Tiên và nội dung yêu nước qua Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Chạy Tây và nhất là qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
– Giá trị nghệ thuật: Đóng góp nổi bật nhất của Nguyễn Đình Chiểu về nghệ thuật là tính chất đạo đức – trữ tình, màu sắc Nam Bộ qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật.
Trước Nguyễn Đình Chiểu, văn học dân tộc chưa có một hình tượng hoàn chỉnh về người anh hùng nông dân nghĩa sĩ. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, hình tượng người anh hùng nông dân nghĩa sĩ mang vẻ đẹp bi tráng bởi ở hình tượng này có sự kết hợp giữa yếu tố bi (đau thương) với yếu tố tráng (hào hùng, tráng lệ). Yếu tố bi được gợi lên từ đời sống lam lũ, vất vả, từ nỗi đau thương, mất mát của người nghĩa sĩ và tiếng khóc xót đau của người còn sống. Yếu tố tráng thể hiện ở lòng căm thù giặc, lòng yêu nước, hành động quả cảm, anh hùng của nghĩa quân, sự ngợi ca công đức những người đã hi sinh vì quê hương, đất nước. Tiếng khóc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc đau thương mà lớn lao, cao cả.
II – VỀ PHƯƠNG PHÁP
1. Tư duy nghệ thuật thời trung đại nhiều khi theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức, bút pháp nghệ thuật thiên về ước lệ, tượng trưng. Tuy nhiên, các tác giả tài năng thường một mặt vẫn tuân thủ theo tính quy phạm, mặt khác họ cũng lại chủ động phá vỡ tính quy phạm, thể hiện những sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân. Có thể thấy rõ điều này qua bài Câu cá mùa thu (Thu điếu) của Nguyễn Khuyến:
– Tính quy phạm thể hiện rõ nhất trong bài này là ở việc sử dụng các chất liệu quen thuộc như: trời thu xanh, nước thu trong, lá thu vàng và hình ảnh con người trầm tư, buồn lặng.
– Tuy nhiên sự sáng tạo cũng đồng thời thể hiện rõ ở: cảnh thu mang những nét riêng của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chiếc ao làng sóng hơi gọn, nước trong veo, lạnh lẽo. Lá thu vàng rơi mang tâm sự thời thế. Lối vào nhà ngõ trúc quanh co… Việc sử dụng một cách độc đáo, táo bạo vần "eo" gợi cảm giác không gian ngoại cảnh và tâm cảnh như đang thu hẹp, nhỏ dần, khép kín.
2. Một trong những đặc điểm khác của văn học trung đại là tính chất thể loại trong sáng tác. Khi sáng tác, các tác giả trung đại bao giờ cũng rất có ý thức về đặc trưng thể loại. Ví như, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn, mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản của thể loại văn tế: bố cục bốn phần (lung khởi: bàn luận chung về lẽ sống chết; thích thực: kể công đức, phẩm hạnh của người đã khuất; ai vãn: niềm tiếc thương đối với người đã khuất; kết: bày tỏ lòng thương tiếc và lời cầu nguyện của người đứng tế). Cũng trong bài này, việc sử dụng từ, cụm từ có nhiều chỗ rập khuôn theo đúng công thức của bài văn tế: mở đầu phần lung khởi bằng các thán từ: "Thương ôi! Hỡi ôi!", mở đầu phần thích thực là cụm từ "Nhớ linh xưa". Giọng điệu bài văn tế lâm li, thống thiết (sử dụng nhiều thán từ và những từ ngữ, hình ảnh có giá trị biểu cảm mạnh mẽ),…
Mai Thu