24/05/2018, 23:55

Tự nhiên và xã hội

Khái niệm tự nhiên * Tự nhiên theo nghĩa rộng: Là toàn bộ thế giới vật chất tồn tại khách quan. Với nghĩa này thì con người, xã hội loài người là một bộ phận, hơn nữa là một bộ phận đặc thù của thế giới tự ...

Khái niệm tự nhiên

* Tự nhiên theo nghĩa rộng:

Là toàn bộ thế giới vật chất tồn tại khách quan. Với nghĩa này thì con người, xã hội loài người là một bộ phận, hơn nữa là một bộ phận đặc thù của thế giới tự nhiên.

Xét về mặt tiến hoá, con người có nguồn gốc từ tự nhiên, là con đẻ của tự nhiên, là sản phẩm và là sản phẩm cao nhất của quá trình tiến hoá của thế giới vật chất. Con người với bộ óc hoàn chỉnh là sản phẩm của thế giới vật chất.

Sự ra đời của con người không chỉ là kết quả của các qui luật sinh học mà quan trọng hơn cả là kết quả của quá trình lao động. Đó là quá trình con người sử dụng công cụ tác động vào thế giới tự nhiên, khai thác và cải biến giới tự nhiên tạo ra những sản phẩm vật chất để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình.Chính quá trình đó con người làm biến đổi tự nhiên và làm biến đổi chính bản thân mình.Chính quá trình lao động nhu cầu trao đổi, hợp tác lao động đã làm xuất hiện ngôn ngữ. Lao động và ngôn ngữ là hai sức kích thích chủ yếu của sự chuyển biến bộ não của loài vật thành bộ não của loài người, từ tâm lý động vật sang ý thức con người.

Con người được hình thành từ lao động và ngôn ngữ, quá trình đó gắn liền với quá trình hình thành quan hệ giữa con người với con người. Quá trình chuyển biến từ động vật thành con người cũng là quá trình chuyển biến từ cộng đồng mang tính bày đàn, hoạt động theo bản năng thành một cộng đồng mới khác hẳn về chất. Đây cũng là quá trình chuyển biến từ vận động sinh học thành vận động xã hội. Ta gọi đó là xã hội.

Như vậy, con người là hạt nhân của sự thống nhất biện chứng giữa tự nhiên và xã hội.

* Tự nhiên theo nghĩa hẹp

Gồm toàn bộ thế giới vật chất không kể lĩnh vực xã hội (khi nghiên cứu quan hệ tự nhiên -xã hội ở đây là tự nhiên theo nghĩa hẹp đặc biệt là môi trường tự nhiên.)

Môi trường tự nhiên gồm:

+ Điều kiện địa lý tự nhiên: đất đai, rừng núi, sông ngòi, khí hậu.

+ Của cải tự nhiên: tài nguyên, khoáng sản, lâm sản, thuỷ hải sản ...

+ Nguồn năng lượng trong tự nhiên: sức gió, sức nước, ánh nắng mặt trời…

Khái niệm xã hội

Xã hội là một hình thái vận động cao nhất của thế giới vật chất. Hình thái vận động này lấy mối quan hệ của con người và sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng.

Xã hội biểu hiện tổng số những mối liên hệ và các quan hệ của các cá nhân với nhau.

Theo Mác “Xã hội - cho dù nó có hình thức gì đi nữa - là cái gì? Là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa con người”

Con người là sản phẩm cao nhất của tự nhiên, bằng hoạt động của mình con người làm nên lịch sử, làm nên xã hội. Vì vậy, xã hội không thể là cái gì khác mà chính là bộ phận đặc thù được tách ra một cách hợp qui luật của tự nhiên. Xã hội là hình thái tổ chức cao nhất của vật chất trong quá trình vận động tiến hoá lâu dài và phức tạp.

Xã hội là một bộ phận đặc thù của giới tự nhiên. Tính đặc thù của xã hội được thể hiện: khác với phần còn lại của tự nhiên chỉ có những nhân tố vô thức tác động lẫn nhau, xã hội, nhân tố hoạt động là con người có ý thức. Hành động của họ có suy nghĩ và theo đuổi những mục đích nhất định. Hoạt động của con người không chỉ tái sản xuất ra chính bản thân mình mà còn tái sản xuất ra giới tự nhiên.

Là một bộ phận đặc thù của tự nhiên, vừa là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa người với người, để tồn tại và phát triển xã hội vừa phải tuân theo những qui luật của tự nhiên vừa phải tuân theo những qui luật riêng chỉ tồn tại trong lĩnh vực xã hội.

Điều đó chỉ rõ, trước hết qui luật xã hội phải mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của qui luật chung, đó là tính khách quan, phổ biến và tính tất yếu. Qui luật xã hội mang đậm dấu ấn hoạt động của con người.

Tính khách quan

Tính khách quan của qui luật thể hiện ở chỗ:

Qui luật xã hội là qui luật hoạt động của con người có ý thức, nhưng nó không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của bất kỳ một cá nhân, một lực lượng xã hội nào.

Bởi vì bằng hoạt động thực tiễn con người làm ra lịch sử, song những hoạt động của con người thực hiện trong những điều kiện vật chất nhất định, sinh hoạt vật chất nhất định, trong những mối quan hệ nhất định giữa con người và tự nhiên, con người và con người. Những điều kiện và những mối quan hệ đó là khách quan với mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi thế hệ, mỗi con người khi họ theo đuổi mục đích của bản thân.

Qui luật xã hội thường được biểu hiện ra như những xu hướng mang tính xu hướng. Những mối liên hệ và tác động phức tạp lẫn nhau giữa người và người đã tạo ra những hoạt động khác nhau trong xã hội. Tổng hợp những lực tác động lẫn nhau đó tạo thành xu hướng của lịch sử, trong đó, lực hoạt động của khối đông người chiếm ưu thế. Điều đó có nghĩa là, mặc dù hoạt động của con người trong xã hội biểu thị cho nhiều mục đích, ý muốn khác nhau, thậm chí những mục đích, ý muốn đó là chồng chéo nhau, đối lập nhau nhưng qui luật xã hội chỉ phản ánh ý muốn, mục đích của khối đông người, phù hợp với xu thế vận động phát triển của lịch sử. Xu hướng này là khách quan, qui luật là hợp lý khách quan.

Tính tất yếu và phổ biến

Nghĩa là những quan hệ của con người được hình thành một cách tất yếu và phổ biến, nhằm thoả mãn nhu cầu sống của con người - nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội.

Quan hệ của con người và con người trong xã hội có nhiều cấp độ khác nhau:

Có loại quan hệ xã hội tồn tại phổ biến ở mọi hình thái kinh tế - xã hội như quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng…Tạo nên những qui luật chi phối mọi hình thái kinh tế -xã hội như: qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng…

Các quan hệ xã hội chỉ tồn tại trong một số hình thái kinh tế - xã hội như quan hệ gia đình, giai cấp, dân tộc…

Loại quan hệ chỉ tồn tại ở một số hình thái kinh tế - xã hội như quan hệ giữa địa chủ và nông dân, quan hệ giữa tư sản và vô sản…

Loại quan hệ chỉ tồn tại ở từng lĩnh vực riêng lẻ như lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá… như quan hệ giữa các Đảng, phái chính trị, quan hệ đạo đức, tôn giáo…

Qui luật xã hội phản ánh các loại quan hệ xã hội đó với mức độ tất yếu và phổ biến khác nhau.

Ngoài những đặc trưng của qui luật nói chung, qui luật xã hội còn có những đặc trưng riêng.

Qui luật xã hội tồn tại và tác động trong những điều kiện nhất định

Khi những điều kiện tồn tại tất yếu của qui luật bị xoá bỏ thì qui luật cũng không tồn tại. Ví dụ: đấu tranh giai cấp là một trong những động lực của lịch sử, là qui luật của xã hội có phân chia giai cấp đối kháng. Qui luật đấu tranh giai cấp sẽ chấm dứt hoạt động khi xã hội không còn phân chia giai cấp đối kháng.

Hình thức biểu hiện sự tác động của các qui luật thường bị biến dạng do hoàn cảnh lịch sử ở mỗi thời đại, giai đoạn, từng nước khác nhau. Nó cũng tuỳ thuộc vào trạng thái các quan hệ xã hội.

Các qui luật thể hiện rõ rệt khi các quan hệ vốn có đạt đến độ chín muồi nhất định.

Sự tác động của qui luật xã hội thường thông qua hoạt động của con người mà con người lại bị lợi ích là động cơ chi phối hoạt động. Do đó, lợi ích trở thành yếu tố quan trọng trong cơ chế hoạt động của qui luật xã hội, chi phối sự nhận thức của con người về qui luật. Điều này không làm mất đi tính khách quan của qui luật xã hội. Tuy nhiên lợi ích ở đây là lợi ích của cộng đồng, giai cấp, của khối đông người.

Như vậy, qui luật xã hội khác qui luật tự nhiên ở chỗ nó phải thông qua hoạt động của con người có ý thức, bị tác động bởi yếu tố lợi ích.

Để nhận thức qui luật xã hội cần có phương pháp khái quát hoá và trừu tượng rất cao

  • Bởi vì: sự biểu hiện và tác động của các qui luật xã hội thường diễn ra trong thời gian rất lâu, do đó, không thể dùng thực nghiệm để kiểm tra, cũng không thể dùng lối suy diễn một cách đơn thuần.

- Do vậy để nhận thức các qui luật xã hội cần:

Phải nghiên cứu các nguyên nhân thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội. Qui luật xã hội là qui luật hoạt động của con người. Nguyên nhân thúc đẩy hoạt động của con người là một chuỗi nhân quả xã hội.

Hoàn cảnh bên ngoài, gồm những điều kiện khách quan, nhưng quan trọng nhất là điều kiện kinh tế: nhu cầu, lợi ích, mục đích - hoạt động thực hiện mục đích. Trong đó nhu cầu và lợi ích giữ vai trò rất quan trọng, là khâu đầu tiên chuyển hoá những điều kiện khách quan thành tư tưởng bên trong thúc đẩy con người hoạt động.

Vì vậy, nhu cầu và lợi ích là động cơ trực tiếp thúc đẩy con người hoạt động, qua đó cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội.

Con người là hạt nhân của sự thống nhất biện chứng giữa xã hội và tự nhiên, do vậy, qui luật xã hội và qui luật tự nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau trong hoạt động của con người. Để đạt được sự phát triển lâu bền của xã hội, một mặt con người phải tôn trọng và tuân theo qui luật xã hội, đồng thời cũng phải tuân theo qui luật của tự nhiên.

Qui luật xã hội mang tính khách quan, việc con người có nhận thức được hay không? Có tự giác vận dụng hay không? thì qui luật xã hội vẫn luôn tồn tại và tác động ngoài ý thức của con người.

Khi con người chưa nhận thức và chưa vận dụng được qui luật thì chúng tác động như một lực lượng tự phát và biến con người trở nên bị động trước tính tất yếu. Ngược lại, khi con người nhận thức và vận dụng được qui luật xã hội vào các hoạt động có mục đích của mình thì con người làm chủ được tính tất yếu, thì con người đạt đến tự do.

Điều đó chỉ rõ con người tự do là nhận thức được qui luật và hành động theo qui luật. Nghĩa là tự do trên cơ sở nắm được tính tất yếu.

Tự do là sản phẩm của sự phát triển lịch sử. Quá trình phát triển của xã hội cũng là quá trình con người vươn đến tự do. Đến xã hội Cộng sản chủ nghĩa con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột con người mới thật sự làm chủ bản thân, tự nhiên, làm chủ xã hội, trở thành con người thực sự tự do.

Vai trò của yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội trong hệ thống tự nhiên - xã hội

+ Hệ thống tự nhiên xã hội?

Hệ thống tự nhiên - xã hội là một chỉnh thể trong đó những yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội tác động qua lại lẫn nhau, qui định sự tồn tại và phát triển của nhau.

Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở cấu trúc liên hoàn chặt chẽ của sinh quyển và được đảm bảo bởi cơ chế hoạt động của chu trình sinh học. Đó là chu trình trao đổi chất, năng lượng và thông tin giữa các hệ thống vật chất sống với môi trường tồn tại của chúng trong tự nhiên.

Chu trình hoạt động tuân theo qui luật chung với nguyên tắc: tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự bảo vệ theo một trật tự liên hoàn chặt chẽ, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống.

+ Vai trò của yếu tố tự nhiên trong hệ thống tự nhiên - xã hội

- Tự nhiên là điều kiện đầu tiên, thường xuyên và tất yếu của quá trình sản xuất vật chất: Là một trong những yếu tố cơ bản của những điều kiện sinh hoạt vật chất. Tự nhiên vừa là nhà ở, vừa là công xưởng, vừa là phòng thí nghiệm và là bãi chứa chất thải khổng lồ của xã hội. Vai trò đó thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội.

- Tự nhiên là môi trường sống của con người và xã hội. Vai trò này không thể thay thế và mất đi dù xã hội có phát triển ở trình độ nào. Tự nhiên cung cấp những thứ cần thiết nhất cho cuộc sống của con người. Cũng chỉ có tự nhiên cung cấp những điều kiện cần thiết nhất cho sản xuất xã hội. Theo Các Mác, “công nhân không thể sáng tạo ra cái gì hết, nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu trong đó lao động của anh ta được thực hiện, trong đó lao động của anh ta tác động và nhờ đó, lao động của anh ta sản xuất ra sản phẩm” .

- Tự nhiên luôn là tiền đề, điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tự nhiên có thể tác động thuận lợi hoặc gây cản trở sản xuất xã hội, qua đó có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

+ Vai trò của xã hội trong hệ thống tự nhiên - xã hội

Xã hội gắn bó với tự nhiên trước hết là nhờ lao động sản xuất. Lao động là đặc trưng cơ bản để phân biệt hoạt động của con người với động vật. Lao động đồng thời cũng là yếu tố đầu tiên cơ bản và quan trọng nhất tạo nên sự thống nhất giữa tự nhiên và xã hội. Vì, “lao động trước hết là một quá trình diễn ra giữa con người và tự nhiên, một quá trình trong đó bằng hoạt động của chính mình con người làm trung gian, điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ và tự nhiên”.

Sự trao đổi chất giữa con người và tự nhiên thể hiện trước hết: nếu tự nhiên cung cấp cho con người tất cả nguồn vật chất vốn có của mình thì con người và xã hội là người tiêu thụ. Quá trình sử dụng nguồn vật chất của tự nhiên, con người, xã hội loài người làm biến đổi tự nhiên nhanh chóng nhất, mạnh mẽ nhất so với tất cả những thành phần khác của chu trình sinh học.

Trong chu trình trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên có nét nổi bật:

Thứ nhất: xã hội có thể sử dụng tất cả nguồn vật chất vốn có của sinh quyển, từ động vật, thực vật, đến vi sinh vật; từ cát sỏi, đất đá đến các loại khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt,…; từ nguồn vật chất có hạn và tái tạo tới ánh sáng, nước, không khí…

Thứ hai là sự trao đổi chất của mắt khâu xã hội đạt hiệu quả thấp. Con người sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Do vậy, nếu trong chu trình này con người không kiểm tra, điều tiết quá trình khai thác các nguồn vật chất trong tự nhiên sẽ dẫn đến khủng hoảng sinh thái, sự thống nhất giữa tự nhiên và xã hội bị phá vỡ. Chính vì vậy mà yếu tố xã hội ngày càng giữ vị trí quan trọng trong sự tác động giữa tự nhiên và xã hội.

Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội

Quan hệ giữa tự nhiên và xã hội chịu sự tác động của các yếu tố: trình độ phát triển của xã hội, việc nhận thức qui luật tự nhiên, qui luật xã hội, cũng như sự vận dụng vào hoạt động thực tiễn của con người.

Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội

Lịch sử của xã hội loài người được làm nên bởi quan hệ giữa con người với tự nhiên và giữa những con người với nhau. Chính thông qua quan hệ với tự nhiên con người đã làm cải biến tự nhiên. Con người với hoạt động của mình đã làm cho lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội gắn bó với nhau, qui định lẫn nhau. Mối quan hệ đó phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội mà tiêu chí đánh giá nó là cách thức sản xuất ra của cải vật chất ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định của con người. Sự ra đời của những phương thức sản xuất cao hơn phương thức sản xuất trước đó đã quyết định những chuyển biến về chất của xã hội loài người đưa xã hội từ dã man sang văn minh.

Phương thức sản xuất qui định tính chất của mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên vì mỗi phương thức có những công cụ sản xuất khác nhau. Khi công cụ sản xuất thay đổi, mục đích sản xuất thay đổi kéo theo quan hệ giữa tự nhiên và xã hội thay đổi.

Do yêu cầu của thực tiễn mà con người luôn cải tạo, chinh phục tự nhiên, phục vụ cho cuộc sống của mình. Điều đó làm cho vai trò, phạm vi tác động của xã hội đối với tự nhiên ngày càng lớn. Khi trình độ mọi mặt của con người được nâng cao thì phạm vi tác động của xã hội ngày càng lớn đối với tự nhiên.

Tuy nhiên, sự tác động của xã hội đối với tự nhiên còn phụ thuộc vào tính chất chế độ xã hội. Tính chất của chế độ chính trị cũng qui định tính chất của môi trường tự nhiên. Điều đó chỉ rõ tính chất chế độ chính trị của xã hội nó qui định sự tác động của xã hội đối với tự nhiên nhiều hay ít? Thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển tự nhiên ? Vì tự nhiên chỉ là khả năng, nó có vai trò to lớn đối với sự phát triển sản xuất, phát triển xã hội. Nhưng việc khai thác tự nhiên như thế nào? đến đâu là phụ thuộc vào con người, hoạt động của con người, hoạt động đó phụ thuộc vào chế độ chính trị, xã hội.

Chế độ chính trị càng tiến bộ, khả năng huy động sức mạnh trong hoạt động của con người ngày càng lớn, tác động với mục đích tích cực hơn đến tự nhiên. Do vậy việc hướng tới một chế độ xã hội tốt đẹp trở thành một mục tiêu tất yếu của xã hội loài người để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội.

Ngày nay, con người đã đạt đến đỉnh cao trong sản xuất là nền đại công nghiệp cơ khí tự động hoá nhưng vì mục đích nền sản xuất mà con người coi tự nhiên chủ yếu là đối tượng khai thác đã dẫn đến khủng hoảng sinh thái ở một số nơi đe doạ sự sống của cả nhân loại. Vì vậy, để tồn tại và phát triển bền vững không còn con đường nào khác con người phải quay trở về chung sống với tự nhiên, thay đổi phương thức khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thay đổi mục đích sản xuất vì lợi nhuận, quan trọng hơn cả là thay đổi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa.

Mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội phụ thuộc vào trình độ nhận thức và vận dụng các qui luật trong hoạt động thực tiễn

Hoạt động sản xuất vật chất của con người là hoạt động chinh phục tự nhiên. Hoạt động này có thể làm cho tự nhiên thay đổi theo hai hướng:

Một là, nếu con người tác động vào tự nhiên theo đúng qui luật của thì con người tạo ra “Thiên nhiên thứ hai” hài hoà với sự phát triển của xã hội.

Hai là, nếu con người bất chấp qui luật, chỉ khai thác những cái sẵn có trong tự nhiên sẽ là nghèo tự nhiên và sự phá vỡ cân bằng giữa tự nhiên và xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Việc nhận thức qui luật tự nhiên và sử dụng những qui luật đó một cách hiệu quả để đảm bảo sự cân bằng của hệ thống tự nhiên - xã hội không thể tách rời việc nhận thức và vận dụng qui luật xã hội. Đó là tiền đề để từng bước điều chỉnh một cách có ý thức mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội.

Chỉ có nắm vững và vận dụng triệt để các qui luật xã hội mới xác định đúng đắn được mục đích của nền sản xuất, mới có ý thức tự giác để lựa chọn những công cụ, những phương tiện hợp lý để thực hiện mục đích đó, đảm bảo cho việc phát triển xã hội bền vững trong quan hệ hài hoà tự nhiên - xã hội.

Xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, thiết lập một chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất thực hiện sự hài hoà giữa tự nhiên và xã hội. Chủ nghĩa cộng sản cho phép giải quyết mâu thuẫn giữa con người với con người, con người với tự nhiên, tạo nên sự thống nhất xã hội và tự nhiên.

Tóm lại, tự nhiên và xã hội là hai yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau, trong mối quan hệ đó tính chất môi trường xã hội quyết định tính chất môi trường tự nhiên.

Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội cần phê phán một số quan điểm siêu hình như sau:

+ là hai thế giới hoàn toàn tách biệt song song tồn tại, giữa chúng không hề có mối quan hệ với nhau.

+ Hoặc tự nhiên là “tồn tại tự nó”, là “huyền bí” con người không thể nhận thức được tự nhiên, càng không thể cải tạo tự nhiên. Họ cho rằng: đứng trước tự nhiên con người thấy bất lực không thể giải thích được tự nhiên, từ đó họ không có năng lực cải tạo tự nhiên. Sự tác động của con người vào tự nhiên chỉ là sự tác động ngẫu nhiên, mù quáng, vô thức.

Thực chất quan điểm trên là những quan điểm sai lầm, nó tác động tới tính năng động chủ quan của con người trong quá trình cải tạo tự nhiên, làm chủ tự nhiên.

Vai trò của dân số đối với sự phát triển của xã hội

Khái niệm dân số:

Dân số là số lượng người làm ăn, sinh sống trong một vùng lãnh thổ nhất định nào đó: một quốc gia, một địa phương.

Vấn đề dân số nói đến nhiều mặt: số lượng dân số, chất lượng dân cư, mật độ dân cư, sự gia tăng dân số, sự phân bố dân cư theo lãnh thổ… Những yếu tố đó thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau, đồng thời phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, điều kiện chính trị xã hội.

Vai trò của dân số đối với sự phát triển của xã hội

* Được thể hiện ở hai bình diện: số lượng và chất lượng dân cư

Số lượng dân cư là số lượng người của dân số. Số lượng dân cư, mật độ dân cư thể hiện sức mạnh về lượng của dân số theo nghĩa số người càng đông, sức mạnh càng lớn. Thực chất đây là sức mạnh được tính theo cơ bắp, sức mạnh thuộc về thể lực của con người. Sức mạnh về lượng của dân số phụ thuộc rất lớn vào trình độ tổ chức, quản lý, vào sự đoàn kết, liên kết giữa người với người trong cộng đồng.

Sức mạnh về chất của dân số là thể hiện sức mạnh trí lực của con người-lao động trí tuệ như kỹ năng, kỹ xảo năng lực thực hành những hoạt động có hàm lượng khoa học cao, sự thông minh nhạy bén, ý chí, nghị lực… Sức mạnh về chất của dân cư phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cuộc sống, vào trình độ giáo dục, dân trí, vào truyền thống văn hoá, vào trình độ phát triển của khoa học công nghệ…

* Vai trò của dân số đối với sự phát triển của xã hội còn thể hiện ở việc dân số là điều kiện thường xuyên, tất yếu của sự phát triển xã hội.

Bất kỳ một xã hội nào cũng cần có một số lượng dân cư nhất định để tồn tại, phát triển.

Số lượng dân cư, mật độ dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến lao động xã hội, đến tổ chức phân công lao động xã hội. Số lượng dân cư hợp lý, mật độ dân cư phù hợp sẽ tạo điều kiện cho lao động xã hội phát triển, thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, các yếu tố của dân cư không hợp lý sẽ gây nên khó khăn cho sản xuất, qua đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Sức mạnh dân cư về số lượng chỉ được phát huy mạnh khi trình độ sản xuất còn thấp, chủ yếu mới sử dụng cơ bắp với sự hỗ trợ của các công cụ lao động thô sơ. Từ cuối thế kỷ XVII với sự ra đời của công nghệ cơ khí thì vai trò của sức mạnh dân số giảm xuống. Ngày nay, khi công nghệ cơ khí dần bị thay thế bởi công nghệ tin học thì lao động trí tuệ cũng dần thay thế cho lao động cơ bắp, sức mạnh chất lượng dân cư dần thay thế cho sức mạnh số lượng dân cư. Số lượng dân cư, mật độ dân cư chịu ảnh hưởng của sự gia tăng dân số, qua đó ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội. Sự gia tăng dân số quá nhanh hoặc quá chậm so với các điều kiện kinh tế - xã hội đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Dân số tăng quá nhanh sẽ dẫn đến những khó khăn về lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, việc làm… ảnh hưởng đến chất lượng dân cư, tạo nên sự di cư tự phát, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội. Ngược lại, nếu dân số tăng quá chậm sẽ dẫn đến thiếu lao động xã hội, gây khó khăn cho sản xuất, dịch vụ, phúc lợi xã hội…vấn đề dân số vừa phụ thuộc vào qui luật tự nhiên, liên quan đến môi trường tự nhiên, vừa phụ thuộc vào các điều kiện xã hội liên quan đến bản chất xã hội và các chính sách của nhà nước trong xã hội đó.

Giải quyết tối ưu vấn đề dân số là trách nhiệm của mỗi quốc gia nhưng nó là vấn đề toàn cầu. Nó yêu cầu phải xác định và giữ được tỷ tăng dân số hợp lý. Phân bố dân cư phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội đồng thời nó yêu cầu phải tăng cường chất lượng dân cư để xã hội phát triển bền vững.

Khi nghiên cứu về vai trò của dân số đối với sự phát triển xã hội, cần phê phán một số quan điểm sai trái như sau:

Lý thuyết Mantuýt (1798) trong cuốn “Tình trạng lý thuyết dân số” đã đưa ra kết luận: lương thực thực phẩm tăng theo cấp số cộng dân số tăng trưởng theo cấp số nhân, dẫn tới khoảng cách ngày càng xa giữa dân số và lương thực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo của nhân loại. Nguyên nhân chính là do quần chúng lao động nghèo sinh đẻ quá nhiều từ đó đưa ra hai giải pháp:

(1) Con người cần kiềm chế khôn ngoan: thanh niên nâng cao tuổi kết hôn, kêu gọi con người giảm bớt tần suất hoạt động tình dục.

(2) Đưa ra biện pháp kiềm chế mạnh: sử dụng chiến tranh để loại bớt “người thừa trong bữa tiệc thiên nhiên”.

Lý thuyết này sau được phái tân Mantuýt đẩy lên cao ở thế kỷ XX và trở thành lý thuyết cực kỳ phản động: họ phàn nàn các cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử trên thế giới chưa đủ tiêu diệt bớt số dân cần thiết. Vì vậy, phải đẩy mạnh chiến tranh - thậm chí chiến tranh hạt nhân: “Bom nguyên tử là câu trả lời của tự nhiên với sự ngoan cố của nhân loại không muốn hạ thấp mức sinh. Thuyết này kết tội các nhà y học phát hiện ra những thành tựu y học ngăn chặn bệnh tật gây chết người hàng loạt. Họ khẳng định để giải quyết tình trạng đói nghèo nhất thiết phải cưỡng bức quần chúng tiệt dục.

Đó là những lý thuyết đầu tiên và có diện rộng về dân số đặt ra tất cả những vấn đề cấp bách của nó.

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề dân số không chỉ có những biện pháp cực đoan trên mà có thể sử dụng nhiều biện pháp tổng hợp khác, mang tính tích cực. Điều đó phụ thuộc vào bản chất chế độ xã hội, vào nhận thức và vận dụng qui luật khách quan của con người.

Cũng cần phê phán các quan điểm sai trái khác về dân số như lý thuyết phân biệt chủng tộc về dân số, lý thuyết dân số tối ưu….

Vai trò của môi trường đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội

Khái niệm môi trường

Môi trường là toàn bộ những điều kiện mà trong đó con người sinh sống.

Môi trường bao hàm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên còn được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau như sinh quyển, môi trường sinh - địa - hoá, môi trường sống …thường được gọi chung là môi trường sinh thái.

Vai trò của môi trường tự nhiên với sự phát triển của xã hội

Môi trường tự nhiên là nơi sinh tồn của con người, xã hội.

Ở trình độ mông muội, khi con người chỉ biết chủ yếu hái lượm những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên thì con người hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, cuộc sống của xã hội phụ thuộc chủ yếu vào môi trường tự nhiên.

Khi trình độ văn minh cao hơn, nhất là khi khoa học kỹ thuật phát triển thì con người từng bước chinh phục tự nhiên, khai thác tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu của mình. Nhưng nhìn chung, tự nhiên vẫn có vai trò to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tự nhiên tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây khó khăn cho quá trình sản xuất xã hội, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Khi con người tác động mạnh mẽ vào tự nhiên một cách bất chấp qui luật con người sẽ vấp phải những vấn đề mới ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống tự nhiên xã hội. Môi trường tự nhiên không chỉ gây nên khó khăn cho quá trình sản xuất mà nó còn đe doạ tới sự sống còn của xã hội. Biểu hiện trước hết là sự khan hiếm và cạn dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn ô nhiễm môi trường, các hiện tượng xa mạc hoá, thủng tầng ôzôn…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên xong cơ bản và sâu xa nhất là chế độ xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã từng tận dụng một cách triệt để khoa học công nghệ để bóc lột con người, khai thác tự nhiên bất chấp qui luật tự nhiên. Muốn tự nhiên phát triển phục vụ cho con người thì việc xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân, tư bản là cần thiết. Đó là điều kiện nhưng chưa đủ để đảm bảo thống nhất hài hoà giữa tự nhiên và xã hội. Muốn đảm bảo sự cân bằng của hệ thống tự nhiên - xã hội cần xác định rõ mục tiêu sinh thái phải kết hợp với mục tiêu kinh tế làm cơ sở hoạt động sản xuất xã hội trên cơ sở nâng cao nhận thức về tự nhiên, xây dựng ý thức về sinh thái đặc biệt là đạo đức sinh thái.

Kết luận

hai yếu tố của hệ thống tự nhiên - xã hội. Xã hội và tự nhiên luôn có sự tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau. Tự nhiên có vai trò rất to lớn đối với xã hội là điều kiện thường xuyên và tất yếu của sự tồn tại và phát triển của xã hội, còn xã hội tác động trở lại tự nhiên thông qua hoạt động lao động sản xuất của con người. Vì vậy bản chất chế độ xã hội, sự hoạt động của con người sẽ tác động rất to lớn đến môi trường tự nhiên theo những khuynh hướng khác nhau qua đó ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội. Giải quyết vấn đề sinh thái, vấn đề dân số là trách nhiệm của mỗi người, mỗi chế độ xã hội.

0