06/02/2018, 00:23

Tuần 12 – Đọc thêm: Dọn về làng

Tuần 12 – Đọc thêm: Dọn về làng Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nông Quốc Chấn (1923 – 2002) tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, dân tộc Tày, quê ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Tham gia cách mạng từ năm 1942 trong phong trào thanh niên cứu quốc ở địa phương và ...

Tuần 12 – Đọc thêm: Dọn về làng

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nông Quốc Chấn (1923 – 2002) tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, dân tộc Tày, quê ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Tham gia cách mạng từ năm 1942 trong phong trào thanh niên cứu quốc ở địa phương và bắt đầu làm thơ bằng tiếng Tày. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nông Quốc Chấn hoạt động ở tỉnh và thơ ông bắt đầu được biết đến rộng rãi. Ông từng là Giám đốc Sở Văn hoá khu tự trị Việt Bắc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Nông Quốc Chấn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Tác phẩm chính: Việt Bắc đánh giặc (1948), Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Đèo gió (1968), Dòng thác (1977), Suối và biển (1984).

2. Bài thơ Dọn về lủng được sáng tác năm 1950. Chiến dịch Biên giới của quân và dân ta đã đập tan hệ thống đồn, bốt của quân Pháp trên phòng tuyến biên giới dọc theo đường số Bốn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Tác phẩm được giải thưởng tại Đại hội liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới ở Béc-lin năm 1951 và được đưa vào tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 -1956.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Cuộc sống gian khổ của nhân dân Cao – Bắc – Lạng và tội ác của thực dân Pháp được thể hiện đậm nét từ câu thơ thứ 7 đến câu 37 của bài thơ.

Chú ý đến những chi tiết thể hiện tình cảnh người dân phải đi khỏi làng để tránh giặc:

Chạy hết núi lại đến khe, cay đắng đủ mùi

Mẹ địu em chạy tót lên rừng

Lần đi trước, mẹ vẫy con sau lưng

Tay dắt bà, vai đeo đầy tay nải

Đến những cái chết tức tưởi và nỗi đau xót của những người còn sống:

Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng

Con cởi áo liệm thân cho bố,

Mẹ con ẵm cha đi nằm ở chân rừng

Máu đầy tay, nước mắt tràn đầy mặt…

Qua đó ta thấy được tội ác dã man của thực dân Pháp: đốt làng, cướp của, chém giết những người dân vô tội.

2. Nét độc đáo trong cách thể hiện niềm vui Cao – Bắc – Lạng được giải phóng ở phần đầu và phần cuối của bài thơ.

Với người con, mẹ luôn là người sẻ chia những niềm vui nỗi buồn một cách tự nhiên, chân thành nhất. Nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng đã bày tỏ niềm vui với người mẹ của mình trước cảnh quê hương được giải phóng, sự lựa chọn ấy giúp thể hiện niềm vui một cách chân thành, sâu sắc.

Niềm vui quê hương giải phóng được thể hiện bằng một phong cách riêng, đậm màu sắc độc đáo của tư duy miền núi. Cách thể hiện niềm vui cũng mang phong cách riêng: lối nói cụ thể; cảm xúc, suy nghĩ được diễn đạt bằng những câu thơ giàu hình ảnh.

Sự đối lập của đoạn thơ này với đoạn thơ nói về tội ác của quân thù:

– Về cảm xúc và giọng điệu thơ: vui tươi, sung sướng >< uất hận, căm thù, buồn tủi.

– Về hình ảnh thơ: tươi sáng, rộn ràng >< u uất, dữ dội.

3. Bài thơ thể hiện rất rõ bản sắc dân tộc miền núi trong cách xây dựng hình ảnh. Đó là những hình ảnh giản dị, gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân miền núi, lối diễn đạt tự nhiên; không cầu kì, hoa mĩ. Chính điều đó đã tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.

Có thể nhận thấy điều đó qua những câu thơ như:

– Người đông như kiến, súng đầy như củi

– Mấy tháng năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy

– Đường đi lại vắt bám đầy chân

– Mẹ địu em chạy tót lên rừng

– Máu đầy tay, nước tràn đầy mặt.

Mai Thu

0