Tuần 14 – Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Tuần 14 – Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận Hướng dẫn 1. Các thao tác lập luận – Phân tích: phân tách, chia nhỏ đối tượng để hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo. – So sánh: xem xét đối tượng trên cơ sở đối sánh với những đối tượng khác để thấy được những nét giống và khác ...
Tuần 14 – Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Hướng dẫn
1. Các thao tác lập luận
– Phân tích: phân tách, chia nhỏ đối tượng để hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo.
– So sánh: xem xét đối tượng trên cơ sở đối sánh với những đối tượng khác để thấy được những nét giống và khác giữa chúng.
– Bác bỏ: dùng lập luận để phản bác và loại bỏ luận điểm không chính xác.
– Bình luận: đánh giá tính chất vấn đề.
– Chứng minh: dùng dẫn chứng và lí lẽ để thuyết phục người khác tin theo sự đánh giá, bàn bạc của mình.
– Giải thích: làm cho người nghe (người đọc) hiểu vấn đề.
2. Trong đoạn văn trích trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã vận dụng kết hợp thao tác bác bỏ và thao tác phân tích để vạch trần tội ác và dã tâm của thực dân Pháp.
– Thao tác bác bỏ: bác bỏ luận điệu "tự do – bình đẳng – bác ái", "khai hoá văn minh" của thực dân Pháp khi sang xâm lược nước ta: Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
– Thao tác phân tích: phân tích chính sách cai trị vô nhân đạo, tàn bạo mà thực dân Pháp thực hiện khi sang xâm lược nước ta cả về chính trị và kinh tế (từ "Về chính trị…" đến hết).
3. Ba thao tác lập luận thường được sử dụng trong một văn bản nghị luận là phân tích (chia tách đối tượng để làm rõ, là cơ sở cho việc tổng hợp lại để chốt lại vấn đề, rút ra kết luận), so sánh (tìm ra những điểm giống và khác giữa đối tượng và các đối tượng khác có liên quan), bình luận (đánh giá về đối tượng),… Khi làm một bài văn nghị luận, để đạt được hiệu quả tốt, người viết nên cân nhắc sử dụng kết hợp ba thao tác trên.
Ý chính:
– Vấn đề đó là vấn đề gì? (tư tưởng đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng,…).
– Quan niệm vốn có của xã hội về vấn đề đó (thường được lưu truyền qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ,…).
– Những hiện tượng tiêu cực nằm trong phạm vi vấn đề đó đang đặt ra yêu cầu xã hội cần phương án giải quyết.
– Nguyên nhân của thực trạng đó.
– Giải pháp (cần nêu quan điểm của người viết) để khắc phục tình trạng trên.
4. Tham khảo bài viết dưới đây.
"Gần đây có nhiều bạn đua đòi theo những lối ăn chơi không lành mạnh. Những bộ mốt dị thường được các cô cậu choai choai diện đến trường hay đi chơi đâu đó. Cách ăn mặc kiểu ấy không phù hợp với lứa tuổi học sinh, với truyền thống văn hoá của dân tộc cũng như với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Thiết nghĩ đây là một vấn đề chúng ta cần cảnh báo.
Ngày nay các cô cậu học trò và thậm chí cả một bộ phận không nhỏ người dân ta cứ đua nhau mà chạy theo hai từ "sành điệu". Họ cứ nghĩ sành điệu là phải khác người. Cái áo phải quái dị hơn người, phải ngắn hơn người một tí, cái quần phải rộng thùng thình hay những lọn tóc phải vừa xanh vừa đỏ lại hoe vàng, thế mới là "sành điệu" (?). Thực ra, từ nơi khởi nguồn của nó (phương Tây), từ "sành điệu" dùng để chỉ những người biết cách ăn mặc phù hợp và tinh tế. Vậy phải chăng chỉ vì một thuật ngữ có tính chất ngoại lai này mà chúng ta đang bị mất dần đi thuần phong mĩ tục trong cách ăn mặc?
Thực tế không phải thế! Các cô cậu trút bỏ chiếc áo sơ mi trắng để mặc vào chiếc áo phông không cổ nghênh ngang đến trường với những hình thù quái dị không đứng đắn chủ yếu là để ra oai với bạn bè. Những bạn khác lại bắt chước những gã găng tơ mặc quần bò xén gấu, tóc thì hoặc là nhuộm xanh nhuộm đỏ hoặc là cắt trụi trọc hở cả những vết sẹo ngang dọc to nhỏ khắp đầu. Tất cả những sự đổi thay thiếu văn hoá ấy phải chăng do ở trường các thầy cô không uốn nắn, nhắc nhở? Thú thật, tôi đã nhiều lần chứng kiến một thầy giáo đuổi cậu học trò ra khỏi lớp chỉ vì cậu này mặc áo sơ mi mà không cài cúc cổ. Vậy thì chắc chắn không thầy cô nào chấp nhận cái kiểu ăn mặc quái dị, bất nhã đó. Tôi nhớ trong lớp học có lần một bạn nữ đã lên tiếng: "Các thầy cô lúc nào cũng nhắc về ăn mặc, chẳng nhẽ tụi mình lại vận áo dài hay áo the khăn xếp mà đến lớp". Ôi! Cái hiểu biết của cô nữ sinh nọ mới nông cạn làm sao. Cách ăn mặc của người nước mình vốn chuông sự kín đáo và lịch sự. Nếu bạn thấy cả một cơ quan, các nhân viên ai cũng mặc đồng phục bạn sẽ thấy rất rõ điều này. Thậm chí ở các nhà hàng lớn, nơi cách ăn mặc có thể tự do, tuỳ hứng thì nhiều ông chủ vẫn yêu cầu nhân viên của mình mặc đồng phục lịch sự và kín đáo để còn "làm ăn được lâu dài".
Cái áo dài hay áo the khăn xếp đã trở thành quốc phục của nước ta. Tuy hằng ngày ta ít mặc vì bất tiện nhưng người phương Tây thì say sưa bàn luận về vẻ đẹp và sức sống bền lâu của nó.
Thế đấy các bạn ạ! Sự sang trọng và văn minh đâu chỉ đơn giản là ta đang mặc cái gì mà quan trọng hơn là ta mặc nó theo cách nào và cách mặc ấy có phù hợp với lứa tuổi, với văn hoá dân tộc, với hoàn cảnh kinh tế gia đình mình hay không. Thiếu hiểu biết về những điều này, chúng ta không thể có một cách ăn mặc vừa đẹp vừa lịch sự, lại vừa văn hoá nữa".
(Theo Ngô Văn Tuần)
5. a) Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học) ;
– Khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
– Khái quát về giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đó.
– Nét đặc sắc mà anh (chị) phát hiện ra nằm ở phương diện nội dung hay nghệ thuật? Đó là nét đặc sắc gì?
Cần lưu ý đặt nét đặc sắc mà anh (chị) phát hiện trong mối quan hệ với những kiến thức phổ biến về tác phẩm để làm rõ sự mới mẻ, độc đáo của nó.
– Giá trị của nét đặc sắc mà anh (chị) phát hiện (gợi những hướng khai thác mới về tác phẩm như thế nào, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm ra sao,…).
b) Một tác phẩm văn học mới ra đời đang được nhiều người quan tâm, bàn luận.
– Đó là tác phẩm nào? Của ai?
– Khái quát những vấn đề về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, những ý kiến đánh giá của dư luận về tác phẩm.
– Những suy nghĩ, đánh giá của bản thân anh (chị) về tác phẩm. Đó có thể là một trong những nội dung sau đây:
+ Phân tích, cảm nhân,… về cái hay của tác phẩm (về nôi dung tư tưởng hoặc nghệ thuật).
+ Trao đổi về một ý kiến đánh giá chưa chính xác về tác phẩm.
+ Trao đổi về một vấn đề nội dung tư tưởng mà tác phẩm đề cập đến nhưng bản thân thấy còn chưa thoả đáng,…
c) Một nội dung kiến thức Ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.
– Đó là nội dung gì? Thuộc mảng kiến thức nào (Văn học, Tập làm văn hay Tiếng Việt)?
– Khái quát về nội dung kiến thức đó, những vấn đề còn tồn tại là gì? (Có chỗ nào chưa rõ, chưa sâu, còn gợi nhiều thắc mắc?,…).
– Ý nghĩa của việc làm rõ, tìm hiểu sâu nội dung ấy.
– Ý kiến đề xuất của bản thân:
+ Đặt câu hỏi để mọi người góp ý giải quyết.
+ Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề.
Mai Thu