Tuần 10 – Đọc thêm: Đất nước
Tuần 10 – Đọc thêm: Đất nước Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Về tác giả Nguyễn Đình Thi: xem thêm bài Mấy ý nghĩ về thơ. Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, có đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nhiều thể loại văn học. Nhưng trước hết và nổi trội ở Nguyễn ...
Tuần 10 – Đọc thêm: Đất nước
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Về tác giả Nguyễn Đình Thi: xem thêm bài Mấy ý nghĩ về thơ.
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, có đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nhiều thể loại văn học. Nhưng trước hết và nổi trội ở Nguyễn Đình Thi là một tâm hồn thơ. Nguyễn Đình Thi làm thơ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thơ ông có bản sắc và giọng điệu riêng, phần lớn là thơ tự do, không có vần hoặc ít vần, với những cảm xúc trực tiếp, tươi mới, những sáng tạo về hình ảnh và kết cấu, góp phần cách tân thơ Việt Nam theo hướng hiện đại.
2. Bài thơ Đất nước hoàn thành vào năm 1955, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và được đưa vào tập thơ Người chiến sĩ (1956). Phần đầu bài thơ có sử dụng một số đoạn của hai bài thơ viết trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp là Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Bài thơ thể hiện sự vận động trong cảm xúc và tư duy về đất nước của tác giả.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bài thơ chia làm hai phần. Phần một là xúc cảm của nhà thơ trước sự đổi thay của mùa thu đất nước. Phần hai tập trung thể hiện hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: từ trong đau thương, căm hờn đã đứng lên bất khuất, anh hùng.
Bao trùm và xuyên suốt bài thơ là cảm xúc về đất nước. Mạch cảm xúc có sự vận động và biểu hiện cụ thể qua mỗi phần của bài thơ, từ hiện tại về quá khứ, rồi lại trở lại hiện tại. Hiện thực và tâm tưởng đan cài vào nhau.
2. Trong đoạn thơ đầu, mùa thu Hà Nội trong quá khứ được tái hiện trong nỗi nhớ của nhà thơ bằng khoảng thời gian buổi sáng, bắt đầu từ mùa thu hiện tại ở chiến khu Việt Bắc, gợi cảm nhận về không gian thu khoáng đạt, cao vời, sáng trong, mát lành. Hai chữ "sáng" lặp lại khiến người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi, bừng sáng của đất trời vào thu. Biện pháp so sánh gợi nét đẹp cổ kính của mùa thu xưa và mùa thu nay cũng với tiết trời như thế, không gian như thế, với vẻ đẹp đặc trưng của mùa thu như thế.
Chỉ với ba câu thơ nhưng tác giả đã gợi được nét đẹp đặc trưng của mùa thu muôn đời: cái chớm lạnh của buổi sớm, một làn gió heo may, mùi hương cốm mới,… Nguyễn Đình Thi gợi nhiều hơn tả, tạo những trường liên tưởng sâu xa, chỉ cần gọi dậy mùi hương cốm cũng đủ đánh thức hình ảnh của một mùa thu trong lòng người. Đó là hình ảnh của một mùa thu đẹp, mùa thu muôn đời.
Câu thơ bản lề đẩy xúc cảm của tác giả hướng về mùa thu xưa, nhịp thơ chậm hơn, gợi sự bâng khuâng, nhung nhớ. Có cảm giác như mỗi chữ, mỗi câu của Nguyễn Đình Thi đều khắc sâu tình yêu, đong đầy nỗi nhớ. Hình ảnh mùa thu Hà Nội được gợi rất ấn tượng. Bức tranh thơ mang theo hơi lạnh của tiết thu. Cái "chớm lạnh" của cảnh báo hiệu một mùa thu bắt đầu. Người đọc cảm nhận được một không gian vắng lặng, thanh tĩnh của mùa thu Hà Nội với những nét gợi rất riêng biệt. Với âm thanh nhẹ khẽ của gió thu, người đọc còn cảm nhận được một chút xôn xao, xáo động của hồn người mỗi độ thu về.
Hình ảnh người ra đi được lồng vào bức tranh mùa thu Hà Nội. Sự giằng xé trong tâm trạng của người ra đi được miêu tả hết sức tinh tế: kiên quyết trong ý chí nhưng lưu luyến trong cảm xúc thương nhớ. Sau lưng người ra đi là cả một Hà Nội thơ mộng, đẹp đẽ, là tình yêu, nỗi nhớ đong đầy. Hình ảnh người ra đi có sự hoà quyện sâu sắc giữa chí và tình, chất chứa một tình yêu Hà Nội sâu thẳm. Nhịp thơ chính là tiếng lòng của con người, thiết tha, sâu lắng.
Nguyễn Đình Thi viết về mùa thu Hà Nội đồng thời cũng thể hiện tình yêu đất nước, quê hương của mình. Mùa thu trong cảm nhận của Nguyễn Đình Thi không chỉ đẹp và thoáng buồn mà còn là mùa thu lên đường, mùa thu ra trận.
3. Phân tích đoạn thơ từ "Mùa thu nay khác rồi" đến "Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Hình ảnh mùa thu mới của đất nước được miêu tả sinh động trong niềm tự hào và ý thức làm chủ. Giọng thơ, nhịp thơ được chuyển đổi nhanh, mạnh, khỏe khoắn, thể hiện một tinh thần phấn chấn, háo hức, mê say. Hình ảnh mùa thu hôm nay được viết bằng những câu thơ ngắn, khỏe để diễn tả sự đổi thay mạnh mẽ. Mùa thu nay "khác" rồi, cái khác ở đây không chỉ là sự khác biệt về thời gian giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại mà còn là sự đổi khác trong nhân thức, tư tưởng, vị thế của con người. Mùa thu trong quá khứ, mùa thu của một đất nước nô lệ, lầm than đã qua, mùa thu nay là mùa thu của tự do, độc lập. Niềm vui của đất trời hoà quyện cùng niềm vui của con người trong mùa thu độc lập. Những câu thơ biểu hiện sự hân hoan, vui sướng tột độ của lòng người.
Tác giả bộc lộ trực tiếp những xúc cảm của mình. Không gian đất trời mở rộng trước mặt, hiển hiện một tư thế chủ động, kiêu hãnh của con người, của một dân tộc độc lập. Tác giả đứng giữa cái rộng dài của đất trời để lắng nghe, thu nhận thanh âm của cuộc đời mới trong niềm vui bất tận. Niềm vui cuộc đời mới như tràn vào trong tâm hồn nhà thơ.
Khung cảnh đất trời mùa thu được gợi lên với một "rừng tre phấp phới". Vạn vật như cũng quyện hoà trong niềm vui chung của con người, của đất nước. "Phấp phới" không chỉ gợi sự xôn xao của cây lá mà còn diễn tả những nỗi xốn xang, mừng vui của lòng người. Mượn hình ảnh cây tre – biểu tượng của linh hồn, bản sắc dân tộc, tác giả đã tinh tế khẳng định sự thay da đổi thịt kì diệu, sự hồi sinh hết sức mạnh mẽ của đất nước hôm nay.
Khái quát về vẻ đẹp đặc trưng của mùa thu độc lập, Nguyễn Đình Thi hình dung trời đất như khoác một tấm áo mới đẹp đẽ, rực rỡ. Biện pháp so sánh, ẩn dụ đã vẽ nên một mùa thu của ngày tự do, độc lập, một mùa thu "trong biếc", một mùa thu "nói cười", một mùa thu "thiết tha". Mùa thu nay vừa có nét trong trẻo, mát lành của mùa thu muôn đời, vừa tưng bừng một niềm vui, hân hoan một niềm hạnh phúc.
Tác giả diễn tả cụ thể niềm vui bất tận của mình trong mùa thu độc lập. Không gian mở ra vô tận, khoáng đạt. Đây là trời xanh, núi rừng, kia là những cánh đồng, ngả đường, dòng sông,… Bao nhiêu cảnh sắc quê hương như phơi trải trước mắt tác giả, trong tình yêu, niềm kiêu hãnh. Mỗi lời thơ đều diễn tả niềm vui, niềm hạnh phúc. Điệp từ "những", phép liệt kê cùng với cách ngắt nhịp ngắn gọn, sự chuyển đổi trong cách xưng hô (từ "tôi" đến "chúng ta"), đã thể hiện sinh động niềm vui của tất cả mọi người, niềm hạnh phúc, tự hào của tất cả mọi người dân Việt Nam trong mùa thu độc lập. Nguyễn Đình Thi qua tiếng nói cá nhân của người nghệ sĩ đã nói lên tiếng lòng của cả cộng đồng, của dân tộc.
Nhịp thơ có sự thay đổi đột ngột, chuyển sang chậm rãi, sâu lắng khi nhà thơ quay về với quá khứ cha ông, lí giải chiều sâu của lịch sử đất nước. Câu thơ lắng lại trong cảm xúc thành kính, thiêng liêng. Lời căn dặn của cha ông trong quá khứ như còn vang vọng đến tận hôm nay. Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng từ "vọng" chất chứa đầy hoài niệm. Quá khứ của cha ông như được kéo về gần thực tại, câu thơ "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" đã bắc cây cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa ngày nay và "ngày xưa".
Nền độc lập, tự do của đất nước không chỉ được lí giải bằng sự hồi sinh của cảnh vật, con người Việt Nam trong hiện tại mà còn bắt rễ sâu xa từ quá khứ oai hùng của cha ông. Quá khứ là bệ phóng cho hiện tại và tương lai. Hình tượng đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Đình Thi không chỉ được đo bằng cái dài rộng của không gian, thời gian mà còn được soi chiếu bởi bề dày lịch sử của tinh thần, truyền thống dân tộc. Bởi vây, hình ảnh đất nước được hiện lên trong bài thơ là đất nước muôn đời bền vững.
4. Những suy tư và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương đất nước Việt Nam ưong phần cuối bài thơ (từ "Ôi những cánh đồng quê chảy máu" đến hết bài).
Hai câu thơ "Ôi những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều" mở ra không gian đau thương của hình ảnh quê hương chìm trong chiến tranh khốc liệt. Những động từ mạnh "chảy máu", "đâm nát", gọi tả đến tận cùng nỗi đau quặn thắt khi chứng kiến mảnh đất quê hương bị giày xéo. Cả một miền quê thanh bình, yên ả bị nhuộm đỏ bởi màu máu. Có cảm giác như đất nước, quê hương đang rên xiết, quằn quại dưới gót giày kẻ thù. Màu máu ấy không loang đi mà nhuộm đỏ, đổ ập vào không gian, trở thành nỗi ám ảnh, len lỏi vào tâm thức người đọc mà gọi về những cảm xúc đau thương, dựng dậy một nỗi niềm sục sôi căm hờn. Thủ pháp ngược sáng của điện ảnh được sử dụng tài hoa, tinh tế khiến những câu thơ của Nguyễn Đình Thi không phải là một bức tranh tĩnh tại để chiêm ngưỡng, thưởng nhìn, mà giống như một thước phim quay chậm, tất cả đều sống động, hiện hữu như đang diễn ra trước mắt. Thời gian đã lùi xa nhưng cái màu máu ám ảnh khôn nguôi ấy không thể xoá nhoà. Nó ghim vào kí ức của con người những xúc cảm đau thương về quá khứ bi hùng của dân tộc. Miêu tả rất sống, rất thực một không gian trời chiều, dựng lại cái nhọn sắc của những dây thép gai là một cách tố cáo tội ác của quân thù. Cái tài hoa của ngòi bút Nguyễn Đình Thi là ở chỗ đã miêu tả cái khốc liệt của đất nước trong chiến tranh, đã tố cáo đanh thép kẻ thù bằng những hình ảnh gợi tả, gợi cảm, bằng tiếng nói của một xúc cảm chân thành vừa đau thương vừa quặn thắt căm hờn.
Hai câu thơ sau mạch cảm hứng đột ngột chuyển hướng. Nguyễn Đình Thi không chỉ viết rất chân thực về đất nước trong chiến tranh mà còn thể hiện rất sống động hình ảnh con người Việt Nam trong chiến đấu:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Không gian thơ có sự vận động từ hình ảnh cánh đồng quê buổi chiều đến những con đường hành quân ra trân. Nguyễn Đình Thi không chú trọng miêu tả những gian khổ, hi sinh của con người trong chiến đấu. Ngòi bút tài hoa ấy đi sâu vào tâm hồn người chiến sĩ để kiếm tìm những cảm xúc, dựng dậy những ước mơ. Ông không chỉ thấy cái chí khí kiên định vững vàng trong những bước chân hành quân mà còn thấy cái tình lấp lánh trong những nỗi nhớ thương, mong chờ. Nói chí và tình của người chiến sĩ trong một sự hoà quyện đẹp đẽ, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng rất chính xác, tinh tế các từ láy "nung nấu", "bồn chồn". Ý chí thì mạnh mẽ mà tình cảm thì đậm sâu, chân vẫn không ngừng bước mà lòng không thôi thương nhớ, bồn chồn. Nguyên Đình Thi không chỉ dựng dậy một quyết tâm sắt đá, một lời nguyện bền gan chiến đấu và sẵn sàng hi sinh mà còn gọi về những điệu nhớ, điệu thương ngân vang trong tâm tư người chiến sĩ. Điểm đến của nỗi nhớ chính là đôi mắt người yêu. "Bỗng" là một cảm xúc bất chợt, tự nhiên, nỗi nhớ như một mạch ngầm âm ỉ, chỉ cần chạm nhẹ, khơi nhẹ là cứ thế dào dạt tuôn trào. Đôi mắt người yêu giữa đêm dài hành quân như một điểm sáng tin yêu, hi vọng, thắp lên những ước mơ, khơi gợi những xúc cảm rất người, rất chân thành, đằm thắm. Nó giống như một thứ ánh sáng trong trẹo "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh – Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây" gợi lên những tình cảm tha thiết nhớ thương. Hình ảnh người chiến sĩ không chỉ cao cả, anh hùng với bước chân kiên định mà còn đẹp vẻ đẹp lãng mạn với nỗi nhớ thương "bồn chồn", sâu thẳm. Nguyễn Đình Thi đã cho thấy xúc cảm nhạy bén, ngòi bút tài hoa của một hồn thơ tinh tế khi phát hiện và diễn tả sự hoà hợp của hai vẻ đẹp ấy.
Hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến từ trong đau thương, căm hờn đứng lên bất khuất, anh hùng đã được diễn tả sinh động trong phần hai của bài thơ. Nguyễn Đình Thi đã diễn tả được sự vận động mạnh mẽ của hình tượng đất nước, từ trong gian khổ, tủi nhục đứng lên ; từ trong đau thương, gian khó, đất nước trưởng thành. Tiếng thơ kiêu hãnh, tự hào khi diễn tả sức sống của dân tộc, sự vươn lên kì diệu của đất nước.
Tác giả dùng những câu tả thực để tố cáo tội ác của kẻ thù. "Bát cơm chan đầy nước mắt" là một hình ảnh giàu giá trị thẩm mĩ, gợi ấn tượng đặc biệt về những đau thương, tủi nhục của con người khi phải sống trong kiếp nô lệ. Con người cảm nhận được nỗi đau của mình từ trong gan ruột, để rồi từ đau thương biến thành căm thù và hành động. Tác giả dùng một loạt từ "bay", "thằng", "đứa" để gọi tên kẻ thù với tất cả sự căm phẫn. Có một sự đối lập giữa "chúng ta" và "chúng bay", "ta" và "bay", "thằng", "đứa". Những động từ mạnh được sử dụng ("giằng", "đè cổ", "lột da") giúp người đọc hình dung được sự tàn ác, dã man của kẻ thù. Đó là thứ tội ác ghê rợn, được diễn tả bằng một nhịp thơ nhanh, mạnh, thể hiện sự căm thù ngùn ngụt của con người.
Đau thương đã biến thành căm thù. Căm thù đã biến thành hành động. Những câu thơ tiếp theo thể hiện tư thế ngạo nghễ của con người, của đất nước trước kẻ thù. Biện pháp tương phản, hình ảnh thơ đậm màu sắc lãng mạn được tác giả sử dụng rất tinh tế, khéo léo. Đối lập với xiềng xích, súng đạn là hình ảnh bầu trời với chim và hoa, là tình yêu nước, thương nhà sâu sắc. Tội ác của kẻ thù càng lớn thì lòng căm thù càng sâu, khát vọng được giải phóng càng mãnh liệt. Khung trời đầy chim và mặt đất đầy hoa là khung trời của tự do, ánh sáng, mơ ước, khát vọng của hoà bình. Những câu thơ thể hiện tình yêu đất nước thẳm sâu trong lòng mỗi con người Việt Nam. Nguyễn Đình Thi đã chạm tới và khơi được cái mạch nguồn của truyền thống.
Nhà thơ đã khái quát được bước trưởng thành của đất nước từ quá khứ lịch sử đến hiện tại và tương lai. Đất nước đi từ nô lệ đến tự do, từ bóng tối đến ánh sáng với những con người áo vải anh hùng. Những câu thơ của Nguyễn Đình Thi đã bắc cây cầu để người đọc trở về truyền thống của dân tộc, gặp lại hình ảnh Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải cờ đào. Nguyễn Đình Thi đã nhìn thấy sức toả sáng của đất nước, nơi gửi gắm một tình yêu tha thiết, nặng sâu của những con người bình dị mà rất đỗi anh hùng.
Trải qua những bước thăng trầm, lịch sử dân tộc lại được sang trang mới. Câu thơ "Lòng ta bát ngát ánh bình minh" giàu giá trị biểu trưng thể hiện khát vọng bay bổng của con người. Ánh bình minh của trời đất, của lòng người đã toả rạng trong một câu thơ ngập tràn tin tưởng. Nhịp thơ hào hùng, phấn chấn, mê say trong xúc cảm trào dâng của lòng người.
Khổ thơ kết là sự khái quát cao nhất về đất nước. Đoạn thơ gồm những câu thơ ngắn, là một bức tranh hoành tráng, hào hùng dựng lại lịch sử dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác giả đã mượn thành ngữ "nước vỡ bờ" để diễn tả khí thế của dân tộc trong đấu tranh, tư thế hiên ngang, sức vươn dậy mạnh mẽ của con người Việt Nam. Trong câu thơ có tiếng ào ạt của bước chân ra trận, sự sục sôi của ý chí quyết chiến, quyết thắng. Hành trình đất nước từ nô lệ đến tự do, từ lầm than đến chiến thắng, từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi đau đến niềm vui đã được Nguyễn Đình Thi miêu tả trong những lời thơ đầy kiêu hãnh, tự hào. Đất nước vụt lớn, đứng dậy trong hào hùng, vinh quang trong những câu thơ tràn ngập âm hưởng sử thi và màu sắc huyền thoại.
5. Các câu thơ dài ngắn xen kẽ, cách lựa chọn hình ảnh sinh động, biểu cảm, nhịp điệu linh hoạt đã giúp Nguyễn Đình Thi dựng được bức tượng đài đẹp đẽ, sống động về đất nước trong chiến đấu và chiến thắng. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu mồ hôi đã rơi. Chiến thắng ấy cũng là sự kết tinh cao nhất của tình yêu, của tinh thần chiến đấu và khát vọng hoà bình. Đất nước chính là khúc tráng ca hào hùng của dân tộc đi từ nô lệ đến tự do, từ buồn thương đến mừng vui, hạnh phúc. Đây chính là mạch vận động trong tứ thơ của Nguyễn Đình Thi.
Mai Thu