Từ nhân học sinh học tới nhân học văn hóa
Từ nhân học sinh học tới nhân học văn hóa A.Gêlen (A.Gehlen) là đại biểu nổi bật của xu hướng nhân học sinh học. Luận đề về vô thức trong sự hiện hữu của con người và luận đề của Nitse về con người với tư cách là "động vật chưa được xác định" là yếu tố xuất phát của nhân học triết học của ...
Từ nhân học sinh học tới nhân học văn hóa
A.Gêlen (A.Gehlen) là đại biểu nổi bật của xu hướng nhân học sinh học. Luận đề về vô thức trong sự hiện hữu của con người và luận đề của Nitse về con người với tư cách là "động vật chưa được xác định" là yếu tố xuất phát của nhân học triết học của A.Gêlen.
A.Gêlen (A.Gehlen) là đại biểu nổi bật của xu hướng nhân học sinh học.
Luận đề về vô thức trong sự hiện hữu của con người và luận đề của Nitse về con người với tư cách là "động vật chưa được xác định" là yếu tố xuất phát của nhân học triết học của A.Gêlen.
A.Gêlen xác lập sự khác biệt có tính chất nguyên tắc giữa người và động vật là ở tổ chức sinh học của chúng. Do đó, ông bác bỏ lý thuyết nhị nguyên của M.Sêlơ về đời sống và tinh thần, mặc dù ông thừa nhận tính tinh thần là đặc tính của con người.
Theo Gêlen, tinh thần không có nguồn gốc ngoài cuộc sống, mà là khả năng hiện thực của chính bản tính sống của con người được thực hiện bằng sự cải tạo và phát triển lâu dài những tiền đề sinh học vốn có của nó. Không phải chỉ tinh thần, theo quan niệm của M. Sêlen, mà cả những bản năng thực tế của con người cũng có đặc tính chất lượng khác với động vật. Như vậy là Gêlen đã cố tránh sự giải thích siêu hình tư biện của Sêlơ về tinh thần và cố gắng liên hệ những khả năng bản năng và tinh thần của con người trong sự tiến hóa thống nhất của chính cơ sở sự sống sinh học.
Theo một luận đề chính của Gêlen, về mặt sinh học, con người là một "sinh vật thiếu hụt" không đầy đủ, bởi vì nó được trang bị hết sức tồi bằng những bản năng chưa được hoàn thiện và chưa được củng cố trong tổ chức sinh học động vật của mình. Động vật sống bằng khí quản có sẵn do tự nhiên phú cho. Còn con người được tiền định do tính không xác định và chưa được củng cố vê mặt sinh học, vì vậy, buộc phải sử dụng khả năng, năng lực của mình, nói cách khác, buộc phải sống theo kiểu khác hẳn động vật. Gêlen nói: con người không sống, nó thực hiện cuộc đời mình.
Sự không đầy đủ sinh học của sinh vật người đã tiền định tính mở của nó đối với thế giới. Động vật có sự liên hệ khu vực chặt chẽ và hẹp đối với một môi trường nhất định. Con người không có môi trường xác định như thế, nhưng nó có tính hài hòa kỳ lạ, có khả năng học tập, tức lối sống để sinh tồn. Gêlen gọi con người là sinh vật hoạt động.
Tính không chuyên của sinh vật người không những là điều kiện của "tự do" của "tính mở" đối với thế giới, mà trước hết như chính các nhà nhân học đã nói, còn là dấu hiệu của sự tồn hại sinh học, của sự không đầy đủ, và vì vậy, ngay từ đầu nó đã là dấu hiệu của sự bất lực và không tự do. Không cho phép "kẻ nô lệ được giải phóng". Tiền đề đó rõ ràng mang tính tiêu cực, không dẫn con người thực sự tìm thấy mình và lối sống của mình trong thế giới văn hóa: tính lịch sử sinh động và sáng tạo của con người "hoạt động" còn ở trong bóng tối.
Quan niệm của Gêlen về tính tiền định nhân học của các hình thức văn hóa của sự tồn tại của con người đã được phát triển trong đạo đức học đa nguyên của ông.
Trong học thuyết đa nguyên về đạo đức, Gêlen xuất phát từ giả thuyết cho rằng, con người có nhiều bản năng xung động độc lập về chức năng với nhau, đã tạo thành những động lực của những hành vi xã hội.
Nhân học văn hóa có những đại biểu có tên tuổi như E.Rôthake, M.Lanman.
Nguyên tắc nhân học triết học xem con người như là sinh vật hoạt động được lấy làm cơ sở cho học thuyết nhân học văn hóa của E.Rôthake. Nếu trong nhân học sinh học của A.Gêlen, con người được xem xét chủ yếu trên cơ sở của bản tính tâm lý sinh học đặc biệt, thì trong nhân học văn hóa, bản chất con người lại được lý giải trên cơ sở của tính duy cảm và tinh thần tiên nghiệm, làm cho con người mang đặc tính là kẻ sáng tạo thế giới văn hóa.
Hoàn toàn đồng ý với M.Sêlơ và A.Gêlen, E.Rôthake xem động vật như là sinh vật mang những ham thích, những bản năng của mình, cho nên gắn chặt với môi trường, không có khả năng quan hệ từ xa với môi trường. Con người với tư cách sinh vật có khả năng quan hệ từ xa với môi trường chung quanh; "Tính mở" của con người đối với thế giới không dẫn tới môi trường chung quanh có liên hệ với văn hóa. Mỗi nhóm người, mỗi dân tộc, mỗi nhóm nghề nghiệp... đều có môi trường chung quanh riêng của mình. Khi bước vào cuộc vận động, đại biểu của nhóm cắm rễ vào môi trường đã hình thành, nhưng nó có thể đi ra ngoài giới hạn của nó, làm thay đổi hoặc hoàn toàn phá bỏ nó.
So với quan niệm của Gêlen, nhân học văn hóa có nhấn mạnh vào những động cơ thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nhưng cơ sở sinh học sống vẫn được duy trì. Nó chỉ tiếp nhận cái hình thức của sự tiên nghiệm tình cảm nào đó có ý nghĩa nhất định đối với sự hình thành những kiểu văn hóa của đời sống. Cho nên, theo nhà nhân học văn hóa, điều kiện tiên nghiệm của bất cứ tri thức nào về hiện thực đều chứa đựng ngay trong tình cảm, trong cảm xúc, chứ không chỉ trong tri giác và những hình thức tư tưởng.
Nếu Gêlen tìm thấy tính tích cực trong sáng tạo của con người ở tố chất sinh học của sinh vật, thì Rôthake biện giải bằng nhu cầu hiện hữu - sống. Như vậy là ở đây, tính chủ quan sáng tạo của con người đã bị tuyệt đối hóa và những đặc điểm, những đặc tính khách quan và những giá trị chung của văn hóa vật chất và tinh thần đã bị gạt ra ngoài sự sáng tạo đó.
Nền tảng nhân học sinh học vững chắc đó, tuy có biến đổi bộ phận, vẫn đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc hình thành chủ nghĩa đa nguyên văn hóa.
Để làm việc đó, M.Lanman đã phê phán và xét lại thuyết tiến hóa của Đácuyn. Ông đã đi tới chỗ phủ nhận ý nghĩa quan trọng của lịch sử sinh học đối với sự hình thành con người và bác bỏ quan điểm tiến hóa lịch sử trong việc lý giải bản chất con người. Và hoàn toàn đứng trên lập trường của sự phân tích loại hình học, Lanman đã một mực khẳng định sự khác biệt giữa người và động vật.
Nếu chủ nghĩa vật lý ở cuối thế kỷ XIX đã lý giải cái mới như là cái cũ đã biến dạng, cái cũ là nguồn gốc thực sự tạo thành bản chất của cái mới, thì Lanman đề ra một nguyên tắc khác dựa vào hiệu quả của sự phát triển, vào cái mới do sự phát triển đó dẫn tới. Ông cho rằng, mỗi hiện tượng có ý nghĩa nội tại của nó. Vì vậy, người và động vật đều là sinh vật thiếu hụt cả, nếu nhìn chúng dưới hình thức tồn tại riêng thì cả hai đều sống trên cơ sở của những năng khiếu tích cực riêng của mình, độc lập và không thể quy cái này thành cái kia.
Bác bỏ sự lý giải tiến hóa - nhân qủa, M.Lanman đi tới chỗ phủ nhận tính chất tiến lên của sự phát triển. Theo tư tưởng của Bécson, sự tiến hóa sáng tạo được ông quan niệm không phải như sự vận động từ thấp tới cao, mà theo kiểu đa nguyên dưới hình thức tư tưởng của những kiểu xác đáng như nhau trong sự tồn tại của mình, kiểu này không thể được xác định bằng kiểu khác. Tất cả những biến đổi đã diễn ra không phải trên bình diện phát triển tiến bộ, cho nên cái cũ có ý nghĩa riêng, không có gì cần bù vào đó, còn cái sau không phải là sự hoàn tất cái đã nằm trong cái khác, mà ngược lại, sẽ vận động theo hướng hoàn toàn khác. Vì vậy, những hiện tượng của lịch sử sinh học và văn hóa không thể bị khuôn theo tuyến phát triển thống nhất mà tự chúng tồn tại. Phương pháp loại hình học của Laman trở thành một công cụ nhằm kiến giải lịch sử con người với tư cách là lịch sử có tính đa nguyên, các nền văn học có mục đích tự thân và bình đẳng, cái này không quy thành cái kia và được lý giải tách biệt nhau. Cũng trên quan điểm đó, sự khác biệt giữa xã hội "văn minh" và xã hội "nguyên thủy" cũng là tương đối ví như những xã hội trước đối lập sự phát triển cao của kỹ thuật với những hệ thống thần thuộc của xã hội sau. Người ta gọi đó là chủ nghĩa tương đối văn hóa.
Cuối cùng, phải nói tới vấn đề phương pháp luận của nhân học triết học.
Ở tất cả các nhà triết học tư sản mà ta nói đến, đều nổi lên một nguyên tắc phương pháp luận mà họ gọi là nguyên tắc diễn giải nhân học về các hiện tượng riêng biệt của đời sống con người. Đây là một phương pháp hết sức phổ biến mà người ta bắt gặp ở nhiều xu hướng triết học từ chủ nghĩa duy lý đến chủ nghĩa phi lý, đặc biệt trong đó có chủ nghĩa hiện sinh và nhân học triết học, hai trào lưu triết học phị lý có quan hệ vối nhau đa dạng đang được bàn ở đây.
Thực chất của nguyên tắc này là ở chỗ lý giải bản chất thống nhất của con người dưới ánh sáng của sự việc, của hiện tượng nào đó của đời sống con người. Nếu các người theo chủ nghĩa hiện sinh xuất phát từ những hiện tượng của đời sống tình cảm, tinh thần của con người, thì các nhà nhân học triết học xuất phát từ những đặc điểm sinh học riêng của nó.
Theo nguyên tắc này, họ phân tích một hiện tượng mà họ quan tâm và ra sức loại suy nó và con người sao cho nó có tính chất của một chức năng cần thiết và không thể tước bỏ của bản chất con người.
Tình hình trên cho hay nhân học triết học, một biến thể của chủ nghĩa phi lý vẫn không thoát khỏi sự khống chế của chủ nghĩa thực chứng, hình thức triết học thống trị của xã hội tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa kinh nghiệm tìm thẩm quyền ở "sự việc thực chứng", và chủ nghĩa duy lý này là cơ sở cho sự phát triển của chủ nghĩa phi lý, trong đó có chủ nghĩa tiên nghiệm của nhân học triết học.
soanbailop6.com