06/02/2018, 00:34

Đọc thêm: Thơ Hai-cư của Ba-sô

Hướng dẫn 1. Bài 1. Ba-sô sinh ra ở Mi-ê. Khoảng năm 30 tuổi, ông lên Ê-đô sinh sống. Mười năm sau đó, nhà thơ trở lại thăm quê. Nhưng đi rồi lại thấy nhớ Ê-đô, thấy Ê-đô thân thiết chẳng khác gì quê hương mình. Bài thơ thể hiện tấm lòng, tình cảm khăng khít với mảnh đất nơi mình ...

Hướng dẫn

1. Bài 1.

Ba-sô sinh ra ở Mi-ê. Khoảng năm 30 tuổi, ông lên Ê-đô sinh sống. Mười năm sau đó, nhà thơ trở lại thăm quê. Nhưng đi rồi lại thấy nhớ Ê-đô, thấy Ê-đô thân thiết chẳng khác gì quê hương mình.

Bài thơ thể hiện tấm lòng, tình cảm khăng khít với mảnh đất nơi mình ở; ít nhiều có ảnh hưởng bài Độ Tang Càn của Giả Đảo:

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương

Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương

Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy

Khước vọng Tinh Châu thị cố hương

Dịch nghĩa:

Làm quan ở Tinh Châu – đất khách đã mười năm.

Ngày đêm nhớ quê Hàm Dương muốn trở về.

Không dưng lại vượt qua sông Tang Càn,

Ngoảnh lại Tinh Châu thấy đó như quê hương mình.

Dịch thơ:

Qua Sông Tang Càn

Quán khách Tinh Châu trải chục sương

Lòng quê ngày tối nhớ Hàm Dương

Chợt đâu lại vượt dòng Tang Thủy

Trông ngóng Tinh Châu ngỡ cố hương.

(Trần Trọng San dịch)

Cùng một tứ thơ, nhưng so với Độ Tang Càn của Giả Đảo, bài Hai-cư của Ba-sô mới thật là súc tích, cô đọng hết mức.

Phải chăng cũng từ tứ thơ này nhà thơ Chế Lan Viên đã viết nên câu thơ bất hủ trong bài Tiếng hát con tàu:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Bài 2:

Thời trẻ (1666 – 1672), Ba-sô ở kinh đô (Ki-ô-tô). Sau đó ông chuyển lên Ê-đô. Hai mươi năm sau, nhà thơ trở lại Ki-ô-tô, nghe tiếng chim đỗ quyên hót và viết bài thơ này:

Chim dỗ quyên hót

Ớ kinh đô

Mà nhớ Kinh đô

Chim đỗ quyên là chim quyên, chim đỗ vũ, chim tử qui. Chim đỗ vũ trong văn học Trung Quốc thường đi kèm với điển tích Thục đế vong quốc. Văn học Việt Nam cũng có điển tích ấy nhưng các nho sĩ cố ý dịch sai thành chim cuốc bởi lẽ chim cuốc cũng xuất hiện vào đầu mùa hạ cũng kêu buồn và nhất là lại đồng cảm với chữ quốc (nước).

Trong bài thơ Cuốc kêu cảm hứng, Nguyễn Khuyến viết:

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,

Ấy hồn Thục đế thác bao giờ

Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ

Cũng có lắm lúc, tiếng chim đỗ vũ, đỗ quyên cũng được các thi sĩ Việt Nam sử dụng để chỉ thời gian chuyển từ xuân sang hè:

Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão

Nhất đình sơ vũ huyện hoa khai.

(Trong tiếng đỗ vũ kêu mùa xuân như đang già đi.

Mưa nhẹ đầy sân hoa xoan rụng)

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.

(Nguyễn Trãi – Cuốc xuân tức sự)

Hay:

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Riêng tại Nhật Bản, chim đỗ quyên có tên là chim hototogisu nếu viết bằng Hán tự là thời điểm – chim đến theo mùa hay là chim thời gian. Đây là loài chim hay gặp trong thơ Tan-kaHai-cư. Loài chim này kêu vào đầu mùa hạ thường hót lúc xẩm tối, vào đêm trăng…, sau khi trời mưa… Tiếng kêu của nó thật tha thiết. Tuy không được dùng với nghĩa vong quôdc nhưng vẫn được dùng với nghĩa thương tiếc thời gian và nhất là thế hiện nỗi buồn và sự vô thường, tang thương dâu biển.

Ở bài Hai-cư này, Ba-sô trở lại kinh đô sau 20 năm chia biệt nghe tiếng hót của loài chim đỗ quyên mà nhớ kinh đô năm nào.

Chim đỗ quyên hót

Ở kinh đô

Mà nhớ kinh đô

Cầm trên tay mớ tóc bạc còn lại của mẹ, nỗi xót xa của nhà thơ được gửi vào giọt lệ nóng hổi rơi xuống bàn tay. Quý ngữ của bài thơ này là sương thu. Hình ảnh làn sương thu ở đây thật mơ hồ mờ ảo. Làn sương thu là gì? Là giọt lệ như sương hay mớ tóc bạc của mẹ bạc như sương, hay cuộc đời ngắn ngủi vô thường như giọt sương đầu ngọn cỏ. Không xác định được. Bài thơ mờ ảo, lung linh và đa nghĩa.

Hình ảnh làn sương được dùng nhiều trong văn học nước ta tuy là có vẻ đơn nghĩa hơn:

Mẹ già phơ phất mái sương

(Chinh phụ ngâm)

Tuổi già hạt lệ như sương

(Nguyễn Khuyến – Khóc Dương Khuê)

và xa xưa hơn nữa:

Thân như ánh chớp có rồi không,

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông

(Vạn Hạnh thiền sư, Thị đệ tử)

2. Bài 4

Năm 1685, trong Du kí Phơi thân đồng nội, Ba-sô kể là có lần đi ngang qua một cánh rừng bất chợt ông nghe tiếng vượn hú buồn thảm. Trong thơ ca, tiếng vượn hú được đề cập không ít. Như trong bài Tảo phát Bạch Đế thành của Lý Bạch:

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận

(Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng ngớt)

Hay trong bài Đăng cao của Đỗ Phủ:

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai

(Gió gấp trời cao vượn nỉ non)

Nhưng ở đây tiếng vượn hú bi thương đã gợi cho Ba-sô chạnh lòng nhớ đến tiếng khóc thê lương xé ruột của một em bé bị bỏ rơi trong rừng:

Tiếng vượn hú não nề

Hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?

Gió mùa thu tái tê

Ngày xưa, người nông dân Nhật Bản rất nghèo. Vào những năm mất mùa đói kém, nhiều nhà túng quẫn quá, cùng đường phải bỏ con thơ vào rừng vì không nuôi nổi. Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy tiếng Nhật gọi là những đứa trẻ “ma-bi-ku” tỉa bớt như người ta tỉa bớt cây non.

Từ tiếng vượn hú não nề chợt nghe được, thi sĩ liên tưởng đến tiếng khóc hài nhi bị bỏ rơi trong rừng thẳm. Tiếng vượn hú, tiếng trẻ con khóc và sau cùng là tiếng tái tê của gió mùa thu đang khóc than cho nỗi đau xót của con người.

Người đọc không thể không nhớ đến lời đau xót khá gần gũi đối với trẻ em đói khổ, đoản mệnh của Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh:

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha

Lấy ai bồng bế vào ra

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

3. Bài 5

Một lần, khi du hành ngang qua một cánh rừng bất chợt nhìn thấy một chú khỉ nhỏ đang co ro lạnh run trong cơn mưa mùa đông, Ba-sô tưởng tượng thấy chú khỉ đang âm thầm mơ ước có được một chiếc áo tơi để che mưa che lạnh:

Mưa đông giăng đầy trời

Chú khỉ con thầm ước

Có một chiếc áo tơi

Hình ảnh chú khỉ con lẻ loi run rẩy giữa trời giăng đầy mưa dông khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh những người nông dân khốn khổ, những em bé đói nghèo co ro trong cơn mưa lạnh mùa đông. Bài thơ thể hiện một tấm lòng thương cảm bao la với những sinh linh bé bỏng đáng thương. Đó cũng là lòng yêu thương rộng lớn đốì với những người nghèo khổ nói chung.

4. Bài 6:

Hồ Bi-oa hay hồ Tì Bà là hồ lớn nhất Nhật Bản trông giống như hình cây đàn tì bà rất đẹp, nằm ở trung tâm tỉnh Si-ga gần quê hương của Ba-sô.

Xung quanh hồ này có trồng rất nhiều hoa anh đào. Mùa xuân hoa nở đầy, mỗi khi gió thổi cánh hoa rụng lả tả như mây. Cánh hoa anh đào màu hồng nhạt mong manh rơi xuống mặt hồ làm cho sóng gợn. Một cảnh tượng mùa xuân rất đẹp:

Từ bốn phương trời xa

Cánh hoa đào lả tả

Gợn sóng hồ Bi-oa.

Cảnh mùa xuân ở đây tuy giản dị nhưng đã thế hiện một triết lí sâu sắc của phương Đông là sự tương giao của các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Thiên Tông và Lão Trang quan niệm thế giới không phải bao gồm những sự vật đơn lẻ mà tất cả các sự vật đều tác động, chuyển hóa lẫn nhau, tư tưởng biện chứng cổ đại ấy đã được thể hiện bằng những hình tượng hết sức giản dị, nhẹ nhàng.

Trong bài Thuật hứng, Nguyễn Trãi cũng có một tứ thơ tương tự:

Khách lạ đến, ngàn hoa chửa rụng

Cảm màu ngâm, dạ nguyệt càng cao

Thi khách đến, hoa còn luyến tiếc chưa muốn lìa cành, một câu thơ hay ngâm lên khiến trăng trên trời như cao hơn. Đúng là nghệ thuật có thể tác động vào vũ trụ.

Bài 7.

Lên miền Ô-ku, Ba-sô leo lên núi đá thăm chính điện chùa Riu-sa-ku-ji. Nhà thơ đã cho biết: “Khi chúng tôi đến nơi trời vẫn chưa tắt nắng (…) các điện nhỏ xây trên đá thảy đều đóng cửa, bốn bề im lặng như tờ. Chúng tôi đi quanh triền núi, leo qua những tảng đá để vào lễ ở chính điện. Cảnh sắc tuyệt vời, tịch mịch. Tôi thấy trong lòng vô cùng thanh thản”. Trong hoàn cảnh đó, Ba-sô đã viết bài thơ:

Vắng lặng u trầm

Thẩm sâu vào đá

Tiếng ve ngâm

Nguyên tác:

Tịch mịch

Nhiễm vào/ thấm vào đá

Tiếng ve

Trong cảnh vắng lặng, u trầm, của trời chiều gần tắt nắng thi sĩ nghe được tiếng ve ngâm rền rĩ như nhiễm và thấm vào đá. Cách liên tưởng của Ba-sô ở đây thật độc đáo kì lạ mà thật tự nhiên chẳng chút gì khoa trương cường điệu.

Tiếng ve là âm thanh. Đó là vật thể. Thế mà có sự tương giao.

Người đọc không thể không nhớ lại tứ thơ cũng gần gũi như thế của Nguyễn Trãi trong bài Chuyện trung ngẫu hành.

Ngư ca tam xướng yên hồ khoát

Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao

(Ông chài cất lên tiếng hát làm cho mặt hồ phủ khói mở rộng ra

Trẻ mục đồng thổi một tiếng sáo làm cho trăng trên trời cao hơn).

Đúng là thanh âm cũng có thể tác động được đến thiên nhiên vũ trụ. Tiếng hát của ngư ông, tiếng sáo của trẻ mục đồng cũng có thể tác động đến hồ nước, đến cả vầng trăng trên trời.

Với Xuân Diệu, trong các bài Nguyệt cầm, Huyền diệu, giữa mùi hương, màu sậc, âm thanh có sự tương giao hòa nhập: ánh sáng nhập vào âm thanh:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trămg thương trăng nhớ hỡi trăng ngần

Bốn bề ánh nhạc biển pha lê

Chiếu đảo hồn tôi rợn bốn bề.

(Xuân Diệu – Nguyệt cầm)

Hay mùi hương thâm nhập vào âm nhạc và vật thể:

Này lắng nghe cao khúc nhạc thơm

Say người như rượu tối tân hôn

Như hương thấm tận qua xương tủy

Ảm nhạc thần tiên thấm tận hồn

(Xuân Diệu – Huyền diệu)

5. Bài 8

Ngày 8 tháng 10 năm Nguyên Lộc VII (1694), tại Ô-sa-ka, Ba-sô đã viết bài thơ từ thế:

Nằm bệnh giữa cuộc lãng du

Mộng hồn còn phiêu bạt

Những cánh đồng hoang vu

Nhà thơ trước đó đã thấy mình sức lực mỏi mòn hình đung mình như một cánh chim sắp bay khuất giữa mây trời:

Mùa thu năm nay

Sao mình già nhanh thế

Cánh chim khuất chân mây

Cuộc đời thi sĩ là một cuộc đời phiêu bạt đó đây. Ngay cả lúc sắp giã từ, ông vẫn còn lưu luyến khôn nguôi. Thi sĩ vẫn muốn sẽ tiếp tục cuộc đi – ngay cả – đi bằng hồn của mình. Ba-sô lúc sắp từ giã cõi đời vẫn ước muốn hồn mình được lang thang trên khắp các cánh đồng hoang vu.

Đủ thấy, xưa nay thú phiêu bạt giang hồ vốn là hứng thú của nhiều bậc thi nhân, văn sĩ từ Tư Mã Thiên, Lý Bạch, đến Tản Đà, Nguyễn Tuân.

Trong bài Hành lộ nan, Lý Bạch viết:

Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên

Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên

Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng

Hốt phục thừa chu mộng nhật biên

(Muốn vượt Hoàng Hà, sông băng đóng

Toan lèn Thái Hoàng, núi tuyết phơi

Lúc rỗi buông câu bờ khe biếc

Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mặt trời.)

(Nguyễn Khắc Phi dịch)

Trong bài Thú ăn chơi, Tản Đà cũng viết:

Giời sinh ra bác Tản Đà

Quê hương thời có, cửa nhà thời không

Nửa đời nam, bắc, tây, đông

Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li.

Túi thơ đeo khắp ba kì,

Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng.

Thú giang hồ của các bậc văn nhân thi sĩ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước vừa thể hiện khao khát tự do phóng khoáng của con người.

6. Quý ngữ (từ chỉ mùa) trong các bài 6, 7, 8

Bài Quý ngữ Chỉ mùa

6. Hoa đào Mùa xuân

7. Tiếng ve Mùa hề

8. Cánh đồng hoang vu (cánh đồng khô) Mùa đông

Thơ hai-cư, nhất là thơ hai-cư của Ba-sô có những nét thẩm mĩ độc đáo riêng biệt thật cao, và rất tinh tế, đề cao cái Vắng lặng (Sa bi), Đơn sơ (wabi) huyền (yùgen) trong các bài 6, 7, 8 như trên đã phân tích.

Mai Thu

0