Tuần 12 – Đọc thêm: Đò lèn
Tuần 12 – Đọc thêm: Đò lèn Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá. Năm 1966, ông nhập ngũ, từng chiến đấu ở những chiến trường ác liệt thời kì chống Mĩ cứu nước như Khe Sanh, đường 9 ...
Tuần 12 – Đọc thêm: Đò lèn
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá. Năm 1966, ông nhập ngũ, từng chiến đấu ở những chiến trường ác liệt thời kì chống Mĩ cứu nước như Khe Sanh, đường 9 – Nam Lào. Trở về từ chiến trường, Nguyễn Duy học ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1977 đến nay, ông làm đại diện thường trú của báo Văn nghệ ở phía Nam.
Nguyễn Duy được biết đến trước hết như một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. Chùm thơ Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông đã giành Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1973. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Thơ Nguyễn Duy hướng tới cái đẹp của đời sống giản dị quanh ta, phát hiện trong thế giới quen thuộc ấy sự lắng kết của những giá trị vĩnh hằng. Những xúc cảm chân thành, những suy tư sâu sắc được diễn tả bằng một hình thức thơ vừa giàu tính cách dân gian vừa phảng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông.
Tác phẩm chính: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Bụi (1997),…
2. Đò Lèn là tên một địa danh thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, nơi Nguyễn Duy đã sống và đi học suốt thời thơ ấu. Tác phẩm Đò Lèn tiêu biểu cho vẻ đẹp của thơ Nguyễn Duy, được in trong tập Ánh trăng.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Kí ức tuổi thơ đã hiện lên hết sức sinh động trong tâm tưởng của nhà thơ:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Những câu thơ ngọt ngào gợi lên chuỗi kỉ niệm thời ấu thơ với những cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần – những nơi mà tác giả đã "câu cá", "níu váy bà đi chợ", "bắt chim sẻ", "ăn trộm nhãn",… Những địa danh cụ thể, thân quen ấy gắn liền với sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ thơ được nhắc đến, hiên lên sinh động, gần gũi, như mở ra vùng kí ức thơ dại, chạm đến những kỉ niệm sâu lắng nhất trong lòng người.
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tuổi thơ hiện lên trong hồi tưởng của tác giả, quy tụ lại trong không gian của những đền Cây Thị, đền Sòng, với "mùi huệ trắng" hoà quyện với khói hương trầm, với "điệu hát văn", "bóng cô đồng",… Nếu kí ức tuổi thơ hiện về vui tươi, sinh động ở khổ thơ thứ nhất, thì đến đây lại trở nên lắng đọng, thâm trầm, đậm màu sắc cổ tích. Những âm thanh, hương vị, sắc màu,… của bức tranh kỉ niệm ấu thơ được lưu giữ ở phần tâm linh sâu kín nhất của tác giả, để rồi hiện lên trong những câu thơ xúc động, chân thành.
2. Hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng muôn vàn vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi sống lại trong kí ức của nhân vật trữ tình đã cho thấy tình cảm sâu nặng của tác giả với người bà của mình.
Hình ảnh người bà hiện lên như thân cò lặn lội, khiến người đọc trào lên nỗi xúc động nghẹn ngào:
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháọ, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Câu thơ "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế" là một sự tự thú, một nỗi ăn năn vì mình có lỗi với bà, vì mình quá trong sáng và thơ ngây, vì mình quá vô tâm nữa.
Hình ảnh người bà bán trứng ở ga Lèn giữa cái tan hoang của cảnh vật cũng là hình ảnh cuối cùng của người bà in lại trong tâm trí nhà thơ:
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Người cháu xót xa khi ngày trở lại, ngày chiến thắng trở về, anh không còn được gặp lại người bà thân yêu nữa, chỉ còn lại một nấm cỏ nhỏ bé, lạnh lẽo:
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
3. Trong Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt thể hiện tình cảm dành cho bà bằng việc làm sống lại những hồi ức thiêng liêng, cảm động về tình bà cháu. Tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ bà, nỗi nhớ tiếng chim tu hú và qua hình ảnh bếp lửa bập bùng:
– Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
– Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa lòng tin dai dẳng…
Nét độc đáo trong cách thể hiện tình cảm đối với người bà của Nguyễn Duy là lối bộc lộ tình cảm trực tiếp, giản dị và rất chân thành. Nhà thơ tự trách mình, xót xa, hối tiếc khi nhớ về một thời vô tàm, vụng dại đã qua chưa hiểu hết nỗi cơ cực của bà và cũng chưa kịp làm gì để đền đáp công ơn của bà. Lời thơ rưng rưng đau nhói lòng người:
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
Mai Thu