Ca dao hài hước
Hướng dẫn 1. Bài 1 Trong cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan, người dân lao động đã tự cười mình. Đó là tiếng cười tự trào lạc quan yêu đời. Bởi vì có lạc quan yêu đời thì mới tự cười được trong cảnh nghèo như vậy. Lại chọn ngay cảnh cười là lúc bộc lộ rõ nhất cái nghèo để trào lộng, ...
Hướng dẫn
1. Bài 1
Trong cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan, người dân lao động đã tự cười mình. Đó là tiếng cười tự trào lạc quan yêu đời. Bởi vì có lạc quan yêu đời thì mới tự cười được trong cảnh nghèo như vậy. Lại chọn ngay cảnh cười là lúc bộc lộ rõ nhất cái nghèo để trào lộng, để cười cợt mua vui, yêu đời, ham sống. Tiếng cười hài hước đó cũng bộc lộ rõ nhân cách và quan niệm sống của họ.
Đây là lời đối đáp vui đùa của đôi nam nữ trong dân ca, ca dao bao hàm nội dung dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái. Trong sự “tưởng tượng” ra lễ cưới rất mực linh đình, sang trọng của một chàng trai đang yêu đã tỏ lòng về sự dẫn cưới của mình:
Cưới nàng, anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn,
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
Với lối nói khoa trương, phóng đại, là lối nói thường gặp trong ca dao nhưng lại theo cách nói giảm dần. Lễ vật dẫn cưới của chàng trai khởi đầu là voi – con vật to lớn đến trâu rồi bò, giảm dần xuống đến chuột, con vật bé nhỏ. Vì sao phải giảm? Chàng dẫn lí do nghe cũng hợp lẽ với cách nói đối lập:
– dẫn voi / sợ quốc cấm
– dẫn trâu / sợ họ máu hàn
– dẫn bò / sợ họ co gân.
Từ đó đưa đến một chi tiết thật hài hước:
Miễn là có thú bốn chân,
Dần con chuột béo, mời dân, mời làng
Tiếp theo lời tỏ bày về việc dẫn cưới của chàng trai là lời thách cưới của cô gái:
Chàng dẫn thế, em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Ngựời ta thách lợn, thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
Bao nhiêu củ rím, củ hà
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Lễ vật thách cưới của cô gái là khoai lang. Cũng với lối nói giảm dần như thể lời của chàng trai. Khởi đầu là củ to, rồi củ nhỏ giảm dần xuống đến củ mẻ, củ rím, củ hà. Cùng cách nói đối lập chẳng khác bên trên: lợn gà / khoai lang (người ta thách lợn, thách gà. Nhà em thách cưới (một nhà khoai lang)).
Lời thách cưới của cô gái mới thật vô tư, thanh thản, lạc quan và yêu đời đến lạ! Cưới xin là sự việc tối hệ trọng của một đời người con gái, thế mà cô chỉ thách có mộtnhà khoai lang. Thách cưới như vậy cho cân xứng với vật dẫn cưới là một con chuột béo của chàng trai. Nhà anh nghèo, nhà em cũng chẳng hơn chi. Thôi thì cùng bằng lòng với cảnh nghèo hiện tại… chẳng chút mặc cảm buồn phiền. Tình cảm đó khiến lời thách cưới trở nên dí dỏm, đáng yêu và cao đẹp. Lời thách cưới như chứa đựng một triết lí nhân văn của người bình dân lao động trong cuộc sông thuở xưa.
2. (Các bài 2, 3, 4)
Nếu bài 1 là tiếng cười tự trào cợt đùa vui tươi, dí dỏm thì các bài còn lại 2, 3 và 4 là tiếng cười châm biếm, phê phán xã hội nhưng châm biếm và phê phán nhẹ nhàng, thân tình nhằm mục đích nhắc nhở nhau trong nội bộ nhân dân, tránh những thói xấu tật hư mà con người thường mắc phải.
Bài 2 và bài 3 là lời chê giêu loại đàn ông yếu đuối và lười nhác:
– Làm trai cho đáng sức trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vùng.
– Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
Ở đây chính nghệ thuật phóng đại kết hợp với thủ pháp đối lập đã khiến nụ cười bật ra. Một hình ảnh, một bức tranh sinh động cụ thể đầy tính hài hước: Kẻ làm trai phải khom lưng chống gối nghĩa là phải tận lực ráng hết sức mình chỉ để làm cái việc gánh hai hạt vừng. Đủ thấy nghệ thuật trào lộng của bình dân chúng ta sao mà thông minh sao mà hóm hỉnh. Không đả kích, không lên án mà chỉ nhẹ nhàng dùng tiếng cười để nhắc nhở nhau trong nội bộ nhân dân. Cũng chẳng khác chi câu ca dao thường nghe:
Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai dám nào.
Phải đặt các câu này bên cạnh câu ca dao về chí làm trai:
– Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
– Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.
mới thấy hết được tính hài hước châm biếm của nó.
Đó là bài 2.
Còn bài 3. Đây là lời người vợ than thở về đức ông chồng của mình cũng thuộc loại đàn ông lười nhác và không có chí lớn:
Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
Chi tiết “ngồi bếp sờ đuôi con mèo” thật đắt, khái quát được thần thái của một loại đàn ông chỉ ăn bám vợ suốt ngày ru rú nơi xó bếp chỉ để sờ đuôi con mèo. Người đọc bất chợt nhận ra anh chàng cũng chẳng khác chi con mèo lười nhác quẩn quanh nơi xó bếp để sưởi ấm tấm thân mình. Đó là loại đàn ông vô tích sự mà ca dao đã nhiều lần chế giễu:
– Chồng người bể Sở sông Ngô
Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.
– Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.
– Làm trai cho đáng nên trai
Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.
– Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.
Bài 4 là lời chế giễu loại đàn bà đỏng đảnh vô duyên:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o…
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà,
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm,
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu!
Ở đây, chính nghệ thuật phóng đại tài tình và trí tưởng tượng phong phú của tác giả dân gian đã làm cho người đọc phải bật cười. Bên cạnh những chi tiết phóng đại quá mức chỉ cốt để giải trí mua vui như Lỗ mũi mười tám gánh lông, Trên đầu những rác cùng rơm… là lời châm biếm nhẹ nhàng nhằm nhắc nhở đối với loại đàn bà đỏng đảnh vô duyên ít nhiều cũng thường thấy trong xã hội “Đêm nằm thì ngáy o o…, Đi chợ thì hay ăn quà”. Cấu trúc “chồng yêu chồng bảo” trong từng cặp câu thơ ngoài ý nghĩa “yêu nên tốt, ghét nên xấu” còn thế hiện cái nhìn nhân hậu bao dung của dân gian. Trong ca dao còn có bài Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần… Cũng mang cùng ý nghĩa châm biếm với bài ca dao này.
3. Trong ca dao hài hước, những biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng là:
– Lốì phóng đại, cường điệu, tương phản đối lập.
– Hư cấu bằng trí tưởng tượng phong phú, dựng cảnh tài tình, khắc họa nhân vật bằng những nét điển hình có giá trị khái quát lớn.
– Dùng ngôn ngữ giản dị, đời thường mà hàm súc giàu ý nghĩa.
LUYỆN TẬP
Bài tập 1.
Cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái.
– Tuy đây chỉ là lời đùa cợt trọng chặng hát cưới của lời đối đáp nam nữ trong dân ca nhưng cũng đã để cho thấy tiếng cười tự trào của người lao động thật đáng yêu, đáng trân trọng vì họ không chút mặc cảm mà bằng lòng với cảnh nghèo vui và thích thú trong lời thách cưới của mình.
– Lời thách cưới thật lạ thường (chỉ là khoai lang – món ăn dân dã mộc mạc) mà vô tư hồn nhiên thể hiện được tâm hồn lạc quan yêu đời của những người lao động xưa nay.
Mai Thu