Tuần 18 – Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh
Tuần 18 – Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Văn bản thuyết minh nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề nào đó. Có nhiều loại văn ...
Tuần 18 – Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Văn bản thuyết minh nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề nào đó. Có nhiều loại văn bản thuyết minh.
2. Phù hợp với mối liên hệ bên trong của sự vật hay quá trình nhận thức của con người, văn bản thuyết minh có thể có nhiều loại hình thức kết cấu khác nhau:
– Kết cấu theo trình tự thời gian: trình bày sự vật theo quá trình hình thành, vận động và phát triển.
– Kết cấu theo trình tự không gian: trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó (bên trên – bên dưới, bên trong – bên ngoài, hoặc theo trình tự quan sát,…).
– Kết cấu theo trình tự lô gích: trình bày sự vật theo các mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân – kết quả, chung – riêng, liệt kê các mặt, các phương diện,…).
– Kết cấu theo trình tự hỗn hợp: trình bày sự vật với sự kết hợp nhiều trình tự khác nhau.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Đọc các văn bản Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân (1) và Bưởi Phúc Trạch (2) và thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Xác định đối tượng và mục đích thuyết minh của từng văn bản.
b) Tìm các ý chính tạo thành nội dung thuyết minh của từng văn bản.
c) Phân tích cách sắp xếp các ý trong từng văn bản. Giải thích cơ sở của cách sắp xếp ấy.
d) Nêu các hình thức kết cấu chủ yếu của văn bản thuyết minh.
Gợi ý:
a) * Đối tượng của các văn bản thuyết minh trên:
– Văn bản (1): Đối tượng thuyết minh là một hội thi thổi cơm.
– Văn bản (2): Đối tượng thuyết minh là quả bưởi Phúc Trạch.
* Mục đích thuyết minh:
– Văn bản (1) nhằm mục đích giới thiệu nét độc đáo của lễ hội thổi cơm của làng Đồng Vân.
– Văn bản (2) giới thiệu một đặc sản quê hương đến với người thưởng thức (trong nước và quốc tế).
b) Các ý chính tạo thành nội dung thuyết minh trong mỗi văn bản là:
– Văn bản (1):
+ Giới thiệu khái quát về hội thi.
+ Miêu tả các bước tiến hành hội thi.
+ Khâu chấm thi.
+ Ý nghĩa văn hoá của hội thi.
– Văn bản (2):
+ Giới thiệu và mô tả đặc trưng hình thức của quả bưởi Phúc Trạch.
+ Mô tả các khâu bổ bưởi, thưởng thức bưởi.
+ Quả bưởi Phúc Trạch gắn với đời sống của nhân dân trong lịch sử.
+ Thương hiệu quả bưởi vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
c) Văn bản (1) sắp xếp các ý theo trình tự thời gian (vì cần phải dõi theo diễn biến của hội thi).
Văn bản (2) sắp xếp các ý chủ yếu theo trình tự không gian (bám sát các bộ phận của quả bưởi và các khâu bổ bưởi).
d) Văn bản thuyết minh có thể có nhiều hình thức kết cấu khác nhau:
– Theo trình tự thời gian: Trình bày sự việc lần lượt theo quá trình vận động và phát triển.
– Theo trình tự không gian: Trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó (bên trên, bên dưới, bên trong, bên ngoài hoặc theo trình tự quan sát).
– Theo trình tự lô gích: Trình bày sự việc theo các mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân – kết quả, chung – riêng, liệt kê các mặt, các phương tiện,…).
– Theo trình tự hỗn hợp: Trình bày sự vật với sự kết hợp nhiều trình tự khác nhau.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Nếu cần thuyết minh bài Tỏ lòng (Thuật Hoài) của Phạm Ngũ Lão, nên chọn hình thức kết cấu theo trình tự lô gích hoặc trình tự hỗn hợp.
2. Nếu phải thuyết minh một di tích, một thắng cảnh của đất nước có thể lần lượt giới thiệu những nội dung sau:
– Khái quát về di tích.
– Các bộ phận cúa di tích hay thắng cảnh đó.
– Lịch sử của di tích hay thắng cảnh.
– Giá trị văn hoá của di tích hay thắng cảnh.
Các nội dung trên có thể sắp xếp theo trình tự không gian hoặc theo trình tự hỗn hợp.
Mai Thu