Dân gian có câu Gần đèn thì rạng nhưng có bạn nói Gần mực chưa chắc đen, gần đèn chưa hẳn rạng.
Đề bài: Em hãy chứng minh dân gian ta có câu tục ngữ “Gần đèn thì rạng” nhưng có bạn lại bảo Gần mực thì chưa chắc đã đen, gần đèn thì chưa chắc đã rạng. Nói về sự tác động của môi trường sống đến sự hình thành nhân cách của con người cũng được đề cập đến trong rất nhiều tác ...
Đề bài: Em hãy chứng minh dân gian ta có câu tục ngữ “Gần đèn thì rạng” nhưng có bạn lại bảo Gần mực thì chưa chắc đã đen, gần đèn thì chưa chắc đã rạng.
Nói về sự tác động của môi trường sống đến sự hình thành nhân cách của con người cũng được đề cập đến trong rất nhiều tác phẩm văn học, những câu chuyện dân gian, như chuyện: Mẹ hiền dạy con, kể về người mẹ hiền từ của nhà triết học nổi tiếng Trung Quốc, Mạnh Tử, vì muốn con có môi trường học tập tốt nhất, bà đã nhiều lần chuyển nhà, từ khu chợ đến trường học. Nói về sự tác động của môi trường đến con người, tục ngữ dân gian của Việt Nam cũng có một câu nói nổi tiếng như: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là, liệu có thực sự đúng như câu nói “gần đèn thì rạng” không. Có rất nhiều người lại cho rằng, gần mực chưa chắc đã đen mà gần đèn chưa chắc đã rạng. Vậy, ta nên hiểu câu tục ngữ này như thế nào?
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là câu tục ngữ nói về sự tác động của môi trường đối với nhân cách của con người. Theo như câu tục ngữ, khi con người ta sống trong một môi trường lành mạnh, văn minh, được tiếp xúc với những con người có lí tưởng, có lối sống lành mạnh, sống có ích thì người đối diện cũng sẽ học hỏi được ở môi trường sống ấy, con người nơi ấy những phẩm chất tốt đẹp, những nét tính cách tích cực. Nghĩa là, khi tiếp xúc với những nhân tố tích cực, con người ta sẽ được ảnh hưởng, được “cảm hóa” theo chiều hướng ngày càng tốt. Vì vậy, hình ảnh “đèn” trong câu tục ngữ là hình ảnh biểu tượng cho những nhân tố tốt đẹp, tích cực.
“Gần mực thì đen” là nói đến môi trường sống nhiều yếu tố tiêu cực, những con người có tính cách không đúng chuẩn mực của xã hội. Vì vậy, khi sống trong môi trường, tiếp xúc với những con người tiêu cực như vậy thì người sống trong môi trường ấy ít nhiều cũng bị tác động theo hướng tiêu cực, cho dù họ vốn là những con người lương thiện, tốt bụng. Nói chung, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” thể hiện được vai trò của môi trường sống đối với con người. Đồng thời là cơ sở để đánh giá về nhân cách của một người. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa ý nghĩa của câu tục ngữ này, đánh giá con người một cách cứng nhắc, rập khuôn thì sự đánh giá ấy lại trở nên phiến diện, tiêu cực, chưa phản ánh đúng được bản chất, tính cách của một người.
Xung quanh câu tục ngữ này cũng có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, có người cho rằng gần mực chưa chắc đã đen, còn gần đèn chưa chắc đã rạng. Theo em, những ý kiến này cũng không phải hoàn toàn sai. Bởi để nhận biết tính cách của một người, ta cần xem xét họ trong nhiều mối quan hệ, không nên đánh giá họ chỉ qua vẻ bề ngoài, qua môi trường sống và trong những mối quan hệ với những người có lối sống tiêu cực. Bởi tính cách của con người không chỉ bị ảnh hưởng, tác động bởi môi trường sống, mà còn nằm ở bản chất thật sự của mỗi con người. Mỗi người có một xu hướng tính cách khác nhau, vì vậy đôi khi môi trường sống tiêu cực nhưng họ có lối sống lành mạnh và có bản tính thích nghi cao thì họ hoàn toàn sống đúng với nhân cách của mình, không hề bị tác động bởi bất cứ yếu tố nào, có lẽ đúng như câu tục ngữ “Giang sơn khó đổi/ Bản tính khó rời”. Nhưng ở đây ta không hiểu theo nghĩa tiêu cực của câu tục ngữ mà hiểu theo đúng nghĩa đen của nó để thấy được tính cách là cái vốn có ở mỗi con người.
Chẳng hạn, một người sống trong môi trường tương đối lành mạnh, xung quanh là những người rất tốt bụng, gia đình gia giáo, có nề nếp nhưng do sự suy đồi của tính cách, họ vẫn có thể trở thành những người xấu, có tính cách tiêu cực, thậm chí có thể trở thành những phần tử nguy hiểm đối với xã hội. Ví dụ như vụ án gây chấn động dư luận một thời ở Hải Dương, Nghiêm Viết Thành vì tiền mà giết chết chính bố ruột của mình bằng những hành động man rợ nhất, sau đó chặt xác, phi tang xuống sông. Vụ án này dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người trong xã hội, giá trị đạo đức đang bị mai một ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, ở đây ta không xét theo mức độ nghiêm trọng của vụ án. Điều đáng nói trong vụ án này, đó là sát thủ Nghiêm Viết Thành từng là một người rất hiền lành, ngoan có tiếng, bố mẹ đều là những người tử tế, có điều kiện. Sự biến thái trong nhân cách là do thủ phạm tự tiêm nhiễm vào mình và thể hiện ra bằng những hành vi man rợ.
Còn đối với một người sống trong một môi trường được cho là tiêu cực hơn, tiếp xúc với những con người có tính cách không chuẩn mực, nhưng nếu họ có bản lĩnh, lập trường vững chắc thì những yếu tố tiêu cực ấy cũng không thể tác động, ảnh hưởng đến họ. Như vậy, xem xét tính cách của một người, ta không thể đánh giá một cách phiến diện hay tuyệt đối hóa một cách nhìn nào. Cần dựa vào nhiều bối cảnh, đặt họ trong nhiều mối quan hệ mới có thể biết được bản chất, con người thực sự của một người. Nếu đánh giá một cách phiến diện không những ta không nhận ra bản chất đích thực của họ mà còn có những phán đoán chủ quan, sai lầm. Từ đó, mối quan hệ giữa ta và họ cũng khó có thể trở nên tốt đẹp, tích cực hơn.
Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một câu tục ngữ hay, đánh giá được tương đối đúng sự tác động của môi trường sống đối với con người. Tuy nhiên, nếu ta tuyệt đối hóa câu tục ngữ thì cách đánh giá của ta sẽ trở nên phiến diện, ngộ nhận. Bởi, gần mực thì chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng.
Nguồn: Văn mẫu